Pages

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

“Ông” đau lòng vì lương, dân đau lòng vì ai?

http://vneconomy1.vcmedia.vn/ThumbImages/Images/Uploaded/Share/2011/11/21/0171_450.jpgMạnh Quân


Trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh và giá thành sản xuất điện do Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối tuần trước tại Hà Nội-một động tác được cho là để mở đường cho việc tăng giá điện được suôn sẻ sắp tới, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN đã đưa ra một thông tin khiến nhiều người thấy ngạc nhiên: Lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn để hạch toán vào giá điện là 7,3 triệu đồng/tháng/người.

Ông Tổng giám đốc EVN nói: “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”. Bởi ông này cho rằng, chỉ với 7,3 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội thì chắc chắn cán bộ, nhân viên ngành điện sẽ không đủ sống.
Câu nói trên là là phát biểu chân thực của ông Phạm Lê Thanh và dường như ông muốn nói điều này đến đông đảo cán bộ, nhân viên trong ngành điện là ông rất thương nhân viên (!). Các kết quả thanh tra, kiểm toán cũng xác tín điều này.
Có những cán bộ lãnh đạo của EVN có mức lương, thu nhập đến 1 tỷ đồng, trên 1 tỷ đồng một năm mà cơ quan này phải lên tiếng nhắc nhở EVN về chuyện chi trả tiền lương.
Điều làm người ta bất ngờ là cái mức lương bình quân mà ông Thanh kêu là thấp đến mức phải “đau lòng” như vậy thực ra là cao hơn rất nhiều so mức lương ở nhiều ngành khác.
Cụ thể, theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiền lương bình quân của các loại hình doanh nghiệp năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng (đã tăng hơn 10% so với năm 2009). Lương bình quân trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng/tháng và trong khối doanh nghiệp tư nhân khác là 2,7 triệu đồng/tháng. Còn lương bình quân trong khối ngân hàng là 7-7,6 triệu đồng/tháng-tương đương như của ngành điện.
Tất nhiên là mức lương bình quân của EVN cho đến năm 2011 cũng sẽ tăng hơn đáng kể so với năm 2009 sau các đợt cải cách lương tối thiểu trong 2 năm qua.
Đúng là để sống được bình thường ở Hà Nội thì với một mức lương bình quân như ông Phạm Lê Thanh cho biết cũng có khó khăn và nhiều cán bộ kỹ thuật giỏi của EVN bỏ việc đi tìm việc với mức lương cao hơn. Nhưng nó vẫn chưa phải khó khăn đến mức ông thấy “đau lòng”. Khi mà trên thực tế, ở hầu hết các doanh nghiệp khác, nhất là cán bộ, công chức các ngành mức lương còn thấp hơn mức lương mà cán bộ, nhân viên của EVN hiện hưởng rất nhiều.
Cần phải nói thêm là ngoài mức lương đó-cán bộ, nhân viên ngành điện cũng như cán bộ, nhân viên các ngành khác còn có những khoản thu nhập khác không phải là lương cơ bản. Còn những cán bộ lãnh đạo cấp cao của EVN thì khỏi phải nói. Theo nguồn tin từ thanh tra bộ Tài chính thì có những cán bộ lãnh đạo của EVN có mức lương, thu nhập đến 1 tỷ đồng, trên 1 tỷ đồng một năm mà cơ quan này phải lên tiếng nhắc nhở EVN về chuyện chi trả tiền lương trong một kết luận thanh tra được ban hành từ mấy tháng trước.
Với mức lương chi trả cho cán bộ, nhân viên đó, EVN được đưa vào giá thành sản xuất điện và giá điện lại chuẩn bị tăng: chưa rõ thời điểm tăng nhưng tăng trong tháng 12, nghĩa là năm nay EVN đã được tăng giá 2 lần. Với con số lỗ trên 10.162 tỷ đồng, cộng với các con số lỗ lũy kế của năm 2011, nếu EVN không được tăng giá thì tập đoàn này có nguy cơ lâm vào tình trạng có thể phá sản.
Tất nhiên, lương chỉ là một phần nhỏ trong số lỗ khổng lồ ấy, phần nhiều có lý do là điện chạy dầu-giá quá cao so với giá bán, có lý do lỗ do chênh lệch tỷ giá… Tuy nhiên, lý do về lương cộng thêm yếu tố sự điều hành yếu kém của lãnh đạo EVN, chắc chắn là điều khiến đa số người dân không thể hài lòng về việc điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, EVN không giống như Vinashin, EVN không thể ngừng hoạt động sản xuất, truyền tải điện dù chỉ là nửa giờ trên toàn quốc nên kiểu gì, EVN cũng sẽ được điều chỉnh giá điện để mỗi lần tăng giá điện, dù chỉ 500-700 đồng/kWh sẽ gỡ lại cho tập đoàn này hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng-bởi vì gia đình nào cũng dùng đến điện, doanh nghiệp nào cũng dùng đến điện.
Phải trả tiền điện mà trong đó, có phần của mức lương mà ông Phạm Lê Thanh kêu “đau lòng” cho cán bộ, nhân viên của ông thì đại đa số khách hàng miễn cưỡng của ông cũng đau lòng gấp bội.

Không có nhận xét nào: