Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Hải quân TQ vươn lên cạnh tranh với Mỹ

Hải quân Trung Quốc
Thông tấn xã Reuters của Anh vừa có bài phân tích rằng trong khi Mỹ giảm ngân sách, Trung Quốc lại tăng đầu tư hạm đội với tham vọng trở thành cường quốc hải quân.
Tác giả bài phân tích, nhà báo David Lague, nói tháng trước công ty đóng tàu Hồ Đông Trung Hoa Thượng Hải đã hạ thủy chiếc thứ tư trong loạt tàu đổ bộ 071 đời mới của Trung Quốc.

Trong khi dư luận quốc tế tỏ ra chú ý hơn tới việc Trung Quốc mang hàng không mẫu hạm đầu tiên ra thử, các phân tích gia cho rằng chính kế hoạch mở rộng hạm đội tàu đổ bộ nặng 20.000 tấn này mới mang lại sự thay đổi đáng kể cho diện mạo cũng như tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc.

Loại chiến hạm 071 này là do Trung Quốc tự vẽ kiểu và tự sản xuất.
Ông Christian Le Miere, nghiên cứu viên về an ninh hàng hải tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận xét: "Có trong tay hạm đội tàu đổ bộ quy mô như vậy cho thấy một tham vọng quyền lực".
"Nếu như muốn điều phối lực lượng vì lý do nào đó, nhất định cần các tàu chiến loại này."
Hải quân Trung Quốc có kế hoạch sản xuất và sử dụng tới tám chiếc tàu đổ bộ 071 với khả năng chở mỗi tàu 800 binh lính, xuồng máy, xe thiết giáp và trực thăng.
Chiếc đầu tiên mang tên Côn Lôn Sơn được mang ra trình làng năm 2006, hiện đang làm nhiệm vụ tại Ấn Độ Dương.
Tiến độ sản xuất các tàu đổ bộ khác đang được đẩy mạnh, chiếc thứ ba và chiếc thứ tư được hoàn tất chỉ trong 5 tháng vừa qua.

Cạnh tranh quân sự

Quá trình tăng cường hải quân của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn được cho sẽ trở thành trung tâm điểm địa chính trị cho các thập niên tới.
Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng trước đó tập trung suy đoán về nguy cơ xung đột qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, gần đây xảy ra nhiều diễn biến mới như Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng tại biển Hoa Đông; hay tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác tại Biển Đông.
Hải quân Mỹ đã loan báo kế hoạch triển khai loại tàu tấn công đổ bộ mới, Littoral Combat Ships, tới vùng "ngã ba" biển châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhiều tuyến hàng hải qua lại.
Các tàu này được neo đậu tại Singapore và có thể cả ở Philippines.

Tương quan lực lượng

  • Trung Quốc: 75 tàu chiến loại lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ loại vừa và nặng cùng 85 tàu cao tốc tấn công bằng tên lửa.
  • Hoa Kỳ: 285 chiến hạm, trong đó có 11 hàng không mẫu hạm, hơn 70 tàu ngầm nguyên tử và 22 tuần dương hạm.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà sang năm được tin sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc, vừa kêu gọi thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các cường quốc Thái Bình Dương trong cuộc họp mới rồi với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tại Washington.
Ông Tập, con trai của nhà cách mạng lão thành Tập Trọng Huân, cũng gặp Tổng thống Barack Obama và được đón tiếp trọng thị tại Lầu Năm góc.
Thế nhưng một trong những điều đầu tiên Bộ trưởng Panetta nói với ông Tập, là Mỹ mong muốn một sự minh bạch rõ ràng hơn từ phía Trung Quốc trong các kế hoạch phát triển quốc phòng.
Các chuyên gia quân sự cũng như một số sỹ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu cho hay nước này đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại tàu đổ bộ hiện đại hơn, to hơn.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt mặt Nam Hàn để trở thành quốc gia lắp tàu biển lớn nhất và các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc ngày càng có cơ sở vật chất cũng như công nghệ tiên tiến để xuất xưởng các loại tàu khổng lồ và tối tân hơn.
Tham vọng đại dương của Trung Quốc là vươn dài cánh tay và tầm ảnh hưởng tới các vùng biển thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Các tàu chiến và tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc nay được trang bị vũ khí phòng không tiên tiến và hỏa tiễn chống hạm tầm xa.
Trong phúc trình năm ngoái tới Hạ viện về quốc phòng Trung Quốc, Lầu năm góc ước tính Giải phóng quân Trung Quốc nay có 75 tàu chiến loại lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ loại vừa và nặng cùng 85 tàu cao tốc tấn công bằng tên lửa.
Đã nhiều lần, giới chức quốc phòng Trung Quốc khẳng định nhu cầu cần có hải quân vững mạnh để bảo vệ tài nguyên của đất nước cũng như các tuyến hàng hải quan trọng nhất.

Đối đầu Hoa Kỳ

Hiện nay hải quân Mỹ so với hải quân Trung Quốc vẫn nổi trội hơn về thế và lực, với 285 chiến hạm, trong đó có 11 hàng không mẫu hạm, hơn 70 tàu ngầm nguyên tử và 22 tuần dương hạm.
Hoa Kỳ vẫn đứng đầu danh sách các cường quốc hải quân, ngay cả khi so sánh về hỏa lực và kinh nghiệm chiến đấu.
Hải quân Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc đang tăng mạnh cả về lượng và chất
Tuy nhiên nay giới phân tích đặt câu hỏi liệu tương quan này sẽ còn tồn tại được bao lâu, khi chính quyền Obama đang có kế hoạch cắt giảm 487 tỷ đôla từ ngân sách quốc phòng trong thập niên tới.
Hải quân Mỹ đang dự tính sẽ cho bảy tuần dương hạm và hai tàu đổ bộ nghỉ hưu, rút số chiến hạm xuống còn dưới 250 đồng thời dừng các chương trình phát triển hạm đội.
Để bù lại, Mỹ đặt tầm quan trọng lên việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và đồng minh với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, và đang có kế hoạch tập trận với hai đồng minh chủ chốt là Thái Lan và Philippines.
Trong khi đó, trái ngược với Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng.
Sau hai thập niên tăng hai chữ số, năm 2010 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7,5% vì khó khăn tài chính. Thế nhưng năm 2011 ngân sách lại tăng trưởng trở lại 12,7% lên 91,5 tỷ đôla. Con số nàyđược đưa ra chính thức và được cho là thấp hơn thực tế.
Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính năm 2010 Trung Quốc chi hơn 160 tỷ đôla cho quốc phòng, dễ dàng chiếm vị trí thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.
Năm 2013, chính quyền Obama đề xuất ngân sách quốc phòng là 525 tỷ, và có thể thấy khoảng cách Mỹ-Trung đang dần hẹp lại.
Hiện Trung Quốc có đội ngũ 800.000 người lao động ở nước ngoài, thêm một lý do để tăng cường hiện diện ở các khu vực xa xôi trên thế giới, kể cả các vùng biển.

Không có nhận xét nào: