Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Vụ Tiên Lãng: Hải Phòng khẳng định đúng, Mặt trận Tổ quốc nói không minh bạch

clip_image002(GDVN) - Vụ việc cưỡng chế đất tại Hải Phòng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt những ngày qua

Hải Phòng vẫn khẳng định mình đúng

Sáng 2/2, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có mặt tại huyện Tiên Lãng và trụ sở UBND, Hội Nông dân xã Vinh Quang để nghe Hội Nông dân huyện Tiên Lãng báo cáo toàn bộ vụ việc kể từ khi xảy ra vào ngày 5-1. Theo đó, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng chính quyền địa phương xử lý vụ việc quá chậm.

Chiều 2-2, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết TP đang rà soát toàn bộ quy trình giao đất, thu hồi đất. Đồng thời dựa trên kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, sai đến đâu xử lý đến đó.

Cũng theo ông Hiệp, những năm qua, Hải Phòng không tổ chức xếp hạng đất và khu đầm nuôi trồng thủy sản được UBND huyện Tiên Lãng giao cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn chỉ là đất nuôi trồng thủy sản, loại đất không thể giao theo quy định tại Nghị định 64. Ngoài ra, từ năm 2006, khu vực này đã được Bộ Thủy sản, UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch làm đất nuôi trồng thủy sản nên không được giao mà chỉ cho thuê.


Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh việc tại sao thu hồi đất nhưng không đền bù hỗ trợ, ông Đan Đức Hiệp cho biết: Trường hợp thu hồi 40,3 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là không trái luật, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất vì đã hết thời hạn giao đất nên không bồi thường. Còn việc ông Vươn từng được đền bù 4,8 ha đầm nuôi trồng thủy sản trước đây trên cùng một thửa đất do gia đình ông Đoàn Văn Vươn quản lý, các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng xếp diện tích đất này vào loại đất nông nghiệp vì còn thời hạn sử dụng đất (?).

Phản bác lại các quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Lượng khẳng định: “UBND xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đều cho rằng đất thu hồi là đất ven bãi, không phải đất nông nghiệp nhưng qua thực địa canh tác, sản xuất như ở đất nhà ông Vươn, có thể khẳng định: Đây là đất canh tác nông nghiệp. Theo luật, thời hạn cho thuê đất nông nghiệp phải kéo dài 20 năm, trong khi đó, huyện thu lại khi mới cho thuê 14 năm. Ngoài ra, theo ông Lượng, mục đích thu hồi đất phải rõ ràng chẳng hạn như để phục vụ cho thủy điện, KCN…, trong khi lý do huyện Tiên Lãng đưa ra để thu hồi đầm ở khu vực trên là không minh bạch.

Vẫn tiếp tục điều tra

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là ai đã hủy hoại tài sản nhà ông Quý và thu hoạch “hộ” thủy, hải sản trong đầm nhà ông Vươn. Tuy nhiên, vấn đề này cả UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng và UBND xã Vinh Quang đều không có câu trả lời thỏa đáng.

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, lập luận: “Lực lượng cưỡng chế không phá thì chỉ có người dân. Còn người dân là ai thì phải điều tra mới làm rõ được. Chiếc máy ủi được đưa vào không phải của huyện, còn huyện cũng chưa biết chiếc máy ủi này là của ai. Các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh”.

Cuối ngày 2-2, đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cho biết việc này cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ. Ông Ca cũng khẳng định: Không có chuyện giang hồ tham gia vụ này. Ông Đan Đức Hiệp cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng của Hải Phòng phải hoàn tất các báo cáo về trình tự giao, thu hồi đất trước ngày 15-2 để báo cáo lên Chính phủ

Tối cùng ngày, một đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI, Bộ Công an) đã đến làm việc với Ban giám đốc Công an TP Hải Phòng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Trước đó, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI, cho hay lãnh đạo Bộ Công an đã có cuộc họp nghiên cứu vụ cưỡng chế này. Trung tướng Vĩnh nhận định đây là vấn đề phức tạp nên cần được nghiên cứu kỹ. Trung tướng Vĩnh còn nhấn mạnh trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết là ở UBND huyện Tiên Lãng, sau đó là UBND TP Hải Phòng.

Đoàn Văn Vươn chỉ đồng ý luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa

Theo đại tá Đỗ Hữu Ca, Công an TP Hải Phòng tạo mọi điều kiện để các luật sư tham gia bào chữa cho gia đình ông Vươn. Tuy nhiên, ngày 31-1, ông Đoàn Văn Vươn đã viết giấy yêu cầu được chỉ định luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kinh Đô – Hà Nội, là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Ông Phạm thế Duyệt: "Phải giải quyết mọi việc trên cơ sở lấy dân làm gốc"

Trong phỏng vấn của phóng viên VOV Online, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông theo dõi sát sao vụ việc ở Tiên Lãng và ông không đồng tình với cách chính quyền huyện Tiên Lãng dùng lực lượng liên ngành cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Vươn như vậy. Theo ông, mọi vấn đề đều có cách giải quyết, cách này chưa đúng thì vẫn còn cách khác, phải giải quyết mọi việc trên cơ sở lấy dân làm gốc.

Đồng thời, ông cũng mong muốn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhanh chóng điều tra vụ việc.


clip_image004
ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh VOV


“Tôi nghĩ chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện luật pháp, không phải một lúc có thể hoàn chỉnh ngay được, mà đều có giai đoạn, quá trình. Phải nhìn nhận lịch sử vấn đề, sự việc như thế nào? Phải nhìn nhận về vấn đề đạo lý đã từng xử lý và giải quyết, để nên giải quyết vấn đề như thế này. Nhìn vào pháp luật đã quy định thì cần xử lý như thế này…

Trong vụ việc này, đừng coi ông Vươn là một đối tượng này, đối tượng khác mà phải gọi là dân, là nhân dân, người dân. Mặc dù ông này có chống đối, vi phạm về việc đã sai lầm khi dùng vũ khí chống lại người khác. Nhưng Mặt trận cũng phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao “tức nước vỡ bờ”, những bức xúc của người ta (ông Vươn- PV), đừng nên một chiều.

Tôi nghĩ tất cả phải nhanh chóng vào cuộc. Mặt trận đã vào cuộc rồi, phải nhanh chóng có những góp sức cho chính quyền, cho Đảng, sớm góp phần vào việc kết luận đúng, sai cho rõ. Khi tìm được đúng, sai thì sẽ giải quyết được vấn đề”, ông nói.

H.H.

Không có nhận xét nào: