Phạm Viết Đào
Theo dõi hoạt động của các vị “ tứ trụ triều đình “ thấy sau chuyến đi thăm Cuba, có vẻ TBT Nguyễn Phú Trọng đang bị suy giảm “ phép thông công “, giảm thiêng. Ông Trọng ít thấy xăng xái xuất hiện đây đó để phát biểu những điều như sách, như nghị quyết.Ông Nguyễn Tấn Dũng thì vẫn hăng hái, phòng ngự bằng phương pháp tấn công … Hiện nhiều chuyện tai tiếng đều dính đến bàn tay của chính phủ nên dư luận cảm thấy ông Dũng phải gồng lên. Ông có vẻ cũng nhận ra được: nao núng mất tinh thần, dao động, lùi lúc này là nguy, là hỏng nên cứ ào ạt xô quân xông lên bất kể thua được, phải trái biến thua bại thành thắng, biến tai tiếng thành nổi tiếng, tưởng sa vào thế yếu lại thành mạnh.
Còn ông Nguyễn Sinh Hùng thì có vẻ kín tiếng, phải chăng ông Hùng đang nín thở xem phe nào mạnh để mà ngả theo, ít thấy xuất hiện, ít bày tỏ thái độ.
Chỉ còn mỗi ông Trương Tấn Sang là vẫn thấy chịu khó xuất hiện đều đều chỗ này chỗ kia, đề xuất điều này, khuyến khích cái nọ. Giới bình luận vỉa hè cho rằng: trong tứ trụ, vào thời điểm hiện tại ông Trương Tấn Sang là người ít bị tai tiếng, ít dính dáng đến những chuyện lèm nhèm, chỉ có điều ông này có vẻ lực yếu. Lực ở đây là việc nắm quân quyền, với vị trí Chủ tịch nước ông chỉ có danh còn quyết về nhân sự lại do Đảng; quyết về tiền danh nghĩa do Quốc hội nhưng thực ra trong tay Thủ tướng … Chỉ cần lèo lái xê dịch một dấu chấm, dấu phẩy trong chuyện chi tiêu tiền là đã trở thành cả một vấn đề.
Dư luận vỉa hè đang bàn tán rôm rả về cuộc tiếp xúc cử tri mới đây vào ngày 3/5, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã công khai đúc kết:
.”Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về vai trò của Quốc hội trong giám sát tham nhũng tại kỳ họp vào cuối tháng 5 sắp tới. Chủ tịch nước chia sẻ các quan ngại của cử tri khi người phụ trách phòng chống tham nhũng hiện nay lại được giao cho thủ trưởng các cơ quan công quyền, vốn được coi là đối tượng phát sinh tham nhũng cao nhất. ‘Hiện nay, tổ chức bộ máy chống tham nhũng có 3 luồng ý kiến khác nhau: Thứ nhất là giữ nguyên bộ máy chống tham nhũng như hiện nay nhưng tăng thêm quyền lực và quyền hạn; thứ hai là bộ máy chống tham nhũng phải trực thuộc Quốc hội hoặc giao cho Đảng trực tiếp chỉ đạo; thứ ba là thành lập một Ủy ban độc lập phòng chống tham nhũng. Do đó, trong tháng 5 này, Quốc hội sẽ thống nhất về vấn đề này’ …”. *
Cái cơ chế giao chống tham nhũng cho Chính phủ hình thành thời ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội. Hồi đó đã có ý kiến đại biểu cho rằng nên để cơ quan đặc trách chống tham nhũng tại Quốc hội, nhưng ông Nguyễn Văn An nhất quyết đẩy sang Chính phủ. Không rõ bây giờ ông Nguyễn Văn An có cảm thấy sai, hối hận về việc này không khi mà từ khi cơ quan này về sân chính phủ đến nay, việc chống tham nhũng chẳng thấy tiến triển gì mà ngày càng tệ hơn, các vụ tham nhũng ngày càng to hơn? Điều này dễ hiểu vì làm sao khách quan được khi mà Thủ tướng vừa đá bóng, lại vừa thổi còi.
Về các mô hình về cơ cấu tố chức cơ quan phòng chống tham nhũng phải căn cứ vào Hiến pháp và căn cứ vào tình hình thực tế Việt Nam. Hình như Trung Quốc người ta sát nhập cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ với Đảng làm một, tức là sát nhập cơ quan Thanh tra Chính phủ với Ủy ban Kiểm tra của Đảng làm một. Mô hình này thực ra là duy ý chí và không thật chuẩn về cơ sở pháp lý vì dù là Đảng cầm quyền như Trung Quốc, Việt Nam nhưng Điều lệ Đảng đều ghi cầm quyền ở đây là quyền lãnh đạo về đường lối, là cử người vào các cương vị chủ chốt còn không cầm tay chỉ việc.
Hợp lý và hợp pháp nhất đó là cách mà nhiều nước phương Tây vẫn làm: hình thành Tòa án Hiến pháp, Tòa án này sẽ phán xét tất cả các thành viên của bộ máy nhà nước, trừ Tổng thống, Chủ tịch nước được miễn trừ trong thời gian tại chức; còn sau khi mất chức thì lúc đó cơ quan này sẽ ra tay nếu cựu Tổng thống có chuyện. Ở ta muốn theo mô hình này thì phải sửa lại Hiến pháp.
Trở lại việc ở ta nên để cơ quan chống tham nhũng ở đâu ? Nếu để tình trạng như hiện nay thì rõ ràng là bất ổn vì nhiều lý do trong đó lý do lớn nhất đó là tâm lý e ngại, nể nang, tâm lý làng xã vốn ăn sâu trong tâm thức của những kẻ “đã trót tương phùng trong một quán, dẫu trà ôi rượu nhạt vẫn là duyên …”
Còn đặt trực tiếp tại cơ quan Đảng thì đây là một mô hình đang bị tẩy chay khắp thế giới. Đảng không nên can thiệp quá sâu vào công việc của nhà nước. Nhà nước của dân và do dân bầu còn Đảng chỉ là một nhóm người có cùng một chí hướng chính trị nào đó. Vả lại Đảng xưa nay quen nói chuyện cao đạo, đường lối, bây giờ lao vào việc đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành là việc Đảng sẽ không làm được, có khi lại hỏng, lại bị mua, làm Đảng thối.
Mô hình thích hợp nhất, hợp pháp nhất theo người viết bài này nên đặt dưới quyền chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch nước. Nếu đặt cơ quan này tại Phủ Chủ tịch vừa đúng Hiến pháp, pháp luật, vừa tăng thêm quyền lực cho Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ điều hành, Chủ tịch nước làm trọng tài, kiểm tra giám sát việc sử dụng tiền.
Các triều đại phong kiến thịnh trị xưa để lành mạnh bộ máy nhà nước thì Vua phải đứng ra mà giám quản các quan, Vua phải đứng ra mà chống tham nhũng; vua mà lơ mơ, hỏi gì cũng không biết, chỉ trị vì không thì Tể tướng, quần thần sẽ làm loạn.
P.V.Đ.
.
* Cử tri kiến nghị giao quyền giám sát tham nhũng cho Quốc
hội (Đại đoàn kết, 3/5/2012).
Theo: Blog Phạm Viết Đào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét