Pages

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Kissinger: Trung Quốc có tham vọng lớn



Henry Kissinger
Henry Kissinger được cho là người đóng góp làm tan băng quan hệ Mỹ-Trung
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger mô tả Trung Quốc là ‘một đất nước lớn với tham vọng lớn’ và kêu gọi Bắc Kinh và Washington cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau ‘vì hòa bình thế giới’.
Kissinger đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nhà nước của Trung Quốc Tân Hoa Xã tại New York, hãng tin này cho hay hôm thứ Hai ngày 12/10, trong lúc Đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh.

Chính ông là người đã góp phần làm tan băng trong quan hệ giữa hai nước vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Henry Kissinger được Bắc Kinh xem là ‘một người bạn cũ’ và lâu nay vẫn theo dõi những chuyển động của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Chuyến thăm Trung Quốc của Kissinger cách đây hơn 40 năm đã dẫn đến cuộc gặp lịch sử giữa cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trach Đông và tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Richard Nixon với sự ra đời của Thông cáo Thượng Hải vào năm 1972.

‘Cưỡi được cơn sóng’

“Hồi năm 1971 khi lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt đất nước Trung Quốc, nếu như có ai đó mô tả cho tôi Trung Quốc như thế nào ngày nay hoặc hình dung một số hình ảnh của các tòa nhà hiện nay thì có lẽ tôi đã nói rằng thật là điên rồ, làm gì có chuyện đó,” ông nói.
“Nhưng ngày nay nó đã trở thành sự thực,” ông nói thêm.
Nhận xét về Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Đại hội 18, ông nói ông ‘ấn tượng với trọng tâm cải cách, sự tin tưởng vào tương lai và giọng điệu đấu dịu trong chính sách đối ngoại’.
Kissinger cũng khen ngợi các lãnh đạo Trung Quốc đã ‘cưỡi được cơn sóng và đang đi đúng hướng’ trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vào năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay của châu Âu sau khi mất một thời gian ngắn tìm hiểu vấn đề và thích nghi.
Kissinger và Mao Trạch Đông
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã thăm Trung Quốc nhiều lần
Ông cũng chỉ ra những thử thách đối với Bắc Kinh.
Một trong số đó, theo ông, là vấn đề kỹ thuật rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và thông tin liên lạc trong bối cảnh nước này đang phát triển theo chiều hướng từ duyên hải vào nội địa và từ thành thị đến nông thôn.
Ông đánh giá rằng các lãnh đạo Trung Quốc đã ‘nhận diện được vấn đề tham nhũng’ và ‘lạc quan’ quốc gia này sẽ giải quyết được vấn nạn này.

Quan hệ song phương

Về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, ông nói hợp tác giữa hai nước là rất ‘cần thiết cho hòa bình thế giới’.
Theo Kissinger thì hai nước nên ‘nhìn xa hơn những bực dọc thường nhật’.
“Nế́u hai quốc gia vĩ đại này tương tác với nhau thì chắc chắn họ sẽ thường xuyên dẫm chân nhau,” ông phân tích, “Vấn đề là làm sao kiểm soát được xung đột và quan trọng hơn nữa là làm thế nào để tạo ra triển vọng cho tương lai.”
Là một trong số những người hiếm hoi đã từng tiếp xúc với tất cả bốn thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc, Kissinger nói ông có ‘kỳ vọng lớn’ vào thế hệ lãnh đạo thứ năm của đất nước này sẽ được ra mắt vào ngày cuối cùng của Đại hội 18.
“Thế hệ lãnh đạo này lên nắm quyền trong một giai đoạn sóng gió,” ông nói, “Họ đã trải qua rất nhiều gian khó giúp họ có thêm sức mạnh khi đối mặt với những thách thức hiện nay.”

Không có nhận xét nào: