Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Giấc mơ thành phố – sân bay Tiên Lãng và vụ cưỡng chế đầm tôm ông Vươn

Lê Trung Thành

Ngày 19.1.2012, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Mặt trận tổ quốc huyện Tiên Lãng và chính quyền xã Vinh Quang về vụ cưỡng chế đầm thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ngày 5.1. Tại buổi họp này, ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng ban dân vận thuộc huyện ủy Tiên Lãng cho đoàn giám sát biết lý do cưỡng chế “nơi này sẽ làm sân bay quốc tế và huyện sẽ quai đê lấn biển lần hai để di dân ra đó”.
Vậy thì hình thù của sân bay quốc tế Tiên Lãng sẽ ra sao?
***
Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày mừng giải phóng thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề cập tới mong muốn của lãnh đạo thành phố Hải Phòng về một sân bay quốc tế hiện đại, một thành phố trung tâm của vùng duyên hải và đồng bằng Bắc bộ. Tại quyết định số 1448 QĐ-TTg, ông chính thức cho phép nghiên cứu quy hoạch xây dựng sân bay quốc tế tại Hải Phòng. Dựa trên quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như quy hoạch phát triển đồng bằng Bắc Bộ, UBND TP Hải Phòng và Cục Hàng không – Bộ GTVT thống nhất đề xuất vị trí xây dựng sân bay quốc tế Hải Phòng tại khu vực giáp biển thuộc địa bàn các xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng và Tây Hưng của huyện Tiên Lãng. Theo tính toán sơ bộ, thành phố – sân bay tương lai có chiều dài 8,5 – 9 km, rộng 6-7 km, tổng diện tích khoảng 5.900 ha, trong đó đất trong đê 2.600 ha, đất ngoài đê 3.300 ha.

Tháng 9.2009, khi còn là Bộ trưởng GTVT, ông Hồ Nghĩa Dũng và nhiều quan chức các ngành liên quan đã thị sát khu vực này.
Cách đây hơn hai chục ngày, hay nói chính xác hơn, ngày 7.1.2012, (hai ngày sau vụ cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn xảy ra), ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã công bố Liên danh nhà thầu Công ty tư vấn xây dựng Hoàng Hà và Trung tâm dịch vụ đo đạc khí tượng, thủy văn và môi trường, trúng gói thầu với trị giá 1,3 tỷ đồng với nhiệm vụ khảo sát, lập bản đồ khu vực và đo đạc ngoài biển nhằm phục vụ cho việc khởi động dự án xây dựng sân bay tương lai.
Nếu ở phía Nam, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đang được khẩn trương đầu tư xây dựng thì dự án xây dựng sân bay Tiên Lãng còn khá mơ hồ nhưng lại đầy ma lực hấp dẫn nhiều thành phần, nhiều dạng người từ những nhà quy hoạch đến nhà đầu tư, nhà thầu, nhà đầu cơ đất đai… Họ đang “tìm cửa” để lọt vào tầm ngắm của những người có trách nhiệm triển khai dự án dẫu còn xa lắc xa lơ. Cứ thử tưởng tượng, cứ thử làm con tính đơn giản, là thấy ngay biết bao công việc, lợi nhuận, ăn chia, nhũng nhiễu, hà lạm… xung quanh một hạng mục quan trọng nhất: san lấp mặt bằng công trình. Trên diện tích gần 6.000 ha, người ta sẽ cần tới (ít nhất) 60-80 triệu m3 cát, đất và các nhà thầu lớn nhỏ tới tấp lao vào như những con thiêu thân để được xẻ chia vài ba triệu m3. Tuy nhiên, trước khi san lấp, người ta phải tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Hơn hai chục ngàn dân trong vùng dự án sẽ phải di dời, nhường lại đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, ao hồ, đầm tôm, đầm cá… để trở thành những cư dân bất đắc dĩ của một thành phố – sân bay vào thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỷ hai mốt. Từ nay đến ngày ấy còn dài nhưng ai chuẩn bị trước, ai chộp giật được miếng đất nào thì mươi năm nữa, đều thành kim cương, vàng thỏi cả.
Người ta đang cố gắng tô vẽ cho sự cần thiết phải ra đời một sân bay quốc tế cực lớn nhằm phục vụ cho chín triệu dân miền duyên hải và ngót hai chục triệu dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Họ cũng đang mơ tới các khu đô thị cao cấp, các khu công nghệ cao, khu dịch vụ thương mại vây quanh sân bay quốc tế này nên đã mời tập đoàn Airris (Mỹ) vào lập thiết kế quy hoạch. Tất nhiên, họ cũng không quên câu chữ “sân bay Tiên Lãng sẽ hỗ trợ sân bay quốc tế Nội Bài” và không làm ảnh hưởng đến sân bay Kiến An, sân bay Cát Bi.
Nói tới Cát Bi, cần phải nhắc lại rằng, ngày 28.12.2007, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn đến 2015 và định hướng đến năm 2025. Trong nội dung quy hoạch, Cát Bi sẽ trở thành sân bay quốc tế hỗ trợ sân bay Nội Bài. Trên cơ sở đó, Công ty Tư vấn xây dựng hàng không ADCC đã thiết kế nâng cấp đường hạ cất cánh hiện hữu và xây dựng mới một đường băng hiện đại dài 3.050 m x 45 m để các loại máy bay A321, B767, B747-400 có thể hạ cất cánh an toàn, xây dựng hệ thống đường lăn, sân chờ, dải bảo hiểm, sân đỗ cho 11 vị trí máy bay đậu đỗ cấp E, xây dựng mới nhà ga hành khách công suất hai triệu lượt khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 17.000 tấn/năm ở giai đoạn đầu – 2015 và tới năm 2025 có thể chuyên chở 4 triệu lượt khách/năm và chuyên chở, bốc xếp 82.000 tấn hàng hóa/năm. Một hệ thống nhà điều hành, khu thương mại, dịch vụ kỹ thuật, chế biến thức ăn, sân đỗ xe… sẽ được xây dựng hoàn chỉnh với tổng dự toán ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm vài ba chục phần trăm nữa!
Đầu tư một khoản tiền không hề nhỏ vào sân bay Cát Bi (nhưng đến nay vẫn chưa triển khai) và phải lấy lại rất nhiều đất do Quân chủng Phòng không – Không quân đang quản lý để mở rộng sân bay, nếu có hoàn thành các hạng mục, sân bay Cát Bi phải chờ đến 2014 – 2015 mới hoàn thiện theo quy hoạch. Vậy mà, các nhà hoạch định dự án thành phố – sân bay Tiên Lãng đang tung ra luận điệu: “diện tích” sân bay Cát Bi chỉ phù hợp với một sân bay nội địa, muốn mở rộng thì chi phí đền bù cao, ảnh hưởng đến không gian phát triển đô thị Hải Phòng… Nếu nâng tần suất hoạt động sẽ gặp khó khăn vì vùng tĩnh không sân bay Cát Bi lại nằm vào vùng trời chồng lấn với sân bay Kiến An… Từ những lý do đó, cần phải có sân bay quốc tế mới để thay thế sân bay Cát Bi!
Bỏ ra một đống của, chỉ để khai thác mươi, mười lăm năm. Sự lãng phí tiền của dân, của nước qủa là căn bệnh trầm kha không có cách gì ngăn chặn được!
Quay trở lại lời của ông Trưởng ban dân vận huyện Tiên Lãng nói với đoàn giám sát ngày 19.01.2012, việc cưỡng chế ngày 05.01 bao hàm nhiều mục tiêu trước mắt và lâu dài. Trước mắt, người ta “xé nhỏ” diện tích, cho đấu thầu để thu thêm lợi nhuận và tạo sự công bằng (?) trong thôn xã vì bình quân đầu người xã Vinh Quang chỉ có 1,1 sào một suất. Về lâu dài, các ông chủ mới có nhiều cơ hội mượn gió, bẻ măng khi kê khai tài sản, hoa lợi trên đất, trên đầm để được “đền bù” thỏa đáng! Lúc này, ai có quyền lực, ai được ban phát ân huệ thì là cơ hội tuyệt chiêu nhất để ra oai với thiên hạ, tạo thêm vây cánh, củng cố chức tước và chia chác mệt nghỉ!
Kế hoạch “quai đê lấn biển” lần 2 mang nội dung “di dân” tưởng như đầy chất nhân văn nhưng cũng là lúc các nhóm lợi ích, các phe thân hữu câu kết với nhau để chi phối dự án. Chỉ có dân lành, chỉ những người dân dám xông pha trước bão tố suốt một đời bám biển, khai khẩn đất bồi hoang hóa theo gương cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa bị thiệt thòi, bị mất mát, bị tước đi quyền được sống và làm việc trên mảnh đất đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương!
Tháng 1, tại Vinh Quang, Tiên Lãng mới xảy ra vụ cưỡng chế gia đình, họ hàng ông Đoàn Văn Vươn nhưng đã cuốn dư luận cả nước hồi hộp theo dõi, lắng nghe, bồi hồi, xúc động và dư luận căm phẫn, bức xúc trước sự nhẫn tâm, vô cảm, vô trách nhiệm của những người ra lệnh cưỡng chế!
Nếu dự án xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng thành sự thật thì với cách làm cẩu thả, vô luân này còn tái diễn, chắc chắn sẽ có nhiều vụ Đoàn Văn Vươn khác sát cánh bên nhau bảo vệ cuộc sống và tương lai của gia đình, con cái họ!
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: