Pages

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

NƠI ĐẦU SÓNG TIÊN LÃNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TƯỚNG





TỪ NƠI ĐẦU SÓNG
 
1/ Án lệ Đoàn Văn Vươn và nhu cầu cấp thiết tái lập lẽ công bằng cho người cùng khổ:

Những ngày này, vụ án cưỡng chế khu đầm thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng đang là vấn đề nóng bỏng và cực kỳ nhạy cảm đã tràn ngập thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cả chính thống lẫn không chính thống, kể từ hôm bắt đầu xảy ra sự việc 05/01/2012 cho đến hôm nay, đã có quá nhiều người từ đủ mọi thành phần xã hội lên tiếng về nguyên nhân, diễn biến, tính chất của nó. Dư luận đã mạnh mẽ đến mức chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải trực tiếp đứng ra xem xét và giải quyết vụ việc. Đây không phải là vụ việc duy nhất, cũng không phải đầu tiên liên quan đến vấn đề quyền sở hữu và sử dụng đất của người dân, nhưng nó là tiền đề của sự phản kháng quyết liệt đến mức độ sống còn, vượt ra khỏi phạm vi những ứng xử xã hội thông thường.

Thủ tướng đã phải vào cuộc, trở thành nhân vật được mong đợi nhằm giải quyết dứt điểm sự việc. Trên thực tế, dư luận cũng như đại bộ phận những người quan tâm đã kỳ vọng vào Thủ tướng, không phải chỉ để xử lý 1 vụ án Đoàn Văn Vươn, mà là để thiết lập án lệ cho vô số những vụ việc tương tự khác, để định tính, định hình lại cho vấn đề quản lý đất đai của Nhà nước khi mà nền Luật pháp hiện tại về lĩnh vực này còn nhiều những bất cập cũng như 1 bộ phận không nhỏ cán bộ Nhà nước đã suy nghĩ, hành xử giống với những lãnh đạo Tiên Lãng, Hải Phòng – chà đạp và hành hạ nhân dân. Nhưng Thủ tướng đã làm không dứt điểm, chưa đạt được điều mà người dân mong đợi. Thủ tướng đã vào cuộc ấn tượng, tỏ ra sáng suốt, bản lĩnh, chính trực nhưng lại dừng lại giữa chừng. Khiến sự việc tiếp tục diễn biến như 1 pha tấu hài mà những lãnh đạo biến chất của Tiên Lãng cũng như thành phố Hải Phòng đã sửa đổi kịch bản và giành lại được vai diễn chính. Một khuôn mẫu để thiết lập lại giá trị công bằng xung quanh chuyện đất đai đã được vẽ ra nhưng để rồi vẫn còn treo lơ lửng. Sau buổi họp báo và kết luận, Thủ tướng đã lại bàn giao vụ việc lại cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng mà không trực tiếp can thiệp nữa. Không khác nào Thủ tướng đã đem túi nọc trả về cho con rắn độc và thả nó ra. Lẽ ra, tính chất và mức độ của vụ việc đủ nghiêm trọng để chính quyền trung ương thành lập 1 ban chuyên án, hay ít nhất cũng phải có một ban thanh tra cấp trung ương trực tiếp theo dõi và giải quyết vậy mà cuối cùng chỉ giao lại cho chính tổ chức đã gây ra sai phạm kèm theo không một sự giám sát cấp cao nào. Thế cho nên, bọn họ đã lại tiếp tục mưu đồ xấu, trắng trợn coi thường và giễu cợt Thủ tướng như thách thức.

Những tình tiết, lập luận xung quanh vụ việc đã được quá nhiều người từ những cựu lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Nhà nước, đến các nhà khoa học, trí thức tên tuổi và cả không ít người trong đại bộ phận quần chúng nhân dân đề cập, trình bày nên xin không nhắc lại. Ở đây, tôi chỉ muốn lưu ý đến những vấn đề trọng điểm nhất thuộc về bản chất của sự việc, vấn đề. Đó là kết luận của Thủ tướng về việc cần sớm đưa vụ án “giết người, chống người thi hành công vụ” của những thành viên gia đình Đoàn Văn Vươn ra xét xử mà với tôi là không đúng, cần phải xem xét lại. Tiếp đó là việc Thủ tướng ủy quyền lại cho chính quyền Hải Phòng tiếp tục điều tra, giải quyết vụ việc, tôi xem đây là 1 quyết định chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Thủ tướng. Mà 2 tính chất này, nếu không được nhìn nhận chính xác, giải quyết tường tận thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng công dân mà còn gây tác động tiêu cực lên ý thức chấp pháp và hành pháp dễ dẫn đến khả năng vô hiệu hóa và xem thường Pháp luật, lộng quyền.

Thứ nhất, chúng ta sẽ đi vào thảo luận về hành động sử dụng súng hoa cải của một số thành viên gia đình ông Vươn làm bị thương 6 người thuộc lực lượng cưỡng chế đã tiến vào trong phạm vi đất sở hữu của ông Đoàn Văn Vươn lúc đó. Về hành vi này, tôi xin đưa ra quan điểm của bản thân như sau (xin lưu ý đây là quan điểm pháp lý về bản chất của sự việc):
 
- Nếu trước lúc 6 người thuộc lực lượng cưỡng chế này tiến vào trong khu đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Vươn, mà ông Vươn chưa từng có 1 hành động nào phản đối, kháng nghị về quyết định cưỡng chế thu hồi đất trên, cũng như các quyết định thu hồi đất số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 trước đó của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thì hành động nổ súng của người nhà ông Vươn sẽ cần phải được xem xét, truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”. Bởi vì, cho dù thực tế là các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là vi phạm Luật đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003, nhưng việc không có phản kháng bằng đối thoại, kiến nghị sẽ không thể thể hiện được nhận thức của họ về sự vi phạm pháp luật này, từ đó dẫn đến việc hành vi phản kháng bằng vũ lực sẽ được nhìn nhận là hình thái phản kháng đầu tiên và xuất phát từ ý thức bất tuân người thi hành công vụ. Tôi xin lấy ví dụ đơn giản và dễ hiểu để hình dung: Khi 1 người đang lưu thông trên đường và bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe, nếu anh ta không dừng lại thì chắc chắn sẽ mắc tội chống người thi hành công vụ, nhưng nếu anh ta dừng lại, xuất trình đầy đủ giấy tờ, còn CSGT thì nói anh ta vi phạm 1 lỗi nào đó song anh ta chứng minh được mình không vi phạm (bằng việc dùng lý lẽ, phân tích hiện trường, nhân chứng xung quanh…) mà sau đó CSGT vẫn cố ý xử phạt tội danh này, thì sự phản kháng không còn là chống người thi hành công vụ nữa, bởi người thi hành công vụ đã làm sai và không chịu dừng hành vi sai phạm của mình.

- Tương tự như thế, nếu trước đó, ông Vươn đã từng phản đối, kiến nghị không đồng ý với các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng thì hành vi nổ súng trên phải được khẳng định rằng đó là hành vi tự vệ đơn thuần đồng thời cần phải tiến hành khởi tố UBND huyện Tiên Lãng về tội ban hành quyết định vi phạm Pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật, xâm phạm nơi ở công dân bất hợp pháp và thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì, các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với diện tích đất đầm thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là vi phạm Luật đất đai năm 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 ngay khi chúng được ban hành. Như vậy, khi nhận được sự kháng nghị từ phía ông Đoàn Văn Vươn thì việc đầu tiên UBND huyện Tiên Lãng phải làm đó là xem xét lại các quyết định thu hồi đất đã ban hành đối với ông Vươn căn cứ vào Luật đất đai năm 2003 và nghị định thi hành Luật. Khi đó, UBND huyện Tiên Lãng sẽ phải nhận ra rằng kháng nghị của ông Vươn là phù hợp và quyết định của UBND Tiên Lãng là trái luật, phải hủy bỏ. Từ đó, quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với khu đất đầm của ông Đoàn Văn Vươn phải được xem là 1 hành vi cố ý vi phạm pháp luật bởi tiền thân của nó là các quy định thu hồi đất đã vi phạm pháp luật. Cũng do vậy, hành động chống trả bằng vũ lực của người nhà ông Vươn sẽ phải được xem là hành vi tự vệ vì hành vi cưỡng chế không thể được xem là thi hành công vụ nữa mà đã trở thành hành vi đột nhập, xâm phạm quyền lợi của công dân được Pháp luật bảo vệ.
 
Trên thực tế, ngay khi UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn (đương nhiên trước quyết định và thời điểm cưỡng chế) thì ông Vươn đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND huyện Tiên Lãng. Hội đồng xét xử TAND huyện Tiên Lãng đã tiến hành xét xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Vươn đã làm đơn kháng cáo lên TAND TP.Hải Phòng đề nghị xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ kiện. Sau đó, huyện Tiên lãng đã lừa ông Vươn để rút đơn kháng cáo này (theo lời vợ ông Vươn). Như vậy, với phân tích lý thuyết bên trên và thực tế vụ việc diễn ra, chúng ta hoàn toàn khẳng định được hành vi nổ súng của các thành viên trong gia đình ông Vươn là hành vi tự vệ, đồng thời phía chính quyền Tiên Lãng đã cố tình vi phạm pháp luật và cần thiết phải bị truy tố với tất cả các tội danh đã nêu trên.

Thứ hai: Về chi tiết kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cần sớm đưa vụ án “giết người, chống người thi hành công vụ” đối với các thành viên gia đình ông Đoàn Văn Vươn ra xét xử. Sau những gì phân tích ở trên thì với tôi, Thủ tướng đưa ra kết luận như vậy là đã nhìn nhận chưa đúng bản chất của sự việc trên. Hiện nay, cũng có rất nhiều nhân vật trong lĩnh vực Luật pháp đã đứng ra phân tích, đánh giá về tính chất này. Và nhiều nhà trí thức đã kêu gọi nhân dân ký vào kiến nghị thay đổi tội danh “giết người, chống người thi hành công vụ” của các bị cáo thuộc gia đình ông Vươn. Cá nhân tôi thấy, kiến nghị trên phản ánh chính xác tính chất vụ việc và mong muốn của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân và cho đến hiện nay đã tập hợp được hơn 1000 chữ ký. Tuy nhiên, tôi đã không tham gia ký tên vào kiến nghị này, vì theo quan điểm của tôi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định sai sự việc trên, tuy nhiên chúng ta cũng cần tỉnh táo để luôn luôn ý thức rõ ràng rằng tội danh khi khởi tố chưa phải là tội trạng chính xác mà nó phải được xét xử một cách minh bạch, công khai thông qua hệ thống tòa án. Không ai được định hình tội trạng của bị cáo trước khi xét xử. Dư luận và truyền thông cần hết sức tỉnh táo để không vô tình phát triển hiệu ứng này. Cụ thể ở đây là hiện tại các thành viên gia đình ông Vươn bị truy tố với tội danh trên, nhưng họ chỉ là bị cáo chứ chưa phải là tội phạm. Mà mọi bị cáo khi chưa đem ra xét xử trước tòa đều vẫn đương nhiên vô tội. Và đây sẽ là 1 vụ án mà hoặc tòa sẽ bác đơn kiện, hoặc phải xử ông Vươn trắng án và vô tội, kết quả rõ ràng đã được nhìn thấy từ trước phiên tòa. Nếu hệ thống tòa án không làm được điều đó, tôi sẵn sàng là người đầu tiên ký tên vào Kiến nghị phản đối bản án của tòa và yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông Vươn cùng với những bị cáo còn lại trong vụ án. Tôi coi đây là 1 yếu tố vô cùng quan trọng để từng bước xây dựng 1 xã hội dân sự và Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi hình ảnh của cơ quan hành pháp và nhân dân trong mắt nhau còn chưa nhiều thiện cảm, nếu không muốn nói là luôn mang tâm lý áp đặt tội phạm, đối đầu. Thực tế vẫn thẳng thừng nói lên điều đó, với những vụ chết người trong đồn công an, với những vụ trấn áp biểu tình chống Tàu xâm lược, và với những vụ xúc dân oan khiếu kiện đất đai lên xe đem đi đổ… Rõ ràng, nếu tâm lý của những người công an không có sẵn sự áp đặt, không xem người khác là phạm tội ngay từ đầu, thì đâu thể có những chuyện ngán ngẩm như thế được.
 
Điều quan trọng nhất của vụ án này, đó là nó không bó hẹp trong phạm vi khu đất đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hay nhỏ bé trong những mắt xích ở UBND huyện Tiên Lãng cũng như các bất cập từ lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Nó biểu trưng và đại diện cho vô số những hiện trạng tương tự như thế lan tràn gần như khắp nơi trên cả nước mà Đoàn Văn Vươn chỉ là người đầu tiên tức nước vỡ bờ. Chính vì vậy, Chính quyền cần phải giải quyết thật dứt điểm, công tâm, đừng để những người khác phải nghĩ rằng phải chăng bắt buộc phải có bạo lực thì họ mới thoát được bất công. Đó sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm cho đất nước. Vì vậy, xin Chính quyền hãy lấy vụ án Đoàn Văn Vươn làm án lệ, để nhìn lại biết bao hoàn cảnh tương đồng mà trả lại công bằng cho những người cùng khổ - những con người đã sống cần cù chất phác suốt cả đời để góp phần làm nên đất nước. Chỉ có vậy mới thực sự an được lòng dân, Việt Nam mới thực sự được thái bình, ổn định và phát triển.

2/ Thí điểm Tiên Lãng – Hải Phòng và nhu cầu tái xây dựng mô hình bộ máy Chính quyền địa phương trên toàn quốc:

Sự việc chưa kết thúc, thậm chí mới chỉ là những bước đầu tiên và đang diễn biến vô cùng phức tạp. Điều đáng nói ở đây, là nếu như gia đình ông Đoàn Văn Vươn đại diện cho biết bao nhiêu những cảnh ngộ tương tự khác, thì bộ máy chính quyền ở Tiên Lãng và cả Hải Phòng cũng đại diện cho một lượng lớn những Chính quyền địa phương yếu kém và không trong sạch khác. Vì vậy, càng vô cùng cần thiết phải giải quyết thật tốt vụ án này, xây dựng lại bộ máy lãnh đạo Hải Phòng, Tiên Lãng trong sạch, đủ năng lực, có tâm có tầm để làm khuôn mẫu chỉnh đốn những hệ thống chính quyền ở các địa phương khác cũng đang vô cùng bệ rạc.

Căn nguyên của vấn đề, là từ những hành vi vi phạm Pháp luật liên tiếp của UBND xã Vinh Quang và UBND huyện Tiên Lãng, mà nói như Thủ tướng đã thừa nhận rằng “Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế”, hạn chế đến mức đẩy dân đến bước đường cùng hay sao?! Điều đó quá nguy hiểm cho 1 Chính quyền và Chính quyền muốn tiếp tục tồn tại thì phải nhìn nhận chính xác hiện trạng guồng máy của mình.

Có vẻ như Thủ tướng vẫn đánh giá chưa đúng về mức độ của vụ việc này, vì thế mà sau nghi đưa ra kết luận về vụ việc, dường như Thủ tướng lại để mặc Hải Phòng tự do “kiểm điểm” nội bộ. Bởi thế mà lãnh đạo Hải Phòng đã cười cợt trên kết luận của Thủ tướng ngay sau đó, khi bổ nhiệm Đỗ Trung Thoại làm Tổ trưởng tổ công tác triển khai kết luận của Thủ tướng, mà Đỗ Trung Thoại là ai thì có lẽ không cần nói thêm lời nào nữa. Rồi cũng không thấy phản ứng nào từ Thủ tướng, mà chỉ qua sự phản đối gay gắt của các luồng dư luận, thì sau đó Đỗ Trung Thoại mới bị thay thế. Không chỉ vậy, các quan xã trực tiếp dính líu đến vụ việc cũng chỉ bị đình chỉ công tác 15 ngày, xem như có được 2 tuần nghỉ phép không hơn không kém. Nhưng nếu chỉ như thế thì có lẽ cũng chưa là gì khủng khiếp, song chiều ngày 17 tháng 2, 2012 căn lều tạm của vợ con ông Vươn đã bất ngờ bị phá tan tành, cả bàn thờ cũng bị đập phá và di ảnh bố ông Vươn bị vứt xuống hồ. Kẻ nào đã làm điều đó? Một câu hỏi không đợi phải có câu trả lời. Những kẻ đó với hành động đó, khác nào chúng vừa đấm thẳng vào mặt Thủ tướng hay sao?! Rõ ràng những tiêu cực vẫn đang tồn tại và tiếp diễn hàng ngày.

Vậy, Thủ tướng cần thiết phải trực tiếp quay trở lại. Hoặc ít nhất, cũng phải thành lập 1 ủy ban điều tra cấp Trung ương để trực tiếp giải quyết vụ việc này. Tiên Lãng là án lệ, án lệ nếu công minh thì là ngọn đèn soi cho những sự việc tương tự ở nơi khác, còn nếu án lệ lại sai lầm, cẩu thả, hình thức và lấp liếm không nghiêm thì hậu quả sẽ là cả 1 hệ thống rập khuôn những điều bất công như vậy.

Dư luận vẫn tích cực theo dõi, các lão thành cách mạng, các trí thức, khoa học cũng vẫn liên tục quan tâm, nhưng tiếng nói từ phía Trung ương thì đang thiếu. Thủ tướng ơi, xin đừng để mọi nỗ lực hoài công vô ích. Và xin cũng đừng chỉ vì dư luận mà trả lại quyền lợi cho 1 mình trường hợp ông Vươn, xin hãy đem lại công bằng cho tất cả những trường hợp khác. Bằng cách xử lý thật nghiêm minh vụ việc Tiên lãng này, thiết lập lại bộ máy Chính quyền nơi đây trong sạch, vững mạnh để làm điểm mốc khắc phục bất cập và xây dựng lại toàn hệ thống Chính quyền lãnh đạo địa phương trên toàn quốc.

Rất mong, Chính quyền Trung ương sẽ đồng hành cùng nhân dân suốt vụ việc này.

Sài Gòn, 20/02/2012

Một Người Việt Nam

Không có nhận xét nào: