Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Ngô Bảo Châu, từ hiện tượng đến tài sản quốc gia?

 
Tân Nguyên ThủTTHN

“Tôi thấy thật tiếc cho Ngô Bảo Châu. Từ một hiện tượng thật sự của xã hội ông đã đang tự đánh mất mình và trở thành một tài sản quốc gia giả hiệu.”
Chúng ta phải công nhận rằng điều Giáo sư Châu làm được trong toán học là phi thường. Sau khi ông đạt được giải thưởng Fields đã rất nhiều bạn trẻ coi ông là thần tượng để noi theo. Ông đã trở thành một hiện tượng thật sự của xã hội. Hình ảnh và các bài viết về ông đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng qua những gì ông phát biểu gần đây chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng về ông, một con người mà từ một hiện tượng của xã hội có vẻ như đang trở thành một tài sản quốc gia đáng giá cho nhà nước Việt Nam đầu tư?
Và cái tài sản quốc gia này có thực sự thuộc về nhân dân hay chỉ là một quân bài để chính quyền tô vẽ?

Hiện tượng và tài năng Ngô Bảo Châu là điều ai cũng phải công nhận. Ông đã làm được những điều rất ít người trên thế giới làm được. Nhưng giờ đây khi đã trở thành một nhà toán học nổi tiếng và là người của công chúng tại sao ông lại có những câu trả lời về người trí thức gây nhiều tranh cãi như trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần vừa qua. Điều ông nói là đúng hay sai và có gây ra những hệ lụy cho xã hội Việt Nam hiện nay không?
Có người đã lên tiếng bênh vực ông khi cho rằng lồng ghép trong toàn thể bài phỏng vấn, rằng ý kiến của giáo sư Châu là rất rõ ràng, rằng ông đã định nghĩa trí thức chính xác và đã chỉ rõ tầm quan trọng của phản biện xã hội.
Tôi đã đọc đi đọc lại bài phỏng vấn của ông, bỏ qua sự bắt bẻ của câu chữ, của thuật ngữ tôi cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và tôi thấy những suy nghĩ của ông quả thật đúng như ý kiến của nhiều người đã quan ngại. Quan niệm về phản biện của ông chỉ đúng và chung chung cho vấn đề xã hội của thời đại ngày nay chứ ông không hề dám đề cập hay nói đúng hơn là ông đã né tránh những vấn đề sát sườn, nóng hổi của xã hội Việt Nam hiên nay. Điều này cũng trùng hợp với những suy nghĩ gần đây của tôi về ông. Giáo sư Ngô Bảo Châu là một nhà toán học. Các vấn đề chính trị xã hội thật sự ông không đủ tầm và đáng buồn hơn có vẻ như ông đang đánh mất đi dũng khí của mình và đang góp phần làm nguội niềm cảm hứng vươn lên của xã hội Việt Nam. Chúng ta hãy để ông đi theo thiên chức của mình và đừng quá trông mong vào những điều phi thường tiếp theo mà chúng ta đã nghĩ ông có thể sẽ làm được cho xã hội. Thời gian qua cùng với giới truyền thông và chủ trương đánh bóng chế độ của chính quyền chúng ta đã tự kỳ vọng quá nhiều vào ông để rồi phải bị hụt hẫng. Điều chúng ta mong ông có thể làm bây giờ là nếu ông có lòng tự trọng của một trí thức ông có thể im lặng thay vì nói những điều không nên nói . Không ai ép ông làm như vậy cả. Ông không tạo được hy vọng và cảm hứng cho xã hội thì ông cũng không nên làm nhụt chí những người muốn dấn thân. Điều đó là có lỗi với đồng bào và đất nước!
Trong cuộc trò chuyện của Giáo sư Châu được đăng trên báo Sinh Viên VN ông đã nhấn mạnh đến câu “Hãy nói những điều mình nghĩ” và nhiều lần nhấn mạnh đến sự can đảm cần có của tuổi trẻ.
“Theo GS, tố chất nào cần có ở một người trẻ?
Sự can đảm và một tấm lòng rộng mở.
Theo riêng GS, khát vọng lớn nhất của người trẻ Việt Nam là gì?
Khát vọng lớn nhất của người trẻ luôn là làm nảy nở những chồi tài năng mà họ có trong mình.
Nếu được nói 3 điều với giới trẻ Việt Nam hiện nay, GS sẽ nói điều gì?
Hãy can đảm, biết tin vào mình và có một tấm lòng nhân hậu, rộng rãi.
Tố chất nào ở một người trẻ/sinh viên sẽ được GS đánh giá cao nhất?
Cam đảm, tự tin và có một tấm lòng nhân hậu, rộng rãi.
Ông còn thêm là “Sự hèn nhát là điều ông ghét nhất trong cuộc sống”
Ông còn thêm là “Sự hèn nhát là điều ông ghét nhất trong cuộc sống”
Chúng ta biết Giáo sư Châu đi Pháp du học từ năm 1990 khi ông mới 18 tuổi và cho đến nay ông đã sống ở Pháp 17 năm, ở Mỹ 5 năm. Sống và học tập ở hai quốc gia văn minh, dân chủ lâu như vậy hẳn ông có rất nhiều trải nghiệm và rút ra được nhiều điều bổ ích cho mình, cộng với trình độ và sự thông minh của ông chúng ta có thể đoan chắc rằng hiểu biết của ông về xã hội dân sự và phản biện hơn hẳn người bình thường.
Nhưng thực tế là ông đã tự mâu thuẫn với chính mình trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ông đã trả lời phóng viên về nội hàm trí thức rất chi là phiến diện và né tránh trách nhiệm phản biện của thành phần này trong xã hội rồi sau đó ông lại đưa ra một kết luận rất đại khái “không có phản biện xã hội đã chết lâm sàng”.
Về cách định nghĩa trí thức của ông tôi không dài dòng lật lại vấn đề làm gì mà chỉ xin mượn lời của một tác giả đã viết trên mạng khi đề cập đến các nhà khoa học của nước Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, những người tài giỏi đã sản xuất ra những sản phẩm như phòng hơi ngạt hoặc các loại vi trùng gây dịch bệnh để chống lại nhân loại. Thật kinh khủng nếu hiểu nghĩa trí thức theo khái niệm nghề nghiệp chuyên môn đơn thuần như cách Giáo sư Châu đã nói.
Khi phóng viên hỏi về đánh giá của ông đối với những phản biện trong xã hội thời gian qua, ông đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một ví dụ là bài thơ “Ai? Tôi?” của Chế Lan Viên đề cập đến hậu quả tiêu cực của sự ca ngợi giả hiệu và a dua theo chính quyền miền Bắc Việt Nam hồi chiến tranh khiến bao thanh niên đã phải bỏ mạng trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông còn nói như “cảnh báo” là ai muốn phản biện thì cần phải rất tỉnh táo và phải hiểu rõ ảnh hưởng của nó khi đưa ra ý kiến. Phát ngôn như vậy mà không làm nản lòng những ai có tâm huyết với đất nước mới là lạ. Thật là đáng chán! Ông đã né tránh nội dung phóng viên muốn hỏi và có vẻ như muốn đưa ra quan điểm vô can của ông về điều này. Rằng ông thường tránh bàn luận các vấn đề mà ông không biết rõ và chỉ quan tâm đến lĩnh vực ông trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Dù ông có đề cập rằng phản biện xã hội của trí thức là những đóng góp cho đất nước nhưng tất cả những ai có hiểu biết về thời cuộc Việt Nam đều cảm nhận được câu trả lời của ông là một câu trả lời hời hợt, nhợt nhạt và có thể nói là hèn nhát. Ông hiện có quốc tịch Pháp, sống và làm việc ở Mỹ, được thế giới biết đến vì tài năng của mình. Phát ngôn của ông ôn hòa đúng đắn thì chính quyền có thể làm gì được ông? Lẽ ra cả ông và phóng viên phải đi tới tận cùng của vấn đề, phải mổ xẻ sâu hơn những ngóc nghách hạn chế của xã hội Việt Nam hiện nay và đưa ra chính kiến rõ ràng, quyết liệt. Đây là vấn đề muôn thuở của báo chí lề phải, luôn lưng chừng trong quan điểm, sợ đụng chạm và không dám đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Và Ngô Bảo Châu đang hùa theo loại “báo chí quốc doanh” này
Có nhiều người khen ông thâm thúy, cẩn trọng trong lời nói nhưng có lẽ điều đó chỉ thể hiện trong lĩnh vực ông đang nghiên cứu hoặc trong những trao đổi về chuyện học hành với các bạn trẻ. Còn trong những vấn đề chính trị, xã hội tôi thật sự thất vọng về ông.
Xã hội của chúng ta hiện nay đầy rẫy sự bất ổn và tệ nạn mà chính quyền thì lại sợ mấy chữ nhân quyền, dân chủ như sợ cọp. Là một người sống ở Mỹ có cơ hội cập nhật đầy đủ thông tin và các giá trị nhân bản của nhân loại lẽ ra ông phải có ý kiến rạch ròi và bênh vực cho lẽ phải một cách dũng cảm trước sự tha hóa của xã hội hiện nay, một xã hội đang bị chế độ cộng sản độc tài toàn trị phá nát những chuẩn mực đạo đức và luật pháp văn minh. Những vụ việc gần đây như chính quyền cướp đất của dân ở Tiên Lãng, bắt giam chị Bùi Minh Hằng không qua xét xử, công an Sài Gòn trả thù nhà báo Hoàng Khương của Tuổi Trẻ viết phóng sự CSGT ăn hối lộ… còn nóng hổi trong dư luận xã hội khiến chúng ta không thể nói gì hơn hành động né tránh của Giáo sư Châu đúng là một sự hèn nhát. Ở các nước phát triển, chúng ta thấy các công dân của họ sông một cách vô tư lự, cứ làm cho tốt bổn phận của mình là cuộc sống sẽ tốt đẹp. Nhưng chúng ta phải biết rằng để có được điều đó cha ông của họ đã phải hy sinh biết bao nhiêu. Việt Nam chúng ta hiện đang trong thời loạn. Muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn chúng ta phải đồng tâm dấn thân chứ không có con đường nào khác và nghững người trí thức phải là đội ngũ tiên phong dẫn dắt xã hội tiến lên.
Sự né tránh, hời hợt và mâu thuẫn của Giáo sư Châu ở đây không phải lần đầu.
Trong những buổi trò chuyện khác chúng ta cũng có thể thấy ông đã nhiều lần trả lời lạc đề và dẫn dắt người đọc đi theo một hướng mơ hồ khác. Giả dụ khi được hỏi:
Người ta nghe đến một GS Ngô Bảo Châu thành công rực rỡ. Nhưng chưa ai nghe đến chuyện thất bại của GS. Vậy GS đã từng thất bại chưa, và thất bại lớn nhất của GS là gì? Và làm thế nào GS có thể bước tiếp?
Ông đã trả lời như thế này:
Ai cũng có nhiều thất bại, nhưng ít kể về thất bại của mình vì thực ra cũng không có gì hay để kể. Quy luật tự nhiên là không dừng lại để gặm nhấm thất bại của mình dù cho thất bại bao giờ cũng để lại một vết thương trong lòng. Tốt nhất là tự nhủ mình rằng mình có một giá trị mà cái thất bại kia không phủ nhận được, hai là mình còn đủ can đảm để nhận thêm vài vết thương nữa.
Nghe qua thì thấy câu trả lời dường như rất thâm thúy nhưng những thất bại mà phóng viên và chúng ta muốn nghe thì tuyệt nhiên không thấy đâu cả.
Trong cách nhìn nhận về niềm tin của các bạn trẻ về tương lai ông cũng rất sai lầm khi cho rằng giới trẻ bây giờ hơn hẳn những người lớn. Có lẽ ông không về Việt Nam thường xuyên và cũng không cập nhật kiến thức xã hội kịp thời nên không cảm nhận được tâm tư thật sự của các bạn trẻ bây giờ. Nếu trò chuyện với các bạn trẻ có những suy nghĩ nghiêm túc chúng ta phải thấy rằng họ rất tinh nhạy về các vấn nạn tai nghe mắt thấy hàng ngày của xã hội chúng ta hiện nay và sẵn sàng dấn thân vì đất nước. Việt Nam hiện nay chưa có báo chí tự do nên có thể có nhiều bạn trẻ bị định hướng lệch lạc và hiểu biết về tình hình đất nước chưa chính xác. Điều này có thể khiến họ sai lầm trong việc đặt niềm tin vào tương lai. Chúng ta không thấy khó hiểu khi đa số các Tổng biên tập của báo chí Việt Nam bây giờ đa phần là người của cơ quan tuyên huấn nhà nước. Họ đang cố ý thương mại hóa nền báo chí nước nhà với những tin tức lá cải phù phiếm, tôn thờ vật chất và đang đánh lạc hướng giới trẻ bằng những trang báo thông tin một chiều, tuân thủ sự cai trị của chính quyền. Không hiểu sao khi nghe Giáo sư Châu nói ông có “cảm nhận về giới trẻ Việt Nam vẫn tràn trề lạc quan và đầy niềm tin vào tương lai” là tôi lại nhớ về phong trào thi đua đào Ao Cá Bác Hồ của bọn tôi lúc trẻ. Hồi đó lũ chúng tôi cũng đã rất ngây thơ tin rằng những cái ao mà bọn tôi đào trên cát sẽ đầy cá tung tăng bơi lội dưới những làn nước xanh trong!
Hẳn chúng ta còn nhớ ông Châu đã từng nói “Bám theo lề là việc của những con cừu chứ không phải của con người tự do”. Một câu nói rất kiêu hãnh (hay kiêu ngạo) và đầy bản lĩnh. Ông cũng không dưới một lần nhắc rằng người trí thức phải luôn cầu thị, ham học hỏi và can đảm. Theo ông cái cần nhất cho người trí thức là sự tự do. Tự do hiểu theo nghĩa rộng, tự do để sáng tạo nhất là trong nghiên cứu khoa học! Chính ông đã chia xẻ rằng điều ông thán phục nhất ở những nước tân tiến như Pháp và Mỹ là trong nghiên cứu khoa học cũng như trong mọi mặt khác của đời sống ông thấy mọi người đều bình đẳng và tự do, không phân biệt già trẻ hoặc chức danh học vị để tìm đến chân lý. Nói thì hay như vậy nhưng thực tế khi đụng chạm tới vấn đề phản biện thì ông lại vòng vo tam quốc không hề có chút kiêu hãnh và bản lĩnh cho bàn dân thiên hạ nghe được chút gì bổ ích. Trong mấy câu trả lời thôi mà ông phải 3 lần lặp lại “với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh” nghe rất chướng tai. Nếu lãnh đạo đã “văn minh và bản lĩnh” thì phóng viên mất công phỏng vấn ông làm gì? Nếu lãnh đạo Việt Nam có may mắn văn minh và bản lĩnh nhưng vẫn bị coi là độc tài như chính phủ của Cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu thì Việt Nam đã tân tiến như Singapore rồi chứ đâu có suy đồi như bây giờ, vụ việc mọi rợ con tưới xăng đốt cha ở Bình Chánh xảy ra vừa qua là một minh chứng cho sự bế tắc của xã hội. Thật là ấu trĩ hết chỗ nói!
Tôi không hiểu ông trả lời báo chí như vậy rồi ông có cảm thấy xấu hổ khi gặp các đồng nghiệp Âu Mỹ của ông không. Họ sẽ nghĩ gì khi biết ông phát biểu về thiên chức của người trí thức cho bạn đọc Việt Nam như vậy? Ông được nước Pháp đào tạo nên hơn ai hết ông phải hiểu rõ để có được xã hội như ngày nay nước Pháp đã phải trả giá rất nhiều. Nhân dân Pháp đã phải phá ngục Bastille trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789, một trong những cuộc cách mạng sớm nhất của thế giới, để vùng lên lật đổ bạo quyền. Ngay như đất nước ông đang sống và làm việc, để trở thành siêu cường của thế giới như ngày nay những nhà lập quốc của Hoa Kỳ đã phải chạy trốn khỏi sự áp bức của vua nước Anh rồi vượt đại dương bằng con thuyền MayFlower để đến vùng đất mới. Khi cùng nhau tạo lập quê hương mới họ đã đoàn kết và cùng đưa ra những khế ước dân chủ để chung sống hòa bình. Từ năm 1776, tức là cách nay cả mấy trăm năm các vị lãnh đạo nước Mỹ đã tuyên bố với thế giới về tự do, bình đẳng, bác ái và đưa ra cách thức để kiểm soát cơ chế độc tài. Ngày nay con cái ông có may mắn được sống và hưởng thụ nền giáo dục của Hoa Kỳ thiết nghĩ ông phải trân trọng tự do dân chủ và bảo vệ sự cần thiết của phản biện xã hội như một trách nhiệm lớn lao của người trí thức cống hiến vì cái chung để chúng ta có thể tạo dựng một Việt Nam phú cường, con em của chúng ta sẽ được hưởng một tương lai tươi sáng. Ngay bản thân ông cũng bộc bạch rằng việc ông hợp tác với Đại Học Chicago là do cảm mến tư cách một giáo sư đầu ngành của trường này. Người này cũng từng nghiên cứu về “Bổ đề cơ bản”, có thể coi như một đối thủ cạnh tranh trong khoa học với ông. Nhưng khi nghe Giáo sư Châu cũng nghiên cứu đề tài này, ông ấy đã mời ông Châu đến trao đổi và chia xẻ thẳng thắn tất cả những khúc mắc và kết quả ông ấy đang nghiên cứu cho ông biết. Người giáo sư ấy đã không màng tới danh vọng và tiền bạc mà chỉ muốn góp sức cùng ông tìm ra chân lý khoa học hầu cống hiến kiến thức cho nhân loại. Rõ ràng ông ấy là một người trí thức thật sự phải không Giáo sư Châu? Là người có kiến thức ông phải dư biết rằng tự thân sự phản biện chưa đủ để đưa đến sự thịnh vượng. Bên cạnh điều đó xã hội cần phải dấn thân nhiều hơn nữa để biến ý tưởng thành hiện thực và quyết liệt bảo vệ thành quả bằng hành động. Hơn nữa các chính phủ bạo ngược chúng đâu có ngồi yên để những người dấn thân đụng chạm đến quyền lợi của chúng. Chúng sẽ có trăm mưu ngà kế nham hiểm và đê hèn để hãm hại người tốt người giỏi nhằm duy trì sự thống trị của chúng. Con đường để đạt được dân chủ cho xã hội Việt Nam văn minh thịnh vượng còn rất nhiều gian nan. Bất hạnh sẽ còn nhiều và máu của nhân dân sẽ còn phải đổ. Ngay như nước Nga bây giờ chúng ta thấy phản biện cũng rất cởi mở nhưng để đạt được dân chủ và thịnh vượng thật sự người Nga còn phải dấn thân rất nhiều. Bộ máy công quyền vẫn tìm mọi cách để chơi trò bẩn với nhân dân. Thủ tướng Putin đang mưu mô giành lại chức Tổng thống và lịch sử hiện đại của Nga vẫn là một hiện tình độc tài đầy chất maphia. Cho nên chúng ta thấy có đáng gì đâu sự diễn giải về phản biện một cách hòa bình mà Giáo sư Châu cũng né tránh để trở nên hèn nhát.
Tôi thấy thật tiếc cho Ngô Bảo Châu. Từ một hiện tượng thật sự của xã hội ông đã đang tự đánh mất mình và trở thành một tài sản quốc gia giả hiệu.
Quyền lực, danh vọng, tiền bạc nếu không có cơ chế hãm sẽ làm con người ta xuống cấp rất nhanh chóng. Ngô Bảo Châu đã khuyên các bạn trẻ đừng để danh vọng và tiền bạc làm ảnh hưởng đến tinh thần ham học và nghiên cứu nhưng chính ông lại nhận nhà công vụ do chính quyền trao tặng. Tiền bạc do mình làm ra mình có thể hưởng thụ chính đáng. Lợi lộc và danh vọng đến với mình không chính danh khiến mình phải lụy người ta. Số tiền 12 tỷ là rất lớn, lẽ ra ông phải từ chối khi thấy công lao ông mang lại cho đất nước chưa có gì nhiều. Bổ đề cơ bản là lĩnh vực cao siêu và thuộc về tương lai. Khi nó thực sự mang lại hữu ích cho nhân loại và cho Việt Nam lúc đó ông nhận quyền lợi của mình cũng không muộn. Còn hiện tại nếu ông từ chối căn nhà công vụ đó để đất nước sử dụng vào việc khác hẳn tất cả mọi người sẽ kính phục ông. Ông bây giờ ở Mỹ là chủ yếu và người tài giỏi như ông có thể có thu nhập rất khá để tự lo cho gia đình và phụng dưỡng cha mẹ. Lâu nay cha mẹ ông cũng đã có nhà riêng của mình mà bây giờ thay ông ở ngôi nhà xa xỉ đó chẳng hóa ra lại là mục tiêu để người đời đàm tiếu. Việc thành lậpViện Toán cao cấp cũng vậy,, chưa phải lúc đầu tư tốn kém cho nó bây giờ. Ông là người trong cuộc ông hiểu rất rõ về điều này. Hơn 600 tỷ cho một dự án xa vời là một sự lãng phí ghê gớm. Ông có thể thẳng thắn góp ý với Chính Phủ về sự chưa cần thiết của dự án này và thực hiện nó trong tương lai. Việc theo đuổi nó một cách nửa vời cũng sẽ làm phân tán tâm trí và sức lực của ông trên chặng đường nghiên cứu khoa học tiếp theo. Tôi thấy công việc của ông hiện đã quá bề bộn rồi, nào là giảng dạy ở trường Chicago, nào là hướng dẫn cho các giáo sư trẻ, nào là biên tập cho các tạp chí khoa học, nào là làm nhà tổ chức hoặc giám khảo cho các hội nghị, kỳ thi quốc tế, rồi còn cuộc sống gia đình của ông nữa… Ông là một nhà khoa học nhưng ông cũng là một con người. Một ngày 24 tiếng trôi qua rất nhanh. Một năm ông về Việt Nam không được mấy lâu thì cái viện Toán cao cấp ấy chẳng mấy chốc sẽ chết yểu mà thôi. Hệ thống hành chính và quốc nạn tham những ở Việt Nam như thế nào thì ông cũng biết rồi! Tôi đồ rằng sau này ông sẽ phải ganh tỵ với các giáo sư của Mỹ, họ sống và làm việc bằng tài năng và tiền bạc họ làm ra. Tự do và tùy ý muốn như những con người bình thường. Họ có thể đi nghỉ khi đến kỳ Holiday hoặc mua biệt thự, xe hơi sang trọng. Ông làm việc nhiều thì ông cũng sẽ cần phải nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng như các đồng nghiệp của mình nhưng khi hè đến ông sẽ phải về Việt Nam để cống hiến hão. Ông mà muốn hưởng thụ là người ta lại chê cười ông vì ông đã lỡ nhận lợi lộc từ chính quyền rồi, có tiền hưởng thụ mà sao còn nhận nhà 12 tỷ? Nhưng bây giờ ông muốn trả lại tài sản đó những người cộng sản họ cũng dễ gì chịu cho ông trả, như thế sẽ làm mất uy tín họ quá. Há miệng mắc quái đấy! Ông thật ngây thơ khi chơi chung với họ, ông đã đánh mất rất nhiều cho sự phô trương vô bổ mà chính quyền tạo cho ông. Sự tung hê thái quá của chính quyền sau khi ông nhận giải Fields nó vừa hợm hĩnh vừa vô liêm sỉ. Ngày xưa nếu Ngô Bảo Châu đi du học ở Hungary thì có lẽ cuộc đời của chàng trai trẻ đó đã khác. Như vậy công lao đào tạo ông là thuộc về giới khoa học Pháp chứ không phải của chính quyền Việt Nam. Ông cùng chính quyền “mừng công” như vậy chẳng khác nào phủ nhận cái ơn đào tạo ông của Giáo sư Gerard Laumon và người Pháp. Hẳn ông cũng biết rằng trên thế giới có rất nhiều tài năng sống đúng mực và thực sự coi nhẹ tiền bạc. Hãy nhìn gương của Mark Zurkerberg, người sáng lập trang Facebook, dù là tỷ phú nhưng sống một cuộc sống rất bình dị. Hoặc nhà bác học Nga Grigori Penelman đã từ chối tiền thưởng tổng cộng 1 triệu đô la của thế giới trao tặng. Còn nữa, có rất nhiều nhà triệu phú Mỹ trẻ tuổi ở thung lũng Silicon dù có cả trăm triệu đô la nhưng vẫn ở nhà thuê rất bình dân… Người tài năng thật sự là như vậy, sống mà luôn luôn nghĩ đến người khác, sống để cống hiến để thỏa mãn hiểu biết và đem nhiều lợi ích cho xã hội chứ không để bị danh vọng, tiền bạc điều khiển.
Ngay như bạn nối khố của ông cũng đã từng lo cho ông ở trên đỉnh cao vinh quang phải cố gắng đừng để đánh mất mình mà cuối cùng chính anh ta cũng phạm sai lầm. Hẳn Giáo sư Châu không quên lúc còn là học sinh ông đã khuyên Hoàng Gia Hiệp đừng vì mải chơi quá mà quên chuyện học hành. Bạn ông cũng là người tài giỏi, cũng xuất thân từ trường chuyên Amsterdam ra, cũng du học Liên Xô cũ vậy mà sau này khi trở thành một trong những Phó Tổng Giám Đốc Tài Chính của Vinashin lại cấu kết với bọn tham nhũng ăn cắp tiền của nhân dân để bị khởi tố. Như vậy để vượt qua cám dỗ vật chất chúng ta phải có bản lĩnh hơn người. Đối với hệ thống của chính quyền cộng sản bản lĩnh này còn phải thượng thừa hơn nữa vì ai cũng biết hệ thống này nó làm tha hóa con người rất mau.
Tôi cũng muốn nhắc ông rằng đối với những người trí thức, chính quyền Việt Nam họ cư xử rất vô liêm sỉ và luôn đặt động cơ chính trị của họ lên trên hết. Chúng ta hãy cùng nhớ lại 2 trường hợp cũng được nhà nước Việt Nam tung hô hết cỡ là thần đồng toán học Lê Bá Khánh Trình và nghệ sỹ Đặng Thái Sơn.
Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1963 học trường Quốc học Huế. Anh đi thi Giải Toán quốc tế tại Anh và đoạt giải nhất năm 1979. Lúc đó chính quyền đã tuyên truyền anh như một nhân tài của Việt Nam sau chiến tranh, nhấn mạnh đến viễn cảnh trong hòa bình Việt Nam anh hùng sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cả nước ai ai cũng đều kỳ vọng vào Lê Bá Khánh Trình và phấn khởi tin tưởng vào tiền đồ của Việt nam. Sau này Lê Bá Khánh Trình đi du học ở Đại học Lômônôxôp nổi tiếng của Liên Xô cũ 10 năm và trở về nước làm một giảng viên bình thường của Đại học khoa học tự nhiên tại Sài Gòn. Anh luyện thi cho những học sinh năng khiếu của lớp chuyên toán. Cũng như mọi người tôi cũng đã từng kỳ vọng anh sẽ làm nên những điều thần kỳ, sẽ trở thành một nhà khoa học lớn của Việt Nam và thế giới nhưng thời gian trôi qua anh cũng chỉ là một công dân bình thường như bao người. Chia xẻ với nhà báo anh nói rằng qua Liên Xô anh cũng học như các sinh viên khác và học sinh đi thi quốc tế như anh Liên Xô cũng có rất nhiều và là chuyện bình thường. Các giáo sư của nước bạn dạy cho anh cũng như cho tất cả các sinh viên khác chứ không có quan tâm chú ý bồi dưỡng anh thành nhà khoa học lớn gì thêm cả. Như vậy chúng ta có thất vọng về anh là do chúng ta đã bị hệ thống tuyên truyền của nhà nước tung lên mây xanh và kỳ vọng về anh thái quá. Việc anh không trở nên nổi danh là lỗi do chúng ta tự huyễn hoặc mình chứ không phải lỗi do anh. Những gì anh chia xẻ là rất đáng quý vì nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự khoa trương của chính quyền những người cộng sản và nó giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của sự thật. Tôi thấy Lê Bá Khánh Trình là một công dân rất đáng trân trọng. Anh sống và làm việc lương thiện, anh có gia đình an vui, hạnh phúc và chúng ta thấy mừng cho anh vì điều đó. Anh đã rất chân thật khi bộc bạch về cuộc đời mình.
Trường hợp của nghệ sỹ Đặng Thái Sơn thì đặc biệt hơn. Anh sinh năm 1958 và học nhạc với mẹ là nghệ sỹ piano Thái Thị Liên từ bé sau đó vào Nhạc viện Hà Nội rất sớm, khi mới 7 tuổi. Việc đi du học nước ngoài anh không hề tơ tưởng vì cha anh, nhà thơ Đặng Đình Hưng, bị coi là phản động vì tham gia nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” phản biện xã hội thời đó. Năm 1976 chính quyền Hà Nội đã không muốn cho anh học tại Nhạc viện Tchaikovsky vì lý lịch của anh nhưng Giáo sư Isaac Katz dạy anh đã làm dữ nên anh được đi. Tài năng của Đặng Thái Sơn thì khỏi phải bàn nhưng khi thi Giải thưởng Chopin năm 1980 tại Ba Lan anh đã không hề được chính quyền Việt Nam ủng hộ chút nào. Anh thi với tư cách thí sinh tự do, được Nhạc viện Tchaikovsky gửi danh sách đăng ký. Vậy mà khi anh đoạt giải bộ máy tuyên truyền của chính quyền đã vơ hết công lao và quảng bá tài năng Đặng Thái Sơn như là kết quả của hệ thống đào tạo xã hội chủ nghĩa ưu việt. Anh được đón tiếp trọng thị như một anh hùng quốc gia. Cha của anh được cấp nhà để quốc tế khỏi xăm soi chê cười Việt Nam. Dù trước đó vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm mà một trí thức như ông Đặng Đình Hưng đã bị chính quyền bắt đi chăn bò cùng với ở nông trường Chí Linh, Hải Dương. Suốt từ năm 1958 cho đến thời điểm Đặng Thái Sơn đoạt giải ông Đặng Đình Hưng đã mất mọi quyền lợi chính trị và kinh tế. Cuối những năm 1970 ông bị bệnh lao phổi phải sống cảnh không nhà không cửa chui nhủi trong nghèo khó. Ngày Đặng Thái Sơn đi thi ông Hưng vẫn phải đang ở nhờ dưới gầm cầu thang của một người bạn. Đặng Thái Sơn nói rằng nhờ anh đoạt giải Chopin mà cha anh sống được thêm 10 năm nữa. Anh đã rất quyết liệt khi muốn đưa cha ra nước ngoài chữa bệnh. Cuối cùng chính quyền Việt Nam đã phải cử bác sỹ Tôn Thất Tùng và Hoàng Đình Cầu chữa cho ông. Chúng ta thấy rõ ràng cha anh bệnh nặng nhưng chính quyền Việt Nam đã không muốn cứu dù trình độ của họ có thể cứu được như thực tế cho thấy. Đặng Thái Sơn thương cha hết mực và anh hiểu rõ về chính quyền cộng sản Việt Nam cho nên anh đã qua Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp và đã xin nhập quốc tịch Canada chứ không để chính quyền lợi dụng. Những nhân chứng của vụ việc ông Đặng Đình Hưng còn rất nhiều. Không đâu xa nếu Ngô Bảo Châu muốn tìm hiểu ông có thể hỏi chuyện họa sỹ Lê Thiết Cương là học trò ruột của nhà thơ Đặng Đình Hưng.
Nhắc chuyện xưa như vậy để Giáo sư Ngô Bảo Châu thấy rằng hợp tác với chính quyền cộng sản không hề đơn giản và ông đừng ngây thơ mà hùa theo chính thể bạo ngược này. Nếu ông muốn thực sự trở thành tài sản quốc gia, tài sản của nhân dân Việt Nam ông hãy dũng cảm đứng về phía nhân dân chung tay bảo vệ lẽ phải bên cạnh việc chuyên tâm nghiên cứu kho học để sau này cống hiến cho nước nhà và cho thế giới. Còn nếu ông trở nên hèn nhát và đánh mất chính kiến của mình ông sẽ bị tụt hậu lại và sẽ bị nhân dân khinh thường.
Lịch sử rất khách quan và công bằng trong việc đánh giá.
Chúng ta mong ông sẽ tỉnh ngộ sau cú vấp ngã này và hãy là tài sản quốc gia thật sự chứ không phải quân bài giả hiệu của chế độ độc tài!
Tân Nguyên Thủ.

Không có nhận xét nào: