Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Hồ Cẩm Đào sớm thôi chức Quân ủy TW?



Hai ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân tại Đại hội 18
Ông Giang phải mất hai năm mới chuyển quyền cho ông Hồ
Có tin ông Hồ Cẩm Đào sẽ thôi chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc ngay tại cuối Đại hội 18.
Đây là một trong các chức danh quan trọng nhất trong hệ thống quyền lực của Trung Quốc, lãnh đạo tối cao của Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa.

Như vậy, ông Tập Cận Bình vào cuối Đại hội Đảng 18 sẽ nhận cả hai vị trí Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn nguồn không nêu tên nói vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể sẽ được chuyển giao cho ông Tập Cận Bình ngay vào thứ Tư tới 14/11.
Hồng Nga của BBC có mặt tại Bắc Kinh nói nếu là sự thật thì đây là sự kiện quan trọng và gây bất ngờ.

Người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân, phải mất hai năm mới chuyển giao chức chủ tịch Quân ủy Trung ương cho ông Hồ.
Ông Hồ Cẩm Đào giữ vị trí này từ tháng 9/2004, tới nay là hơn tám năm.
Tuy phải chớ tới tháng Ba sang năm, ông Tập Cận Bình mới có thể nhậm chức Chủ tịch nước, đợt chuyển giao quyền lực lần này dường như diễn ra êm thấm hơn trông đợi.

Đoàn kết nội bộ

Có thể ban lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng muốn chứng tỏ sự đoàn kết nội bộ, trái với những tin đồn đấu tranh bè phái lâu nay, phóng viên của chúng tôi nói thêm.

"Tập Cận Bình là người có quan hệ thân chặt với một số tướng lĩnh xuất thân con ông cháu cha. Điều đó có nghĩa Bắc Kinh sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ như ở Nam Hải (Biển Đông)."
Willy Lam, chuyên gia về chính trị học tại Hong Kong
Giới bình luận cho rằng việc chuyển giao quyền lực nhanh gọn giữa hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là việc chưa từng thấy trong hai thập niên qua trên chính trường Trung Quốc.
Năm 2002, khi ông Hồ Cẩm Đào được chọn vào vị trí Tổng bí thư, ông Giang Trạch Dân vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm nữa. Tổng cộng ông Giang làm tổng bí thư 13 năm, và làm chủ tịch quân ủy 15 năm.
Việc ‘cố vị’ này đã gây bất bình trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng và dẫn tới nhiều chỉ trích đối với bản thân ông Giang Trạch Dân cũng như đối với các lãnh đạo Đảng khác, cản trở kế hoạch chuyển giao thế hệ mà ông Đặng Tiểu Bình đã vạch ra.
Theo nguồn tin của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Hồ Cẩm Đào là người rất chú ý tới việc gìn giữ hình ảnh của lãnh đạo Đảng. Ông hiểu cứ giữ khư khư chức vụ sẽ gây ảnh hưởng xấu nên muốn “về hưu hoàn toàn” và chuyển giao mọi chức vụ sớm nhất có thể.
Willy Lam, chuyên gia về chính trị học tại Hong Kong, nói với BBC rằng cho tới sát Đại hội Đảng, thành phần Quân ủy Trung ương đã được xác định.
Cũng theo ông Lam, ông Tập Cận Bình là người có quan hệ thân chặt với một số tướng lĩnh xuất thân con ông cháu cha (princelings generals ), bởi vậy ảnh hưởng của phe quân đội vào các vấn đề đối ngoại và an ninh là sẽ khá lớn.
Trụ sở Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Trụ sở Quân ủy Trung ương Trung Quốc nằm trên Đại lộ Trường An
“Tôi cho rằng điều đó có nghĩa Bắc Kinh sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ như ở Nam Hải (Biển Đông),” ông nói.

Lực lượng vũ trang

Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ quan đầu não có trách nhiệm giám sát toàn bộ các lực lượng vũ trang.
Hiện đang bao gồm một chủ tịch, ba phó chủ tịch và bảy ủy viên, Quân ủy Trung ương được bầu lên theo nhiệm kỳ 5 năm.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội, bầu ra trong khi các ủy viên khác cũng do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội bầu chọn trên cơ sở đề cử của chủ tịch Quân ủy.
Quân ủy Trung ương hoạt động theo nguyên tắc chịu trách nhiệm trước chủ tịch trong khi chủ tịch Quân ủy chịu trách nhiệm trước Quốc hội và có quyền đưa ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của Quân ủy.
Các cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương bao gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân nhu.
Đây cũng là những cơ quan lãnh đạo của toàn bộ quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm thi hành các quyết sách chiến lược và nguyên tắc của Quân ủy.

Không có nhận xét nào: