Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Cách chức? Đúng nhưng chưa đủ

Trần Huy Thuận

“Cách chức được rồi, nhưng chỉ thế thôi thì không có tác dụng răn đe. Còn phải xác định trách nhiệm của họ đối với toàn bộ tài sản của các gia đình nông dân bị cưỡng chế chứ? Lại còn trách nhiệm đối với những thiệt hại vô hình gây ra đối với xã hội suốt thời gian qua nữa, đúng không?..”
Kèo này, Hải Phòng vừa có quyết định cách chức của hai ông lãnh đạo Huyện Tiên Lãng rồi đấy.
Cột: – Kèo này, Hải Phòng vừa có quyết định cách chức của hai ông lãnh đạo Huyện Tiên Lãng rồi đấy.
Kèo: – Mình đọc báo, biết rồi. Như vậy là vụ việc đã có kết quả bước đầu, nhẩy?
Cột: – Lại cả cậu cũng nói thế! Sao người ta cứ lấy cái chức cái tước ra để đánh giá công việc vậy nhỉ? Không trách cái nạn chạy chức chạy tước ở ta nó tràn lan đến thế. Cấp nào, địa phương nào cũng có nạn chạy chọt ấy, buồn quá!
Kèo: – Không “cách” thì bảo kỷ luật không nghiêm, “cách” cậu cũng kêu. Chả biết làm thế nào mới đúng đây. Những người dân như cậu, thật… khó chiều quá!

Cột: – Tớ có nói cách chức là sai đâu? Việc sai phạm đến mức phải cách chức, đương nhiên cần cách chức, không nương nhẹ, không bao che, không ỷ thế, không kể công…
Kèo: – Thế thì thì cậu còn muốn gì?
Cột: – Xưa nay, chúng mình đều được dạy: Nguyên tắc cao nhất của Kỷ luật là TỰ GIÁC, đúng không?
Kèo: – Thì điều 39 Điều lệ Đảng nêu rất rõ rồi: “Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật”…
Cột: – Bác cũng dậy: ”Kỷ luật này là do lòng tự giác của Đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng” . Tự nguyện tự giác nhận ra khuyết điểm mới là quan trọng.
Kèo: – Nghĩa là cậu còn thắc mắc điều gì?
Cột: – Điều người dân chúng mình thực sự muốn biết là những cán bộ của dân ấy, có tự nhận thức được sai lầm của họ không? Chịu kỷ luật nhưng trong đầu óc vẫn u mê, chả hiểu tại sao lại bị kỷ luật, thì kỷ luật ấy cũng bằng thừa! Thừa vì chẳng có tác dụng giáo dục chính người bị kỷ luật lẫn những người chưa bị kỷ luật!
Kèo: – Ý cậu là muốn được công khai xem hai ông cán bộ Huyện ấy đã nhận thức thế nào về lỗi của mình trong quá trình cưỡng chế cái đầm nhà nông dân Vươn?
Cột: – Không chỉ hai ông cán bộ Huyện, mà cả những ông cấp cao hơn, thực sự có nhận thức được đầy đủ kết luận của thủ tướng là trong vụ việc này, họ đã sai cả luật và đạo lý không?
Kèo: – Tớ thấy vấn đề là sai thì phải kỷ luật, chứ “nhận thức” của đương sự thì quan trọng gì?
Cột: – Sao không quan trọng? Có hai vấn đề trong chuyện nhận thức. Thứ nhất, nhận thức sai là do trình độ hiểu biết về pháp luật kém. Thứ hai, nhận thức sai vì cái thói cậy quyền cậy thế, tự cho mình đã làm đến cái chức ấy thì muốn bắt dân thế nào, dân cũng phải chịu? Kiểu sai đầu thì còn có thể khắc phục bằng cách đào tạo lại, đào tạo thêm, chứ sai kiểu sau thì… bó tay mất thôi!..
Kèo: – Chắc là cũng có kiểm điểm cả rồi… Có điều chưa công khai rộng rãi thôi.
Cột: – Tại sao lại chưa công khai rộng rãi? Tại sao lại cứ ngại dân thế nhỉ, ngại dân thì sao gần dân, sao lắng nghe được ý kiến của dân, sao gọi là chính quyền của dân?
Kèo: – Ấy là tớ tự nghĩ mà nói ra thế chứ có phải mấy ông lãnh đạo đó nói đâu.
Cột: – Thì tớ thấy cậu nói thế, cũng hỏi lại cậu thế chứ tớ có hỏi mấy ông ấy đâu!.. Mới lại, tớ còn một băn khoăn nữa…
Kèo: – Lắm băn khoăn thế? Nói ra thử xem nào, may ra tớ giúp cậu giải tỏa được cũng nên.
Cột: – Cách chức được rồi, nhưng chỉ thế thôi thì không có tác dụng răn đe. Còn phải xác định trách nhiệm của họ đối với toàn bộ tài sản của các gia đình nông dân bị cưỡng chế chứ? Lại còn trách nhiệm đối với những thiệt hại vô hình gây ra đối với xã hội suốt thời gian qua nữa, đúng không?..
Kèo: – Thì sự việc đã xong đâu, còn phần xem xét của các cơ quan pháp luật nữa cơ mà!
Cột: – Thì tớ cứ nói phòng xa thế!..
Kèo: – Phòng xa!.. Phòng xa!.. Sao không phòng từ cái lúc vụ cưỡng chế Tiên Lãng chưa xảy ra?!.

Không có nhận xét nào: