Pages

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Trung Quốc "răn đe" châu Á?

Phải chăng Myanmar đang xa rời “vòng tay Trung Quốc để về với ” Mỹ? Câu hỏi trên thời gian qua đang rộ lên trên khắp các mặt báo phương Tây.
Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc Global Times, rõ ràng có những sự hiểu nhầm về sự thay đổi ở châu Á. Dù thực tế, Trung Quốc hiểu rõ rằng sự phụ thuộc của Myanmar vào họ không phải sẽ kéo dài mãi mãi. Tương tự như vậy, Triều Tiên, “người anh em tốt, láng giềng tốt” của Trung Quốc một ngày nào đấy “đủ lông đủ cánh” cũng có thể “thay lòng đổi dạ” hoặc không cần dựa vào Đại lục thêm nữa. Thực tế là, cả Myanmar lẫn Triều Tiên đều là những thực thể độc lập và như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, luôn tìm cách cân bằng, điều chỉnh các quan hệ ngoại giao dựa trên lợi ích quốc gia của họ.
Nhưng dường như nhiều người đang suy diễn và gán các điều chỉnh này thành sự chiến thắng về phương diện ngoại giao của phương Tây.

Thực tế, Myanmar không phải đang “ngả nghiêng” về phía Mỹ hơn Trung Quốc - đồng minh truyền thống của họ.
Ngược lại, Global Times khẳng định, sự thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa “con rồng châu Á” và “cường quốc số 1 thế giới” lại đang mang lại cho các quốc gia châu Á nhiều cơ hộ để tối đa lợi ích của họ hơn bao giờ hết.
Và quan hệ “quấn quýt” của Myanmar với Mỹ thời gian gần đây nên được nhìn nhận như là lựa chọn tất yếu.
Chính quyền Myanmar chịu nhiều sức ép bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây trong suốt nhiều năm qua. Do đó, “qua lại” thân thiết với Mỹ chính là con đường nhanh nhất và duy nhất giúp nước này tháo gỡ các lệnh cấm vận trên. Tương tự như thế, nếu phương Tây muốn thấy Triều Tiên “xa rời” vòng tay chở che của “anh cả” Đại lục, đơn giản chỉ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Với các quốc gia châu Á khác, báo Trung Quốc đưa ra lời khuyên, trừ khi Bắc Kinh - Washington để mặc cho căng thẳng hai nước bùng lên thành chiến tranh, thì họ nên có chiến lược ngoại giao một cách độc lập, không nên “liên minh” với Mỹ hay ngả về bên Trung Quốc. Không một quốc gia châu Á nào nên tồn tại ý định trở thành “con rối”, bị kẹp ở giữa đối đầu Trung - Mỹ. Thậm chí, ngay cả khi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương, thì Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không nên quá vui mừng và gật đầu trước mọi yêu cầu của cường quốc số 1 thế giới.
Trung Quốc không bận tâm đến việc khôi phục lại các quan hệ phụ thuộc ở châu Á để tránh bị “làm phiền” bởi những quốc gia láng giềng bé nhỏ. Trong các quan hệ này, Trung Quốc thường cho đi nhiều hơn là nhận lại.
Ít nhất là cho đến lúc này, Trung Quốc không hề có tham vọng cải tổ trật tự châu Á như nhiều người vẫn hoài nghi. Con rồng châu Á chỉ mong khu vực châu Á-Thái Bình Dương “trời yên biển lặng” để họ dễ bề phát triển và hùng mạnh.
Tuy nhiên, theo Global Times, sự quay trở lại châu Á của Mỹ cũng khiến người Trung Quốc phải cân nhắc về sự cạnh tranh trong khu vực châu Á. Mục tiêu của Bắc Kinh là phải củng cố và tăng cường lòng tin cho các quốc gia châu Á và tránh để họ “kết bè kết phái” chống lại Trung Quốc vì những hiểu lầm không đáng có.
Cuối cùng, Global Times khẳng định cả Trung Quốc và Mỹ, không bên nào có thể bắt các nước châu Á phải chọn một liên minh, hoặc với Trung Quốc, hoặc với Mỹ.
Hiện các quốc gia trong khu vực ở trong quá trình "tái định vị" và các giá trị của phương Tây không còn được ưa chuộng, thậm chí, đang đối mặt với sự chán ghét bởi người châu Á. Thực tế, sự đa dạng của châu Á khiến cho sự phân chia đơn giản - “thân” Mỹ hay “thân” Trung trở nên quá lỗi thời.
Theo Bạch Dương (Global Times/Đất Việt)

Không có nhận xét nào: