Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

“Thuốc đặc trị”: Nhà nước pháp quyền

Nguyên P. Chủ nhiệm VPQH Trần Quốc Thuận
 
 
Minh Cường thực hiện
 
Phải coi tham nhũng là giặc để có biện pháp trấn áp tương xứng.
Góp ý tiếp về câu chuyện cần đột phá trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng vấn đề là phải có “một phương thuốc đúng, đủ liều” trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết này. Theo ông, về phương pháp và các giải pháp, phải thật sự đổi mới để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chữa trị các căn bệnh gây nên tình trạng suy thoái mà Đảng đã chỉ ra.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật
. Phóng viên: Theo ông, các giải pháp đưa ra đã “đủ liều” để chữa căn bệnh suy thoái chưa?
+ Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận: Có lẽ từ cổ chí kim, không có người thầy thuốc nào tự mổ xẻ mình ra để tự trị cho mình cả. Có chăng anh có thể tự bốc thuốc với các bệnh nhẹ thôi. Trong khi ta đã xác định tình trạng hiện nay đến mức là “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống….” mà lại trông cậy vào các biện pháp chủ yếu dựa vào sự tự nhìn nhận là không phù hợp. Dĩ nhiên là phê bình và tự phê bình có tác dụng trong xây dựng đoàn kết, chỉnh đốn Đảng nhưng sẽ chưa đủ và khó đạt được mục đích cần đạt được, nếu dựa chủ yếu vào phương pháp này.
. Vậy phương thuốc chủ đạo cần phải dùng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng là gì?
+ Nhà nước pháp quyền, phải thế thôi! Chúng ta phải tiến hành xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Điều này ta đã nêu trong Hiến pháp và nói rất nhiều trong các nghị quyết của Đảng rồi. Vấn đề là ta phải xây dựng nó đúng nghĩa như ta nói hay không thôi.
Xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng là giải pháp mạnh mẽ trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.Trong ảnh: Người dân đang theo dõi một phiên xử tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Ta đang tồn tại tình trạng là đưa ra nhiều quy định nhưng thực hiện đúng như quy định lại chẳng bao nhiêu cả. Chẳng hạn chỉ với chuyện công khai minh bạch thôi, ta có làm như quy định không? Trong khi đó, chỉ cần làm đúng như thế thì đã có nhiều tác dụng lắm trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng rồi. Đó là chưa nói đến việc có rất nhiều quy định chúng ta đưa ra nhưng lại chưa xây dựng cơ chế để thực hiện nó.
. Tại sao ông cho rằng chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền?
+ Đã là nhà nước pháp quyền thì không ai đứng trên pháp luật. Đã là nhà nước pháp quyền thì người dân phải được thực hiện những quyền hiến định, luật định của mình. Cần để luật pháp và hệ thống tư pháp phát huy đúng quyền năng cần có của nó.
Một điều nữa cũng cần phải hết sức lưu ý là không thể qua loa, nhẹ tay với những cán bộ sai phạm. Nhất là những trường hợp đục khoét, tham nhũng phải xử lý cho nghiêm minh! Không có chuyện sợ xử lý những cán bộ sai phạm thì sẽ không có người làm.
Coi tham nhũng là giặc để trấn áp mạnh mẽ
. Một trong những vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay là tình trạng tham nhũng. Vậy theo ông, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cần xử lý vấn đề này như thế nào?
+ Tôi thấy trong các gói giải pháp chưa nêu bật được việc sẽ mạnh mẽ chống tham nhũng như thế nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rành rành rằng “tham nhũng là giặc nội xâm”. Bác cũng từng nói: Chúng ta đoàn kết với tất cả mọi tầng lớp dân tộc, tôn giáo… nhưng không đoàn kết với Việt gian và tham nhũng. Vậy ta đã đặt vấn đề tới độ đó chưa? Đã không đoàn kết, đã là giặc thì phải đối xử với tham nhũng như thế nào? Không thể phê và tự phê với “giặc” được; phải tấn công vào nó bằng sức mạnh nào, vũ khí nào mới diệt được nó?
Phải xác định được như thế thì từ đó mới đưa ra biện pháp, giải pháp trấn áp đối với kẻ thù của Đảng và của dân tộc. Đây là điểm rất lớn, quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu ta còn chưa xác định tham nhũng là kẻ thù, có nơi này nơi kia còn coi là chuyện của đồng chí anh em thì không thể nào chuyển biến được.
. Xin cảm ơn ông.
Thiết nghĩ cần phải thấm nhuần hơn nữa để thực hiện cho đúng khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong cả cuộc đời mình: Tổ quốc là trên hết! Tất cả đều phải đứng dưới lợi ích của Tổ quốc – nhân dân. Một khi trong lòng cán bộ, đảng viên còn suy nghĩ “tôi là trên hết” thì chừng ấy chúng ta gặp khó khăn để xây dựng, chỉnh đốn mình.
Đảng cần phải quyết liệt với những cán bộ tham nhũng. Phải trả về cho nhân dân “giáo dục” lại những cán bộ đó. Vì Đảng ta sinh ra trong lòng dân tộc, do nhân dân ta nuôi dưỡng nên thì không ai khác cũng chính dân ta sẽ chữa lấy những đứa con hư của mình. Bác nói: Đảng mạnh là ở cái chân. Cái chân ấy là cái niềm tin của nhân dân, là sự ủng hộ của nhân dân. Hãy nhìn lại mọi cái từ dân để tự biết phải điều chỉnh và có biện pháp điều chỉnh mình cho phù hợp.
ÔngTrần Quốc Thuận

Không có nhận xét nào: