Võ Long Triều
Hai vị lãnh đạo tối cao đảng cộng sản Hà Nội vừa mới kêu gọi nhân dân tiếp tay với đảng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố với cử tri Hà Nội: “Tham nhũng, hư hỏng, nhìn vào đâu cũng có, tôi hết sức sốt ruột. Ðảng quyết tâm chống tham nhũng rất cao, song phải dựa vào nhân dân chứ riêng nội bộ đảng làm không được!” Ông tổng bí thư công khai thú nhận bất lực nên phải cầu cứu đến người dân. Ba mươi bảy năm qua đảng Cộng Sản Hà Nội đã gieo rắc khắp đất nước những cán bộ đảng viên hư hỏng, bóc lột quần chúng, bòn rút của công, vay nợ nước ngoài hàng chục tỷ Mỹ kim mà quốc gia không trả nổi tiền lời (Vinashin bị kiện ra tòa án Anh Quốc). Sau này nhiều thế hệ sẽ phải nai lưng trả trong thời gian lâu dài. Từ xưa đến nay đảng lợi dụng hai chữ nhân dân, nào là quân đội nhân dân, công an nhân dân, nhưng lại đàn áp nhân dân đến nỗi Tướng Lê Ðức Anh, nguyên chủ tịch nước, phê phán quân đội nhân dân là để chống giặc, chớ không phải để đàn áp nhân dân như trường hợp ở Tiên Lãng hay Văn Giang.
Nhà nước tự hào do dân, vì dân, nhưng thực tế mượn tên nhân dân để mang chế độ cầm quyền độc tài ra thi hành, cướp đất của nông dân, chà đạp nhân quyền, đàn áp tôn giáo, cấm đoán báo chí.
Mặt khác, Chủ Tịch Trương Tấn Sang tuyên bố với cử tri Sài Gòn và báo chí: “Chúng tôi cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ, nhưng mặt khác, đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình, không thể thụ động”. Phải chăng ông Sang nghĩ xa hơn một chút, ông nhận lỗi vì để cho nhân dân sợ bọn cán bộ “hư hỏng” ác ôn, đòi hối lộ không được nên đánh đập quần chúng, có khi đến chết, một cách vô tội vạ. Ðó là nói về tham nhũng lạm quyền.
Trầm trọng hơn, nguy hại hơn, là sự lo sợ cho an ninh quốc gia và viễn ảnh mất nước về tay Trung Quốc khi Bắc Kinh đang từng bước xâm lăng. Ông Sang dùng chữ “dân sợ” có thể muốn hàm ý sợ Tàu Cộng xâm lăng chăng? Có thể ông cảm thấy để cho dân lo sợ như vậy là phạm trọng tội đối với tiền nhân và dân tộc? Cho nên trước thảm họa đó ông cho rằng dân chúng phải có “trách nhiệm” và không thể ngồi yên “thụ động”. Nếu thật lòng ông Trương Tấn Sang nghĩ như vậy thì với tư cách là một trong những người lãnh đạo tối cao ông phải gấp rút hành động biến đổi tình hình chính trị của đất nước trước khi quá trễ để ông hối hận và toàn dân chịu khổ nạn.
Bình thường các ông trong Bộ Chính Trị xem dân như cỏ rác, thậm chí đối với những người có công, và gia đình họ đã từng góp phần tạo dựng nên chế độ gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa mà thật ra, xã hội này không có chủ nghĩa xã hội chút nào, bởi vì người ta thấy đầy dẫy bất công, muôn dân nghèo đói, trừ các đảng viên ngang nhiên trở thành tư bản đỏ, được ăn trên ngồi trước, hưởng thụ nhờ cướp đất của dân, khiến hàng ngàn gia đình lang thang đầu đường xó chợ, kiếm cơm không đủ sống qua ngày. Và nếu họ có biểu tình phản đối, cho dù cụ già hay cán bộ về hưu, có mang mề đay đỏ ngực cũng bị khiêng quẳng lên xe một cách tàn nhẫn vô nhân đạo. Thế nên dư luận mỉa mai: “Ðạo đức suy đồi, giả dối lên ngôi”.
Ngày nay đảng thừa biết toàn dân mất lòng tin nơi đảng, thậm chí oán hận vì bị bóc lột có khi còn hơn thời thực dân, phong kiến nữa. Bằng cớ là tại kỳ đại hội xây dựng và chỉnh đốn đảng tại Hà Nội ngày 27 tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Ðiều dáng lo ngại nhứt và cũng là nguy cơ lớn nhứt đối với đảng cầm quyền là có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, xa dân, vi phạm nhiều nguyên tắc của đảng”.
Ngày nay ông tổng bí thư cảm thấy hết sức sốt ruột vì bất lực nên “phải dựa vào nhân dân”, còn ông chủ tịch nước hối thúc dân “phải lãnh trách nhiệm của mình không thể thụ động”.
Thế mà ngày 1 tháng 7 vừa qua vì dân “sợ” mất nước, nên tập hợp biểu tình một cách ôn hòa, chống Trung Quốc xâm lăng, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đúng theo luật biển của Quốc Hội vừa mới biểu quyết thông qua. Thế mà công an lại ngăn cản, đàn áp dân mình, bắt người trái phép, như trường hợp của cô Huỳnh Thục Vy, bị bắt chở đi không cho biết lý do; Trần Kim Tiến bị đưa về nhà, cô đành tuyên bố, “không cho ra đường thì tôi biểu tình tại gia”, cũng với biểu ngữ chống Trung Quốc xâm lăng và Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Dân chúng tưởng rằng thông qua luật biển, đảng và nhà nước đã hồi tỉnh cơn mê. Trước cảnh “sơn hà nguy biến”, giang sơn đất nước do ông cha để lại, bây giờ Tàu Cộng chiếm đoạt công khai, các ông không cho phép dân phản đối rõ là điều nghịch lý. Bởi vì một mặt các ông nói “phải dựa vào nhân dân”, “dân phải có trách nhiệm không thể thụ động”. Vậy mà dân ý thức trách nhiệm, chủ động hô hào chống ngoại xâm, các ông ngăn cấm! Thậm chí còn đánh đập hành hung, theo lệnh của ai? Nếu là của người cầm quyền nào đó đã tự biến mình thành tay sai của Trung Cộng thì phải lập tức điều tra xử phạt và khai trừ.
Nếu các ông sợ mất lòng quan thầy Trung Quốc thì cho ra luật biển làm gì? Hay là luật biển của các ông chỉ là một sự dối gạt quần chúng, đánh lận con đen, che mắt dư luận thế giới?
Nhưng thực tế Hà Nội không thể chối cãi là đã chà đạp nhân quyền. Tổ chức Human Rights Watch đã lên án nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, cản trở công dân tham gia tuần hành ôn hòa là vi phạm nhân quyền, không cho họ bày tỏ quan điểm. Thật là mỉa mai ngay cả khi muốn bày tỏ sự ủng hộ chính sách của nhà nước người dân cũng bị sách nhiễu.
Dư luận cho rằng hành động vô cùng mâu thuẫn của nhà cầm quyền có thể hiểu được như sau:
- Một là vì phản ứng cấp thời và mạnh mẽ của Trung Quốc khi họ nâng cấp huyện Tam Sa trở nên thành phố, họ đặt khu quân sự tại đây và gọi thầu quốc tế khai thác dầu hỏa ngay trên thềm lục địa của Việt Nam. Những điều đó làm cho Bộ Chính Trị đảng run sợ trước thái độ hung hăng của quan thầy Trung Quốc luôn nhắc nhở 16 chữ vàng, nghĩa là phải “hợp tác toàn diện” điều mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng chấp nhận tuân theo.
- Hai là nhà nước quá lo sợ những cuộc biểu tình ngang nhiên trở thành biển người chống đối, lật đổ nhà cầm quyền “Hèn với giặc ác với dân”.
- Ba là những vụ thanh trừng nội bộ đang ló dạng. Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã gián tiếp quy trách nhiệm cho Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định cử Dương Chí Dũng giữ chức cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam. Ông này thâm lạm công quỹ hàng tỷ Mỹ kim và đã đào tẩu, đang bị quốc tế truy nã. Trương Tấn Sang công khai đe dọa rằng Quốc Hội sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm viên chức chính phủ.
Mặt khác, trong một cuộc hội thảo khoa học tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội bàn về vấn đề sửa đổi và bổ túc hiến pháp, Giáo Sư Phạm Hồng Thái, chủ nhiệm khoa luật pháp, đề nghị trao thêm quyền cho chủ tịch nước, đặc biệt cho nắm luôn Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao, còn thủ tướng nắm các bộ còn lại và cấp chính quyền địa phương. Trước dấu hiệu sẽ có thanh trừng nội bộ, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng minh lời phát biểu của hai ông Trọng và ông Sang đều không có tác dụng trước bàn tay sắt của công an do ông Dũng nắm giữ trọn quyền từ xưa tới nay.
Hình như trận chiến Hoàng Sa, Trường Sa ít có khả năng xảy ra đối với Trung Cộng mà biến thành chiến tranh nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam trong tương lai gần. Hãy chờ xem.
(VLT)
5 tháng 7, 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét