Trước sự nổi lên của Trung Quốc, không ít người cho rằng Mỹ cần "để mắt" đến người khổng lồ châu Á. Ảnh minh họa: Telegraph. |
Để tiếp tục vươn mình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với vô vàn thách thức bởi cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ hành động ngày càng quyết liệt để ngăn chặn họ.
Tại sao Mỹ quyết đối đầu với Trung Quốc?
Một bản ghi nhớ của Lầu Năm góc được biên soạn năm 1992, ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô, dưới sự giám sát của Thứ trưởng Ngoại giao Paul Wolfowitz, bị rò rỉ trên truyền thông mới đây tiết lộ rằng Mỹ có một bản kế hoạch để “bằng mọi giá ngăn chặn bất cứ quyền lực thù địch nào thống trị những khu vực dồi dào tài nguyên và hội tủ đủ điều kiện cũng như lợi thế để dẫn tới sự hình thành của một quyền lực toàn cầu mới. Các khu vực trên bao gồm: Tây Âu, Đông Á, lãnh thổ Liên Xô và Tây Nam Á".
Trước đó, có nhiều quan điểm cho rằng Mỹ cần phải “để mắt” đến sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Tháo lui khỏi hai cuộc chiến đầy đau thương và mất mát về sức người, sức của cũng như hình ảnh tại Iraq và Afghanistan, 2012 là năm đánh dấu bước chuyển mới của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khi hướng trọng tâm chiến lược chính sách đối ngoại đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Giải thích các định hướng mới cho chính sách đối ngoại Mỹ trước Quốc hội Australia ngày 17/11/2011, Tổng thống Obaam nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ phân bổ các nguồn lực cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực này”.
Robert Kaplan, một nhà phân tích kỳ cựu của Mỹ, có tên trong danh sách “100 học giả toàn cầu” năm 2011 do tạp chí Foreign Policy công bố, hoan nghênh chiến lược hướng Đông của chính quyền Obama. Theo ông Kaplan, chiến lược này chính là chìa khóa giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc và vực lại hình ảnh toàn cầu của họ.
Theo ông Kaplan: “Trung Quốc, về bản chất, là một xã hội năng động do đó, hiển nhiên họ sẽ mở rộng vai trò quân sự và kinh tế tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Và sự trỗi dậy của bất cứ quyền lực mới nào cũng cần phải được kiềm chế”.
Cũng theo Kaplan – là người giám sát quyền tự do hàng hải, Mỹ phải chuyển trọng tâm tới Ấn Độ - Thái Bình Dương để kịp thời ngăn chặn bất cứ tình huống căng thẳng nào bị đẩy đi xa hơn khi khu vực này đang rơi vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng quyết liệt.
Đồng thời, với vai trò là người cầm trịch trật tự hàng hải quốc tế - Mỹ cũng có nghĩa vụ điều chỉnh một cách khéo léo để các nhu cầu và lợi ích của những “người chơi” mới ăn khớp với cả một hệ thống.
Điều này hoàn toàn phù hợp với hai châm ngôn trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước của Mỹ từ thế kỷ trước đặt ra yêu cầu rằng cường quốc số 1 thế giới phải bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các huyết mạch giao thông trên biển của thế giới.
Những năm gần đây, không chỉ riêng ông Kaplan, nhiều nhà phân tích chính trị Mỹ khác không ngừng thổi phồng sự nổi lên của một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn và như vậy, sự kết thúc của một thế giới đơn cực ngày một đến gần. Họ cảnh báo về xung đột giữa các cường quốc mới nổi với những kẻ thống trị cũ đang trên đà suy giảm và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh quá ngạo mạn khi tuyên bố mở rộng sự hiện diện tại biển Đông.
Những cảnh báo như vậy tác động mạnh đến các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khiến họ hoảng hốt. Kết hợp với việc phải đối mặt với các áp lực liên quan đến sự suy giảm về mặt kinh tế cũng như sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo đối với các công việc chung của thế giới nên thay vì ủng hộ tự do thương mại, giới chính khách “bồ câu” kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa trọng thương. Đồng thời, thay vì nỗ lực cho hòa bình và ổn định toàn cầu, một cách thực dụng, họ muốn hạn chế sự hiện diện về mặt quân sự lẫn chính trị của Mỹ trên thế giới. Trong khi đó, các chính khách “diều hâu” lại yêu cầu phải tăng cường khả năng quân sự để kìm chế Trung Quốc.
Nhưng điểm đáng chú ý là tất cả các chính khách Mỹ, dù quan điểm chính trị khác biệt như thế nào vẫn gặp nhau ở một điểm chung đó là nỗi sợ hãi tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc nếu cứ tiếp diễn thì chỉ trong vài thập kỷ nữa thôi, GDP của họ sẽ vượt mặt Mỹ.
Xuất phát từ yêu cầu phải bảo vệ và giữ gìn an ninh cho đường biên giới đất liền dài miên man cùng với các tuyến đường biển trọng yếu dễ bị tổn thương, Trung Quốc không ngừng đổi mới công nghệ, phát triển khí tài quân sự, trong đó, thành tựu vô cùng quan trọng là một quả bom hạt nhân vào năm 1964.
Trung Quốc, trong những năm gần đây, cũng liên tục gặt hái được thành tựu trong các chương trình nghiên cứu không gian cũng như nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và hiện đại khác – những công nghệ có thể đem áp dụng cho quá trình hiện đại hóa quân sự. Những cải tiến và thành tựu trong công nghệ chế tạo tên lửa mới của con rồng châu Á cũng đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Đài Loan – đồng minh có lịch sử quan hệ hơn 60 năm của Mỹ.
Nguồn: Bạch Dương/ Baodatviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét