Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Tranh chấp Trung – Phi tại bãi cạn Scarborough

Trương Nhân Tuấn
 
1/ Sơ lược lịch sử và địa lý:
Bãi cạn Scarborough, cách đảo Luçon (Luzon) của Phi khoảng 115 hải lý (215 Km), cách bờ biển Việt Nam khoảng 900 Km, cách Hồng Kông 850 Km, tọa độ 15°08’ N – 117°46’ E, có hình thể một dãi san hô tam giác chìm dưới nước, dài khoảng 10 Km, có chu vi 46 Km, bao quanh một vùng biển lặng (lagon) diện tích tổng cộng khoảng 150 Km². Bãi cạn này có một số đá nổi trên mặt nước, trong đó lớn nhất là Đá Nam (South Rock – Nam Nham), nổi trên mặt nước khoảng 1,8 mét lúc thủy triều cao. Đá này tọa lạc ở góc đông-nam, kế cận cửa (passe) vào vùng biển lặng. Cửa (passe) có chiều dài 380 mét và độ sâu từ 9 đến 11 mét. Ngoài ra còn có Đá Bắc (North Rock – Bắc Nham) cùng với một số đá khác nổi trên mặt nước. Bãi cạn Scarborough ở về phía tây bãi Macclesfield, cách 318 Km. Hai bãi này được phía Trung Quốc gộp lại chung với tên “Trung Sa quần đảo – Zhongsha Qundao”.

Việc Trung Quốc gộp chung bãi Macclesfield, bãi chìm dưới mặt nước, vào chung với bãi Scarborough, vốn là một bãi cạn, chỉ có vài đá nổi lên mặt nước, vào thành một “quần đảo – archipel”, là hoàn toàn gượng ép trên quan điểm địa lý, địa mạo. Hai bãi này chỉ là “bãi ngầm, ám tiêu, đá, đá ngầm – Bank, Reef”, không có “đảo” nào gọi là “đảo” theo qui ước của quốc tế. Mặt khác, hai bãi này hoàn toàn tách biệt nhau, thiếu sự liên tục của thềm lục địa, cách nhau đến 318 Km. Do đó vừa không có tính “quần” lẫn tính “đảo”.
Về tên gọi, phía Trung Quốc cũng đã tỏ ra thiếu thống nhất. Trong các tài liệu địa chí của Trung Quốc in trước năm 1935, bãi Scarborough được ghi bằng tên quốc tế, với ghi chú tiếng Hoa là “Nam Sa quần đảo”. Đến năm 1947 bãi này được đặt là “Dân Chủ đảo – Minzhu jiao”, thuộc về “Trung Sa quần đảo”. (Như thế đến năm 1935, cái mà Trung Quốc gọi là Nam Sa – tức Trường Sa của Việt Nam hiện nay, là bãi cạn Scarborough. Năm 1947 họ “đẻ” ra tên Trung Sa, dán nhãn Nam Sa lên quần đảo Trường Sa, sau đó ra mặt tranh chấp với Việt Nam. Trước đó là hai bên chỉ có tranh chấp về Hoàng Sa). Đến năm 1983 thì bãi này lại đổi tên thành “Hoàng Nham – Huangyan”, thuộc “Trung Sa quần đảo”.
Về chủ quyền của Trung Quốc tại “Trung Sa quần đảo”, tuyên bố năm 1951 của Chu Ân Lai, bên lề hòa ước San Francisco, nói rằng: “Quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc”. Điều đáng lưu ý là phía Trung Quốc không trưng dẫn bất kỳ bằng chứng nào, về việc khám phá hay chiếm hữu, kèm theo tuyên bố này. Tuyên bố “bên lề” này do đó mang tính “bảo lưu” hơn là một tuyên bố chủ quyền có giá trị pháp lý. Dầu vậy nó cũng được Liên Xô và các nước phe XHCN ủng hộ. Năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải: “Độ rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Qui định này áp dụng cho tòan lãnh thổ Trung Hoa, bao gồm phần đất trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi… quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa…”. VNDCCH, vì đứng trong khối XHCN, trước đó đã ủng hộ tuyên bố của Chu Ân Lai năm 1951, dịp này lại ra tuyên bố ủng hộ tuyên bố về lãnh hải của TQ.
Về phía Phi, theo Hiệp ước an ninh ký kết với Hoa Kỳ năm 1951, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân Hoa Kỳ đóng ở Subic Bay, bãi cạn Scarborough được xem như là một tiền trạm, do vùng biển lặng của bãi này khá rộng và sâu. Tàu chiến Hoa Kỳ thường xuyên neo ở đó. Hình thái địa lý bãi cạn này (nếu không bị chìm) thì giống như là đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, là một đảo của Anh nhưng có hợp đồng cho quân đội Hoa Kỳ mướn dài hạn, có tầm chiến lược rất quan trọng cho chiến lược đại dương của Hoa Kỳ. Người ta ví nó là Guam thứ hai. (Guam ở Thái Bình Dương, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, cùng với các vị trí quân sự mới khai triển tại Úc, cho phép HK bảo vệ chặt chẽ vòng đảo thứ nhứt). Như thế, gián tiếp Hoa Kỳ đã công nhận bãi cạn này thuộc phạm vi ảnh hưởng của Phi. Ngoài ra năm 1991, nhà cầm quyền Phi có cho xây một đèn pha trên bãi, nhưng sau đó bị sập (không hiểu lý do), không còn sử dụng nữa. Điều đáng tiếc là phía nhà nước Phi không có hành vi chính thức nào nhằm tuyên bố chủ quyền của mình tại bãi này, trong khi từ 1951, phía Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng (đòi chủ quyền) mặc dầu chưa bao giờ họ chiếm hữu hay quản lý trên thực tế.
Hình: đảo Diego Garcia, có hình dáng khá giống bãi cạn Scarborough, căn cứ hải quân lớn của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương.
Qua sự kiện đảo Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough được hải quân Phi tăng cường canh phòng. Năm 1997 một số tàu bè của Trung Quốc tiến vào trong vùng Scarborough thì bị các tàu hải quân của Phi neo ở đây ngăn cản, không cho tiếp cận. Việc này đưa đến căng thẳng giữa hai bên. Qua các kinh nghiệm tại đá Vành Khăn (1995) và các đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trước đó không lâu, Hoa Kỳ lo ngại Phi có thể bị Trung Quốc tấn công, trong khi bãi dá này có thể có một vai trò tiền trạm chiến thuật cho tàu bè tuần dương, nếu để lọt vào tay Trung Quốc sẽ là điều bất tiện. Tháng 8 năm 1998, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ William Cohen trấn an rằng quân lực Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu quân Phi bị tấn công. Qua thái độ này, tranh chấp tại Scarborough dịu lại.
2/ Một số vấn đề về tranh chấp biển Đông hiện nay:
Ngoài Việt Nam, trong khu vực chịu áp lực của Trung Quốc nặng hơn cả là Phi Luật Tân. Như Việt Nam, Phi từng là nạn nhân của Trung Quốc qua việc bị nước này dùng hải quân chiếm đảo Vành Khăn thập niên 90. Trung Quốc còn bày tỏ tham vọng xuống rất xa về phía nam, như đối với đảo Natuna của Nam Dương. Các nước ASEAN bày tỏ lo ngại về chính sách bành trướng của Trung Quốc, trong khi Liên Xô đã sụp đổ, Hoa Kỳ đặt ưu tiên ở Châu Âu và Trung Đông, biển Đông bỏ ngỏ. Do đó Việt Nam được dễ dàng được chấp nhận gia nhập vào ASEAN. Do có chung một đe dọa, khối ASEAN mạnh hơn nhờ đoàn kết và có mặt của Việt Nam, buộc Trung Quốc ký kết vào bản tuyên bố chung DOC về biển Đông vào năm 2002. Nhưng tuyên bố DOC không có tính ép buộc, không có giá trị pháp lý, do đó các bên lần lượt vi phạm, nhất là phía Trung Quốc, mà mức độ bạo lực ngày một mạnh. Nước này đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên vùng biển, từ phía bắc Trường Sa trở về phía bắc. Họ bắt bớ, bắn giết, phá hủy hay tịch thu tàu bè, lưới cá, bắt ngư dân Việt Nam đóng tiền chuộc. Họ liên tục xây dựng các cơ sở (có mục tiêu quân sự) trên các địa điểm mà họ đã chiếm được trước đó. Họ cho tàu hải giám xâm nhập vào các vùng biển của Việt Nam và Phi, thật xa về phía nam, cách bờ biển Trung Quốc hàng ngàn cây số, để sách nhiễu ngư dân Việt, Phi, đe dọa các công ty đang khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam và Phi, phá hoại các tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang làm công tác thăm dò… Họ tuyên bố rằng làm các việc đó là Trung Quốc hành sử quyền tài phán của họ. Cao điểm của sự hống hách là vào năm 2010, khi nước này tuyên bố biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tức là, trong chừng mực, Trung Quốc đã ví biển Đông như là Đài Loan hay Tây Tạng. Tuy nhiên, đà quá trớn của Trung Quốc đã làm cho nhiều nước bất bình, lo ngại. Các nước điều thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực là một cần thiết. Vì thế, sự trở lại của Hoa Kỳ được nhiệt liệt hoan nghênh, sau khi bà H. Clinton ký kết một loạt hiệp ước hữu nghị và chiến lược với ASEAN và các nước khác, cùng với tuyên bố “Hoa Kỳ, cũng như các nước khác trên thế giới, có quyền lợi tại biển Đông”. Cái hung hăng của Trung Quốc liền dịu bớt lại.
Tuy nhiên, việc lên tiếng khẳng định chủ quyền các đảo ở biển Đông và vùng biển chung quanh thì chưa bao giờ tiếng nói của Trung Quốc mạnh mẽ như lúc này. Nhiều thành phần dân tộc cực đoan Trung Quốc, hoặc một số tướng lãnh chủ trương diều hâu, luôn lên tiếng thúc giục Bắc Kinh xuất quân trừng phạt Việt Nam và Phi để chiếm lại các đảo Trường Sa. Nhiều “chiến lược gia” Trung Quốc đã đánh giá một cuộc chiến khôi phục lại lãnh thổ như thế sẽ ít tốn kém, trong sự chịu đựng của Trung Quốc, và cuộc chiến không thiệt hại sang các cường quốc. Ám ảnh về cuộc chiến Georgia (với Nga) lần nữa được các thày bàn đem ra đầy mặt báo nhằm hù dọa những người yếu bóng vía. Tuy vậy, “viễn ảnh” này khó có thể xảy ra.
Từ khi cuộc chiến giữa Anh và Argentine về quần đảo Malvinas, nhiều chiến lược gia thế giới đã đặt lại vấn đề phát triển hải quân theo lối “pháo hạm”, tàu to súng lớn. Trong cuộc chiến ngắn ngũi, năm 1982, một khu trục hạm của Anh đã bị một phi cơ loại Mirage của không quân Argentine mang hỏa tiễn Exocet (do Pháp thiết kế và chế tạo) bắn trúng. Thiệt hại rất lớn. Nhưng phía Argentine vẫn thua, vì đã bị Anh bao vây ngoại giao và kinh tế. Những chiếc Mirage đã đặt mua của Pháp trước đó thì bị nước này giam lại (8 chiếc) trong khi hỏa tiễn Exocet thì không giao tiếp tục. Nhiều người nói rằng, nếu phía Argentine nhận đủ số vũ khí này thì họ đã đánh bại hải quân Anh và chiếm lại được đảo Malvinas.
Từ đó, lý thuyết về đại dương của Hoa Kỳ đã có những thay đổi lớn. Một số chiến lược gia không đồng ý việc Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào Hàng Không Mẫu Hạm. Các chiến hạm của Hoa Kỳ sau này chỉ chú trọng vào tính nhanh gọn, “tàng hình”, đồng thời được trang bị các loại vũ khí chống radar và công phá các trang bị điện tử của quân địch (như đại bác với đạn từ xung, bom từ xung – bom E) cùng với các hỏa tiễn tinh khôn tự tìm mục đích. Những gì to lớn không phải là “hỏa lực hùng hậu” mà trở thành một yếu điểm. Trong khi hải quân Trung Quốc vẫn ảnh hưởng nặng lý thuyết cổ điển, do ám ảnh thua hải quân Nhật trận Áp Lục 1895, chuyên chú phát triển về thiết giáp hạm, tuần dương hạm, tàu đổ bộ v.v… to lớn, cồng kềnh. Trung Quốc có khoa trương rằng đã sản xuất được hỏa tiễn có khả năng không cho Hàng không mẫu hạm tiếp cận vào biển Đông. Hoa Kỳ chưa bao giờ có ý muốn đặt hạm đội với Hàng không mẫu hạm tại biển Đông. Ngược lại, Hoa Kỳ mong muốn Trung Quốc dàn hạm đội của nước này với chiếc Thi Lang vào biển Đông để “thư hùng” với “quần cẩu”. Nếu một trận chiến, giả sử xảy ra, hạm đội của Trung Quốc có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nếu không nói là bị tiêu diệt, nếu chiến trường cách đảo Hải Nam trên 800 Km. Lực lượng hải quân của Trung Quốc hiện nay có thể đánh những trận gần, như đánh sang Đài Loan, nhưng không thể đánh xa, vì sẽ làm mồi cho các loại phi cơ mang hỏa tiễn kiểu Exocet (mặc dầu sản xuất thập niên 70, 80, đã lỗi thời), các cao tốc đỉnh phóng hỏa tiễn hay ngư lôi, các loại tàu ngầm mang hỏa tiễn các loại… Mặt khác, các đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát hầu hết đã được đặt mìn, gài thủy lôi chung quanh, tàu đổ bộ vào không dễ. Điểm quan trọng khác, tính gan lì chiến đấu của Việt Nam làm cả thế giới nể mặt, trong khi quân đội Trung Quốc, từ thế kỷ 19 đến nay, chưa bao giờ chứng tỏ được sự tinh nhuệ ở một trận chiến nào.
Vì thế một cuộc chiến tại biển Đông, cho dầu “giới hạn”, nếu xảy ra ở vùng biển xa, với Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ nắm chắc phần thất bại. Nhưng đối với một địch thủ như Phi thì việc này lại khác. Bãi cạn Scarborough, do vị trí địa lý, có thể nằm trong khả năng của hải quân Trung Quốc, nếu Hoa Kỳ đứng ngoài. Tuy nhiên, việc chiếc tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ vừa xuất hiện ở vùng Subic Bay (Luzon), cho thấy Hoa Kỳ có quan ngại đến việc này.
Có thể do nhận thức được khó có thể đụng độ với Việt Nam với trình độ kỹ thuật hiện nay, Trung Quốc chuyển mũi dùi sang Phi. Một cuộc chiến “cục bộ” với Phi ở khu vực Scarborough có thể Trung Quốc sắp mở ra?
Theo các tố cáo của phía Phi Luật Tân, Trung Quốc từ tháng 2 năm 2012, thường xuyên gây hấn với Phi. Khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách bờ biển Palawan 200 Km, đã có những đụng chạm nhỏ. Thái độ mạnh dạn của quân đội Phi, qua việc gởi 2 phi cơ đến hiện trường đã khiến tàu của Trung Quốc rút lui. Tuy nhiên, sau đó, phía Trung Quốc đã gởi một số phi cơ của họ bay sang vần vũ trên các khu vực tranh chấp. Tiếp theo đó là đụng chạm ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã huy động một số tàu đánh cá cùng hai tàu hải giám đến đóng trong vùng bể lặng của bãi. Hải quân Phi cho tàu chiến ra đuổi, phía Trung Quốc lớn tiếng hăm dọa, tàu chiến của Phi phải rút lui.
Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở góc cạnh kinh tế, ta có thể có một nhận thức khác.
Tháng 8 năm ngoái, TT Phi là ông Benigno Aquino, cùng với một đội doanh nghiệp hùng hậu người Phi sang công du Bắc Kinh. Aquino được Hồ Cẩm Đào tiếp kiến và hai bên có ký kết một số kết ước về kinh tế trị giá lên tới 7 tỉ đô. Phía Trung Quốc hứa hẹn sẽ đầu tư vào Phi trong thời gian tới, qua nhiều lãnh vực, trị giá đến 50 tỉ đô. Hai bên cũng hứa hẹn sẽ giải quyết tranh chấp biển Đông ôn hòa, theo lối “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Tuy nhiên, cùng lúc, Phi đã ký kết với một số công ty dầu khí nước ngoài tại khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nhưng không có mặt của Trung Quốc. Việc này tạo sự phản đối nơi Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng khu vực khai thác là khu vực có tranh chấp với Trung Quốc. Tiếp theo Trung Quốc cho tàu hải giám, phi cơ… xâm nhập vùng biển này để đe dọa.
Tranh chấp hiện nay, tại bãi Scarborough, vẫn chưa hạ nhiệt độ. Phía Trung Quốc sử dụng vũ khí kinh tế để trả đũa. Một số mặt hàng của Phi, như chuối, bị phía Trung Quốc làm khó dễ, trả về. Về phương diện này, Phi ở thế hạ phong. Nền kinh tế của Trung Quốc quá lớn để Phi có thể trả đũa. Mặt trận sắp tới của Phi là đưa vấn đề tranh chấp ra “tòa án quốc tế”.
Tổng thống Phi mới đây lu loa trên báo chí, cho rằng Phi không được ai ủng hộ trong vụ Scarborough. Việc này sẽ khuyến khích cho Trung Quốc làm tới, theo kiểu Hitler, sẽ thống lĩnh biển Đông. Nhưng việc này, nếu nhìn vấn đề từ các kết ước và hứa hẹn kinh tế giữa Phi và Trung Quốc, rõ ràng là một sự trả đũa Phi trong việc gạt Trung Quốc ra ngoài các hợp đồng khai thác bãi Cỏ Rong. Sự than vãn này chỉ có tính “hề” hơn là sự thật. Trong khi đó, nhớ đến cảnh quân đội VNCH lúc thất bại ở Hoàng Sa, bộ ngoại giao VNCH đã ra sức vận động để đưa Trung Quốc ra Hội Đồng Bảo An LHQ, VNDCCH im lặng đã đành, không hề thấy một “học giả yêu nước” nào lên tiếng. Thậm chí, lúc Trung Quốc đánh chiếm các đảo Trường Sa năm 1988, cũng không có học giả nào viết một giòng thuơng vay. Các dòng chữ ghi trên tấm bia của các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma không hề ghi nhận công ơn người chết, mà ghi họ chết vì “sự ổn định của khu vực”.
Những người này có thực sự muốn chết vì “sự ổn định của khu vực”?
3/ Vài điều liên quan đến Luật quốc tế về Biển.
Một số điều cơ bản về tập quán quốc tế về biển cần nên nói ở đây. Cái gọi là “Trung Sa quần đảo” có thể xem như là một “lãnh thổ” để có thể chiếm hữu hay không?
Về bãi Macclesfield, là một bãi ngầm chìm sâu dưới mặt nước, không có điều ước quốc tế nào, hay bất kỳ một tập quán quốc tế nào, chính thức cho phép một quốc gia được phép chiếm hữu. Điều này hàm ý, bãi ngầm này nếu nằm trong vùng lãnh hải, vùng Kinh tế độc quyền (ZEE) hay thềm lục địa của một quốc gia nào thì sẽ thuộc quyền tài phán của quốc gia đó. Từ đó, quốc gia này có thể xây dựng các đảo nhân tạo, các nhà giàn (như Việt Nam xây dựng tại các bãi Tư Chính và vùng kế cận), nhưng các kiến trúc nhân tạo này không có hiệu lực (theo điều 121 của Luật Biển 1982) như là một đảo tự nhiên.
Về bãi Scarborough, là một bãi có phần chìm, có phần nổi, có phần lúc chìm, lúc nổi. Tập quán và Luật quốc tế có quan niệm gì về các hình thái địa mạo này?
Về các đảo đá lúc chìm lúc nổi, chiếu theo án lệ sau đây, ta có thể lấy ra một kết luận. Đó là án lệ của Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ – Cour Internationale de Justice) về tranh chấp giữa Tân Gia Ba và Mã Lai về chủ quyền của các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge qua phán quyết ngày 23-5-2008.
Pedra Branca (tiếng Bồ Đào Nha) và Batu Puteh (tiếng Mã Lai) có nghĩa là “đá trắng”. Đây là một hòn đảo đá granite, chiều dài 137 mét và chiều rộng trung bình 60 mét, diện tích khoảng 8560 mét vuông khi thủy triều xuống. Nằm ở phía đông eo biển Malacca, có tọa độ 1° 19′ 48″ vĩ độ bắc và 104° 24′ 27 ” kinh độ đông. Đảo cách khoảng 24 hải lý về phía đông của Singapour, cách 7,7 hải lý về phía nam tiểu bang Johor của Malaisie và cách 7,6 hải lý về phía bắc của đảo Bintan của Indonesie. Trên đảo có ngọn hải đăng Horsburgh được dựng lên vào giữa thế kỷ XIX.
Middle Rocks và South Ledge là hai đảo nhỏ khác kế cận Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Middle Rocks cách 0,6 hải lý về phía nam, bao gồm hai hòn đá nhỏ cao khoảng 0,6-1,2 m trên mặt biển, cách nhau khoảng 250 mét. South Ledge là một đảo đá chỉ thấy khi thủy triều thấp, cách Pedra Branca/Pulau Batu Puteh 2,2 hải lý về phía nam-tây nam.
Về hình thể địa lý, ta thấy bãi cạn Scarbourough có những điểm gần giống với quần thể các đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge, nói chung là các đảo đá, có đảo nổi, có đảo lúc nổi lúc chìm tùy theo thủy triều.
Trên phương diện lịch sử, tất cả các đảo trên, kể cả lãnh thổ Singapour và Mã Lai hiện nay, đều thuộc về vương quốc Johor (từ thế kỷ 15). Tức về lịch sử, Mã Lai đã chứng minh được chủ quyền và tính liên tục quốc gia trên các đảo đó. Tuy vậy, phán quyết của CIJ cho rằng Singapour có chủ quyền ở đảo Pedra Branca. Các lý lẽ đã khiến cho Mã Lai mất đảo này là vì thái độ thụ động của quốc gia trong việc hành sử chủ quyền. Nguyên nhân khác, quan trọng hơn hết, là tấm “công hàm” 1953 của vương quốc Johor. Công hàm này có nội dung phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca, trong khi các bằng chứng đã trình bày cho thấy điều này không đúng. Điều đáng ghi nhận, người ký công hàm thuộc về một “chính phủ lâm thời”, lý ra không có thẩm quyền ký nhận.
(Phán quyết diều này, tòa đã nhắc án lệ tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear (CIJ ngày 15-6-1962). Theo đó ngôi đền (và vùng đất xung quanh) thuộc về Kampuchia, mặc dầu nội dung công ước phân định biên giới 1907 xác định rõ biên giới Thái-Miên là đường nối các đỉnh cao, tức là đường phân thủy của rặng núi Dang Rek, mà đường này đi qua ngôi đền. Nguyên nhân, tấm bản đồ đính kèm, do phía Pháp vẽ, không đúng với nội dung công ước, theo đó ngôi đền lại thuộc về Kampuchia. Tòa phán ngôi đền thuộc về Kampuchia vì tòa cho rằng phía Thái đã không phản đối về nội dung tấm bản đồ trong một thời gian quá lâu, điều này hàm ý chấp nhận tấm bản đồ [sai] đó.)
Về đá Middle Rocks (và South Ledge), Singapour đòi chủ quyền vì đảo này nằm trong vùng lãnh hải của đảo Pedra Branca. Tuy vậy, Tòa phán rằng đá này thuộc về Mã Lai (do tính liên tục quốc gia) trong khi bãi chìm South Ledge thì nằm ở vùng lãnh hải nước nào thì sẽ thuộc chủ quyền của nước đó.
Điều đáng chú ý, về tình trạng pháp lý của đá South Ledge (lúc chìm lúc nổi), tòa đã nhắc lại án lệ tranh chấp giữa Qatar – Bahreïn (Qatar đơn phương kiện Bahreïn lên CIJ), theo đó: “luật pháp quốc tế im lặng về tình trạng pháp lý của các bãi lúc chìm lúc nổi, các bãi này có thể xem như là một “lãnh thổ” hay không? luật pháp hiện hành cũng không thể xác định là các bãi đó có thể xem như là một lãnh thổ tương đương với “đảo” hay không”.
Điều này cho thấy, các đá nổi thường trực lên mặt nước thì có thể chiếm hữu, và có thể hưởng qui chế đảo theo điều 121 (xem thí dụ phần dưới), như đá Middle Rocks và đảo Pedra Branca.
Về trường hợp đá South Ledge (lúc chìm lúc nổi), luật pháp quốc tế hiện hành không có ý kiến gì về tình trạng pháp lý của nó.
Như thế, Scarborough là một bãi cạn, có đá nổi thường trực trên mặt nước, do đó có thể chiếm hữu và có lãnh hải. Điều quan trọng nhất ở đây là bãi cạn này có thể có vùng kinh tế độc quyền (ZEE) và thềm lục địa hay không? Tùy theo hiệu quả của việc này mà việc tranh chấp hai bên Trung-Phi có “enjeu” rất quan trọng.
4/ Vài thí dụ về hiệu lực các đảo:
4.1 Đảo Clipperton: có diện tích khoảng 6 Km², không có người ở, tọa lạc ở phía đông Thái Bình Dương, cách bờ Mễ Tây Cơ 1.120 Km, mang tên Clipperton là tên của một tên cướp biển nổi tiếng, lẩn trốn trên đảo. Năm 1858 Pháp tuyên bố chủ quyền ở đảo này. Năm 1897 Mễ chiếm đảo và tuyên bố chủ quyền. Năm 1931, Pháp đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, được xử thắng kiện. Năm 1979 Pháp tuyên bố vùng kinh tế độc quyền ZEE và thềm lục địa cho các đảo thuộc Pháp, trong đó có Clipperton. Năm 2009, Pháp đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho cả đảo này và không gặp phản đối của nước nào. Đảo này chỉ là một đảo san hô, không có người ở, hoạt động kinh tế duy nhất là đánh cá.
4.2 Các đá St-Pierre và St-Paul: Đây là một tập hợp 12 đá nhỏ do núi lửa cũ cấu thành, ở phía đông Brésil. Đá cao nhất 22,5 mét. Đá lớn nhất có kích thuớc 350 mét X 200 mét, diện tích khoảng 10.000 m². Một ngọn hải đăng được dựng nơi đây. Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở Trường Sa, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và thềm lục địa. Năm 2004, Brésil đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, xác định vùng biển và thềm lục địa tại hai đá này. Hồ sơ không bị bác, với 15 phiếu thuận và 2 phiếu chống.
4.3: Các đảo McDonald và Herald của Úc: Các đảo này không có người sinh sống cũng như không có hoạt động kinh tế nào. Tuy vậy đệ trình của Úc về thềm lục địa mở rộng vẫn tính hiệu lực hai đảo này.
4.4: Đảo Okinotorishima của Nhật: Đảo này thực ra là một đảo đang chìm, chỉ còn nổi lên mặt ba hòn đá nhỏ. Nhật ra sức củng cố đảo để không cho nó chìm xuống. Năm 2008, Nhật đã đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, trong đó đảo này được tính đầy đủ hiệu lực.
5/ Nếu vấn đề đưa ra một trong tài quốc tế:
Các thí dụ ở trên cho thấy một đảo, đá, có thể không có người sinh sống và nền kinh tế tự túc, đôi khi vẫn có hiệu lực đầy đủ về ZEE và thềm lục địa. Nếu so sánh các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí bãi cạn Scarborough với các đảo trên, đồng thời xét qua các án lệ về chủ quyền và tình trạng pháp lý của các đảo, thì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay bãi cạn Scarborough có thể được xem là “lãnh thổ”. Từ đó một nước có thể chiếm hữu, có thể đòi hiệu lực về ZEE và thềm lục địa.
Ý thức được điều này, ta sẽ thấy việc lựa chọn để đưa ra trọng tài phân xử trong trường hợp tranh chấp Scarborough là một lựa chọn chiến lược, có nhiều “option” riêng biệt:
1/ Dựa trên ZEE và thềm lục địa. Bãi Scarborough là một bãi đá không có giá trị “lãnh thổ” để có thể chiếm hữu như đảo. Bãi này tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của Phi, do đó thuộc quyền tài phán của Phi.
2/ Dựa lên chủ quyền của Phi tại bãi cạn Scarborough, đồng thời vùng biển chung quanh thuộc về vùng kinh tế độc quyền của Phi. Bãi cạn này, theo hình thể địa lý của nó, theo các án lệ quốc tế và luật quốc tế về Biển, là một “lãnh thổ” như là đảo, có thể chiếm hữu. Từ lâu Phi đã hành sử chủ quyền và quyền tài phán tại bãi cạn này, qua việc cho phép hải quân Hoa Kỳ đóng tại đây cũng như việc xây hải đăng (không thành) trong quá khứ.
Theo tuyên bố của nhà chức trách Phi, hiện nay nước này có vẻ chú tâm nhiều tới “Option 1”, lấy hứng từ tổ hợp luật sư Covington & Burling ở Washington, qua hồ sơ Việt Nam tại bãi Tư Chính, phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, vào thập niên 90, khi phía Trung Quốc ngang nhiên ký giấy phép cho các công ty nước ngoài khai thác khu vực này. Lập luận của các luật sư này, qua hồ sơ “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông” do Brice M. Claget thành lập, theo đó bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, không liên quan đến Trường Sa. Tuy vậy, nếu Phi áp dụng diều này sẽ phạm nhiều sai lầm chiến lược: Phi không bị mất tố quyền (forclusion) như trường hợp Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và sự khác biệt giữa hai khu vực một bên là bãi cạn, một bên là bãi ngầm. Bãi ngầm Tư Chính không thể chiếm hữu và đòi hỏi ZEE và thềm lục địa như là đảo. Trong khi bãi cạn Scarborough thì có thể được xem là lãnh thổ, có thể chiếm hữu và có thể đòi hỏi lãnh hải, ZEE và thềm lục địa riêng biệt.
Theo “option 1”, Phi gián tiếp không nhìn nhận tình trạng pháp lý bãi cạn Scarborough như địa mạo của nó đã được tập quán quốc tế công nhận, lại xem nó như là một bãi ngầm, trong khi Trung Quốc tận dụng yếu tố pháp lý này, lợi dụng sự ngập ngừng của Phi về bãi cạn Scarborough, để đặt căn bản đòi vùng biển của họ. Phía Trung Quốc đã lập lại những gì họ đã làm đối với Việt Nam ở khu vực Tư Chính từ hai thập niên trước, cho Phi ở khu vực Scarborough hiện nay.
Lập trường phía Trung Quốc: đòi quyền quản lý biển mà không cần chứng minh quyền chủ quyền các “lãnh thổ” từ đó sinh ra vùng biển (mà họ đòi quản lý). Lập trường của Phi (và Việt Nam): ám thị từ bỏ các quyền của mình tại các vùng biển phát sinh từ các lãnh thổ trên biển mà mình có thể dễ dàng chứng minh chủ quyền, đặt lập luận trên quyền quản lý biển từ lãnh thổ trên đất liền.
Việc này làm yếu đi tư thế của Phi (cũng như của Việt Nam tại Trường Sa). Tranh chấp trên bề mặt là tranh chấp về biển sẽ che khuất tranh chấp chủ quyền các “lãnh thổ” trên biển. Phía Trung Quốc chỉ chờ có bấy nhiêu để nhân dịp đó để tuyên truyền chủ quyền của họ ở các “lãnh thổ trên biển”. Bởi vì, khi hai bên chấp nhận là có tranh chấp về biển, tức là hai bên mặc nhiên đồng ý “lãnh thổ” sinh ra “vùng biển đang tranh chấp” cũng có tranh chấp.
Trở lại lập trường của Việt Nam ở bãi Tư Chính, dựa trên lý lẽ thềm lục địa (tính từ đất liền), thay vì đặt căn bản trên hai việc việc: có quyền chủ quyền tại các đảo Trường Sa đồng thời có quyền quản lý vùng biển sinh ra từ thềm lục địa trên đất liền. Điều này làm mất tư thế Việt Nam nếu tranh chấp Trường Sa được giải quyết bằng trọng tài quốc tế. Thái độ lựa chọn của Việt Nam (và Phi tại Scarborough) được hiểu là một sự chấp nhận ám thị các đảo Trường Sa có tranh chấp với Trung Quốc.
6/ Kết luận:
Hiện nay phía Trung Quốc đòi hỏi phân chia vùng biển với Phi, nhưng phải tính từ đường cơ bản của bãi cạn Scarborough với bờ biển của Phi. Tương tự như đối với Việt Nam, chia đều từ các đảo HS và Trường Sa với bờ biển Việt Nam. Thái độ của Việt Nam, do mất tố quyền (forclusion) từ hệ quả của các tuyên bố đơn phương (déclaration unilatérale) cũng như các động thái mặc nhiên (hay ám thị) đồng thuận (acquiescement) chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa trong một thời gian quá lâu, do đó phải giữ thế thụ động chông chênh. Trong khi tư thế của Phi thì khác.
Nước này đã khôn khéo dành được của Việt Nam một số đảo Trường Sa, với sự đồng thuận của nhà nước CSVN và các “học giả Việt yêu nước Phi”. Nước này cũng thành công trong việc hóa giải hiệu lực các đảo Trường Sa của Việt Nam lên vùng ZEE và thềm lục địa của nước này. Việc này cũng nhờ ở sự vận động các “học giả Việt”. Hôm nay Phi dọa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, chắc chắn sẽ không cần “các học giả Việt” dạy khôn.
Thái độ đúng đắn của các học giả Việt Nam hôm nay là tìm cách lấy lại tố quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, qua việc hợp pháp hóa việc kế thừa lãnh thổ miền Nam từ chính quyền VNCH. Việc này không thể nói suông mà phải thể hiện bằng hành động.
Đối với tầng lớp học giả thực sự và có lương tâm trí thức, việc nhìn nhận di sản của học giả Việt Nam thế hệ trước và nối tiếp các công trình của họ phải được thể hiện như một trình tự tự nhiên, qua việc dẫn tên và tác phẩm của họ mỗi khi các dữ kiện do họ khám phá được sử dụng lại. Việc chép lại, trích dẫn… các tài liệu nghiên cứu của các học giả VNCH (hay của các học giả quốc tế) mà không ghi nguồn dẫn, như nhiều “công trình” của các “nhà nghiên cứu” Việt Nam hiện nay, là một thái độ đạo văn. Thái độ này phản khoa học và phi trí thức, ngoài ra còn phủ nhận sự liên tục và tính kế thừa của tầng lớp học giả Việt Nam. Đọc lại “Sách trắng” của nhà nước Việt Nam công bố thập niên 80, ta thấy đó nguyên vẹn là “Sách trắng” trước kia của VNCH, bổ túc thêm các nghiên cứu của các học giả VNCH trước 1975. Các “học giả” Việt Nam hiện nay, mỗi lần chép lại là sao chép lẫn nhau, nếu ghi tên thì người sau ghi tên người trước, không bao giờ đặt câu hỏi người trước đã lấy dữ kiện từ đâu? Dữ kiện đâu có rơi xuống từ trên trời? Phải có người bỏ công vào văn khố lục lọi thì mới có nó. Hình thức ghi ơn họ là ghi tên họ đầy đủ khi sử dụng các dữ kiện do họ khám phá ra. Các học giả Việt Nam hôm nay tự nhiên sử dụng, người sau chép lại người trước, lại như thế vài lần, các công trình của các học giả Việt Nam trước 1975 vô tình bị lãng quên. Trong khi chúng là nền tảng của mọi nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Về vụ Phi dọa kiện Trung Quốc trước trọng tài quốc tế hôm nay, đã thấy “học giả” Việt Nam lao nhao, trong khi ốc còn không lo nỗi thân ốc, bởi vì bang giao quốc tế đều đặt trên nền tảng quyền lợi. Không có quyền lợi thì không có nghĩa vụ. Tuyên bố của nhà nước Việt Nam vừa qua về tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough: yêu cầu các bên bình tĩnh tôn trọng Tuyên bố chung DOC, giải quyết tranh chấp theo luật lệ quốc tế… là một “nghĩa vụ” quá hơn cần thiết, đủ để ủng hộ Phi và biểu lộ lập trường của mình. Mọi yêu cầu hơn điều này, như đã thấy ở các bài của học giả Việt Nam trên báo chí Phi, đều phi lý vì việc này đưa đến tình trạng căng thẳng hơn, thúc đẩy Việt Nam vào một cam kết (hay một tuyên bố) đơn phương, mà điều này có thể đem lại bất lợi cho Việt Nam về sau.
Điều đúng đắn là nên quan sát kỹ tranh chấp này và học hỏi từ đó, biết đâu lại hữu ích cho nước nhà sau này.
Trương Nhân Tuấn
____________________
Tham khảo thêm các bài viết của tác giả để biết thêm thái độ của TQ về các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác, về tập quán và luật quốc tế trong các phân xử của Tòa án Công lý quốc tế (CIJ) về tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, phân tích quan điểm và thái độ của nhà nước Việt Nam hiện nay đối với tranh chấp HS và TS:
Theo: Dân Luận.

Không có nhận xét nào: