Pages

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Tàu TQ vào lãnh hải, thách thức tàu Nhật




Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản ghi nhận tình trạng tàu hải giám Trung Quốc liên tục xuất hiện trong vùng biển do Nhật quản lý từ hơn hai tuần qua
Hôm Chủ Nhật (4/11/2012), bốn tàu hải giám Trung Quốc đã tuần tra trong vùng biển quanh quần đảo mà phía Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku, bản tin tiếng Anh của hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc loan tin.
Tân Hoa Xã trích nguồn Cục Hải dương nước này, nói các tàu Hải giám 50, Hải giám 15, Hải giám 26 và Hải giám 27 đã đi vào vùng biển này để “tiến hành các hoạt động thông thường nhằm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với Điếu Ngư đảo”.

Được biết tại Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai đã điện thoại tới Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối vụ việc, và kêu gọi Trung Quốc phải kiềm chế.
Trang tin Japantimes của Nhật thì nói bốn tàu Trung Quốc đã lần lượt xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật trong khoảng thời gian từ 11:45 sáng đến 12:05 trưa Chủ Nhật, và ở tại đó cho tới chừng 3:30 chiều cùng ngày.

Ông Kawai cảnh báo rằng nếu tàu Trung Quốc tiếp tục các hành động khiêu khích thì Bắc Kinh sẽ gây phương hại cho các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ căng thẳng giữa hai bên.

Liên tục tuần tra

Tân Hoa Xã xác nhận các tàu Trung Quốc hôm thứ Bảy cũng đã “tiến hành hoạt động tuần tra thường lệ” tại vùng biển này.
Trước đó, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản trích nguồn Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản nói tính đến hôm thứ Sáu 2/11/2012, các tàu Trung Quốc đã vào gần khu vực quần đảo có tranh chấp, áp sát vùng lãnh hải Nhật Bản trên Biển Hoa Đông trong 14 ngày liên tiếp.

Tuy không có người sinh sống nhưng khu vực quần đảo Điếu Ngư / Senkaku có tài nguyên dầu khí và vị trí quân sự quan trọng
Phía Nhật nói vào hôm thứ Ba (30/10/2012) bốn tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Nhật đang kiểm soát và khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản cảnh báo tàu Trung Quốc không được vào phần lãnh hải của Nhật thì một trong các tàu đó đáp lại bằng sóng vô tuyến rằng họ “đang tiến hành các hoạt động thích hợp trên vùng lãnh hải Trung Quốc”.
Tin cho hay các tàu của Trung Quốc đã ở đó trong chừng hai giờ đồng hồ, tiến sát chỉ cách hòn đảo lớn nhất Uotsuri 14 hải lý.
Vị trí này tuy vẫn nằm bên ngoài đường giới hạn 12 hải lý của vùng lãnh hải nhưng hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Được biết sau việc phát đi đòi hỏi qua sóng vô tuyến điện, phía Nhật đã không có thêm hành động gì.
Tuyên bố của Cục Hải dương Trung Quốc nói hôm thứ Ba đội tàu bốn chiếc của nước này thậm chí đã xua đuổi, không cho đội tàu của Nhật tới gần vùng biển quanh quần đảo, theo trang tin Sina.
Tuy nhiên Lực lượng Tuần duyên Nhật bản bác bỏ tin này: "Không phải là các tàu Tuần duyên Nhật Bản bị các tàu hải giám Trung Quốc đuổi đi. Các con tàu của chúng tôi đã chạy cạnh các con tàu Trung Quốc."

"Không phải là các tàu Tuần duyên Nhật Bản bị các tàu hải giám Trung Quốc đuổi đi. Các con tàu của chúng tôi đã chạy cạnh các con tàu Trung Quốc."
Tuyên bố của Tuần duyên Nhật Bản hôm thứ Tư 31/10
Kyodo nói sang hôm thứ Năm (1/11/2012) tàu Trung Quốc cũng áp sát đường lãnh hải Nhật Bản, bất chấp các lời cảnh báo từ lực lượng tuần duyên Nhật Bản.
Thậm chí hai trong số bốn tàu Trung Quốc còn yêu cầu các tàu tuần tra Nhật Bản phải rời đi, các tin nhắn thu được qua sóng radio và thiết bị điện tử cho thấy.
Hai tàu này nói đây là vùng biển do Trung Quốc quản lý và nói các tàu Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động hợp pháp.

Chiến lược mới?

Cuộc tranh cãi Nhật – Trung quanh chủ quyền đối với khu vực đảo Điếu Ngư / Senkaku đã trở nên gay gắt hơn kể từ tháng Chín trở lại đây, sau khi chính quyền Nhật Bản mua lại một phần quần đảo này từ tay một chủ tư nhân người Nhật, qua đó chính thức quốc hữu hóa khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Nhật nói việc mua đảo là nhằm tránh chuyện để khu vực này rơi vào tay ông thống đốc Tokyo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng Trung Quốc phản ứng giận dữ vì cho rằng đó là hành động nhằm làm thay đổi tình trạng thực tế của quần đảo có tranh chấp.
Việc tàu chiến Trung Quốc quần đảo quanh khu vực Điếu Ngư / Senkaku từ hơn hai tuần qua được giới phân tích coi như tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chiến lược dài hạn mới nhằm thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với khu đảo này.
Để đáp trả, phía Nhật cũng đã gửi hàng chục tàu tuần tra tới nơi, vừa để dè chừng các tàu bán quân sự và các tàu cá của Trung Quốc, vừa để để mắt tới các tàu bè từ Đài Loan, vốn cũng tuyên bố chủ quyền với khu đảo.

Người Trung Quốc ở trong nước và hải ngoại đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối việc Nhật mua lại từ tay tư nhân một phần quần đảo Điếu Ngư / Senkaku hồi tháng Chín
Quốc hội Nhật Bản hồi tuần trước thậm chí còn thông qua gói kích thích kinh tế nhằm tăng cường hoạt động tuần tra duyên hải, với việc cho mua thêm máy bay trực thăng và bảy tàu tuần tra biển, trang điện tử New York Times hôm 2/11 đưa tin.
Bài của New York Times nhận định rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi hai bên nổ ra tranh cãi quyết liệt, Trung Quốc khuấy đảo vùng biển này thường xuyên đến vậy, mà có lẽ là nhằm làm suy yếu quyết tâm của Nhật trong việc tranh cãi với Bắc Kinh, và thậm chí còn là nhằm áp đảo lời tuyên bố của Nhật trong việc nói Tokyo trên thực tế đã kiểm soát khu đảo không có người sinh sống này.
Tuy nhiên, khó có khả năng Trung Quốc tìm cách dùng vũ lực chiếm đoạt khu đảo, mà nhiều phần các hành động của Bắc Kinh chỉ nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đưa ra các tuyên bố tương tự như của Nhật mà thôi, New York Times trích lời Kevin Maher, cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Nhật Bản, nay là cố vấn cao cấp của tổ chức tư vấn NMV Consulting tại New York, nói.
Với việc triển khai các lực lượng bán quân sự, cả hai nước đang tỏ ra rất thận trọng, không dùng đến hải quân chính quy, nhằm tránh nguy cơ leo thang xung đột nguy hiểm.
Tuy nhiên, cả tàu tuần duyên Nhật Bản lẫn tàu hải giám Trung Quốc lại đều được vũ trang, khiến người ta quan ngại rằng bất kỳ tính toán nhầm nào hay lỗi sơ suất từ bất kỳ thủy thủ nào trên mỗi con tàu đều có nguy cơ làm bùng lên cuộc đối đầu bạo lực.

Không có nhận xét nào: