Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Những cuộc chiến ngầm của Barack Obama


Một máy bay do thám Predator của Mỹ.

Các máy bay không người lái mang tên lửa và các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ là gương mặt mới của cường quốc Mỹ, và Nhà Trắng đang ngày càng phụ thuộc vào đó để chiến đấu với khủng bố tại những hang cùng ngõ hẻm của trái đất.

Ở một góc độ nào đó, nước Mỹ dường như muốn trở lại thành một quốc gia thời bình khi chính quyền Tổng thống Barack Obama đã rút toàn bộ binh lính khỏi Iraq và cũng bắt đầu giảm quân tại Afghanistan.
Nhưng lại nảy sinh một vấn đề lớn với ý tưởng rằng nước Mỹ đang dần thoát khỏi một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Trong khi Tổng thống Obama đang đưa các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đến hồi kết, ông cũng đã mở rộng mạnh mẽ các cuộc chiến bí mật khắp toàn cầu, chuộng sử dụng các cuộc tấn công do các đội đặc nhiệm thực hiện, như chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakistan, và các máy bay do thám mang tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ trên cao.

Sự phụ thuộc công khai của Obama vào các chiến dịch bí mật đã thay đổi bản chất của chiến tranh. Dưới đây là những điểm nóng nơi Mỹ tiến hành các cuộc chiến bí mật.

Pakistan



Nhân viên an ninh Pakistan kiểm tra một chiếc máy bay do thám Mỹ bị rơi tại Chaman tháng 8/2011.

Ông Obama đã cho phép thực hiện 244 vụ tấn công bằng máy bay do thám tại Pakistan kể từ khi nhậm chức năm 2009, cao hơn số lượng các vụ tấn công được thực hiện dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Hôm 31/1, ông Obama đã lần đầu tiên công khai xác nhận rằng Mỹ đã và đang thực hiện các cuộc tấn công do thám, miêu tả đó là “một nỗ lực tập trung, có chủ đích nhằm vào những kẻ có tên trong danh sách khủng bố vốn đang cố gắng xâm nhập và làm hại người Mỹ”.
Tuy nhiên, rõ ràng đó không phải là phải là hoàn toàn câu chuyện. Một báo cáo của Cục báo chí điều tra có trụ sở tại London (Anh) cho thấy hàng trăm dân thường đã thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng máy bay do thám, bao gồm hơn 60 trẻ em. Giới chức Mỹ bác bỏ rằng con số này là quá cao, mặc dù họ thừa nhận hàng chục dân thường đã bị sát hại không cố ý trong các chiến dịch.



Người Pakistan đốt cờ Mỹ phản đối các cuộc tấn công bằng máy bay do thám.
Bất chấp các rủi ro, rõ ràng là chính quyền Obama đang tăng cường sử dụng lực lượng đặc nhiệm để chiến đấu trong các cuộc chiến. Thậm chí trong giai đoạn cắt giảm chi tiêu, ngân sách mới của Lầu Năm Góc vẫn muốn bổ sung 3.000 người cho Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt (SOCOM) của quân đội Mỹ, trong khi phần còn lại của quân đội bị co hẹp lại.
Không có gì bất ngờ khi người Pakistan không hài lòng về các máy bay do thám. Một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2011 cho thấy chỉ 12% người Pakistan ủng hộ Mỹ, trong khi 69% coi Mỹ là kẻ thù hơn là bạn.
Nhưng các cuộc tấn công bằng máy bay do thám cũng hiệu quả. Theo số liệu của Quỹ nước Mỹ mới (New American Foundation), các cuộc tấn công bằng máy bay do thám đã tiêu diệt hơn 1.000 phiến quân tại Pakistan kể từ khi ông Obama nhậm chức tổng thống.

Yemen



Người nộm và máy bay trong cuộc diễn tập chống khủng bố tại Bắc Carolina năm 2006.
Yemen đã trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay vì cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Sau nhiều tháng hỗn loạn, người Yemen đã bầu người kế nhiệm ông Saleh hôm 21/2.
Nhưng không gây quá nhiều ồn ào, Mỹ cũng đã phát động một cuộc chiến ngầm chống lại những nơi ẩn náu của al-Qaeda tại nước này. Trong khi Mỹ huấn luyện các binh sĩ đặc nhiệm Yemen, lực lượng đặc nhiệm riêng của Mỹ cũng được tin đang hoạt động tại nước này.


Tàu sân bay USS Boxer của Mỹ hiện đang neo đậu tại vịnh Yeden ngoài khơi Yemen.
Al-Qaeda tại bán đảo Ả-rập (AQAP), vốn nhận thấy Yemen là nơi trú ẩn an toàn nhất, đã trở thành nhánh nguy hiểm nhất của tổ chức khủng bố khét tiếng. Do đó, chính sách của Mỹ với Yemen được phản ánh qua lăng kính chống khủng bố.

Djibouti



Nhà chứa máy bay tại một căn cứ nơi quân đội Mỹ có thể phóng các máy bay do thám để giám sát tại vùng Sừng châu Phi.
Các binh sĩ Mỹ không chỉ chống khủng bố tại Trung Đông và Nam Á. Từ Trại Lemonnier tại quốc gia châu Phi nhỏ bé Djibouti, quân đội Mỹ cũng đang lặng lẽ chiến đấu với khủng bố khắp một khu vực rộng lớn của châu Phi. Mỹ có gần 1.800 binh sĩ đồn trú tại Djibouti, nơi sứ mệnh của họ là nhằm ngăn chặn al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác tiếp cận các nước trong khu vực, trong đó có Eritrea, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan, và Yemen.

Afghanistan



Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan phóng một máy bay do thám Raven.
Các máy bay do thám không chỉ là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến ngầm của Mỹ tại các khu vực bộ lạc của Pakistan mà chúng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh tại Afghanistan.
Quân đội Mỹ đã sử dụng các máy bay do thám không người lái tại Afghanistan để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của Taliban.

Libya



Khói bốc lên sau một cuộc không kích của NATO tại Tripoli tháng 3/2011.
Khi ông Obama cam kết ủng hộ thực thi một vùng cấm bay được Liên hợp quốc ủng hộ tại Libya hồi năm ngoái, ông đã điều tới đây các máy bay do thám. Khi các lực lượng NATO nỗ lực giúp phe nổi dậy Libya phá vỡ thế bao vây của Đại tá Gadhafi tại thành phố Misrata hồi tháng 4, Mỹ đã cho phép sử dụng các máy bay do thám Predator với sự hỗ trợ của tên lửa Hellfire để nhằm vào lực lượng của nhà lãnh đạo Libya.

Somalia


Một trong những nỗ lực chống khủng bố bí mật nhất của Mỹ đang được tiến hành là nhằm chống lại nhóm phiến quân al-Shabab tại Somalia, vốn đã chính thức sáp nhập với al-Qaeda và công khai đe doạ đưa “ngọn lửa chiến tranh” tới quốc gia láng giềng Kenya.
Khi các binh sĩ Kenya tiến tới thành trì của nhóm phiến quân tại Kismayu hồi tháng 10/2011, các lực lượng quân đội quốc tế, có thể bao gồm Mỹ, đã tham gia chiến dịch chống lại al-Shabab. Nhưng cho tới nay, các quan chức cấp cao Mỹ vẫn bác bỏ thông tin nói rằng các lực lượng Mỹ đã tham gia vào các cuộc công kích tại Somalia vào thời điểm đó.
Vào các thời điểm khác, sự tham gia của Mỹ tại Somalia là khá rõ ràng, Hồi tháng 1, một máy bay do thám của Mỹ đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của al-Shabab, và các đặc công Mỹ từng thực hiện một cuộc đột kích táo bạo tại Somalia để giải cứu 2 nhân viên cứu trợ.
Trong năm 2006 và 2007, quân đội Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với một lực lượng lớn tại Ethiopia từng đổ bộ vào Somalia để đánh bật một phòng trào Hồi giáo từng kiểm soát phần lớn đất nước.

Nguồn: An Bình/ Foreign Policy/ haingoaiphiemdam

Không có nhận xét nào: