Pages

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Quốc Hội sẽ giám sát chỉnh Đảng


Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo (thứ hai, phải sang) trao đổi
với Ban Việt ngữ về chuyến thăm Anh Quốc của
Đoàn nghị sỹ Quốc hội VN.

Quốc Phương

BBC Tiếng Việt

Quan chức lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội của Việt Nam cho BBC hay Quốc hội sẽ có vai trò “giám sát” với đợt chỉnh đốn, xây dựng Đảng đang được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khởi xướng qua Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 11.

Trao đổi với BBC trong chuyến thăm trụ sở Bush House của Thế giới Vụ Đài BBC và thăm Ban Việt ngữ hôm thứ Ba, 28/2/2012, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu có vai trò tham mưu, tư vấn chiến lược và chính sách lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói:
“Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một công việc thường xuyên, bảo đảm cho sự sống còn, tồn tại và phát triển của một Đảng, cho nên đây là công việc thường xuyên mà Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm.

“Phải nói là công việc của Đảng đồng thời là công việc của Nhà nước và cũng có thể nói đây là công việc của toàn dân. Bởi vì theo tôi việc xây dựng Đảng hiệu quả phải dựa vào dân và sử dụng, phát động được sức mạnh của toàn dân để xây dựng Đảng thì mới đạt kết quả.
“Đối với Nhà nước, địa vị của Đại biểu Quốc hội có một lợi thế hơn hẳn ở chỗ vừa là cơ quan Nhà nước, vừa là người đại diện, đại biểu cho dân, những người ưu tú, được dân tin tưởng, gửi gắm, thì rõ ràng trách nhiệm của Quốc hội trong việc này càng phải cao hơn, chứ không phải là đứng ngoài cuộc, không phải là việc của Đảng.”
“Có một lợi thế quan trọng của Quốc hội, đó là Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan Nhà nước, mà đấy là đối với các quan chức. Ví dụ như vấn đề chất vấn các quan chức”
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
“Có nhiều cách, nhưng trong đó có một lợi thế quan trọng của Quốc hội, đó là Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan Nhà nước, mà đấy là đối với các quan chức. Ví dụ như vấn đề chất vấn các quan chức, các thành viên Chính phủ, hay các vị trí do Quốc hội bầu hay phê chuẩn, hay hình thức bỏ phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với các vị trí mà Quốc hội bầu hay bổ nhiệm.
Tiến sỹ Thảo tin rằng việc làm này “có tác dụng tích cực” đối với việc chỉnh đốn Đảng vì theo ông các cương vị, vị trí quan trọng của Nhà nước hầu hết đều là đảng viên, là cán bộ của Đảng “cử ra” để nắm các vai trò lãnh đạo. Ông khẳng định:
“Rõ ràng Quốc hội với chức năng là cơ quan vừa là đại diện cho dân, vừa là thực hiện chức năng giám sát tối cao, sẽ có điều kiện cần để có thể làm tốt cái đó.”
Tư hữu đất đai

TS Đinh Xuân Thảo cho rằng chế độ sở hữu đất đai ở VN hiện nay còn “rộng hơn” và “thông thoáng” hơn nhiều nước.
Nhân sự kiện vụ phản kháng chính quyền, chống cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây, Tiến sỹ Thảo, Đại biểu Quốc hội của Hà Nội, nêu quan điểm về công nhận hay không với quyền tư hữu tài sản, tư liệu sản xuất nói chung, quyền tư hữu đất đai của người dân nói riêng:
“Riêng đối với đất đai, nó là một đặc thù, vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất, vừa có giá trị như hàng hóa, tất nhiên hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp, luật xác định đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Tức là duy nhất có một hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, nhưng lại giao cho các tổ chức và cá nhân được quyền sử dụng… Và cùng quyền sử dụng, được trao thêm nội hàm, nội dung quyền sử dụng rất rộng, có bảy quyền cơ bản.
“Điều đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác lợi ích của đất đai. Trong lần sửa đổi này, nguyên tắc cơ bản sở hữu toàn dân, theo hướng phải xác định rõ sở hữu nhà nước, hay sở hữu quốc gia, sở hữu công cộng đối với đất đai để cho có một chủ thể, có một pháp nhân cụ thể cho việc quản lý thì nó sẽ tốt hơn.”
“Còn đối với vấn đề có đa hình thức sở hữu đất đai không thì cái đó còn phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi vì thực tế cái này có liên quan tới sửa đổi Hiến pháp, lần này có sửa đổi hay không, cái đó còn phụ thuộc vào ý chí, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân VN”
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
Tiến sỹ Thảo cho hay Việt Nam còn đang nghiên cứu về “đa hình thức sở hữu đất đai,” đồng thời đánh giá chế độ sở hữu nhà nước về đất đai hiện nay còn “rộng hơn”, “thoáng hơn” nhiều nước trên Thế giới. Ông nói:
“Còn nếu mà nói toàn dân thì đúng thôi, nhưng mà nó là chung chung, nhưng cuối cùng, chủ thể con người cụ thể, quản lý nó là ai. Còn đối với vấn đề có đa hình thức sở hữu đất đai không thì cái đó còn phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi vì thực tế cái này có liên quan tới sửa đổi Hiến pháp, lần này có sửa đổi hay không, cái đó còn phụ thuộc vào ý chí, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
“Bởi vì cho đến nay, lâu nay cũng chưa có một ai nói là vì do không có sở hữu tư nhât đất đai mà nó ảnh hưởng đến lợi ích, mà chẳng qua người ta kêu vấn đề định giá chưa chuẩn. Bởi vì trong luật quy định khi thu hồi phải bồi thường theo giá thị trường hay ngang giá thị trường, nhưng giá thị trường là như thế nào thì xác định chưa thật chuẩn, nên khi giải tỏa, đền bù chưa xác đáng, dẫn đến những khiếu kiện này khác thôi.
“Còn cơ bản nói quyền sử dụng đi kèm các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, thầy là nó rất thuận lợi và nếu so sánh với một số nước trên thế giới, quyền sở hữu của người dân đối với đất đai nó thoáng hơn, rộng rãi hơn so với nhiều nước trên Thế giới. Thứ hai nữa là trên Thế giới, không phải nước nào cũng tư nhân hóa 100% đất đai, có thể người ta chỉ tư nhân hóa một phần, chẳng hạn đất ở, còn đất công cộng, đất đô thị, đất ở thành phố, thì Nhà nước vẫn phải quản lý.”
Phúc quyết hiến pháp?

Đoàn nghị sỹ Quốc hội VN thăm BBC, trao đổi và tìm hiểu về công việc báo chí của Ban Việt ngữ hôm 28/02/2012.
Về Hiến pháp, trước câu hỏi có nên tiếp tục sửa Hiến pháp 1992 hiện hành, hay nên thay hẳn bằng việc xây dựng một bản Hiến pháp mới, có sự phúc quyết của toàn dân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội đưa ra quan điểm:
“Vấn đề làm mới hay là sửa đổi, bổ sung một số điều, thì lần này, chúng tôi không có một ấn định trước, xác định trước là chỉ có sửa cái này mà không sở cái kia, mà lại khẳng định sửa nhiều, hay sửa ít, thì cái đó phụ thuộc vào tổng kết.
“Hiện nay, chúng tôi mới ở trong giai đoạn đầu, giai đoạn tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp. Và cái việc đó, hiện nay đang sắp hoàn tất, và cố gắng sẽ hoàn tất, từ nay cho đến tháng Tư, tháng Năm là kết thúc giai đoạn tổng kết…
Ông Thảo nhấn mạnh khác biệt của lần sửa Hiền pháp này so với trước đây là việc sửa đổi, bổ sung “không bị đóng khung” hoặc giới hạn trước. Ông nói:
“Nếu qua tổng kết, thấy rằng những quy định trước đây hiện nay không còn phù hợp, hoặc trong tương lai sẽ không còn phù hợp nữa, và những điều đã rất rõ, và có sự đồng thuận cao của nhân dân, vì nhân dân là chủ thể của quyền lực và lập hiến, mà nhân dân thấy cần phải sửa nhiều, thì cũng sẵn sàng, Ủy ban dự thảo sửa đổi sẽ chuẩn bị các hướng đó.
“Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định”
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
“Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định. Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia.”
Đoàn đại biểu gồm một số Đại biểu Quốc hội tới thăm nước Anh theo lời mời của Bộ Ngoại giao Anh, thăm Thế giới vụ BBC và Ban Việt ngữ lần này do Tiến sỹ Viện trưởng Đinh Xuân Thảo làm trưởng đoàn.
Các thành viên khác gồm Tiến sỹ Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội và ông Trương Quốc Hưng, Trợ lý Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp.
Trong cuộc trao đổi khá chi tiết với BBC, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo còn đề cập tới nhiều vấn đề khác từ phương án xây dựng Luật về Đảng, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xử lý tham nhũng và trách nhiệm cá nhân trong vụ Vinashin… cho tới các vấn đề vai trò phản biện của tầng lớp trí thức, quan hệ đối ngoại với Trung Quốc cùng phương án Quốc hội có nên ra Luật hoặc Nghị quyết vào năm nay về đàm phán, yêu sách Trung Quốc trao trả Hoàng Sa hay không…
Các phần âm thanh và hình ảnh cuộc phỏng vấn với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo sẽ được Bbcvietnamese.com đăng tải ở chuyên mục Nghe xem trên trang nhà của chúng tôi, mời Quý vị đón theo dõi tới đây.

Không có nhận xét nào: