Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Tạm dừng hoạt động để xử lý lỗi ở “trái tim”

Minh Đức

Từ ngày 16.5, nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) phải tạm dừng hoạt động để xử lý các lỗi kỹ thuật. Ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc công ty TNHH lọc hoá dầu Bình Sơn – công ty quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất – cho biết, đây là thời điểm quan trọng để tổ hợp nhà thầu Technip kết thúc thời gian bảo hành, bàn giao cho phía Việt Nam quản lý, vận hành.
Thưa ông, vì sao năm ngoái nhà máy đã phải tạm dừng hai tháng để bảo dưỡng tổng thể (khắc phục 75 điểm tồn tại kỹ thuật, với tổng chi phí cho bảo dưỡng hơn 40 triệu USD), nay lại tiếp tục dừng?
Lần này nhà máy tiếp tục phải dừng hoạt động khoảng từ ba tuần đến một tháng là để tổng kiểm tra, thảo luận cùng tổ hợp nhà thầu Technip xử lý triệt để những tồn tại kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành trước khi nghiệm thu lần cuối.

Hiện nay còn bao nhiêu lỗi kỹ thuật cần được xử lý dứt điểm?
Hiện vẫn còn bốn lỗi kỹ thuật lớn và vài chục lỗi kỹ thuật nhỏ cần xử lý dứt điểm do đợt bảo dưỡng lần đầu, Technip chưa chuẩn bị kịp vật tư, thiết bị. Lỗi kỹ thuật cần được xử lý trong đợt này chủ yếu tập trung ở phân xưởng công nghệ cracking xúc tác (RFCC) – nơi được xem là “trái tim” nhà máy lọc dầu. Do còn trong thời gian bảo hành nên tổ hợp nhà thầu Technip phải chịu chi phí sửa chữa hoặc có thể thay thế thiết bị hỏng hóc.
Thưa ông, nhà máy tạm dừng hoạt động trong thời gian dài liệu có tác động đến thị trường xăng, dầu?
Năm 2011, theo báo cáo kiểm toán, công ty TNHH lọc hoá dầu Bình Sơn đạt mức doanh thu thuần 111.123 tỉ đồng, bằng 144% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế: lỗ 2.959 tỉ đồng trong đó lỗ từ chênh lệch tỷ giá là 2.423 tỉ đồng. Lỗ thực từ sản xuất, kinh doanh là 2.373 tỉ đồng. Trong quý 1/2012, công ty trên đạt tổng sản lượng 1,75 triệu tấn các loại, lãi trên 230 tỉ đồng.
M.Q
Hiện nhà máy còn trong kho chứa khoảng 200.000 tấn xăng, dầu đảm bảo cung ứng thị trường trong nước thêm hai tuần nữa. Do nhà máy tạm dừng hoạt động theo kế hoạch nên chúng tôi cũng đã làm việc với các đầu mối tiêu thụ xăng dầu trong nước chủ động cân đối nguồn nhập khẩu hợp lý. Vả lại, thời gian này không nằm trong giai đoạn căng thẳng xăng dầu nên việc nhà máy tạm dừng hoạt động ít ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu.
Việc cổ phần hoá nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tiến hành đến đâu?
Hiện tại nhà thầu JGC (Nhật Bản) đã hoàn thành nghiên cứu khả thi chi tiết phương án nâng công suất nhà máy lên đến 10 triệu tấn/năm. Theo tính toán ban đầu, tổng vốn đầu tư nâng công suất nhà máy dao động từ 2,1 – 3 tỉ USD (tuỳ vào nguồn dầu thô đầu vào và cấu hình công nghệ của nhà máy). Dự kiến, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư uy tín, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực lọc hoá dầu trên thế giới, chúng tôi sẽ mời nhà thầu nước ngoài định giá tài sản của nhà máy, sau đó bán khoảng 49% cổ phần để tái đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đến đầu tháng 7 tới, sau khi nghiệm thu, bàn giao, 170 chuyên gia phía tổ hợp nhà thầu Technip giúp Việt Nam vận hành, bảo hành nhà máy trong thời gian đầu sẽ rút về nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định mời ở lại khoảng 30 chuyên gia cao cấp để giúp Việt Nam tối ưu hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu suất của nhà máy để sớm thu hồi vốn đầu tư.
Ông bình luận gì về ý kiến cho rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất đang lỗ nặng?
Năm 2011 nhà máy có lỗ là do cơ chế, chính sách chứ không phải do bản thân dự án. Cụ thể do chênh lệch về tỷ giá giữa đồng USD và tiền đồng Việt Nam.
Theo: SGTT

Không có nhận xét nào: