Pages

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Miến Điện : Du lịch chuyển mình cùng những thay đổi chính trị




Chùa Shwedagon ở Rangun
Reuters





Anh Vũ RFI

Sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới thể chế độc tài bị cô lập với thế giới, những chuyển biến chính trị tại thời gian gần đây đang tạo điều kiện để Miến Điện đang là điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc. Nhật báo La Croix hôm nay có bài mang tựa đề « Sự trở lại đông đảo của du khách ngoại quốc », cho thấy những thay đổi chính trị ở Miến Điện đã có tác động tích cực thấy ngay trong lĩnh vực du lịch.
Theo con số chính thức của chính quyền, số lượng du khách ngoại quốc đến Miến Điện trong vòng 2 năm trở lại đây đã tăng hơn 30%. Ngược lại thời gian một chút, kể từ khi vụ tập đoàn quân sự cầm quyền đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của các nhà sư năm 2007, rồi tiếp đó năm 2008, cơn bão Nargis tàn phá cả vùng châu thổ sông Irrawady, du khách ngoại quốc đến Miến Điện thưa dần, mặc dù đất nước này không thiếu các danh lam thắng cảnh nổi tiếng độc đáo. Trước đó, năm 1995 nhà đối lập nổi tiếng Aung San Suu Kyi còn kêu gọi các hãng du lịch tẩy chay đất nước của mình nhằm ngăn chặn nguồn thu cho tập đoàn quân sự cầm quyền khiến cho ngành du lịch nước này càng èo uột.

La Croix nhận thấy, những dấu hiệu mở cửa Miến Điện như việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi năm 2010, hứa hẹn bầu cử dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào đầu tháng Tư này đã kích thích du khách ngoại quốc chọn đến thăm Miến Điện. Dù giá tour du lịch đến Miến Điện này vẫn còn đắt do những khó khăn về giao thông hàng không và việc tổ chức du lịch, nhưng các hãng dịch vụ ở nước ngoài ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký đi Miến Điện có chiều hướng tăng. Một du khách ngoại quốc đang thăm ngôi chùa ở Rangoon cho phóng viên của La Croix biết họ muốn đến đất nước, mà người ta đang nói là mở cửa này, xem điều gì đang diễn ra. Chính sự có mặt ngày càng đông của các du khách ngoại quốc càng tạo điều kiện để đất nước mở cửa với bên ngoài, cải thiện đời sống hàng ngày của người dân Miến Điện.
Các nhà làm du lịch ở Miến Điện cho biết giờ đây chính quyền chỉ có thể thu được được khoảng từ 4 đến 5% thu nhập từ hoạt động du lịch ở Miến Điện. Thu nhập chủ yếu trong khu vực tư nhân. Các nhà tổ chức tour du lịch đến Miến Điện hiện nay đều cố gắng giảm giá bằng cách chọn các dịch vụ tư nhân, tránh các cơ sở của chính phủ. Ngoài ra người ta cũng có thể đi du lịch riêng lẻ, tự chọn nhà hàng, nơi ở của người dân địa phương.
Theo nhận xét của phóng viên La Croix thì vẫn còn nhiều khó khăn trong ngành du lịch Miến Điện như thiếu cơ sở hạ tầng, việc tổ chức không ổn định, giá cả còn cao, giao thông hàng không còn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách …
Trong sự phát triển du lịch không phải không có mặt trái. Tác giả bài viết đã nhận thấy như ở Bangan, nơi tập trung nhiều đền chùa thắng cảnh nổi tiếng ở Miến Điện, rất đông người dân đã bỏ nghề nông để chạy theo làm du lịch. Đất đai thì đang dần được bán cho người Trung Quốc. Chính quyền vội vã tôn tạo lại những đền đài không tôn trọng các tiêu chuẩn khảo cổ. Tác giả nêu một thí dụ, để du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ thắng cảnh, người ta đã cho dựng lên một khách sạn sang trọng cao ngất đã được dựng lên giữa quần thể những ngôi đền cổ có từ hàng ngàn năm. Được biết, chủ của khách sạn này là một người thân của tướng Than Shwe, nhân vật số 1 của tập đoàn quân sự trước đây. Theo người hướng dẫn du lịch thì chỉ có mối quan hệ như thế thì ông chủ này mới được phép làm. Anh ta cũng không dám bình luận gì thêm vì sợ không được cấp phép hành nghề.

Không có nhận xét nào: