- Quy định học sinh không đủ tuổi điều khiển xe máy sẽ bị giữ xe 60 ngày không phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng theo ngành chức năng Đà Nẵng biện pháp mạnh này có thể sẽ mang lại hiệu quả nếu được triển khai. Ngày 25/2, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho hay: sở vừa có văn bản trả lời Bộ Tư pháp về vấn đề tự kiểm tra quy định tại Điểm 9 khoản III Điều 1, Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND “Đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe gắn máy thì xử phạt nặng và tạm giữ phương tiện 60 ngày”. Theo đó, nêu rõ quan điểm quy định này không phù hợp với quy định pháp luật.
Trước đó, Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo đề xuất Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng giao cho Ban Pháp chế HĐND tiến hành kiểm tra theo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này.
Sẽ kiểm tra quy định về tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển. Ảnh minh họa
Theo ông Sơn: Điều 2 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì Chính phủ có thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Mặt khác, theo quy định tại Điều 24 và Điều 54 của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên bị áp dụng tạm giữ phương tiện 10 ngày. Do đó việc tạm giữ xe 60 ngày theo Nghị quyết 23 của HĐND TP.Đà Nẵng là không phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Sơn: Nội dung này không nằm trong dự thảo nghị quyết được Sở Tư pháp thẩm định mà do bức xúc của các đại biểu HĐND muốn tìm biện pháp mạnh nhằm xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định điều khiển xe máy. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền, vận động và áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng số lượng học sinh vi phạm, số vụ tai nạn giao thông do học sinh điều khiển xe máy vẫn gia tăng. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trên, cần xử phạt nghiêm khắc những học sinh cố tình vi phạm, đặc biệt là đối với năm 2012 là “năm an toàn giao thông”, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thảo luận và thông qua biện pháp tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy.
Theo vị giám đốc sở này, trong trường hợp có thể được “đặc cách” cho triển khai thì biện pháp mạnh này sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhiều năm trước khi ở Hà Nội, TP.HCM rộ lên nạn xe đua, Đà Nẵng cũng xuất hiện. Nhưng lúc đó Đà Nẵng có quy định tịch thu xe đua, bán để bổ sung công quỹ thì tình trạng này giảm hẳn. Bây giờ người ta mới đang bàn đến chuyện tịch thu hay tiêu hủy xe đua, thì Đà Nẵng đã “dẹp” được nạn này.
Phải xét dưới đặc thù của các đối tượng đua xe, nếu chỉ phạt hành chính, tạm giữ xe thì mức phạt nào các đối tượng đua xe cũng dễ chấp nhận, nhưng nếu tịch thu thì sẽ đánh vào tâm lý của những người này vì chiếc xe để đua chắc chắn sẽ được các đối tượng đầu tư và rất thích phương tiện của mình nên sẽ hạn chế lại – ông Sơn nói.
Trao đổi về vấn đề này, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho hay: trước mắt đơn vị đang thực hiện mức giữ xe 10 ngày theo quy định, đồng thời tham mưu đề xuất cho thành phố để có biện pháp phù hợp.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm điều khiển phương tiện xe máy, ngành giáo dục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường, các bãi gửi xe trường học; trường hợp học sinh vi phạm, công an sẽ có thông báo về các trường học trên cơ sở đó, trường có các biện pháp xử lý tiếp, như hạ hạnh kiểm, đuổi học 1 tuần đến 1 năm.
Trường Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét