Pages

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Vinashin, không thể hay có thể?

http://tintuchangngay4.files.wordpress.com/2011/10/vinashin_466x262_nocredit1.jpg?w=320&h=262&h=179Lưu Mạnh Anh

Tháng 5/2006, bằng quyết định 103 (1) do cựu Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành, “con tàu” Vinashin được hình thành. Những tưởng cánh buồm căng gió “vươn ra biển lớn” sẽ mang những thành công rực rỡ về cho đất nước tự hào có bờ biển dài nhất Đông Nam Á. Thảm hại thay! Không đầy 5 năm sau, cơn bão tố cuồng điên đang thổi vào từng cánh buồm tơi tả mang tên Phạm Thanh Bình, Nguyễn Tấn Dũng, Phan Văn Khải… với món nợ khổng lồ, 5 tỉ Mỹ kim! Ôi! Thương thay cho những mảnh buồm te tua không chịu nổi những cơn sóng cả, với thời gian quá ngắn ngủi! Tội nghiệp! Cái vỏ bọc mỹ miều mang tên: Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – VINASHIN GROUP (2) nay như lá chuối héo vắt vẻo trên cơ thể gầy gò, xám ngoét của thằng nghiện đang vật vã lên cơn đói thuốc – cơn đói có giá 5 tỉ Mỹ kim!
Khi tình hình Vinashin lâm vào cảnh nợ nần, làm ăn thất bát đến mức không thể bưng bít được nữa trước dư luận trong và ngoài nước, Bộ chính trị ĐCSVN đã ra kết luận mang số 81-KL/TW ngày 31/7/2010(3). Do đó, thật khó để quy kết mọi sai phạm do Nguyễn Tấn Dũng phải chịu, như ông ta thường tuyên bố (trong dự án khai thác bauxite): “Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”.

Quả đúng vậy, không chỉ Vinashin, tất cả các dự án lớn, quan trọng (hiện nay người Trung Quốc thắng thầu, thực hiện) mọi sai phạm, thối nát phải được quy về cho Bộ chính trị của ĐCSVN. Mọi quyết định dẫn đến sai phạm, nợ nần, bội tín với thế giới, làm cho nhân dân Việt Nam tủi nhục đều do chính các cá nhân trong Bộ chính trị đã gây ra. Vì vậy, những cái tên sau đây cần được điểm mặt một lần nữa:
01. Nguyễn Phú Trọng
02. Trương Tấn Sang
03. Phùng Quang Thanh
04. Nguyễn Tấn Dũng
05. Nguyễn Sinh Hùng
06. Lê Hồng Anh
07. Lê Thanh Hải
08. Tô Huy Rứa
09. Phạm Quang Nghị
10. Trần Đại Quang
11. Tòng Thị Phóng
12. Ngô Văn Dụ
13. Đinh Thế Huynh
14. Nguyễn Xuân Phúc
Thật vậy, nói riêng về Vinashin, mọi việc tưởng chừng có hướng đi tốt đẹp sau khi nhận “ánh lửa soi đường” do “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” xuất phát từ kết luận 81-KL/TW của Bộ chính trị ĐCSVN (tức là 14 vị nói trên), để từ đó các văn bản như:
- Quyết định 1470/QĐ – TTg ngày 13/8/2010 v/v thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu ra đời, do Nguyễn Sinh Hùng (chức vụ lúc bấy giờ là PTT) làm trưởng ban chỉ đạo (2).
- Quyết định 2108/QĐ – TTg ngày 18/11/2010 v/v phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (3).
ra đời đều dựa trên kết luận ấy thì quy kết trách nhiệm cho Bộ Chính trị có gì là oan?! (*) Cần chỉ rõ sai lầm của kết luận 81-KL/TW ở chỗ: quyết định cho Vinashin “TÁI CƠ CẤU” (thực chất là chia sẻ bớt nợ cho DNNN khác như: Vinalines, PVN) như tác giả Nguyễn Trần Bạt chỉ ra: Vinashin như con bệnh truyền nhiễm, lẽ ra khoanh vùng, cách ly lại đi gieo rắc virus lây bệnh cho những cơ thể khác, biến vụ kiện Eliott trở thành vụ kiện tập thể, nghĩa là nhiều DNNN khác phải gánh chịu chung.
Người CS lại luôn nhập nhằng và đánh lận con đen với cụm từ đầu môi chót lưỡi như Nguyễn Tấn Dũng leo lẻo: “Chủ trương lớn của đảng và nhà nước”. Đối với họ, chỉ cần “kéo” đảng vào chung với nhà nước là yên chuyện, bởi ai cũng biết nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” theo điều 9 khoản 1 điều lệ ĐCSVN (6). Do vậy, công bằng không thể đổ lỗi hết cho Nguyễn Tấn Dũng hay Phạm Thanh Bình cùng đồng bọn.
Thêm vào đó, điều không thể chối cãi về Vinashin, đó là tập đoàn quốc doanh (chúng ta biết chương IX điều lệ ĐCSVN – đảng lãnh đạo Nhà nước (trong khi nhà nước sở hữu Vinashin, vậy đảng lãnh đạo Vinashin (doanh nghiệp quốc doanh) là tất yếu). Lợi nhuận (nếu có) đều thuộc về đảng (thông qua nhà nước), lỗ lã tất nhiên phải do đảng (thông qua nhà nước) gánh chịu (vì đảng dùng NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC để duy trì hoạt động, theo điều 46 chương XI). Đừng vội mừng, bởi lẽ “Đảng ta” làm gì có… TIỀN (!). Hậu quả tất yếu là người dân đưa lưng ra gánh nợ là chắc chắn như tác giả Nguyễn Ngọc Già nhận định.
Quả bế tắc, nếu phân tích trên được đa số bạn đọc đồng tình. Bế tắc ở chỗ, “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” khi muốn quy trách nhiệm cụ thể, có lẽ nhiều người chưa quên Nguyễn Tấn Dũng đã đổ ngay cho Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải khi bị Quốc hội khóa trước chất vấn, đặc biệt từ ông Nguyễn Minh Thuyết. Có gì lạ, khi Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi suông và hứa sẽ làm tới nơi tới chốn vụ Vinashin.
Thông tin mới nhất từ VNN cho biết (7), một ngân hàng lớn “sẵn sàng mua lại toàn bộ khoản nợ của Vinashin với giá bằng 35% mệnh giá, tức 210 triệu đô la Mỹ so với gốc 600 triệu đô la Mỹ và trả tiền ngay”, giới trong nghề xem thông tin này chỉ như một đòn thăm dò chủ nợ cũng như khơi mào cảm giác hy vọng cho người dân với một chỉ dấu có vẻ tích cực chớ không quá đìu hiu như nhiều người nghĩ, mong muốn mua nợ có vẻ chỉ là chiêu ảo; vả chăng, động thái này không khác gì việc biến Vinashin trở thành một ả làng chơi – dù trước đó xinh tươi nhưng nay đã hết thời – bị buôn qua bán lại(!). Thậm chí nếu thông tin này là sự thật, xin cam đoan với các độc giả, đó nhất định là NGÂN HÀNG QUỐC DOANH (nghĩa là vốn nhà nước), NỢ VẪN HOÀN NỢ. Thực hiện chiêu này (nếu có), nhằm để “nhà nước” xí xóa dần dần nợ cho Vinashin, “công cuộc xí xóa” sẽ diễn ra từ từ êm ả sau khoảng 5 – 7 năm khi người dân tối mắt với cơm áo mà quên lãng nó đi, điều này cũng giúp xí xóa nợ cho 14 ông (bà) trong Bộ chính trị chứ có gì là lạ!
Bài báo càng chủ quan hơn khi cho biết: “Giả sử nếu Vinashin thua và phải chấp nhận phán quyết của tòa, việc Elliott phát mãi tài sản của các công ty con và tập đoàn sẽ gần như không thực hiện được vì tài sản đó nằm ở Việt Nam. Ngoài ra, phần lớn trong số 21 công ty kia đã được chuyển giao cho Vinalines và PetroVietnam. Chúng không còn thuộc tài sản của Vinashin. Việc bắt giữ các tàu thuộc về Vinalines và PetroVietnam ở hải phận quốc tế hiện nay là trái luật”. Nhận định này có tính khả thi khi đặt bối cảnh Việt Nam vào cách đây… 15 năm về trước (!), thời mà Mỹ chưa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với VN cũng như VN chưa phải là thành viên của WTO từa tựa như Bắc Hàn hay Cuba hiện tại! Dù sao cũng thành tâm chúc Vinashin vui vẻ với nhận định tự tin và mạnh mẽ đến thế! :)
Đừng nghĩ đến việc chạy làng như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa tuyên bố: “Vinashin vay thì Vinashin tự trả”, dù Bộ trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết đang báo cáo về Vinashin một cách chi tiết trước Quốc hội (8). Do vậy:
- Không có cách nào khác ngoài cách công khai, minh bạch, yêu cầu Chính phủ báo cáo trung thực toàn bộ nợ và cơ cấu nợ của Vinashin. Đây là yếu tố quan trọng nhất.
- Trên cơ sở đó, cần phải có phương án trả nợ, giãn nợ, đảo nợ, bán nợ cụ thể (tính trên tổng nợ). Vì mọi người đều biết, cơ cấu nợ của Vinashin rất phức tạp: nợ nước ngoài không bảo lãnh của CP, nợ nước ngoài có bảo lãnh của CP, nợ nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu, nợ trong nước có bảo lãnh (hoặc thế chấp), nợ trong nước không bảo lãnh (vay tín chấp hay bị Thủ tướng ép NH cho vay như trường hợp các ngân hàng bị ép cho EVN vay 10.000 tỉ đồng để trả cho PVN), nợ bằng hàng hóa, khoản ứng trước không thu hồi được (nghĩa là bị các chủ nợ khác chiếm dụng), lãi bị phạt do vi phạm hợp đồng, nợ (các loại) thuế v.v…
- Thực hiện công bố đại chúng để người dân không mơ hồ và sốc khi biết món nợ có thể vượt hơn nhiều so với thông tin ban đầu, vì lúc Vinashin vay cho đến nay, tỉ giá thay đổi quá nhiều.
- Cuối cùng, mạnh dạn trở lại với đề nghị của cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã đến lúc dùng chút lòng tự trọng mạnh dạn dứt áo rút lui chính trường êm đẹp nhằm làm gương cho các đồng chí của mình, song song đó, mở đường cho Tòa xử nghiêm tất cả những người liên quan đến món nợ Vinashin.
ĐCSVN và nhóm lợi ích không chỉ nợ nước ngoài 5 tỉ Mỹ kim mà còn nợ dân tộc Việt Nam món nợ vô giá – Quyền làm chủ đất nước thông qua bầu cử tự do và hợp pháp. Hãy trả món nợ này cho Dân tộc Việt Nam ngay, trước khi quá muộn!
Lưu Mạnh Anh
_____________
(*) Hèn chi, nhiều người đố vui: Bộ quan trọng nhất nhưng không có Bộ trưởng, bộ quyết định mọi việc nhưng không chịu trách nhiệm là bộ gì?!

Không có nhận xét nào: