Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Vụ cưỡng chế đầm tôm: “Có lỗi mà không nhận là… thái độ xấu”


“Người dân chống người thi hành công vụ, rõ ràng là sai nhưng cần xem cụ thể trong hoàn cảnh, bối cảnh đó, không thể cực đoan, bức xúc, đòi người dân phải trả giá cao nhất. Trong việc xử lý cán bộ cũng cần có sự bình tĩnh, thấu hiểu…” – Nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Vũ Mão .
Trong vụ việc ở Tiên Lãng, cán bộ có lỗi mà vẫn không nhận là thái độ xấu. Là công bộc của dân thì phải biết đặt câu hỏi, tại sao ta nghĩ ta đúng mà người dân lại ai oán, bức xúc?
Cần đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào đối chiếu để làm rõ
Trong những ngày qua, vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn liên tục trải qua những diễn tiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc?
Không coi nhẹ nhưng cũng không nên cường điệu, coi đây là việc gì quá bất bình thường mà hãy coi đây chính là một vấn đề cuộc sống đang đặt ra. Vụ Đoàn Văn Vươn không phải là cá biệt, những hiện tượng tương tự như ở Tiên Lãng, theo tôi, đang âm ỉ, chìm khuất ở nơi này, nơi khác trong cả nước. Con số 70-80% các vụ khiếu kiện hiện nay là về lĩnh vực đất đai là con số đáng suy nghĩ. Nhiều bức xúc của xã hội về tham nhũng cũng ở lĩnh vực này.
Ông Vũ Mão: Lãnh đạo địa phương đã sai về tư tưởng, sai về phương pháp
Đây là một ngòi nổ, một sự kiện đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải bình tĩnh, sáng suốt, phải lắng nghe ý kiến của dân để xử lý một cách có lý, có tình và quan trọng là phải chỉ rõ bản chất sâu xa của vấn đề chứ không chỉ nằm ở là vụ này hay vụ khác.
Chính quyền huyện, xã đã có thời gian khá dài để giải quyết sự việc, nhưng cuối cùng vẫn để một kết cục xấu xảy ra trong ngày cưỡng chế. Ông đánh giá thế nào về cách giải quyết của xã, của huyện trong vụ việc này?
Phải nói luật pháp của ta có chỗ chưa rõ ràng nên địa phương vận dụng theo cách hiểu của họ, thậm chí bị vận dụng theo hướng lợi ích của một số người. Nhưng theo tôi, cái sai của cán bộ trong vụ việc là có. Dĩ nhiên, sai thì phải xử lý, mà xử lý ở đây là xử lý cán bộ, người có chức có quyền, sai đến đâu xử đến đấy.
Trong suốt diễn tiến vụ việc, những người lãnh đạo địa phương đã không có những động thái nhận sai, đồng thời cách giải quyết của họ đã dẫn tới tình thế người dân và chính quyền đối đầu gay gắt. Ông nói gì về điều này?
Đấy là vấn đề rất nguy hiểm. Bác Hồ luôn dạy chúng ta có lỗi phải biết nhận lỗi. Trong trường hợp này, có lỗi mà vẫn không nhận lỗi là thái độ xấu, đáng phê phán, đáng kỷ luật.
Nói mình là công bộc của dân thì phải biết đặt câu hỏi, tại sao ta nghĩ ta đúng nhưng người dân lại ai oán, ca thán, bức xúc như vậy, phải xem ta có gì sai không. Vậy nên tôi nghĩ trong vụ việc này có những người Đảng viên ở đây chưa mang đúng tinh thần người cộng sản.
Việc phá nhà trên diện tích không phải cưỡng chế hay “hôi” đầm thủy sản, nhiều người cho rằng để tìm ra thủ phạm không phải quá khó và mất thời gian nhiều, nhưng thực tế phải đến khi Thành ủy Hải Phòng công bố việc xử lý cán bộ, vấn đề mới được làm rõ. Sự chậm trễ này cũng làm ảnh hưởng niềm tin của người dân?
Người dân chống người thi hành công vụ, rõ ràng là sai nhưng cần xem cụ thể trong hoàn cảnh, bối cảnh đó, không thể cực đoan, bức xúc, đòi người dân phải trả giá cao nhất. Trong việc xử lý cán bộ cũng cần có sự bình tĩnh, thấu hiểu…

Việc này rõ ràng những người lãnh đạo địa phương đã sai về tư tưởng, sai về phương pháp khi không muốn thừa nhận việc làm của mình và của thuộc cấp là sai nên phủ nhận hết. Đã đến mức như vậy thì cần có tổ chức, cơ quan điều tra độc lập của T.Ư, làm nghiêm túc, theo đúng chức năng để làm rõ vấn đề, kết luận rõ đúng sai mà phương pháp tốt nhất trong trường hợp này là xuống với dân.
Theo tôi, cần đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào đối chiếu để làm rõ việc ở Tiên Lãng. Về công tác Đảng, đề nghị Ban Bí thư vào cuộc một cách thiết thực nhất, dựa vào Nghị quyết T.Ư 4 để so sánh, từ đó rút ra trường hợp này phải xử lý như thế nào và cần phải làm những việc gì. Theo tôi, chúng ta không nên chỉ phê phán mà phải xây, lấy cái xây để sửa sai.
Ông có phát biểu nếu là Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông sẽ không xử sự như các vị này. Nếu đặt vào cương vị Chủ tịch hay Bí thư huyện ở thời điểm này, khi việc đã rồi, ông sẽ làm gì đầu tiên?
Nếu là Chủ tịch huyện, tôi sẽ bình tĩnh để nhìn nhận, lắng nghe xem tại sao dân lại làm như thế, người dân sai gì, đúng gì, lý lẽ của dân là gì.
Còn đã từng là Bí thư huyện ủy, tôi coi tất cả sự việc xảy ra trong huyện là trách nhiệm của mình. Chủ tịch có trách nhiệm ở cương vị người đứng đầu cơ quan hành chính nhưng sự việc xảy ra như thế, một Bí thư huyện ủy không thể là người ngoài cuộc được.
Nếu là Bí thư Tiên Lãng, tôi sẽ khiêm tốn để xem xét nhận khuyết điểm với dân, xuống với dân để hỏi, bàn với dân. Dù có khuyết điểm nhưng biết hối lại, muốn nghe lại dân thì phải xuống chứ cứ ở trên, sợ không xuống với dân thì còn gì là lãnh đạo nữa.
Chỉ thu hồi đất đai trong những trường hợp đặc biệt
Ông đã phân tích nhiều ở khía cạnh chính quyền, còn với ông Đoàn Văn Vươn, người phạm tội chống người thi hành công vụ, nhưng xét ở khía cạnh nào đó cũng là “nạn nhân”, ông có chia sẻ gì?
Ông Đoàn Văn Vươn hay chúng ta cũng vậy, có cả lý trí và tình cảm, có vui và có buồn, có ngọt ngào và có chua xót, có day dứt và có bức xúc. Tôi nghĩ, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, phải phân tích rất rõ việc chống người thi hành công vụ của ông Vươn.
Không thể vô cảm với vụ việc ở Tiên Lãng
Nhưng thứ 2, cũng phải có sự chia sẻ và nhìn nhận một cách thấu tình đạt lý cho ông ấy. Ở hoàn cảnh của ông Vươn, một người như vậy, công sức bỏ ra đầu tư như vậy mà bị đối xử như vậy thì người ta bực tức dẫn đến manh động là hoàn toàn có thể. Sau này, khi xem xét toàn bộ vụ việc, khi đưa ra tòa, những tình tiết giảm nhẹ ở mức này mức khác, tôi tin là các cơ quan pháp luật, tòa án có đủ nhận thức, tư duy và dĩ nhiên có đủ cơ sở luật pháp để xem xét một cách thỏa đáng.
Là thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp 1992, ông đánh giá thế nào về tính cấp thiết của việc sửa luật đất đai cũng như vấn đề giao đất cho dân sử dụng phải có tính ổn định, lâu dài hơn?
Khi bàn thảo về Hiến pháp 1992, vấn đề gai góc, gây nhiều tranh cãi nhất là về quyền sở hữu, sử dụng đất. Luật đất đai hiện có nhiều điều không phù hợp với quan điểm của Hiến pháp nếu không muốn nói vi hiến. Vậy nên sửa Hiến pháp, sửa luật đất đai là vấn đề rất bức xúc gắn với đời sống, với hiện tại.
Chúng ta không thể là người đứng ngoài quan sát trong vụ Tiên Lãng mà phải coi như mình là người trong cuộc để day dứt, chua xót ở cả 2 phía. Ở cấp T.Ư, các cơ quan chức năng cũng không thể vô cảm.
Vậy quan điểm của ông, thời hạn cụ thể giao đất nên là bao nhiêu năm và cần có yêu cầu nghiêm ngặt nào về điều kiện thu hồi đất?
Tình thần sửa theo hướng giao người dân sử dụng đất thời hạn dài hơn 20 năm là đương nhiên vì việc này trước đây đã bàn lâu rồi. Cơ bản về lâu dài, Nhà nước nên giao đất cho dân càng lâu dài càng tốt bởi nếu ổn định, người dân càng yên tâm sản xuất. Vậy nên thời hạn cụ thể có thể 30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn nữa. Có điều, cần phải nói rõ Nhà nước chỉ thu hồi đất đai trong những trường hợp thật đặc biệt thì xã hội mới ổn định, sản xuất mới phát triển, đầu tư mới mang lại hiệu quả cao.
Xin cảm ơn ông!
Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, của Bí thư huyện ủy, vì trong tình hình này sẽ tỉnh táo hơn Chủ tịch. Trong trường hợp này, phải lắng nghe ý kiến của MTTQ, mà phải cho người ta được nói, còn nếu cứ lệnh trong hệ thống, tất cả cán bộ, đảng viên phải chung một quan điểm thì còn gì phải bàn nữa. Ở đây có bài học cả về công tác Đảng, công tác dân vận… đều chưa thuộc bài học của Bác Hồ, chứ không chỉ công tác hành chính.
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)

Không có nhận xét nào: