Nguyễn Hưng Quốc
Sáng Thứ Sáu, ngày 18 tháng 5, có một nhóm người tự xưng là thương binh xông vào phòng làm việc của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội. Họ gào thét, chửi bới, ném vỡ đồ đạc, đe dọa nhân viên, thậm chí còn “tụt quần nằm tơ hơ giữa phòng”. Để làm gì? Để uy hiếp Nguyễn Xuân Diện và buộc ông phải gỡ bỏ bài viết “Thư gửi Chính phủ Nhật Bản, phản đối việc viện trợ VN xây nhà máy điện hạt nhân” trên blog của ông.
Nhà báo Mai Xuân Dũng kể:
“Tầng 3 nơi thư viện của tòa nhà cơ quan vương vãi đầy các mảnh vỡ. Tiếng gào thét đang vọng ra từ văn phòng Viện Trưởng. Chúng tôi đã thấy những gương mặt rất đặc trưng “đường phố” đang “làm chủ” nơi này. Và thật bất ngờ tôi nhận ra ngay một thương binh tên là Công trong số 5 người đã tham gia làm cuộc đại náo cơ quan Viện. Vì quen biết nên tôi hỏi anh lý do đã đến đây.
- Tao biết chó gì đâu, “nó” gọi đi là đi thôi.
- Anh có biết rằng Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện là một blogger luôn bênh vực người nghèo khổ và đấu tranh dũng cảm với những cái xấu trên các trang blog không?
- Tao biết “cờ lốc” là cái gì đâu mà hỏi.
- Các anh đòi anh Diện gỡ bài vở trên blog về vấn đề điện hạt nhân. Vậy anh biết gì về việc Nhật bản đầu tư xây dựng cái nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận trong khi chính người Nhật đã dỡ bỏ tất cả mấy chục nhà máy điện nguyên tử sau khi có sự cố Fukushima chứ?
- Chịu, tao không biết.
- Anh cũng từng là nạn nhân, tại sao anh lại để người ta biến mình thành công cụ như thế. Chẳng lẽ vì tiền cái gì cũng làm sao anh?
- Tao đã được cốc bia đ…nào đâu mà mày nói vì tiền chứ.
Thế là đã rõ. Nghe giải thích, Công và hai thương binh nữa bỏ về. Chỉ còn lại hai người tên Duyên mặc áo hoa to như hộ pháp và một người tên Đồng ở lại. Họ đã núng thế trước anh em bạn bè của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.
Tất cả các nhân chứng đều cho biết Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như bản thân họ đã gọi điện thoại báo cho công an biết. Riêng bà Lê Hiền Đức thì gọi thẳng cho Bộ trưởng công an Trần Đại Quang để yêu cầu can thiệp. Mọi người đều hứa sẽ điều động an ninh đến ngay. Tuy nhiên, cả mấy tiếng đồng hồ sau, sau khi đám người tự xưng là thương binh đến quậy phá và uy hiếp tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã bỏ đi, mới thấy có ba công an đi xe máy đến “làm việc”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm sau đó điện thoại nhà của ông bị cắt. Rồi điện thoại bàn nơi phòng làm việc của ông cũng bị cắt.
Tất cả các chi tiết trên, kết hợp lại với nhau, cho thấy đám côn đồ tự xưng là thương binh đến hành hung và uy hiếp Nguyễn Xuân Diện không phải là những kẻ “hành động tự phát” theo lối giải thích mà nhà nước Việt Nam thường đưa ra trong những trường hợp tương tự.
Từ năm bảy năm nay, dường như bất cứ ở đâu có những người làm gai mắt và gai tai chế độ cũng đều xuất hiện những tên côn đồ đóng vai trấn áp. Với Trần Khải Thanh Thủy, người thường xuyên phê phán chế độ, lúc còn ở Việt Nam, người ta thấy côn đồ đến gây gổ, cuối cùng, dẫn đến ẩu đả. Với nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, người ta cũng thấy côn đồ đến quậy phá. Với Hoàng Minh Chính, côn đồ không những chửi bới mà còn ném cả lọ mắm tôm vào nhà. Một số luật sư can đảm dám đứng ra bênh vực những người thấp cổ bé miệng như luật sư Lê Quốc Quân và Trần Đình Triển cũng thường xuyên bị đám côn đồ uy hiếp như vậy.
Hãy nhớ lại cảnh, năm 2009, các tăng ni thuộc hệ phái Làng Mai (của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh) bị đuổi ra khỏi tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ ở tỉnh Lâm Đồng như thế nào. Hình ảnh ghi lại trong các cuộn băng video cho thấy bọn côn đồ xông vào đánh đập tăng ni, có khi đánh đến bất tỉnh. Chúng còn “phá cửa sổ, đồ đạc, bàn ghế, giường chiếu và đổ nước lạnh nhằm phá hủy các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động và máy điện toán cá nhân mà tăng ni sinh dùng để liên lạc với truyền thông báo chí, cũng như với dòng thiền mẹ bên Pháp là Làng Mai.” Thiền sư Nhất Hạnh cho biết đám côn đồ ấy đã được thuê với giá 200 ngàn đồng cho mỗi người một ngày.
Không phải chỉ có Phật giáo. Nhiều tu sĩ và giáo dân Tin Lành và Công giáo, những người không ngoan ngoãn vâng lời chính quyền, đều bị đám côn đồ nhào đến hành hung. Có khi chúng đánh lẻ, như với linh mục Nguyễn Quang Hòa ở Kontum vào ngày 22/2/ 2012 hay với linh mục Nguyễn Văn Bình ở Hà Nội vào ngày 15/4/ 2012. Có khi chúng đánh với quy mô lớn, tấn công thẳng vào nhà thờ hoặc tu viện, như ở Thái Hà, Mỹ Lộc, Con Cuông (Vinh), Tam Tòa, Đồng Chiêm, Loan Lý, Cồn Dầu, Vĩnh Long…
Cho đến nay, nhà nước Việt Nam thường giải thích sự có mặt của đám côn đồ trong các vụ trấn áp ấy chỉ là đám “quần chúng tự phát”. Lời giải thích ấy là một cách phủi trách nhiệm.
Tuy nhiên, ở điều có hai điều đáng bàn:
Thứ nhất, nếu nhà nước cho đó là những hành động tự phát thì họ mặc nhiên thú nhận mình bất lực trong việc trị an, để mặc cho bọn côn đồ tác oai tác quái, hết đánh đập người này đến đánh đập người khác, hết xông vào phá chùa lại xông đến đập nhà thờ, hết lộng hành ở nhà dân lại hành hung cán bộ ngay trong công sở. Đó không phải chỉ là sự bất lực của lực lượng công an mà còn là sự bất lực của luật pháp nói chung. Trước sự bất lực ấy, bọn côn đồ tha hồ hoành hành.
Thứ hai, trong rất nhiều trường hợp, người ta chụp được hình ảnh các công an đứng lảng vảng phía sau hoặc có khi trà trộn hẳn vào cái đám côn đồ được gọi là “quần chúng tự phát” ấy. Trong vụ trấn áp Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện vào ngày 18/5 vừa qua, tuy không có bóng dáng công an đâu cả, nhưng việc công an khoanh tay không thèm đến can thiệp và việc điện thoại nhà cũng như điện thoại văn phòng của Nguyễn Xuân Diện bị cắt cũng tiết lộ rất nhiều điều bất thường trong mối quan hệ giữa công an và đám côn đồ.
Từ trước đến nay, chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam thường rêu rao nền tảng quyền lực của họ, về ý thức hệ, là chủ nghĩa Mác, rồi sau đó, (cộng thêm) “tư tưởng Hồ Chí Minh”; về phương diện xã hội, là giai cấp công nhân và nông dân; về phương diện chính trị, là quân đội và công an. Hiện nay, chả lẽ lại xuất hiện thêm một thành phần mới nữa sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét