Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Philippines nỗ lực bảo vệ chủ quyền

Quân đội Philippines tuần tra trên một hòn đảo
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bao gồm
 nhiều hòn đảo hiện nay có dân Philippines
cư trú
Phóng viên Mary Kay Magistad của Đài phát thanh công cộng quốc tế (PRI) nhìn về các tranh chấp ở Biển Đông dưới góc độ của người dân và chính quyền Philippines. BBC Việt ngữ trân trọng giới thiệu.
Sarah Osorio là một cô gái sôi nổi và xinh đẹp. Cô đang nắm giữ vương miện Hoa hậu Palawan và Hoa hậu Kalayaan – tên gọi của một chuỗi các hòn đảo nhỏ đang có tranh chấp ở Biển Đông.

“Tôi đấy!” cô gái 18 tuổi lên tiếng khi đang xem một đoạn video về cuộc thi hoa hậu trong đó có hình ảnh cô đang sải bước trên sân khấu trong bộ áo tắm hai mảnh màu đỏ với gương mặt rạng ngời.
Osorio nói cô tham gia cuộc thi sắc đẹp để nói lên một điều quan trọng về quần đảo Kalayaan, nơi cha cô là dân biểu của hội đồng địa phương. Cơ hội đến với cô khi cô nhận được câu hỏi ứng xử là sẽ làm gì nếu chiến thắng.

“Tôi sẽ tập trung vào vấn đề lớn nhất của địa phương chúng ta. Đó là việc các nước khác đang đòi chủ quyền đối với khu vực tôi đang sống,” cô trả lời, “Bởi vì khu vực đó chỉ thuộc về Philippines mà thôi.”
Khán giả reo hò dữ dội và vương miện đã thuộc về cô.

Trách nhiệm với đất nước

Quần đảo Kalayaan nằm trong số hàng ngàn các hòn đảo, đảo san hô và đá ngầm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đang có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau. Phía dưới và xung quanh các hòn đảo này được tin là có trữ lượng lớn dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bao gồm toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào khu vực mà Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS thừa nhận là vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
"Mọi người vẫn chọn sống trên đảo để thể hiện rằng nó thuộc về chúng tôi, rằng chúng tôi sở hữu hòn đảo đó cho Philippines."
Sarah Osorio, 18 tuổi, cư dân trên quần đảo Kalayaan
Điều này đã dẫn đến những cuộc xung đột và chạy đua để chiếm giữ các hòn đảo và các bãi đá ngầm.
Quân đội Philippines có một vài quân nhân sống trên một con tàu rỉ sét neo đậu trên một hòn đảo san hô. Không có chỗ cho thêm bất cứ một thứ gì khác.
Về phương diện so sánh thì Pagasa, tên hòn đảo chính của quần đảo Kalayaan, rộng rãi về diện tích với đường kính khoảng 650 mét. Nhiều cư dân trên đảo có chân trong chính quyền địa phương.
“Chúng tôi chỉ là một hòn đảo nhỏ – không có hoạt động gì, không trò giải trí,’ Osorio nói. “Bạn có thể đánh cá cả ngày và đến 6 giờ chiều: không điện và đi ngủ.”
Mặc dù vậy, cô nói, mọi người vẫn chọn sống trên đảo “để thể hiện rằng nó thuộc về chúng tôi, rằng chúng tôi sở hữu hòn đảo đó cho Philippines”.
Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm tới. Hiện tại nước này đã nhập khẩu hơn phân nửa lượng dầu tiêu thụ. Nước này đang ‘ngắm’ Biển Đông để tìm thêm dầu và ngày càng trở nên mạnh bạo trong những đòi hỏi chủ quyền của mình.
Khi công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ loan báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng họ đã tìm thấy dường như là một giếng khí đốt có trữ lượng đáng kể gần thành phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, Trung Quốc đã cảnh báo rằng các công ty nước ngoài không nên tiến hành các dự án ở các vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

‘Ngư dân’ hung hăng

Một công trình của Trung Quốc trên một đảo đá ngầm thuộc Trường Sa
Trung Quốc đã xây dựng các công trình trên các hòn đảo có tranh chấp chỉ sau một đêm
Phía Philippines cũng gặp những thách thức như vậy. Trung tướng Juancho Sabban, người đứng đầu Bộ chỉ huy phía Tây của các lực lượng vũ trang Philippines trên hòn đảo, khoe một chiến tích mà ông gọi là ‘hàng từ thiện của Trung Quốc’ biếu cho lực lượng tuần dương của ông – một toàn đánh cá cao tốc mà ông tịch thu của Trung Quốc.
“Chúng có thiết bị định vị toàn cầu GPS. Chúng có radio. Chúng được trang bị bộ nén khí dùng một ống khí dài khoảng 50 mét để lặn sâu dưới biển,” ông nói.
Trung tướng Sabban tin rằng con tàu cao tốc có liên quan đến hoạt động hải giám của Trung Quốc. Khi nó đi vào vùng biển của Philippines, nó đã bị các tàu tuần tra nhỏ hơn của nước này chặn đường. Tàu cao tốc của Trung Quốc định đâm thẳng vào các tàu tuần tra này cho nên lực lượng tuần tra Philippines phải nổ súng để vô hiệu động cơ của nó.
Các thủy thủ bị bắt giữ trên tàu nói họ là ngư dân cư trú trên đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên Tướng Sabban nghi ngờ rằng liệu một tàu đánh cá có thể tự đi một quãng đường dài đến 600 hải lý.
"Người Philippines đã đến Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước nên họ có thể đòi chủ quyền một số vùng trên lãnh thổ Trung Quốc?"
Trung tướng Philippines Juancho Sabban
Ông cũng lưu ý rằng các thủy thủ này đã được Đại sứ quán Trung Quốc chuộc ra ngay lập tức và sau đó biến mất.
Ông cho biết các con tàu tương tự đã để lại những cột mốc và vật liệu xây dựng gần các hòn đảo và bãi đá ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đã dựng một công trình trên Bãi Mischief chỉ sau một đêm vào năm 1995 và hiện giờ đã có lực lượng đồn trú ở đó, khoảng 130 hải lý cách bờ biển Philippines và 600 hải lý cách bờ biển Trung Quốc.
Trung Quốc nói họ có chủ quyền từ xa xưa đối với các hòn đảo xa xôi này bởi vì các nhà thám hiểm của họ đã tìm thấy và đặt tên cho chúng từ nhiều thế kỷ trước.
“Theo cách hiểu thông thường, điều này thật nhảm nhí,” Tướng Sabban nói. “Không thể tin được”.
Nếu nói theo logic đó, ông lập luận, thì người Philippines đã đến Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước nên họ có thể đòi chủ quyền một số vùng trên lãnh thổ Trung Quốc.

Cầu viện Hoa Kỳ

Tổng thống Philippines khánh thành tàu Gregorio der Pillar
Philippines đã tăng cường lực lượng hải quân để bảo vệ bờ biển của mình
Ông nhìn nhận sự quả quyết của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có liên quan đến việc Philippines và Việt Nam đang mở cửa những vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền cho các công ty thăm dò nước ngoài.
Các công ty Shell của Hà Lan và Chevron của Mỹ đều đã có hoạt động ở Philippines và nước này đang gọi thầu cho 15 lô thăm dò dầu khí ngoài khơi nữa.
“Hiện nay ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng tôi đang phát triển và các nhà đầu tư đã tăng lên gấp năm lần,” ông nói.
“Trong năm nay, sẽ có thêm nhiều mỏ dầu sẽ được đào ở thềm lục địa của Biển Tây Philippines (cách gọi của người Philippines đối với khu vực Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền) và chúng tôi hy vọng rằng cho đến cuối năm nay sẽ có thêm nhiều giàn khoan nữa đi vào hoạt động,” ông nói thêm.
Bảo vệ các giàn khoan là một trong các hoạt động diễn tập mà phía Philippines tham gia cùng với quân đội Hoa Kỳ vào mùa xuân năm nay. Một phái đoàn của Philippines cũng có chuyến thăm Washington hồi tháng Giêng để đàm phán về việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho họ ở Biển Đông.
“Vùng biển này quan trọng đối với Hoa Kỳ,” Đô đốc Jonathan Greenert, người đứng đầu các hoạt động hải quân của Mỹ, phát biểu mới đây, “Đây là vùng biển trọng yếu đối với hải quân chúng ta và là trọng tâm của chúng ta trong nhiều thập niên bởi vì các con đường giao thương, các nền kinh tế lớn.”
Đô đốc Greenert nói thách thức ở vùng biển này là giữ cho các tuyến đường hàng hải được thông suốt và hòa bình trong khi kiểm soát các nguy cơ xung đột ở mức tối thiểu.
"Hãy nhớ cuộc chiến tranh Việt Nam, khi một nước nhỏ đánh thắng một siêu cường. Đó là quyết tâm của một dân tộc muốn tự vệ."
Trung tướng Philippines Juancho Sabban
Quan điểm của Trung Quốc là Mỹ nên lo chuyện của mình.
“Bất cứ sự can thiệp nào từ các lực lượng bên ngoài và đàm phán đa phương chỉ làm phức tạp thêm chứ không giải quyết được vấn đề,” người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Duy Minh phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái.
Trung Quốc chỉ ra rằng kim ngạch hiện tại trị giá 30 tỷ đô la giữa Philippines và Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong một vài năm nữa. Ngược lại Trung Quốc có thể trừng phạt Philippines, như tờ Hoàn cầu thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc từng cảnh báo, nếu nước này tìm kiếm sự giúp đỡ quân sự từ phía Mỹ.
Trong một bài xã luận khác, Hoàn cầu thời báo cũng cảnh báo rằng các ‘nước nhỏ’ như Philippines và Việt Nam nên chấm dứt thách thức quyền lợi của Trung Quốc nếu không thì cần chuẩn bị đón nhận ‘tiếng đại bác’.
Không ngạc nhiên là những lời lẽ như thế này đã làm cho Tướng Sabban khó chịu. Ông nói ông đã tăng gấp đôi các cuộc tuần tra các vùng biển lân cận trong vòng 18 tháng qua nhưng vẫn không tăng sự hiện diện quân sự.
Ông nói ông muốn có một giải pháp hòa bình và Trung Quốc nên cân nhắc trước khi muốn hung bạo hơn nữa ở vùng biển này.
“Hãy nhớ cuộc chiến tranh Việt Nam, khi một nước nhỏ đánh thắng một siêu cường,” ông nói, “Đó là quyết tâm của một dân tộc muốn tự vệ.”

Không có nhận xét nào: