Từ khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
, ông đã có nhiều chủ trương, nhiều giải pháp không giống ai những mong nhanh
chóng thay đổi bộ mặt giao thông của nước ta đặc biệt là ở hai thành phố lớn
nhất nước . Không ai phủ nhận thái độ tích cực của ông nhưng hiệu quả của những
chủ trương được ông tung ra như những “quả đấm thép” lại thiếu sức nặng và do đó
hầu như đã đấm vào không khí. Từ đó dư luận nghi ngờ năng lực cũng như sự hiểu
biết của ông trên cương vị một nhà quản lí nhà nước cấp cao
Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đặt tên Bộ do
ông phụ trách là Bộ Giao thông Vận tải. Nói điều này đối với ông có lẽ hơi thừa
vì một người thông thái và hăng hái như ông thừa biết . Nhưng người viết vẫn
muốn nhắc nhở ông cũng như nhắc nhở mọi người tham gia phản biện rằng nhiệm vụ
chính của ngành là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông . Nói
nôm na hai nhiệm vụ chính của Bộ Giao thông Vận tải là xây cầu _ làm đường và tổ
chức sự đi lại của người dân tức là vận tải .
Chúng ta cứ bàn cãi mãi vì sao ách tắc giao thông
ngày càng nghiêm trọng , vì sao tai nạn giao thông ngày càng báo động . Rồi
người ta trong đó có cả ông nghĩ ra trăm phương ngàn kế để khắc phục hai vấn nạn
trên bất chấp cả các quy luật tự nhiên và xã hội . Ví dụ cho đổi giờ làm việc và
giờ học , ví dụ cấm xe ô tô lưu hành, ví dụ thu phí bảo trì đường bộ , hạn chế
phát triển phương tiện vận tải cá nhân đồng thời tăng lượng vận hành của xe buýt
vân vân và vân vân . Tất cả các chủ trương trên từ ý tưởng cho đến việc thực
hiện đều chưa mang lại hiệu quả rõ rệt và rồi không biết một thời khắc nào đó,
ông lại tung ra một tuyên bố giật gân nữa. Xin nói ngay người dân đã quen với
những đòn gió mà ông lạm dụng rồi. Bây giờ người ta “biết tỏng” gót chân Asin
của ông rồi . Ông chỉ “giỏi ” giải ngân và tiêu tiền thôi. Thiếu tiền là ông
đứng ngồi không yên và tìm mọi cách để có tiền. Xem ông tiêu cả ngàn tỉ đồng mà
như người ta tiêu vài triệu bạc . Rõ kinh !
Người ta góp nhiều ý kiến về cải thiện việc đi
lại của dân. Xem ra từ khi Hà Nội xây hai chiếc cầu vượt “dã chiến” ùn ứ ở hai
nút giao quan trọng này cải thiện đáng kể . Nếu Hà Nội xây thêm vài chiếc cầu
nữa và ông đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thành đoạn đường trên cao Phạm Hùng
,Khuất Duy Tiến ,Nguyễn Xiển thì tôi tin rằng ách tắc sẽ được giải quyết cơ bản.
Thử hỏi bao nhiêu năm nay Hà Nội đã xây thêm được bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu
con đường ? Quá ít nếu không muốn nói là chẳng xây thêm gì cả. Đường 32 đi Sơn
Tây thì làm cả chục năm bây giờ mới xong, cầu vượt đường Hoàng Hoa Thám , công
trình chào mừng ngàn năm Thăng Long thì cho đến hôm nay vẫn thấy xe lu ì ạch
chạy chưa biết đến ngày nào thì có thể thông xe nút giao Thuỵ Khuê Văn Cao . Chỉ
cần Hà Nội đầu tư khoảng hai ngàn tỉ đồng, bằng một phần chín số tiền thất thoát
ở Ngành dầu khí mà ông là Tổng tư lệnh thì ách tắc sẽ được giải quyết triệt để
chả cần người dân phải đóng góp gì. Chả nhẽ ông không day dứt gì vì số tiền thất
thoát tới 18.000 tỉ đồng mà Thanh tra chính phủ công bố khi đề xuất người dân
đóng góp quỹ bảo trì đường bộ ? Chả nhẽ ông vô can trong việc chi tiêu tầm bậy
tầm bạ một khi Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng lãng phí nay trực thuộc Bộ
Chính trị và Ban Nội chính Trung ương chứ không phải Thủ tướng Chính phủ nắm giữ
nữa
Khi đường xá được mở rộng và thông thoáng thì
việc tổ chức giao thông không đến nỗi tắc tị như hiện nay
Ông hãy quên cái đám xe buýt đi . Vài trăm thậm
chí vài ngàn xe cũng không giải quyết được việc đi lại vì làm gì có đường riêng
cho xe buýt mà càng nhiều xe buýt nhất là xe buýt lớn đi chung với các loại xe
khác thì càng gây ách tắc mà thôi. Ông hãy đề nghị nhà thầu Trung Quốc nhanh tay
hoàn thành chục cây số đường sắt trên cao Hà Đông Hà Nội thì với tần xuất 5 phút
một chuyến và rẻ tiền người ta sẽ có thói quen đi bộ và bỏ xe máy để đi xe điện
như ở các nước cả thôi. Đó cũng là quy luật của vận tải hành khách công cộng mà
Việt Nam chưa có tiền lệ chứng minh
Lại nói đường dành riêng cho xe buýt thường thấy
trên ti vi ở các nước tiên tiến. Những tưởng khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, một
số con đường mới mở như Lê Văn Lương kéo dài hay Phạm Hùng sẽ có đường hai chiều
với nhiều làn xe, có đường dành riêng cho xe buýt, cho xe máy, cho người đi bộ,
có vỉa hè, có chỗ đậu xe rồi mới đến san sát cửa hàng cửa hiệu . Nhưng tất cả
chỉ là chiếc bánh vẽ đánh lừa các nhà lãnh đạo khi duyệt quy hoạch. Nay thì chả
bao giờ có một con đường hiện đại như thế, Chỉ có “hai làn rưỡi” đường cho các
loại xe chen lấn nhau, thậm chí chả có cả vỉa hè nữa. Nhà đầu tư sau khi có giấy
phép thả sức xây nhà để bán và Hà Nội muôn đời là thành phố lạc hậu manh mún
trong xây dựng và giao thông cho dù có mở rộng cỡ nào chăng nữa
Khi đến một địa phương ở miền núi, các lãnh đạo
địa phương đều tự hào khoe địa phương mình đã giải quyết được ba khâu “đường,
trường, trạm” Ý nói giao thông đi trước một bước sẽ kéo theo sự phát triển kinh
tế, văn hoá, xã hội. Hà Nội thì làm ngược lại ông Thăng ạ. Họ xây nhà trước rồi
mới nghĩ đến mở đường rộng bao nhiêu nghĩa là lợi ích nhóm là trên hết. Hãy quên
khẩn trương các lợi ích công cộng khác. Đời tao chén cho xong mấy cái dự án béo
bở đã còn việc đi lại ách tắc, tai nạn đã có thằng giao thông nó lo . Không biết
ông có cảm nhận được điều đó không ?Hay là ông đang góp phần vào cái quy hoạch
lộn xộn và phản động đó khi công bố ý định bán trụ sở Bộ Giao thông Vận tải cho
một công ty cổ phần đã được chỉ định để họ xây cao ốc góp phần đẩy ách tắc giao
thông lên đỉnh điểm ?
Thiên hạ viết về ông quá nhiều. Khen có, chê có ,
chửi cũng có . Thư này thuộc loại dễ đọc không biết có giúp gì được cho ông
không ? Thư viết chưa xong thì Đài báo đưa tin nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị
Vinalines bị bắt, Một câu hỏi được đặt ra : Sau Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng,
ai là người ở Bộ Giao thông vận tải sa vào vòng lao lí ? Hy vọng người đó không
phải là Đinh La Thăng
Chào ông
Lương Kháu Lão
Theo: Blog Lương Kháu
Lão
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét