Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Đảng ơi, cứ giữ điều tất yếu ấy!


 

CanhCo
Báo chí bị cấm tuyệt đối và mọi người chăm chú vào Văn Giang, Biển Đông và ông Đinh La Thăng, những đề tài nếu nghĩ kỹ thì hấp dẫn hơn rất nhiều hội nghị trung ương 5 vừa qua.
Báo chí đăng cái tiểu tựa: “Sửa hiến pháp, lấy ý kiến nhân dân” là mục tiêu đầu tiên của hội nghị trung ương 5.

Mình cho là dở hơi cám lợn và mị dân rẻ tiền. Có người dân nào lại rỗi việc để mà đưa ý kiến về sửa hiến pháp nhỉ? Mấy bà hàng rong thì ngay chữ Hiến pháp là cái quái gì cũng không hề khái niệm được. Nông dân thì lo ngay ngáy miếng đất của mình không biết tới lúc nào thì bị trưng thu làm gì còn thời gian mà âu lo tới hiến pháp hay hiến đất! Giới có học một chút như giáo viên các cấp thì đang miệt mài với những vụ dạy thêm ngoài giờ mất rồi. Mấy cụ giáo sư cao hơn thì lại “đóng cửa tâm hồn” từ lâu vì đầu óc các vị không mụ mị thì cũng dở sáng dở tối mất rồi. Các vị ấy không tin là sự đóng góp ý kiến của mình sẽ được nhà nước trân trọng chiếu cố. Cũng buồn!
Còn ai nhỉ? À, thì công chức nhà nước, công an bộ đội..những thành phần cốt cán đấy! nhưng có điều họ đâu phải là nhân dân? Họ ăn lương nhà nước và phục vụ chế độ do đó ý kiến của họ đã ít nhiều cong vẹo theo cái “sổ gạo” rồi.
Không nói chuyện góp ý sửa hiến pháp thì chuyện mà toàn xã hội đang để ý có lẽ là luật đất đai mà cốt lõi của nó là sở hữu cá nhân hay sở hữu toàn dân?
“Hội nghị nhất trí cho rằng: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; là tài sản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ,đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước…
Nhất trí tiếp tục “sở hữu toàn dân”?
Có rất nhiều chuyên gia giảng giải về cụm từ này theo nhiều góc cạnh thông qua các diễn tiến lịch sử lẫn những tính toán về chủ trương hiện đại hóa công nghiệp hóa nền nông nghiệp nước nhà. Luật đất đai năm 1980 ra đời đã chính thức ép buộc đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”.
Theo nhiều người biết thì luật này xuất hiện từ ý chí của một con người duy nhất nhưng tiếng nói của ông ta lại có thể quyết định vận mạng cả một quốc gia. Đó là ông Lê Duẩn. Ông Tổng Bí thư này cho rằng “ sở hữu toàn dân” là công cụ duy nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội vì nó cho phép nhà nước trưng dụng đất đai một cách tuyệt đối để tổ chức những cánh đồng vạn mẫu nhằm tăng gia sản xuất theo xu hướng công nghiệp của thế giới.
Mục đích này đặt ra ban đầu phát xuất từ mục tiêu chính trị nhưng sau đó do kinh tế yếu kém, khả năng kỹ thuật giới hạn nếu không muốn nói là con số không và hiện thực cho thấy một cuộc trưng tập hàng ngàn mẫu đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp là không tưởng.
Sau những vụ tranh chấp đất đai dữ dội hồi gần đây nhất là Tiên Lãng và Văn Giang, nhà nước đã được đánh động là cần phải sửa lại luật đất đai cho phù hợp, tuy nhiên khi nghe ông Trong bảo: “Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay….” thì người dân lại rùng mình.
Thưa ông Nguyễn Phú Trọng, Luật đất đai năm 2003 khi sửa lại đã cho phép chính quyền địa phương thêm nhiều “nắm đấm” đối với dân chúng, những chủ đất thật sự đã bị đạp ra khỏi cơ ngơi của mình khi đất đai bị những dự án, công trình do tư doanh làm chủ nuốt chửng.
Luật Đất đai 2003 đặt người dân vào gọng kềm của các loại đánh tráo chữ nghĩa. Trong phần “Thu hồi đất”, điều 39 định nghĩa về những “lợi ích quốc gia” được xem ngang với những “dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Như vậy là ngoài việc trưng thu đất trong mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng được trả giá theo khung quy định thì luật đất đai năm 2003 trao cho chính quyền địa phương cái quyền cào bằng các dự án đầu tư cho dù là của ai cũng được trả tiền đền bù theo khung giá trả cho các dự án lợi ích quốc gia!
Thôi thì cứ để vậy mà người dân còn có cơ hội làm những Tiên Lãng, những Văn Giang chứ sửa thêm nữa thì hầu bao các ông chủ tịch cứ lớn thêm ra trong cái cạn kiệt đủ thứ của người dân, từ đất tới cơm và nước mắt.
Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao cho tới lúc này rồi mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khư khư bám vào nỗi ám ảnh của người nông dân là “sở hữu toàn dân” để tiếp tục cai quản đất? Câu trả lời: Tại đảng muốn!
Câu hỏi tiếp theo tại sao đảng lại chinh phục muốn cái mà toàn dân không muốn? Đất đai của Việt Nam đâu phải được hình thành từ cuộc của đảng như Columbia chinh phục châu Mỹ? và do đó đảng không có quyền tự động coi đó là của mình, của vài trăm con người chóp bu trong cái Hội nghị Trung ương 5 vừa qua. Đảng không có quyền nhưng vẫn cố nói lấy được làm là vì sao?
Có thể: Đảng muốn dùng đất như một món quà ban phát lợi ích cho công bộc để chúng vững tâm giữ gìn sự lãnh đạo của đảng. Giữ gìn để hai bên cùng có lợi. Đảng có quyền bính tuyệt đối còn công bộc thì giàu sang. Sự giàu có từ đất đai sẽ khiến công bộc chẳng những biết ơn mà còn tự nguyện ra sức bảo vệ chiếc ghế của đảng, trong đó có cả bản thân của công bộc gia đình chúng.
Liên hệ hữu cơ này sẽ được kéo dài bằng những câu chữ có khả năng luồn lách cực cao mà cốt yếu là biện minh những gì mà người dân cho là bất công, khốn nạn nhưng đảng vẫn khẳng định là tất yếu và cực kỳ đúng đắn nếu muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội như lời ông Trọng vừa nói hôm qua.

Không có nhận xét nào: