Pages

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Ông Dương Trung Quốc: “Tiên Lãng chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm”

Cái hệ trọng nhất của quốc gia hay chế độ là an dân chứ không chỉ là an ninh.

“Những phát biểu đầu tiên của tôi (với hai tờ báo Tiền Phong và Đất Việt) đều nêu rõ ‘trách nhiệm trước tiên là Quốc hội’ … Thế mà dường như không thấy vai trò của các tổ chức dân cử … Tôi đã nêu ý kiến là mong muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cả cương vị là Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng vào cuộc … Nhưng đáng tiếc là cả hai tờ báo trên đều cắt bỏ ý kiến này có lẽ vì ngại ngùng gì chăng.” Nhưng Ba Sàm thì chẳng ngại ngùng gì, mà còn mừng húm, đăng liền! Mời xem: 685. Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012: phát biểu của ông Dương Trung Quốc.

“Tiên Lãng chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm”

“Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng theo tôi chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng chìm rất to của rất nhiều những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương trên toàn quốc chỉ vì nó không vương mùi thuốc súng làm chúng ta giật mình”.


Xác đáng
Sau 1 tháng, với sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, sự vào cuộc của một số bộ ngành Trung ương, Thủ tướng cũng đã đưa ra những kết luận kịp thời và hiện Hải Phòng đang triển khai những chỉ đạo của Thủ tướng. Nhận định của ông về các kết luận của Thủ tướng, cũng như những động thái của Hải Phòng sau đó (đã nghiêm túc, quyết liệt và đúng chỉ đạo của Thủ tướng chưa)?
Cũng như nhiều ý kiến đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng cho rằng về căn bản những ý kiến kết luận của Thủ tướng là xác đáng và tạo được một khởi động tích cực cho việc từng bước xử lý vụ việc một cách nghiêm minh.
Những kết luận ấy đã khẳng định cái sai thuộc về một số cấp chính quyền có liên quan ở thành phố Hải Phòng ; chỉ đạo việc xem xét các sai phạm của ông Vươn có lý có tình; chấn chỉnh những vấn đề liên quan đến việc thực thi luật đất đai…
Tuy nhiên, những kết luận của Thủ tướng vẫn chỉ nhằm giải quyết dứt điểm Vụ Cống Rộc mà vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng theo tôi chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng chìm rất to của rất nhiều những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương trên toàn quốc chỉ vì nó không vuơng mùi thuốc súng làm chúng ta giật mình. Nếu ông Vươn cũng cam chịu chắc vụ việc này cũng sẽ chìm !?
Về việc thi hành kết luận của Thủ tướng tôi nghĩ cũng cần có thời gian vả lại tôi không đủ thông tin nên không bình luận. Chỉ có điều khi đã có sự giám sát của nhân dân (trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông) thì chắc mọi việc sẽ phải nghiêm chỉnh hơn.
Lúc này Quốc hội phải chủ động vào cuộc
GS Nguyễn Minh Thuyết và nhiều người khác từng lên tiếng về vai trò của các ĐBQH Hải Phòng và Tiên Lãng trong suốt sự vụ này, gần như không thấy họ xuất hiện. Luật sư Trần Đình Triển cho rằng còn “cần phải làm rõ trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội , Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; việc phát ngôn thiếu chính xác của Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại và Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca; việc kiểm tra – thanh tra – giám sát thực thi pháp luật của các Cơ quan chức năng Thành phố Hải Phòng”.
Là một ĐBQH đương nhiệm, ông đánh giá thế nào về vai trò và trách nhiệm của các ‘đại diện nhân dân’ Hải Phòng trong suốt vụ việc, cũng như kiến nghị của LS Triển?
Những phát biểu đầu tiên của tôi (với hai tờ báo Tiền Phong và Đất Việt) đều nêu rõ “trách nhiệm trước tiên là Quốc hội” vì vụ việc này trực tiếp liên quan đến hai chức năng quan trọng là lập pháp (xây dựng luật) và giám sát (thi hành luật của bộ máy hành pháp và của dân). Chúng ta đều nhớ, khi nổ ra vụ việc, phía chính quyền nói rằng mình thực thi đúng luật, phía người dân chắc thấy oan và ức đến mức nào mới hành động cực đoan như vậy.
Thế mà dường như không thấy vai trò của các tổ chức dân cử (Hội đồng Nhân dân ở cơ sở, Đại biểu QH ở tỉnh và cả cơ quan thường trực của QH nữa) vào cuộc, thực thi quyền giám sát và lên tiếng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vào thời điểm này không chỉ những vấn đề liên quan đến việc thực thi mà ngay chính văn bản luật pháp nữa cũng đang có vấn đề. Chính phần đầu kết luận của Thủ tướng đã nêu rõ trong vòng một phần tư thế kỷ qua (nếu tính từ Luật Đất đai đầu tiên 1987) Quốc hội đã phải thay đổi đến 2 lần (1993 và 2003), rồi Chính phủ ra hàng trăm văn bản dưới luật mà vẫn nhận định rằng nó chồng chéo, phức tạp, thì việc thực thi thế nào chẳng có vấn đề, hoặc do trình độ hiểu biết luật pháp của người dân, hoặc do trình độ cán bộ của bộ máy hành pháp lại cộng thêm những thói hư tật xấu của một bộ phận quan chức thoái hoá…
Nó càng trở nên phức tạp vì kể từ năm 1993 , tức là gần hai thập kỷ nay Luật đất đai, lần đầu tiên trong lịch sử , trên đất nước ta đã thủ tiêu quyền sở hữu tư nhân (đã từng có trong trường kỳ lịch sử).
Việc xác định quyền sở hữu tuyệt đối của “toàn dân” (hư quyền), quyền sử dụng (thực quyền gần như sở hữu) nhưng vấn đề mấu chốt là lại giao quyền đại diện sở hữu (định đoạt) cho bộ máy hành pháp (từ cấp xã trở lên…) biến nó thành một đặc quyền để vận dụng những văn bản đã chưa chuẩn mực lại thiếu sự giám sát dân chủ thì trường hợp Tiên Lãng không phải là cá biệt nếu không phải là phổ biến (?!). Cứ quan sát sẽ thấy, thời buổi này người giàu lên nhanh nhất cũng nhờ đất, người rơi vào sự khốn cũng nhất cùng vì đất.
Chính bản thân luật đất đai cũng cần phải xem xét vào thời điểm này là chín muồi, nhất là vào thời điểm sắp hết hiệu lực giao đất 20 năm và Hiến pháp đã đưa vào chương trình sửa đổi.
Tôi lấy làm lạ khi có người có trách nhiệm giải thích luật là hết thời hạn 20 năm thì cứ tự động kéo dài quyền sử dụng đất. Thế thì lập ra thời hạn để làm gì ?Phải chăng để thêm một lần đảo lộn, xin- cho của các nhiệm kỳ kế tục ?!
Theo tôi, lúc này chính Quốc hội phải chủ động vào cuộc chứ không chỉ có Chính phủ.
Trong trường hợp liên quan đến Tiên Lãng, Hải Phòng, tôi đã nêu ý kiến là mong muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cả cương vị là Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng vào cuộc thì sẽ có điều kiện nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo hơn để giải quyết đựơc không chỉ một vụ việc cụ thể mà còn góp phần chỉ đạo những vấn đề vĩ mô liên quan đến Luật đất đai.
Nhưng đáng tiếc là cả hai tờ báo trên đều cắt bỏ ý kiến này có lẽ vì ngại ngùng gì chăng. Riêng tôi lại thấy, nhờ cả hai vai ấy mà Thủ tướng có được kết luận vừa rồi.
Cách để Hải Phòng “tự xử”
Dư luận cho rằng việc để hai ông Đỗ Trung Thoại và Đỗ Hữu Ca là những người liên quan sự việc, đặc biệt ông Đỗ Hữu Ca là người trực tiếp tham gia cuộc cưỡng chế sai phạm, nay hai ông đó lại được giao chỉ đạo điều tra các sai phạm liệu có khách quan, rơi vào tình huống ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’.
(Trên thực tế, đã có sự mâu thuẫn thông tin khi báo chí và nhân dân phản ánh tôm cá nhà ông Vươn bị bắt trộm sau khi tổ cưỡng chế tiếp quản, trong khi Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rằng công an báo cáo lên ‘nhà ông Vươn đã thuê người đánh bắt tôm cá trước ngày cưỡng chế). Các luật sư và nhân sĩ đã đề nghị phải đưa hai ông này đứng ngoài công tác điều tra để đảm bảo tính khách quan. Ông có ý kiến như thế nào?
Tôi không bình luận về chi tiết này. Biết đâu đấy lại là cách để các vị ấy “tự xử” vì bây giờ mọi động thái liên quan đều bị dư luận giám sát…
Nhiều tướng lĩnh, lãnh đạo lão thành đã lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình với việc huy động lực lượng vũ trang vào cưỡng chế như trong vụ Tiên Lãng , cảnh báo một tiền lệ nguy hiểm. Thực ra, trước đó một số địa phương đã từng triển khai dịch vụ hỗ trợ thi công kiểu như Tiên Lãng vừa qua. Theo ông chúng ta nên giải quyết sai phạm này thế nào để ngăn chặn cách điều hành nguy hiểm này?
Tôi thấy câu trả lời đã đựơc một số vị tướng lĩnh cao cấp lại là những nhà lãnh đạo tiền nhiệm nói quá đủ rồi. Chỉ buồn cho các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang bị huy động đã gặp nạn lại bị mang tiếng. Nhưng đó là một bài học sâu săc.
Cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, từ ứng xử của chính quyền Tiên Lãng trong vụ Đoàn Văn Vươn thấy nổi lên vấn đề là nhiều quan chức đang nhầm lẫn dân và địch. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Nếu những việc làm mà không thủ lợi thì tôi đồng ý là có thể có sự “nhầm lẫn”, nhưng tôi lại cho rằng trong vụ này chẳng nhầm lẫn mà chính “lợi ích” nó làm cho mù loà, mụ mẫm thôi và thiếu dân chủ nên lộng hành mà thôi.
Một “bi kịch lạc quan”
Nhiều chuyên gia cho rằng vụ Tiên Lãng cần được nhìn nhận như một lời cảnh báo khẩn thiết về nguy cơ bất ổn xã hội từ những bức xúc của dân chúng với chính quyền liên quan đến đất đai. Từ khía cạnh an ninh, theo ông chúng ta cần nhìn nhận như thế nào về vụ việc này. Cần phải làm gì để tháo ngòi “quả bom nổ chậm” này?
Không biết tôi có đơn giản quá không, nhưng tôi mong rằng đây sẽ là một “bi kịch lạc quan”.
Bi kịch thì rõ rồi. Ông Vươn vẫn trong tù, chủ nhà bị “vạ lây cháy thành” thì chưa biết đến bao giờ dựng lại được ngôi nhà bị phá sập; một số quan chức liên quan thì chắc lúc này ăn ngủ không yên. Nhưng nó sẽ mang lại sự lạc quan nếu từ vụ việc này mà tất cả chúng ta tỉnh ra, nghiêm túc xem xét lại như một bài học, dám nhận những cái sai để sửa, dám điều chỉnh những cái chưa đúng để làm cho đúng (nhất là về hệ thống pháp luật) và giải toả được nhiều trường hợp oan ức tương tự như ông Vươn (mà tôi tin là không ít).
Tôi rất xúc động khi nghe bà vợ ông Vươn phát biểu sau khi có kết luận của Thủ tướng là mong xem xét cho những người khác cũng bị oan ức như chồng mình liên quan đến đất đai. Cái hệ trọng nhất của quốc gia hay chế độ là an dân chứ không chỉ là an ninh.
Thủ tướng cũng trực tiếp làm việc với Hải Phòng về việc này. Theo ông, sức ảnh hưởng và lan tỏa trong các động thái của TW tới vụ Tiên Lãng sẽ tác động tới sự ổn định xã hội, lòng tin của dân vào Đảng & Nhà nước thế nào?
Điều đó tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta phải được nhìn từ cả hai phía không chỉ Nhà nước mà cả người dân.
Tôi rất thích một cái tục lệ của một địa phương cũng ở Thành phố Hải Phòng: Lễ hội “Minh thệ” của làng Hoà Liễu, Kiến Thuỵ, ngày xuân cả quan chức và dân đều ra đình thề trước thành hoàng. Quan chức thì không lấy của công, không bắt nạt dân. Dân thì thề sống ngay thẳng, thực hiện nghĩa vụ…
Ai làm trái lời thề thì “thần linh đả tử”. Tức là phải trừ tiệt cả “quan tham” lẫn “dân gian” thì làng xóm mới bình yên, nhân dân mới hạnh phúc. Cái lý của người xưa thật hay. Dân mà gian thì lúc được làm quan chắc chắn sẽ thành”quan tham”; còn đã có “quan tham” thì dân phải gian mới sống nổi.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Hường (thực hiện)

Không có nhận xét nào: