Thực hiện việc gieo giống mới, rất nhiều đám ruộng của Vĩnh Lộc lúa chết gần hết, dân khốn đốn vì không có mạ để cấy. |
Không cho làm bảo vệ trường vì làm trái ý xã
Ông Nguyễn Doãn Trường, xóm Chiến Thắng là bảo vệ trường mầm non và trạm xá xã từ năm 2005. Trong vụ Đông Xuân năm 2011 – 2012, ông Trường làm 3 sào lúa IR 1820. Cho rằng ông Trường vi phạm quy định về thực hiện giống lúa mới, UBND xã Vĩnh Lộc đã ra quyết định đuổi ông khỏi vị trí bảo vệ trường mầm non và trạm xá xã.
Ông Nguyễn Doãn Trường, xóm Chiến Thắng: “Tôi đang yêu cầu xã phải trả lời rõ vì sao đuổi việc bảo vệ trường của tôi, trả lại danh dự cho tôi trước nhân dân”. |
Chỉ vào đống thóc trong nhà, ông Trường nói: “Tôi làm 1,5 mẫu ruộng, mấy năm trước đây đều gieo giống 1820 cho năng suất cao, thu hoạch không những thừa ăn mà còn phục vụ chăn nuôi, bán ra ngoài. Năm nay xã cấm làm 1820, khi họp dân đều bị phản đối, xã bèn ra thông báo trên loa để ép dân phải làm”.
Trong suốt một tuần, loa truyền thanh liên tục phát thông báo của xã nghiêm cấm dân làm giống lúa 1820, nếu ai vi phạm sẽ bị cắt chế độ hộ nghèo, không giải quyết chế độ trợ cấp, không miễn giảm khi thiên tai mất mùa, hạn chế giao dịch hoặc phê vào lí lịch gia đình không chấp hành các chủ trương của Đảng và các quy định tại địa phương…
Ông Đặng Văn Thư, xóm Tứ Xuyên là cựu chiến binh, nông dân sản xuất giỏi. Vụ Đông Xuân, ông có gieo cấy 4 sào giống 1820, bị xã lập biên bản buộc phải phá hủy. Ông Thư không chấp hành, bị kỷ luật cảnh cáo về đảng. Hai con gái của ông lên xã xin chứng nhận hồ sơ bị từ chối. Ông còn được cán bộ trực đảng của xã thông báo là do ông chống đối nghị quyết nên việc làm hồ sơ tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho ông bị đình hoãn.
Ông Phan Văn Thanh, xóm 1 đã gieo 10 thước ruộng giống 1820, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã dọa “nếu gia đình không thực hiện sẽ không chứng nhận giao dịch giấy tờ cho con cái, hoặc phê vào hồ sơ gia đình không chấp hành quy định của địa phương”, buộc ông Thanh phải bừa hủy.
Ông Thanh lấy thóc giống của xã về gieo, nhưng lúa chết hết. Ông Thanh phải hủy thêm 20 kg thóc giống 1820 để lấy 20 kg thóc giống TX 28 của xã (giá 40 nghìn đồng/kg, đã được trợ giá 20 nghìn đồng/kg) nhưng về gieo lúa không lên. Ông hỏi xóm trưởng thì được biết thóc giống không còn, gia đình phải tự lo. Ông Thanh đành phải mua giống Khang Dân đột biến về thay thế.
Mặc dù xã ra sức cấm đoán, nhiều người dân vẫn tìm cách “lách luật” để gieo trồng giống 1820. Một số người dân cho biết, bà Phạm Thị Kim, chị gái ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã vẫn làm 1820, ông Nguyễn Duy Cảnh, anh em thúc bá với ông Bí thư đảng ủy xã cũng làm 1820.
Ông Đặng Văn Thư, xóm Tứ Xuyên đứng bên thửa ruộng IR 1820 xanh tốt mà ông đã không phá hủy theo lệnh xã |
Hiện nay trên cánh đồng xã Vĩnh Lộc, những trà lúa xanh tươi tốt hầu hết là giống 1820, còn nhiều thửa giống mới bị chết gần hết, bà con đang chạy đôn chạy đáo tìm mạ để “trám” vào. Một số trà lúa gieo muộn lên lơ thơ, èo uột. Nhiều người dự đoán năm nay sẽ mất mùa, đói kém.
Một người dân kiến nghị bằng văn bản cần “có biện pháp đối với những cán bộ không vì dân mà hại dân”.
Phó Chủ tịch xã đánh dân tóe máu vì hỏi ni long phủ mạ
Chỉ vì hỏi xin cán bộ nilon phủ chống rét cho mạ mà anh Nguyễn Văn Tài, xóm Hạ Triều bị cán bộ xã đánh cho tơi bời, tóe máu. Theo anh Tài, vào chiều ngày 25 Tết (18/1/2011), do được phổ biến về việc xã hỗ trợ nilon phủ chống rét cho mạ, anh Tài đến nhà ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã (phụ trách kinh tế và phụ trách xóm Hạ Triều, cũng là dân trong xóm) để hỏi.
Anh Nguyễn Văn Tài chỉ vào vết thương ở cằm do bị ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã gây ra. |
Ông Hùng nói: “Tôi không biết, việc đó anh lên xã mà hỏi”. Anh Tài phản ứng: “Cán bộ mà nói với dân như thế là không được”. Sẵn có hơi men, ông Hùng nổi xung tát liên tiếp vào mặt anh Tài, anh Tài ôm đầu lùi ra, ông Hùng đuổi theo xô anh Tài ngã, cằm va vào bậc thềm tóe máu. Bức xúc, anh Tài chạy xe máy lên trụ sở UBND xã để phản ánh. Ông Hùng đuổi theo, đến trụ sở gọi anh Tài vào phòng, túm áo, nắm tóc đập đầu anh Tài vào tường. Anh Tài chạy ra thì bị tiếp tục anh La Văn Lĩnh, công an viên tát vào mặt.
Sau đó, ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã có bảo anh Tài đi trạm xá khâu vết thương nhưng anh Tài không đi. Bị đánh đau, anh Tài về nhà phải mua thuốc uống và ba ngày không ăn được cơm, phải ăn cháo.
Mấy ngày sau, ông Hùng tiếp tục đến nhà anh Tài lớn tiếng thách thức. sau khi công an huyện về làm việc, đến ngày 22/2/2012, ông Hùng mới chịu nhận sai và xin lỗi anh Tài. Anh Tài không chấp nhận, yêu cầu ông Hùng phải kiểm điểm trước chi bộ.
Biên bản của xã lập về việc ông Đặng Văn Thư gieo cấy giống 1820 trên 4 sào ruộng. |
Như vậy, từ việc xã ép uổng dân làm giống mới mà dân bị cán bộ xã đánh đập tơi bời. Còn tại xã Yên Lộc thì trưởng công an xã bị dân đánh nhập viện vì tổ chức phá lúa 1820 của dân.
Trong tiếp xức thực tế về quá trình triển khai thực hiện giống lúa mới ở huyện Can Lộc PV đã phát hiện nhiều chuyện bi hài, “cười ra nước mắt” khác mà địa phương này đã áp đặt đối với người dân.
Tamnhin.net sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trong các số báo tới.
Quang Đại - Lê Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét