Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Obama xác định sát cánh với Đông Nam Á

Tổng thống Mỹ Obama và một số Lãnh đạo ASEAN tham gia Thượng đỉnh ASEAN- Hoa Kỳ tại Nusa Dua, Bali, ngày 18/11/2011.
Tổng thống Mỹ Obama và một số Lãnh đạo ASEAN tham gia Thượng đỉnh ASEAN- Hoa Kỳ tại Nusa Dua, Bali, ngày 18/11/2011.
REUTERS/Larry Downing
Mai Vân / Trọng Nghĩa
 
Vào hôm nay, 18/11/2011, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ ba đã mở ra tại Bali, tập hợp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á. Đây là dịp để Hoa Kỳ khẳng định một lần nữa quyết tâm gắn bó với khu vực, trong bối cảnh nhiều thành viên ASEAN bị Trung Quốc chèn ép trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Đặc phái viên Trọng Nghĩa nêu lên các điểm quan trọng được bàn thảo:
Nâng quan hệ Mỹ - ASEAN từ đối tác lên chiến lược
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia hôm qua cho biết là các cuộc họp với các đối tác đối thoại sẽ thảo luận về cách đào sâu thêm hợp tác chính trị và an ninh. Riêng với Mỹ, các lãnh đạo ASEAN có kế hoạch thảo luận cách nâng cao quan hệ đối tác lên một tầm cao chiến lược, bao gồm việc thành lập "Nhóm Nhân sĩ ASEAN-Mỹ", tiếng Anh là Eminent Persons Group.

Hai bên cũng trao đổi ý kiến về những thách thức đang đặt ra cho việc phục hồi kinh tế toàn cầu, an ninh năng lượng và cải cách chính trị tại Miến Điện. Tuy nhiên thời sự nóng bỏng hiện nay, nhất là tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với một loạt nước ASEAN từ Brunei, Malaysia đến Philippines, Việt Nam chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự, nhất là khi các quan chức Mỹ tháp tùng theo Tổng thống Obama luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biển Đông đối với Hoa Kỳ.
Một cách cụ thể, theo Đô đốc Robert Willard, người đứng đầu của bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Biển Đông là nơi có 12 nghìn tỷ đô la trao đổi thương mại của Mỹ qua lại hàng năm. Đối với ông Willard, Biển Đông là « một lợi ích sống còn đối với khu vực, một lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, …một khu vực mà Mỹ phải duy trì hòa bình và an ninh hàng hải, không để cho tranh chấp khu vực làm gián đoạn ».
Theo một nguồn thạo tin, xin ẩn danh, về hồ sơ Biển Đông, ông Obama đã xác định với các lãnh đạo ASEAN rằng đây là một vấn đề liên quan đến mọi người và tất cả đều cùng phải góp sức giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cũng theo nguồn tin trên, Tổng thống Mỹ còn cho rằng ASEAN cần có đồng thuận để có được giải pháp tốt cho vấn đề Biển Đông.
Quan điểm dấn thân của Mỹ vào hồ sơ Biển Đông đã từng chi phối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ nhất ở Singapore vào năm 2009, được nêu bật tại Hội nghị lần 2 tại New York vào năm ngoái, và năm nay lại càng nổi bật hơn nữa sau một loạt hành động của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Philippines, mà mới đây đã gián tiếp bị Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi là hành vi hù dọa.
Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN đánh dấu tiến trình “America is back” !
Vào lúc Hoa Kỳ bắt đầu triển khai chính sách Đông Nam Á mới của mình, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2009 đã tuyên bố tại Thái Lan một câu bất hủ “America is back” (Nước Mỹ đã trở lại). Tiếp theo tuyên bố lập trường đó, là một loạt những động thái cụ thể, từ việc tung ra sáng kiến Lower Mekong Initiative - kết hợp Hoa Kỳ với 4 nước hạ nguồn sông Mekong là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Cam Bốt - cho đến việc ký kết Hiệp ước bất tương xâm TAC với ASEAN. Đỉnh cao của các nỗ lực kết thân với Đông Nam Á chính là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, một cơ chế đã nhanh chóng trở thành thường niên.
Miến Điện, cái gai trong quan hệ Mỹ-ASEAN trước đó, cũng đã được Hoa Kỳ dần dần gỡ bỏ, bắt đầu với chuyến ghé thăm Miến Điện của Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ, nối tiếp bằng nhiều cuộc công du của các quan chức ngoại giao, và gần đây là việc chỉ định hẳn một đặc sứ chuyên trách Miến Điện – một vai trò tương đương với đại sứ.
Sắp tới đây, như chính Tổng thống Obama loan báo sáng nay, Ngoại trưởng Clinton sẽ đi thăm Miến Điện. Điều này có thể được xem là một dấu mốc mới trong chính sách mềm dẻo hơn của Mỹ đối với Miến Điện, không còn đơn thuần trừng phạt, mà kết hợp cả với những biện pháp khuyến khích.
Ngoài ngoại giao, Mỹ đã mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình, tăng cường hợp tác với cả các đồng minh như Thái Lan, Philippines, lẫn với các đối tác như Singapore, Việt Nam… Singapore sẽ cung cấp căn cứ cho tàu cận chiến duyên hải mới của mỹ, Việt Nam thì sẵn sàng mở cảng Cam Ranh cho tàu hải quân các nước, trong đó có Mỹ đến tiếp liệu hay bảo trì.
Và thái độ dấn thân sâu hơn của Mỹ còn thể hiện trong hành động có thể gọi là bênh vực các nước nhỏ như Việt Nam, và mới đây là Philippines, từ nhiều năm nay, đã bị Trung Quốc liên tục chèn ép trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Các hành vi gây sức ép trên các công ty dầu khí hay cản trở công việc của các ngư dân ngoài Biển Đông đã bị Hoa Kỳ tố cáo công khai, và hồi tháng Bảy năm ngoái, cũng ngoại trưởng Hillary Clinton, đã khẳng định ngay tại Hà Nội, trước mặt đồng nhiệm Trung Quốc, rằng tự do thông thương trên Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước Mỹ.
Hiệu ứng Obama tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN
Giới báo chí ở Bali đang nói tới một loại “hiệu ứng Obama”, vì sự hiện diện của ông đã thu hút sự chú ý của mọi người, mọi giới. Đây là điều cũng dễ hiểu, vì người dân Indonesia coi Tổng thống Mỹ như là đồng hương của họ, và lúc nào cũng nhấn manh rằng ông Obama hồi nhỏ sống ở đây, và nói thông thạo tiếng Indonesia.
Ngoài yếu tố tình cảm kể trên, cái gọi là hiệu ứng Obama cũng thể hiện trong địa hạt chính trị. Tại Hội nghị Asean lần này Philippines có thái độ cứng rắn và tự tin hẳn lên của khi đề xuất các ý kiến của mình trong hồ sơ Biển Đông. Theo các nhà quan sát, đó là vì Manila cảm thấy được Hoa Kỳ công khai ủng hộ thông qua Ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Obama.
Chính ông Ricky Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Aquino đã công nhận : “Sự hiện diện của Mỹ tăng cường mạnh mẽ khả năng khẳng định chủ quyền của chúng tôi trong một số lãnh vực nhất định.”

Đặc phái viên Trọng Nghĩa-Bali
18/11/2011
Ngoài ra, sự có mặt của Tổng thống Obama tại Bali, với quyết định của ông là sẽ đề cập đến vấn đề gọi là “an ninh hàng hải” ở Thượng đỉnh Đông Á đã khiến Trung Quốc khó chịu vì Bắc Kinh đã tìm mọi cách chống lại việc quốc tế hóa Biển Đông.
Vào hôm nay, nhân cuộc họp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Barack Obama đã thẩm định rằng Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là diễn đàn "hàng đầu" để thảo luận về những mối quan ngại liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải. Đây là điều mà Bắc Kinh cực lực phản đối, cho rằng các diễn đàn quốc tế không phải là nơi để bàn về vấn đề này.
Trong một cuộc họp với các lãnh đạo Đông Nam Á hôm nay, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phản ứng ngay lập tức cho rằng tranh chấp Biền Đông là một vấn đề riêng của khu vực, và “Các thế lực bên ngoài không nên viện bất kỳ cớ nào để can thiệp ».

Không có nhận xét nào: