Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Câu chuyện Chủ nhật: Đâu là khách quan, đâu là biện chứng, thưa ông Nguyễn Phú Trọng?



Phạm Thành
Tôi hư hỏng, tôi tham nhũng, anh hư hỏng, anh tham nhũng, nó hư hỏng, nó tham nhũng, chúng ta hư hỏng, chúng ta tham nhũng… Chúng ta như thế cả, có nghĩa là chúng ta không không hư hỏng, không tham nhũng, vì cuộc sống quanh ta thấy ai cũng giống ai, thấy ai cũng bụng phệ má hồng, nhà cao cửa rộng, của nã chất ngột ngân hàng ta, tây. Nói tóm lại là ta giống ta, và vì là giống nhau tuốt tuột nên ở đây nọ biết ai là hư hỏng, ai là tham nhũng.
Sáng ngày 29 tháng 6 năm 2012 trong vai đại biểu của dân TBT Đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã trả lời nhiều câu hỏi của dân bằng một thực tế: Hư hỏng, tham nhũng, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, và định hướng song phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng… và thấy tiêu cực không phải để bi quan, mất niềm tin. (nhiều báo lề phải đăng bài này)

Vậy đâu là cái nhìn khách quan, đâu là cái nhìn biện chứng? và như thế nào là không bi quan, như thế nào là không mất lòng tin?
Trước hết ta hãy điểm mặt, chỉ tên xem ai hư hỏng, ai tham nhũng? Nhân dân đương nhiên không thể hư hỏng, nhân dân không thể tham nhũng. Người có thể hư hỏng và tham nhũng là những người ở các vị trí: nhỏ thì là trưởng thôn, trưởng khu phố; to thì là Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước. Nghĩa là những người có chức, có quyền trong bộ máy quản lý, điều hành đất nước, trong đó có những quan chức được “cử sang” làm giám đốc các đơn vị kinh tế, an ninh, văn hóa, quốc phòng. Tất cả họ đều có chung một danh hiệu cán bộ, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là người cùng một nhà, cùng một cha, một tư tưởng -Mác- Lênin và cùng là thành viên trong một đội bóng.
Những người này đồng loạt hư hỏng, đồng loạt tham nhũng, đông như kiến cỏ, đông như dòi bọ nên ông Trọng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có.
Vậy phải có cái nhìn khách quan về đội quân đồng như kiến cỏ, đông như dòi bọ, đục rỗng từ thượng tầng đến hạ tầng nước mình từ đâu mà ra, để rồi “thấy tiêu cực không phải để bi quan, mất niềm tin” như ông Trọng kêu gọi. Tức là, cái nhìn khách quan ở đây là từ đâu mà lại có hiện tượng hư hỏng, tham nhũng cả đàn, cả lũ, từ nhỏ đến to, từ thấp đến cao, rộng khắp đến như vậy? Biết rồi để có thuốc trị cho lũ cán bộ, đảng viên này chừa đi?
Thưa ông ông Trọng, hư hỏng, tham nhũng từ đâu mà ra ư? Nó từ ở chính chúng mình mà ra đấy. Vì chúng mình là chính quyền, chúng mình là pháp luật, chúng mình là ông chủ… Chúng mình quá biết chính quyền là của chúng mình, luật pháp là của chúng mình, quân đội, công an, công chức, viên chức cũng là của chúng mình. Chúng mình cùng làm ăn, chia chác. Thằng nào lưu manh càng khỏe, càng giỏi, càng tài thì càng được nhiều. Sợ đếch gì cha con thằng nào. Tất cả đều từ chúng mình mà ra, thì không lẽ chúng mình lại trừng trị chúng mình. Cho nên chúng mình sợ gì mà không hư hỏng, sợ gì mà không tham nhũng… Chẳng lẽ công an của mình lại đi bắt mình, chẳng lẽ đồng chí với nhau lại diệt nhau. Diệt hết Lấy ai mà làm việc – Nguyễn Sinh Hùng, mà điều hành xã hội? Tôi hư hỏng, tôi tham nhũng, anh hư hỏng, anh tham nhũng, nó hư hỏng, nó tham nhũng, chúng ta hư hỏng, chúng ta tham nhũng… Chúng ta như thế cả, có nghĩa là chúng ta không không hư hỏng, không tham nhũng, vì cuộc sống quanh ta thấy ai cũng giống ai, thấy ai cũng bụng phệ má hồng, nhà cao cửa rộng, của nã chất ngột ngân hàng ta, tây. Nói tóm lại là ta giống ta, và vì là giống nhau tuốt tuột nên ở đây nọ biết ai là hư hỏng, ai là tham nhũng.
Cái bộ máy công quyền do tồn tại trên một nền tảng ý thức hệ như vậy nên nó là mảnh đất màu mỡ để cho hư hỏng và tham nhũng phát triển và không thể có cách gì để chặn lại được. Vì chúng mình mà đi chống chúng mình, có mà đi bằng đầu, sinh hoạt tình dục bằng đầu gối…
Vì thế, công cuộc chống tham nhũng của nước ta đã có từ lâu, từ chỗ chỉ có một số đồng chí thoái hoái, biến chất phát triển lên thành số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất không phải là ít ; từ chỗ nó chỉ là một vài con sâu nay phát triển lên thành một bày sâu, nhiều đến mức nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng thấy; từ chỗ chỉ là căn bệnh lở loét ngòai ra phát triển thành căn bệnh nặng, trầm kha; từ chỗ nó đang làm sói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ đến chỗ là giặc nội xâm đang làm tiêu vong chế độ…. Tức là chúng mình có đường lối để chống, có miệng nói quyết tâm để chống, nhưng càng chống thì lại càng lún sâu, hư hỏng, tham nhũng năm sau lại tăng hơn năm trước với mức độ và quy mô cũng lớn hơn năm trước nhiều lần.
Vì sao chúng mình càng chống, hư hỏng, tham nhũng lại càng phát triển mạnh? Vì đá bóng là chúng mình,, thổi còi cũng chúng mình, thì làm sao mà phạt ai, truất quyền thi đấu của ai.
Có thể khái quát, chính cái cơ chế do chúng mình tạo ra để chúng mình vừa làm cầu thủ, vừa làm trọng tài đã là nguyên nhân sản sinh ra một bày sâu bọ, đang kỳ sung sức tàn phá nương dâu, nhiều đến mức nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng thấy mà muốn diệt nó thì chúng mình không thể.
Đó là cái nhìn khách quan về nguyên nhân phát sinh, phát triển của thói hư hỏng, của lòng tham không đáy của con người khi không có cơ chế phù hợp để khắc chế, để bây giờ nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có. Nó giống như thân phận của người dân: Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm, rách áo thì ra ăn mày / Tham nhũng là ai / Tham nhũng là ta / Tham lam, vụ lợi thì ra chúng mình.
Một xã hội chỉ có quan quyền được quyền hư hỏng, tham nhũng thì làm sao mà nhân dân yên tâm được, làm sao mà nhân dân lạc quan và có niềm tin được.
Đó là cái nhìn khách quan.
Còn về biện chứng.
Biện chứng hiểu một cách khái quát theo triết học Mác – Lênin là: mọi sự vật đều có quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Luận điểm này được Việt Nam hóa dưới các các thành ngữ: Nhân nào qủa ấy; Gieo gió nào thì gặp bão ấy; Đời cha ăn mặn; Đời con khát nước; Ác giả, ác báo/ Thiện giả, thiện báo; Tre gìa, măng mọc và như nhà thơ Cộng sản Tố Hữu đã viết Trời chớp giật tất có ngày sét đánh…
Vậy thì cái Biện chứng ở đây là gì.
Cái sự vật có tên là hư hỏng, tham nhũng đã phát triển đến cực đại rồi, từ hiện tượng đã thăng hoa lên thành bản chất rồi. Nó từ độc quyền lãnh đạo toàn diện, triệt để của chúng mình mà ra. Đứng về lợi ích xã hội mà biện chứng thì chúng mình đã trở thành vật cản cho sự phát triển của xã hội rồi; thực sự nó chỉ cần cho chúng mình để mặc lòng bòn rút của cải của nhân dân. Nó lợi cho chúng mình nhưng hại cho toàn thể nhân dân. Chính Chúng mình đã và đang phá nát đất nước, phá nát dân tộc, triệt hạ lòng nhân… Cái sự vật là chúng mình này, lên án nó chưa đủ mà cần phải biện chứng nó đi, tức là súp nó đi. Bằng cách gì để súp nó đi lại là một vấn đề, tôi không bàn ở đây, vì quyền lực xã hội tự nó khó mà thay đổi.
Đó là biện chứng nhìn từ thực tiễn Việt Nam đương đại, thưa ông Nguyễn Phú Trọng.
Xã hội của chúng mình đã đến lúc không thể không thay đổi. Như cái áo đã rách tả tơi mà cứ tìm mọi cách níu giữ nó, tìm ngôn ngữ khoa học để lừa mị, đánh bóng cái sự vật đã rách nát và bốc mùi đó, quyết không phải là biện chứng Macxít mà là biện chứng phản Mácxít, tức là phản động. Hơn nữa, trong triết học Mác – Lênin còn có dạy Vấn đề không chỉ ở nhận thức thế giới mà cái chính là phải cải tạo thế giới. Mời ông ông Nguyễn Phú Trọng và những người đồng chí của ông hãy cậy nhờ nhân dân để được cải tạo đi. Đó là còn đường tồn tại biện chứng, khoa học nhất của nhóm chúng mình hiện nay, đừng loanh quanh câu giờ, kẻo lại như các lãnh tụ cộng sản ở các nước khác thì dân Việt mình không nỡ.
Tóm lại, TBT Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra được căn bệnh của xã hội hiện naylà: Hư hỏng, tham nhũng, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có,…. Nghĩa là hư hỏng, tham nhũng đã lan tràn ở mọi nơi, mọi chỗ của xã hội Việt Nam rồi. Cái xã hội này đích thị là cái xã hội của Cái Bang rồi. Nguy quá rồi. Tồi tệ quá rồi. Không thể tồn tại được nữa rồi. Cần phải có lực lượng mới thay thế nó, cần phải cách mạng nó đi. Phải thấy vấn đề như vậy là khách quan và phải hành động với nó như vậy là Biện chứng và từ biện chứng này nhân dân nhất định sẽ thấy rõ phương hướng và niềm tin sẽ được xác lập. Ngoài ra, tìm đủ cách để biện minh cho nó, chỉ là mị dân, lừa dân, câu giờ và sực mùi vị phản động mà thôi.
Phạm Thành

Không có nhận xét nào: