Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

GS. Đặng Hùng Võ: ‘Còn nhiều điều chưa thể nói khi gặp dân Văn Giang’



Hồng Chính Quang (GDVN) - “Khi người dân bắt phải theo luật một cách cứng nhắc trên giấy tờ thì tôi phải thừa nhận là sai. Tôi không thể nói là đúng theo lôgíc hình thức. Chúng ta hãy trở lại cốt lõi của hệ thống pháp luật, xây dựng pháp luật để làm gì nếu không phải là mục tiêu của sự phát triển đất nước” – GS. Đặng Hùng Võ.
Với nét mặt khá căng thẳng và có vẻ buồn sau khi buổi gặp mặt với người dân Văn Giang (Hưng Yên) kết thúc, chúng tôi hiểu GS. Đặng Hùng Võ còn nhiều điều muốn giãi bày. Điều này xuất phát một phần từ việc thời gian cho buổi gặp mặt không dài nhưng nhiều người dân với tâm trạng bức xúc cũng không muốn nghe ông trình bày với lý do những điều ông nói chỉ là biện minh.

GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt người dân Văn Giang (Hưng Yên)
Sau buổi gặp mặt chiều 8/11, nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi mới có thể trò chuyện với ông về những điều mà ông còn suy nghĩ, chưa nói ra được. Tiếp chúng tôi ngay sau một buổi phỏng vấn truyền hình, ông tươi cười chia sẻ vấn đề mà chúng tôi muốn nghe về hoàn cảnh mà ông ký 2 Tờ trình trong vụ thu hồi đất ở Văn Giang.
“Tôi phải thừa nhận sai”
Rút một điếu thuốc trong bao thuốc đã gần hết và châm lửa, ông chậm rãi chia sẻ: “Hoàn cảnh ở đây là giai đoạn từ 15/10/1993 đến 30/6/2004, tất cả những quyết định về đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ đều do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Tại sao lại có chuyện ấy là vì có ngữ cảnh. Từ 15/10/1993, từ thời gian ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ về đất đai.
Có 2 lý do hợp lý dẫn đến quyết định này. Thứ nhất là khó thực thi pháp luật. Tất cả những văn bản liên quan đến đất đai đều là Quyết định như Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất… trong khi văn bản của Chính phủ lại không có hình thức Quyết định mà chỉ có Nghị quyết hoặc Nghị định. Ngay trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cũng không có việc Chính phủ ra Quyết định”.
Ông Võ nói tiếp: “Cũng có người nói rằng Chính phủ ra Nghị quyết giao cho Thủ tướng ban hành Quyết định mới chuẩn. Tại sao chúng ta lại cứ phải “tự lấy đá ghè vào chân mình như vậy”. Thực tế, người dân đang đòi hỏi đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục phức tạp không chỉ gây bức xúc cho dân mà còn làm mất cơ hội đầu tư ở địa phương.
“Thực tế, người dân đang đòi hỏi đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục phức tạp không chỉ gây bức xúc cho dân mà còn làm mất cơ hội đầu tư ở địa phương”.
Tư duy thông thường là hãy đơn giản thủ tục trong phạm vi không gây hậu quả xấu mà làm. Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ nhưng luôn phải có ý kiến trình không chỉ của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) mà còn phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng là những Bộ có chức năng quản lý đất đai. Ngoài ra còn có Bộ Tư pháp “giữ cửa” về tính hợp thức của văn bản.
Ở đây, Luật Đất đai đang mong muốn có các quy định thật chặt chẽ về thẩm quyền, nhưng trên thực tế thì rất khó thực thi, hoặc thực thi lại gây cản trở cho quá trình phát triển. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang chuẩn bị theo hướng trao cho thẩm quyền riêng quyết định về đất đai, đúng như Chính phủ đã thực hiện trước đây”.
Lý do thứ hai được ông Võ đưa ra là: “Năm 1994 Nghị quyết TW 7 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành thì một trong những điểm để tăng sức thu hút đầu tư là không để các thủ tục về đất đai rắc rối, phức tạp cho các nhà đầu tư. Chúng ta đang phải thu hút đầu tư, đầu tư rất nhiều nơi, các tỉnh đều có yêu cầu đầu tư. Nếu quá phức tạp thì mất cơ hội đầu tư cho địa phương.
Tôi cho rằng đây là hai lý do hợp lý khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, so với Luật thì điều này lại vênh. Một bên là tính hợp lý so với cuộc sống phát triển đang đòi hỏi, và bên kia là vênh với những điều luật cứng nhắc. Thực tế không chờ đợi pháp luật, nhất là trong hoàn cảnh hệ thống pháp luật nước ta còn thiếu tính hệ thống”.
“Khi vào đối thoại thì tôi rất thành tâm, khi nói rằng về thẩm quyền thì chắc chắn là vênh với pháp luật nên tôi nhận sai, nhận sai mang tính cá nhân so với đòi hỏi áp dụng pháp luật một cách máy móc. Thực tế là như vậy, tôi cũng thuyết minh rằng đó là “thông lệ” của Chính phủ từ 10 năm nay với hơn 3000 văn bản, không phải bây giờ mới xảy ra cá biệt cho riêng một trường hợp của Văn Giang.
Khi người dân bắt phải theo luật một cách cứng nhắc trên giấy tờ thì tôi phải thừa nhận là sai. Tôi không thể nói là đúng theo lôgíc hình thức. Chúng ta hãy trở lại cốt lõi của hệ thống pháp luật, xây dựng pháp luật để làm gì nếu không phải là mục tiêu của sự phát triển đất nước”, GS. Võ tâm sự.
Vị GS này nói tiếp: “Nhưng qua việc này thì cũng thấy rằng hệ thống pháp luật về đất đai cũng còn những lỗ hổng, thiếu chuyên nghiệp chưa phân tích hết khả năng thực thi như thế nào, các tình huống xảy ra và cách điều chỉnh kịp thời như thế nào để tránh xảy ra tình trạng như vậy.
Thêm nữa, trong 10 năm 1993 – 2004, Bộ Tư pháp cũng như Quốc hội khi đó cũng thấy chuyện này là hoàn toàn bình thường và chưa ai có ý kiến gì về thực hiện thẩm quyền của Chính phủ. Tôi cho rằng, rất cần một ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự hợp lý của áp dụng thẩm quyền của Chính phủ trong 10 năm đó”.
“Tôi không ngại bị kiện”
Khi được hỏi về việc ông có lường trước việc khi ông nhận sai thì người dân sẽ kiện ông ra tòa hành chính, ông Võ nói: “Tôi không ngại gì cả bởi kiện là quyền của người dân. Bức thư tôi nhận được ký ngày 25/10 và nói rằng trong 1 tuần không gặp bà con thì họ sẽ tố cáo.
Nhưng tôi vẫn để sau một tuần tôi mới gặp để thấy rằng bà con cứ tố cáo, sau đó tôi mới gặp. Không vì lời đe dọa tố cáo mà tôi gặp. Đó là một câu chuyện rất bình thường, không nên quá đề phòng, tính toán để làm mất đi sự tự nhiên, tính khách quan của sự việc”.
“Sau khi gặp dân Văn Giang, tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì xong một công việc. Nhưng từ đó cũng đặt ra một vấn đề mới, tức là những khiếu kiện của người dân còn nhiều thì mình có thể đóng góp gì vào việc thay đổi tình trạng ấy. Mình là người trong bộ máy xây dựng pháp luật thì dễ, nhưng hiện nay tôi đã về hưu vậy việc tác động như thế nào lại là cả một vấn đề lớn.
Nhưng tôi vẫn quyết tâm tác động. Người dân ta vốn rất tốt, trong chiến tranh, mọi người đều mang của cải của mình ra đóng góp, mọi người đều mang đồ đạc của mình ra lót đường cho xe ra tiền tuyến, họ cũng sẽ hết mình trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Yên lòng dân là một yếu tố quan trọng nhất của phát triển bền vững”, ông Võ tâm sự.
(còn nữa)
*
LS Trần Vũ Hải bình luận về những ý kiến của GS Đặng Hùng Võ
LS Trần Vũ Hải (Anhbasam) - Cuộc trao đổi giữa Giáo sư Đặng Hùng Võ với đại diện những người dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) chiều ngày 08/11/2012 tập trung vào 02 Tờ trình của Bộ TN-MT mà ông đã ký số 14/TTr-BTNMT ngày 12/03/2004 để Thủ tướng ký quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004; số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 để Thủ tướng ký quyết định 742/QĐ-TTg, giáo sư Đặng Hùng Võ thừa nhận những điểm sau:
1. Ông ký 02 Tờ trình này trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định là trái pháp luật, vì thẩm quyền quyết định những nội dung liên quan là Chính phủ (không phải là Thủ tướng Chính phủ) theo quy định tại những thời điểm này.
2. Hai Tờ trình này (để thẩm tra nội dung đề nghị từ UBND tỉnh Hưng Yên) đã không thẩm tra việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai đã được duyệt cho tỉnh Hưng Yên, thực tế những nội dung này không phù hợp với Quy hoạch đã duyệt. Nói cách khác, các quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ (do ông Võ tham mưu) không phù hợp quy hoạch theo quy định của Luật đất đai tại thời điểm đó.
3. Quyết định 742/QĐ-TTg tuy có tiêu đề là quyết định giao đất, nhưng thực chất là quyết định thu hồi đất, không phải là quyết định giao đất và ông Võ có sai sót khi không làm rõ trong Tờ trình này. Quyết định 742/QĐ-TTg không có hiệu lực ngay với các hộ dân Văn Giang vì không ghi tên các hộ dân và diện tích đất cụ thể của họ bị thu hồi.
4. Biên bản thẩm định hồ sơ đất đai đề ngày 20/06/2004 (là ngày chủ nhật) được coi do Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên lập và cấp cho ông Võ có ghi: “Biên bản lập xong vào hồi 17 giờ cùng ngày, đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên”. Nhưng trong 35 người tham gia, chỉ có ông Bùi Thế Cử – cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ký tên, nhưng không đóng dấu. Vì vậy, biên bản này không có giá trị.
5. Tờ trình số 211/TT-UB ngày 25/02/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên để xin xét duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2004, 2005 là trình không đúng thời điểm theo quy định của Nghị định 68/2001/NĐ-CP và Thông tư 1842/2001/TT-TCĐC (nếu điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2004 phải trình sau ngày 01/07/2003 và trước ngày 15/09/2003; điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2005 phải trình sau ngày 01/07/2004 và do đó phải theo điều chỉnh của luật Đất đai năm 2003).
LS Trần Vũ Hải và GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: VNExpress.
Tuy nhiên, giáo sư Đặng Hùng Võ đã giải thích rằng do Dự án xây đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đã được xác định là dự án trọng điểm, mang lại lợi ích cho tỉnh Hưng Yên và nhân dân Văn Giang. Hưng Yên là tỉnh nghèo, khi có nhóm nhà đầu tư cho Dự án này nên cần phải tạo mọi điều kiện cho họ, cuộc sống không đợi luật. Nói cách khác, giáo sư Võ cho rằng tuy làm trái luật nhưng mục đích vì nước vì dân. Ngoài ra, từ 15/03/1993 đến 30/06/2004, đã có hơn 3.000 văn bản Thủ tướng Chính phủ ký sai thẩm quyền liên quan đến đất đai. Trường hợp ông ký 02 Tờ trình sai không phải là ngoại lệ.
Chúng tôi hoan nghênh ông Đặng Hùng Võ đã thừa nhận lỗi và trách nhiệm của mình, nhưng thấy cần phải làm rõ về những lý do nêu trên của ông Võ:
1. Dự án xây dựng đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội thực chất là một dự án xây đường quốc lộ. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy dự án này trong quy hoạch về giao thông đường bộ đang có hiệu lực của toàn quốc và tỉnh Hưng Yên tại thời điểm 2004. Nếu là một Dự án giao thông trọng điểm, lẽ ra Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phải có ý kiến đề xuất, phê duyệt hoặc trình duyệt. Nhưng đến 30/06/2004, chưa thấy Bộ GTVT có ý kiến như vậy. Phải chăng đây là dự án chui?
2. Nhà đầu tư mà ông Võ nói chính là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), thành lập tháng 08/2003, vốn điều lệ 70 tỷ đồng, không có cổ đông nào có kinh nghiệm về xây dựng giao thông đường bộ. Một nhà đầu tư như vậy khó có thể tin cậy để giao 02 Dự án có giá trị gần 4500 tỷ đồng (theo dự toán tại thời điểm năm 2004), trong đó có một Dự án giao thông trọng điểm.
3. Thực chất nhóm nhà đầu tư trên chỉ mong muốn 500 ha đất để làm khu đô thị với giá đền bù rẻ mạt, đường giao thông mới nếu xây cũng chỉ phục vụ tăng giá trị cho Khu đô thị. Thực tế, mặc dù đã được giao đất làm đường, nhà đầu tư này vẫn chưa làm xong đường theo cam kết (hoàn thành trong năm 2009), và chưa thấy có dấu hiệu con đường này sẽ hoàn thành trong thời gian sắp tới.
4. Khi BộTN-MT được thành lập tháng 11/2002, Chính phủ đã chấn chỉnh việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai không phù hợp Luật đất đai. Cụ thể Nghị định 66/2001/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 04/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ đã thay thế Thủ tướng Chính phủ để quyết định các vấn đề về đất đai. Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của BộTN-MT đã nhắc lại điều đó (BộTN-MT trình Chính phủ, không trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành những quyết định về đất đai). Như vậy, ông Võ phải biết rõ điều đó và khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng BộTN-MT vào năm 2002 phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về nội dung này, không thể lấy lý do thông lệ trái luật để trình sai địa chỉ và trái luật Đất đai.
Chúng tôi hi vọng giáo sư Đặng Hùng Võ sẽ nhận thức được những vấn đề trên để thành thật nhận lỗi và trách nhiệm.
‘Sẵn sàng chịu trách nhiệm khi đã nghỉ hưu’
Phương Loan (TuanVietnam) - Thừa nhận trình sai thẩm quyền và có chuyện trình kí cấp tập những ngày cuối cùng khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực trong dự án Văn Giang, cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ khẳng định, việc này không vì chạy dự án.
Không vì chạy dự án
Ngày 8/11 vừa qua ông đã có cuộc đối thoại với bà con Văn Giang liên quan đến trách nhiệm cá nhân của ông trong việc trình và quyết định dự án này, chỉ vài ngày trước khi Luật Đất đai 1993 hết hiệu lực. Tờ trình cách đây đã nhiều năm, điều gì khiến ông quyết định lựa chọn đối thoại với người dân?
Người dân đã rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin muốn đối thoại về pháp luật với các văn bản liên quan đến dự án Văn Giang. Tôi nhiều lần nói: bây giờ tôi về hưu rồi, đối thoại thì có giải quyết được vấn đề gì không. Cuối cùng, người dân viết thư yêu cầu phải đối thoại. Họ yêu cầu đối thoại trực diện, trong trường hợp e ngại thì có thể viết thư trả lời. Và tôi chọn cách tiếp cận thứ nhất. Bởi mình không có gì phải sợ sệt cả.
Cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lao động
Hơn nữa đã đối thoại với dân thì phải đàng hoàng, quan điểm là như vậy.
Tôi báo cáo Bộ trưởng TN-MT là có việc như vậy, ý của tôi là cũng muốn gặp dân nói chuyện. Về mặt pháp luật, tôi trên tinh thần giữ quan điểm của bộ TN-MT, còn trong quá trình đối thoại cũng có những điều phải điều chỉnh.
Trên tinh thần ấy, Bộ trưởng đồng ý.
Cụ thể, những vấn đề pháp luật được người dân Văn Giang nêu và đối thoại với ông là gì?
Thứ nhất, tôi thấy cần giải thích cho dân rõ những dự án như thế này sẽ có người mất đất, người chịu thiệt thòi này khác, nhưng đây là dự án quan trọng của Hưng Yên, làm thông con đường từ Hà Nội đến Hưng Yên, và là cơ sở cho Hưng Yên phát triển. Đây không phải dạng dự án vớ vẩn, không chỉ câu chuyện đơn giản vì lợi ích của nhà đầu tư . Đây là dự án vì lợi ích của tỉnh Hưng Yên và trực tiếp là lợi ích của người dân Văn Giang.
Vấn đề thứ hai cần giải thích cho dân hiểu, là liên quan đến mấy quyết định được kí dồn dập vào những ngày cuối cùng trước khi Luật Đất đai năm 1993 hết hiệu lực. (Ngày 29/6/2004, ông Đặng Hùng Võ thừa lệnh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình số 99 lên Thủ tướng. Trước đó một ngày, 28/6/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình về thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thị Thương mại, du lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội, đoạn Văn Giang đến xã Dân Tiến, Khoái Châu. – pv) Tại sao lại dồn dập? Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, hết thời hạn áp dụng Luật Đất đai 1993 là sẽ hết hiệu lực. Việc đổi hàng và hàng không được chấp nhận nữa mà phải đổi qua tiền. Mà như vậy dự án sẽ bị kéo dài. Việc chuẩn bị dự án nếu không kịp kí trước ngày luật cũ có hiệu lực thì dự án phải làm lại từ đầu. Thời điểm đó, Hưng Yên nói thẳng quan điểm, nếu quá đi dự án sẽ bị lỡ, gây tổn hại cho tỉnh rất nhiều.
Tôi muốn giải thích để người dân hiểu, chuyện kí cấp tập ấy không có chút dính dáng gì đến việc chạy dự án cả. Đây là việc đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chính quyền tỉnh Hưng Yên.
Nhiều người đặt vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo với mỗi chữ kí của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu. Bởi ngay cả ông có xin lỗi thì việc cũng đã rồi, người dân cũng đã chịu thiệt?
Thực ra ở đây có hai khía cạnh. Về trách nhiệm hành chính, đây không phải quyết định cá nhân mà của cả hệ thống hành chính. Nhưng nếu gắn với chữ kí ấy có khuất tất thì lại phải xử lí trách nhiệm cá nhân rõ ràng tại vị hay đã nghỉ hưu.
Một người đã kí có chịu trách nhiệm khi về hưu nếu đó là viêc khuất tất, tiêu cực. Còn nếu đó là việc đúng như hệ thống hành chính vẫn làm, thì bản thân hệ thống hành chính phải xử lí và chịu trách nhiệm.
Mình chọn cách đối thoại để giải thích bởi người dân có đặt câu hỏi mấy ngày cấp tập kí có khuất tất gì.
Nếu chỉ là tờ trình mang tính hành chính thông thường mà không có nghi vấn gì về mặt đạo đức, thì không cần đối thoại. Nhưng vì người dân nghi vấn, nên mình muốn đối thoại, làm rõ. Đối thoại để minh chứng không có khuất tất gì đằng sau.
Trái luật, theo lệ
Trong cuộc đối thoại với dân, ông có thừa nhận rằng hai tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), mà khi đó ông đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là “đã trình không đúng thẩm quyền”?
Đúng vậy. Suốt 10 năm từ 15/10/1993, tới 30/6/2004, luật quy định thẩm quyền liên quan đến phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, quyết định giao đất, cho thuê đất của chính phủ, nhưng thực hiện lại có khác biệt một chút.
Ảnh: Lao động
Suốt 10 năm trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực, chúng ta đã không thực hiện đúng thẩm quyền, với hơn 3000 văn bản. Vụ Văn Giang nằm trong loạt các văn bản này.
Chính phủ vẫn nói rằng Chính phủ ủy quyền cho Thủ tướng nhưng sự thật lại có điều luật: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì không được ủy quyền.
Người dân chất vấn tôi, rằng đáng lẽ tôi phải trình ông này, tôi lại gửi một ông khác, thì chắc chắn, nếu xét trường hợp đơn lẻ này, tôi đã làm sai, trình trái thẩm quyền. Nói nhẹ là không đúng thẩm quyền, còn nói đằng thắng là trái luật.
Nhưng thực ra, đó không phải là cố ý làm không đúng thẩm quyền. Giai đoạn trước luật 2003 chúng ta đều làm như vậy, theo thông lệ.
Khi tôi bắt đầu làm, Bộ trưởng có nói, ta tập trung xây dựng luật mới, với cái cũ thì trước làm thế nào, bây giờ ta làm như thế. Chẳng nhẽ lúc đó mình lại khịa chuyện ra bảo làm cái này không được. Trong hệ thống quản lý không thể đòi làm khác đi đơn giản thế.
Chúng ta đã làm theo lệ chứ không phải theo luật. Câu chuyện phức tạp ở chỗ đó.
Nhận và sửa sai
Theo ông, với hơn 3000 văn bản ấy trình và kí lệch thẩm quyền ấy, chúng ta phải ứng xử với chúng ra sao?
Cần phải cư xử ra sao với cái đã lỡ trong quá khứ, theo chỉ đạo của Chính phủ là câu chuyện vô cùng phức tạp
Tuy nhiên, đó là thực tế không thể chối cãi. Đến lúc phải nói với dân thực tế ấy.
Và phải làm rõ có hiệu lực hay không, mà hướng là công nhận hiệu lực, bởi phần chênh thẩm quyền không lớn, và các dự án đều làm rồi, và không gây hậu quả xấu, không phải từ cái chênh hiệu lực ấy mà gây ra tham nhũng, tiêu cực này khác.
Tôi định viết thư đề nghị chính thức hóa chuyện này. Nếu không, chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều.
Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi. Cũng cần thuyết minh rõ cái lệch này không gây hậu quả gì, dù quyết định ở tầm lớn.
Liệu việc này có tạo tiền lệ, cứ làm trái, rồi hợp thức hóa bằng văn bản pháp luật sau đó?
Đương nhiên không thể ra nghị quyết giải quyết từng quyết định riêng rẽ. Đây là giải quyết lịch sử, không phải giải quyết cá biệt trường hợp nào. Đây là cả lô văn bản đã thành tiền lệ trong lịch sử.
Lệ áp dụng 10 năm trời. Cách tốt nhất là chường mặt ra nhận và sửa sai, rằng chúng tôi đã trót áp dụng không đúng, và lí do là có sự vênh giữa các luật và không có hậu quả gì do sự vênh pháp luật này.
Cụ thể, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải là hình thức quyết định. Hình thức văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền chính phủ, theo luật, lại không có quyết định, chỉ có nghị quyết, nghị định. Ra văn bản gì? Quyết định phải là thẩm quyền riêng. Sự vênh, lệch giữa các luật về đất đai và về thẩm quyền chính phủ ra văn bản pháp luật dẫn tới việc này. Đó là lí do Chính phủ lại làm như vậy.
Văn Giang chỉ là một trường hợp. Phải giải quyết sớm, không thể cứ mãi lùng bùng với hơn 3000 văn bản này được.
3000 văn bản như cá nằm trên thớt. Và bất kì dự án nào có chuyện, người ta cũng có thể lôi ra việc trình và kí không đúng thẩm quyền. Giải quyết một lần cho xong, thật gọn ghẽ.
Không phải về hưu mà làm khác
Trở lại với việc đối thoại với dân, như ông nói, trách nhiệm hành chính với ông không còn nữa. Thế nhưng ông vẫn quyết định đối thoại. Có người đã gọi đó là “Tiền lệ Đặng Hùng Võ”. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nên chăng cần luật hóa trách nhiệm quan chức, trong việc đối thoại, giải thích cho dân, và chịu trách nhiệm với mỗi chữ kí, quyết định của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu?
Sự thực việc đối thoại với dân, giải thích cho dân nên được đặt thành một nguyên tắc, vì cán bộ không thể làm ngơ trước phản ứng của người dân mà quyết định của mình có liên quan. Đối với người đương chức đương nhiên phải làm chuyện đó.
Làm như thế nào thì phải cần pháp luật đặt nguyên tắc cụ thể thế nào: trường hợp nào, thời gian bao lâu, mức độ chưa đồng ý thì giải quyết ra sao, loại quyết định gì thì xử lý ở cấp nào?
Nên luật hóa, tạo gắn kết giữa nhân dân và nhà nước tốt hơn.
Cũng có dư luận nói rằng, chẳng qua nghỉ hưu rồi nên ông mới nói mạnh thế. Đương chức, chắc gì!
Điều này có thể đúng với ai đó, nhưng với cá nhân tôi thì khác. Đương chức mình đã đối thoại với dân nhiều rồi.
Tuy nhiên đối thoại về một quyết định có gắn với cá nhân thì là lần đầu tiên, vì tờ trình là mình kí đưa lên, lại cấp tập vào những ngày cuối của luật đất đai 1993 có hiệu lực.
Thời gian tôi còn đương chức thực ra không có quyết định nào gắn với đất đai vì lúc đó Bộ không có quyết gì về đất đai. Thế nên không có đối thoại về quyết định nào gắn với cá nhân mình.
Còn đối thoại về những xộc xệch về chính sách đất đai, về thực thi chính sách ở tỉnh này, tỉnh kia thì nhiều.
Ví dụ, bà Kim Ngân khi còn là Bí thư Hải Dương có lần dân kéo lên kiện đã gọi điện đề nghị tôi xuống giúp giải thích cho dân. Quyết định thu hồi đất của tỉnh, đất của trung tâm đào tạo đóng tàu của Vinashin. Mình xuống đối thoại bình thường, với dân và lãnh đạo xã. Dân nghe ra thì về.
Chuyện bình thường ấy mà. Nhiều khi đi tỉnh này tỉnh khác, chính quyền tỉnh còn nhờ ra đối thoại với dân giúp, vì nói họ chẳng hiểu.
Tôi có thể tự hào nói mình đã giúp thay đổi hai chính sách liên quan đến đất đai hở Hà Nội. Một là, không cho người ngoại tỉnh mua nhà. Tôi nói Hà Nội đang vi phạm luật đất đai vì luật không có điều nào cấm người dân mua nhà. Tôi nhớ lúc đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hà Nội phải làm thế nào chứ ông Võ nói Hà Nội vi phạm pháp luật là không được đâu. Và Hà Nội đã thay đổi.
Hai là thời điểm đó, các dự án xây dựng nhà thì phải gạt lại cho thành phố 20-30%, một dạng biếu không thành phố. Tôi nói cái này không được. Đừng nghĩ đó là nhà đầu tư cho thành phố. Phần 70-80% còn lại của dự án, nhà đầu tư sẽ phải bán đắt hơn để chở cái phần 20-30% này. Sự thực là lấy của dân chứ không phải lấy của nhà đầu tư. Cuối cùng Hà Nội đã bỏ, chuyển sang cơ chế cần thì mua của chủ đầu tư.
Cán bộ cần làm đúng luật trước
Từ vụ việc này, ông rút ra điều gì?
Để xây dựng nhà nước pháp quyền, bộ máy hành pháp phải rất cẩn thận trong mọi việc. Không được qua loa bất kì chuyện gì.
Không đúng thẩm quyền như ở vụ Văn Giang là một ví dụ, dù không quá xa thẩm quyền. Nếu không, một trục trặc nhất định cũng dẫn đến quyết định người dân có ý kiến. Và họ sẽ viện dẫn việc không đúng pháp luật này. Nhất là bây giờ, người dân có quyền thuê luật sư đại diện cho mình rồi.
Điều này sẽ loại trừ nghi vấn trong dân rằng đó cũng chỉ là chuyện làm ăn khuất tất thôi.
Việc phản ứng của dân cũng chỉ vì qua loa về mặt pháp luật, cho rằng rằng cái này cũng không chênh nhau nhiều lắm. Đến lúc chúng ta cần tư duy lại. Mọi việc phải rất chặt chẽ, cẩn thận, chi tiết. Quan chức, công chức lo làm đúng luật trước khi yêu cầu người dân tuân thủ luật.
Văn Giang đã tạo ra được một áp lực trong việc chỉnh sửa luật đất đai. Những dự án lớn như thế, việc vận động người dân cần phải làm thế nào, từ giai đoạn lập quy hoạch, đến thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Vai trò người dân đến đâu? Làm thế nào để dự án triển khai được mà đảm bảo được đồng thuận cao của dân?

Không có nhận xét nào: