Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Chín con rồng khuấy động Biển Đông

Tác giả: David Pilling

Người dịch: Thủy Trúc


Quá nhiều rồng, quá ồn ào”. Đó là lời một học giả Trung Quốc nói về những xích mích liên miên trên Biển Đông, nơi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đang động chạm với các yêu sách đối kháng của một số nước Đông Nam Á.

Vụ cãi cọ gần đây nhất là với Philippines. Tháng trước, một tàu hải quân Philippines đã cố tìm cách bắt vài tàu Trung Quốc mà theo Philippines là đang đánh bắt cá bất hợp pháp gần một quần đảo tranh chấp. Nhóm đảo này không thể không được biết tới, với hai tên khác nhau: bãi cạn Scarborough theo cách gọi của Philippines, và Hoàng Nham đảo theo cách gọi của Trung Quốc. Tàu hải giám Trung Quốc đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, không cho Philippines bắt giữ ai.


Vụ đụng độ trên biển này dẫn tới xa cách về ngoại giao trên bộ. Tuần trước, sau khi các bài xã luận đầy phẫn nộ trên một số tờ báo của Trung Quốc đòi hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) phải dạy cho Philippines một bài học, thì thậm chí đã có suy đoán rằng Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh. Bắc Kinh có vẻ như đã rút khỏi cái miệng vực chiến tranh đó. Nhưng Trung Quốc lại làm tổn thương Philippines theo những cách khác. Họ đã để cho những tàu chở chuối chất đống hàng trên bờ cảng biển của họ, đe dọa sinh kế của 200.000 nông dân Philippines. Và các hãng du lịch Trung Quốc thì hủy tua đi Philippines, lấy cớ là để đảm bảo an toàn cho du khách.

Sự bất lực của Manila – không thể bảo vệ cái mà họ coi là quyền chủ quyền rõ ràng của mình – được bộc lộ một cách cay đắng. Năm ngoái, tổng thống Benigno “Noynoy” Aquino đã thừa nhận, khá duyên dáng, rằng nếu nghĩ lực lượng vũ trang thiếu thốn đủ thứ của Philippines muốn đương đầu với Trung Quốc thì cũng giống như nghĩ một vận động viên quyền Anh phải cố gắng thi đấu trong một cái thùng. Vấn đề đối với Philippines, cũng như với Việt Nam – một quốc gia khác chọc giận Bắc Kinh trong câu chuyện Biển Đông – là Bắc Kinh ra yêu sách đòi gần như toàn bộ vùng biển chiến lược. Để đánh dấu vùng biển này, họ tạo ra bản đồ “đường chín đoạn” tai tiếng, trông như một cái lưỡi khổng lồ thè ra, liếm vào bờ biển của các nước láng giềng. Trong mấy năm qua, số các vụ việc xảy ra trên biển đã gia tăng, cho thấy Bắc Kinh đang trở nên liều lĩnh hơn. Năm 2009, tàu Trung Quốc vây một tàu khảo sát của Mỹ, gây ra một trận chiến về ngoại giao với Washington. Năm ngoái, tàu hải giám Trung Quốc va chạm với tàu khảo sát của cả Philippines lẫn Việt Nam. Đối với một số nước, việc Trung Quốc khăng khăng bảo vệ các yêu sách chủ quyền (thái quá) của họ là bằng chứng cho thấy họ đang triển khai một thứ tương tự học thuyết Monroe trong cái ao nhà của họ.

Aaron L. Friedberg, Trường Ngoại giao và các vấn đề quốc tế Woodrow Wilson thuộc ĐH Princeton, trong cuốn sách viết về cái mà ông gọi là “giao tranh Trung-Mỹ giành quyền làm chủ châu Á”, nói rằng Trung Quốc có ba trục chính sách đối ngoại: “tránh đối đầu”, “xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia” và “gia tăng tiến bộ”. Việc Bắc Kinh tích lũy dự phòng rất giống với hành động “gia tăng tiến bộ”.

Đó có lẽ là mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh. Còn hiện tại, theo một báo cáo tuyệt vời của Tập đoàn Quản lý Khủng hoảng Quốc tế, một cơ quan giải quyết xung đột, đóng tại Brussels, thì thực tế có thể hỗn loạn hơn và nguy hiểm hơn. Điều ấy là bởi vì, sự sinh sôi số lượng các cơ quan – chứ không phải bản thân chính phủ Trung Quốc – có thể đang giãn rộng biên độ chính sách của Trung Quốc. Có chín con rồng đang làm “dậy sóng biển”. Đó là Cơ quan Thực thi Luật Hải quan, Bộ Tư lệnh Thi hành Luật Nghề cá, Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải, Cơ quan Hải giám Trung Quốc, v.v.

“Trò chơi đa cấp đang diễn ra” – Michael Wesley, giám đốc điều hành Viện Chính sách Quốc tế Lowy (một viện chiến lược đóng tại Sydney), nói. Ông cho rằng các cơ quan chồng chéo nhau này có động cơ để duy trì căng thẳng trên Biển Đông, nhằm mục đích thu hút tiền ngân sách.

“Mẹo của trò chơi này là tận dụng việc thi hành luật pháp để ra mặt trong cuộc tranh chấp có quy mô lớn hơn, đó là tranh chấp chủ quyền” – Stephanie Kleine-Ahlbrandt, một trong các tác giả của báo cáo ICG, cho biết.

Bà cảnh báo, cuộc “chạy đua vũ trang” do các cơ quan quản lý biển này tiến hành thậm chí còn nguy hiểm hơn chạy đua vũ trang thật, bởi vì tàu của họ có thể được huy động dễ dàng hơn và họ có những quy định rất mù mờ về việc tham gia.

Ông Wesley thì nói, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thoát ra khỏi Biển Đông để bước vào một không gian rộng lớn hơn – Thái Bình Dương. Bà Kleine-Ahlbrandt e ngại, đó chỉ còn là vấn đề thời gian, rồi Trung Quốc sẽ làm chủ ngư trường đang tranh chấp, hoặc họ sẽ đi đến việc tấn công tàu Philippines. Khi Đặng Tiểu Bình bảo Bắc Kinh phải che bớt ánh sáng đi, rõ ràng ông không nói tới những con mắt sáng rực của chín con rồng ở Trung Quốc.

Nguồn: Financial Times

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào: