M Goonan – Asia Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Khi một số khách du lịch Việt Nam trở về nước với những đồ chơi tình dục trong hành lý của mình, các nhân viên hải quan đã bối rối không biết xử lý ra sao. Nhập khẩu những món hàng này với mục đích thương mại thì không hợp pháp tại Việt Nam, nhưng cơ quan công lực lại không rõ là có luật lệ nào cấm đoán việc nhập khẩu chúng để sử dụng cá nhân hay không.
Sau khi giới truyền thông địa phương thổi phồng câu chuyện, vào tháng Mười chính quyền đã công bố một lệnh mới cấm mọi đồ chơi tình dục được nhập vào Việt Nam. Việc cấm đoán này dựa trên một lệnh khác dùng để cấm “những sản phẩm phản động đồi trụy” bao gồm những mặt hàng có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với “phẩm giá, giáo dục và an ninh xã hội” của quần chúng.
Cũng như nhiều luật lệ giới hạn thương mại khác của Việt Nam, điều lệ mới có thể được hiểu theo nhiều cách. Trong khi đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua đối với luật lệ liên quan đến thương mại và đầu tư, những điều khoản như lệnh cấm đồ chơi tình dục ở trên đã tăng thêm quan ngại từ những hiệp hội kinh doanh và chính phủ nước ngoài về sự cam kết của Việt Nam trong vấn đề tự do mậu dịch.
Kể từ khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng Giêng năm 2007, Việt Nam đã chỉnh đổi những luật lệ liên quan đến hải quan và thương mại để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như việc thẩm định giá trị hàng hoá hiện đã đồng nhất với các điều luật về hải quan của Hiệp ước Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), hiện đại hoá một hệ thống mà trước đây thường dễ bị tham nhũng với những mức thuế cao đầy cứng nhắc.
Tuy nhiên những luật lệ thương mại khác vẫn không phù hợp với yêu cầu của WTO. Cụ thể là những nhà đầu tư nước ngoài ở đây than phiền rằng quá trình xin và trình cái gọi là giấy phép nhập khẩu “tự động”, chắc chắn là không phải vì sự quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, đã làm tăng thêm thời gian và chi phí không cần thiết cho thương mại. Như một doanh nhân người Mỹ dấu tên nói: “Nếu đã là tự động, thì sao lại phải cần giấy phép?”
Các nhà chỉ trích nói việc không nhất quán về luật lệ được thiết lập để đặc biệt giới hạn nhập khẩu và tăng cường nhập siêu. Khi các nền kinh tế phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang chậm bước vì những gánh nặng nợ nần, nhiều nước đang thúc đẩy việc thâm nhập vào các thị trường của những nước đang phát triển để giảm bớt nạn thâm thủng mậu dịch. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cam kết tăng gấp đôi giá trị hàng hoá xuất khẩu của Hoa Kỳ vào năm từ 2009 đến 2015.
Điều này đang đặt nhiều luật lệ thương mại của Việt Nam dưới cái nhìn khắt khe hơn. Là một phần trong cái gọi là Hiệp định Thương mại và Đầu tư 2007, các quan chức thương mại Hoa Kỳ xem xét định kỳ những cam kết về WTO của Việt Nam và đề xuất những phương cách khác nhau nhằm tăng cường quá trình thương mại và đầu tư song phương. Việc này bao gồm những thảo luận của Hoa Kỳ gần đây với Việt Nam để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm phát triển thương mại, một đề xuất của Hoa Kỳ nhắm vào các quốc gia Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ có một lượng thâm thủng mậu dịch đến 11,2 tỉ Mỹ kim với Việt Nam trong năm 2010, tác động bởi việc Hoa Kỳ nhập những mặt hàng may mặt, bàn ghế và giày dép từ Việt Nam, căn cứ theo dữ liệu thống kê mậu dịch của Hoa Kỳ. Chắc chắn những nguồn hàng này sẽ bị đe doạ nếu hai bên không đạt được một thoả thuận mới về hợp tác hải quan, luật lệ về giấp phép nhập khẩu, chính sách về công nghệ sinh học và các biện pháp vệ sinh, bao gồm các điều khoản đã ngăn cản thịt bò Mỹ nhập vào Việt Nam.
Các nhà thương mại Hoa Kỳ và châu Âu cũng lên án một chương trình mới của chính phủ mà bề ngoài có vẻ nhằm để đơn giản hoá quá trình thương mại bằng cách cho phép họ nộp đơn xin xuất khẩu trực tuyến, nhưng trên thực tế vẫn bắt buộc họ phải nộp hai bản giấy cho quan thuế trước khi họ được phép chuyển hàng ra nước ngoài.
Tự do suy diễn
Từ an ninh quốc gia cho đến thương mại quốc tế, Việt Nam vẫn còn giữ nhiều luật lệ có thể được hiểu theo nhiều cách, cho phép nhà cầm quyền có thể tự do suy diễn theo ý mình. Bất chấp những cam kết của Việt Nam đối với WTO, họ vẫn lưu hành những luật lệ hải quan khó hiểu. Nhiều luật lệ thường xuyên bị các quan chức hải quan vô liêm sĩ bóp méo để trục lợi, các nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế cho biết.
Frederick Burke, một thành viên cao cấp thuộc tổ hợp luật sư Baker and McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh tin rằng điều này ngăn cản quá trình thương mại và đầu tư. “Một số quan chức hải quan làm việc với ý đồ xấu. Họ dùng bất cứ điều luật nào và tuỳ tiệc bóp méo cho đến khi đạt được điều mình muốn,” Burke nói. “Đây là một tệ nạn mang tính hệ thống và cần phải chấm dứt. Loại người này đang cản trở Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới.”
Burke dẫn ra một ví dụ mà ông đã trải qua khi mẹ ông mướn một nhà xuất bản in một cuốn sách về San Francisco mà bà dự định sẽ sản xuất tại Việt Nam và xuất ra nước ngoài. Bà bị ngành hải quan yêu cầu phải đóng huy hiệu của nhà xuất bản Việt Nam trên bìa trước của cuốn sách mặc dù nó sẽ không được bán tại Việt Nam.
Rõ ràng là việc làm ăn tại Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn một cách đáng kể trong quá trình chuyển hoá đầy kịch tính từ một nền kinh tế khép kín, tập trung trong những năm 1980 thành một nền kinh tế hướng ngoại với xu hướng thị trường hiện nay. Xuất nhập khẩu và những trao đổi thương mại từng chỉ giới hạn trong những quốc gia thuộc khối Xô Viết giờ đây đang hướng đến một thế giới rộng hơn, mặc dù Việt Nam vẫn được xem là một nền kinh tế “đóng cửa” trong nhiều khía cạnh.
Việc phục hồi quan hệ song phương với Hoa Kỳ vào năm 1995, một hiệp định thương mại song phương cũng với Hoa Kỳ trong năm 2001, và việc gia nhập WTO đều đã giúp Việt Nam hoà nhập vào nền kinh tế toàn cầu và đóng góp vào một số năm với mức tăng trưởng cao nhờ xu hướng thị trường. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu hạt điều đứng đầu thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê và gạo, và đang nhanh chóng leo lên bậc thang sản xuất các mặt hàng giá trị khác.
Một giải thích cho những điều luật thương mại rắc rối và mâu thuẫn trên là chính phủ đang tuyệt vọng muốn giữ nguyên tình trạng nhập siêu mạnh mẽ để củng cố nền tài chính quốc gia. Tiền đồng nội tệ vẫn tiếp tục bị tụt giá so với đồng Mỹ kim khi thị trường phản ứng với nạn lạm phát gia tăng, vốn đã nhảy vọt đến 20% trong những năm gần đây, việc nợ nần gia tăng tại những công ty nhà nước thiếu hiệu quả cũng như quỹ dự trữ ngoại tệ đang cạn dần.
Trong năm nay đầu tư nước ngoài trực tiếp đã giảm hơn 20%, làm tăng thêm áp lực vào quỹ dự trữ quốc gia. Để đối phó, tháng trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh thành lập một uỷ ban cố vấn chuyên xem xét các chính sách tiền tệ và ngân sách. Trong khi đó ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu về những kế hoạch nhằm củng cố lại lĩnh vực ngân hàng khó bấp bênh mà các nhà phân tích cho rằng có thể dẫn đến khủng hoảng.
Để giữ vững niềm tin đối với hướng đi của Việt Nam, các doanh nhân và nhà đầu tư ở đây lập luận rằng chính phủ cần phải ưu tiên việc cải cách luật thương mại. Hiện trạng kinh tế đang rất nghiêm trọng: trong những năm gần đây nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đã thiết lập các cơ sở lớn tại đây, bất chấp những cản trở quan liêu từ chính quyền, cơ sở hạ tầng lạc hậu và chính phủ không có khả năng quản lý sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Theo một báo cáo được đưa ra trong năm nay của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, ngành sản xuất với vốn nước ngoài chiếm đến 42% tổng số hàng hoá làm ra và hơn phân nửa tổng số hàng xuất khẩu trong năm 2010. Sự tổng hợp của tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lương thấp, cũng như giá lao động đang tăng tại Trung Quốc đã hấp dẫn các nhà đầu tư sản xuất nước ngoài vào Việt Nam, báo cáo cho biết.
Họ bao gồm những công ty công nghệ như Intel và Canon, cả hai vừa qua đều đã thiết lập những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Dây chuyền sản xuất mạch của Intel có giá trị hơn 1 tỉ Mỹ kim, trong khi Nokia sẽ hoàn thành nhà máy trị giá 280 triệu Mỹ kim trong năm tới. Những đối thủ trong khu vực như Tata Steel của Ấn Độ cũng đã bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Những đầu tư đa quốc gia tầm cỡ này phản ánh sự tin tưởng trước đây vào sự cam kết của Việt Nam về nghĩa vụ của mình đối với WTO và việc theo đuổi thương mại tự do. Tuy nhiên nạn quan liêu tham nhũng của ngành hải quan và những luật lệ thương mại mâu thuẫn vẫn tạo ra những rủi ro tiêu cực lớn. Nếu Việt Nam thật sự mong muốn mở rộng tiềm năng thương mại của mình một cách tối đa, chính quyền cần phải sớm đưa ra những luật lệ thương mại rõ ràng hơn về những mặt hàng khác hơn là chỉ những món đồ chơi “đồi trụy” của người lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét