MANILA (NV) - Một ngày sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở thủ đô Cambodia, giới chức ngoại giao cao cấp của Philippines cho hay nước này sẽ tổ chức một cuộc họp vào tháng tới với 3 nước cùng liên quan tranh chấp là Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Cuộc họp này, như vậy được hiểu sẽ chỉ bàn về tranh chấp khu vực quần đảo Trường Sa và sẽ không có dự tham dự của Trung Quốc, hay Ðài Loan là những nước cũng có các tuyên bố chủ quyền.
Trái với các nước ASEAN, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi Bò” chiếm đến 80% biển Ðông. Nhiều khu vực của “Lưỡi Bò” liếm sâu vào các khu vực đặc quyền kinh tế của một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Philippines bị nặng nhất, theo công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS mà Bắc Kinh cũng từng đặt bút ký công nhận.
Lãnh tụ 10 nước ASEAN và lãnh tụ 3 đối tác Á Châu gồm Nam Hàn, Trung Quốc và Nhật trong cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô Cambodia ngày 19 tháng 11, 2012. (Hình: ROMEO GACAD/AFP/Getty Images)
Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay hiện vẫn chưa có lịch chính thức về những gì sẽ được 4 nước bàn thảo vào ngày 12 tháng 12, 2012 tới đây.
Theo bản tin thông tấn AP, cuộc họp sắp tới sẽ ở cấp thứ trưởng. Sự thảo luận đa phương giữa 4 nước có thể dẫn đến sự thỏa thuận nào đó về một lập trường chung đối phó với Trung Quốc. Từ trước đến nay, Bắc Kinh lập lại thường xuyên chủ trương chỉ muốn điều đình tay đôi với từng nước tranh chấp, không muốn “quốc tế hóa” vấn đề.
Bản tuyên bố chung của 10 nước ASEAN và Trung Quốc ngày 19 tháng 10, 2012 về giải quyết tranh chấp biển Ðông đã hoàn toàn trống rỗng, đúng theo ý Bắc Kinh mong muốn nhờ sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền Cambodia hiện đang là chủ tịch luân phiên ASEAN. Nó chứng tỏ các nước ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về một lập trường chung trong phương cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Trước cuộc họp thượng đỉnh, từng có hy vọng là các nước có thể tiến tới được một bộ quy tắc ứng xử để tránh các xung đột võ trang. Bắc Kinh thường xuyên tránh né hay cản trở thảo luận vấn đề vì cho là điều kiện “chưa chín mùi”.
“Những gì chúng tôi đang thử làm ở đây là cố chứng tỏ chúng tôi nỗ lực thảo luận (về cuộc tranh chấp) và chúng tôi sẵn sàng làm điều đó nội trong ASEAN hay cả bên ngoài ASEAN.” Ông Rosario nói với nhà báo.
Brunei tuy cũng tuyên bố một phần chủ quyền đối với Trường Sa nhưng không chiếm giữ đảo nào. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia đều có các công sự và đơn vị quân đội đóng trên một số đảo ở Trường Sa. Hoa Kỳ tuyên bố nhiều lần là “có quyền lợi quốc gia” đối với biển Ðông nên muốn quốc tế hóa vấn đề thảo luận.
Hồi tháng 4 năm 2012, tàu tuần Philippines bắt giữ một tàu Trung Quốc mà họ nói tới khai thác bất hợp pháp thủy sản ở khu vực bãi đá ngầm Scarborough. Trung Quốc lập tức phái một số tàu đánh cá và mấy tàu “hải giám” tới làm áp lực. Sau nhiều ngày căng thẳng, tàu tuần của Philippines đã phải rút lui vì yếu thế.
Tháng 7 vừa qua, đài truyền hình Trung Quốc chiếu một đoạn tin thời sự nói 4 tàu hải giám Trung Quốc đuổi một tàu cảnh sát biển của Việt Nam ở khu vực Trường Sa vì bị cho là “xâm phạm chủ quyền” lãnh thổ Trung Quốc.
Hãng tin chính thức TTXVN đã phản bác và cũng đưa ra một đoạn ghi âm nói tàu “công vụ” của Việt Nam đã lên tiếng đuổi đám tàu Trung Quốc vì xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Những gì thật sự xảy ra sau đó trên biển, không ai biết.
“Chúng tôi coi tình hình khu vực biển Ðông là đe dọa sự ổn định và an ninh trong khu vực… Chúng tôi tin vấn đề không phải là vấn đề song phương và nó cũng không chỉ là vấn đề của khu vực. Nó là vấn đề quốc tế.” Ông Rosario nói.
Ðồng thời với cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô Cambodia, Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về biển Ðông.
Ðây là lần thứ tư Việt Ntổ chức một cuộc họp về vấn đề biển Ðông với sự tham dự của chuyên viên, học giả các nước tranh chấp chủ quyền cũng như các chuyên viên quốc tế quan tâm tới vấn đề.
Ngày Chủ Nhật 18 tháng 11 năm 2012, Thủ Tướng Cambodia Hun Sen tuyên bố các nước ASEAN đã “đồng thuận” rằng “không quốc tế hóa” tranh chấp biển Ðông nhưng hôm sau đã bị tổng thống Philippines phản bác vì cho chuyện đó đã không đúng. Không những vậy, Philippines đã chính thức gửi văn bản phản đối tới nước chủ nhà Cambodia và các nước tham dự cuộc họp. (T.N.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét