Pages

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu

Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu, gọi tắt là ASEM đã khai mạc tại thủ đô Vientiane, Lào.

Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu khai mạc tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 05/11/2012.

Philippines sẽ lên tiếng

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông sẽ được Philippines nêu lên tại thượng đỉnh ASEM lần thứ 9, trong lúc Việt Nam, từng cùng Philippines chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất, không đả động tới vấn đề này.Lên tiếng với hãng tin AFP trước khi rời Manila đi Vientiane ngày hôm qua, tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, tuyên bố ông mong đợi có những cuộc nói chuyện song phương với lãnh đạo các nước EU, Ba Lan, Thụy Sĩ, Na Uy và Italy, trong hy vọng tìm kiếm giải pháp tiến đến một thỏa thuận khả dĩ, hòa bình và đúng mức liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia trên vùng biển Tây Philippines theo cách gọi cua Manila, mà tàu thuyền Trung Quốc nhiều lần xâm nhập bất hợp pháp khiến xảy ra tình trạng đối đầu như hồi tháng Tư năm nay.

Philippines từng nhiều lần khẳng định vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa phải được giải quyết đa phương, trong lúc Trung Quốc trước sau nhất mực cho rằng Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết song phương với từng quốc gia mà thôi.
Đó là lập trường của Philippines, trong lúc quan điểm của Việt Nam, từng lên tiếng phản đối thái độ lấn lướt trên biển Đông của Trung Quốc như Philippines, không được nghe tới.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có sẽ bày tỏ lập trường của mình tại hội nghị ASEM lần thứ 9 này như Philippines hay không, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, tác giả những bài viết liên quan đến Biển Đông trên bình diện pháp lý, nhận định:
Biện pháp chiến lược như thế nào thì các lãnh đạo từng quốc gia đã có rồi. Ở đây với quan điểm cá nhân tôi nghĩ chúng ta không thể nào đứng về một hay về vài quốc gia nào cả. Ở đây, giải quyết vấn đề tranh chấp không chỉ liên quan tới một hay hai nước mà ở đây nó vừa ảnh hưởng tới cả toàn bộ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Vì vậy nếu như chúng ta đứng nghiêng hẳn về phía một hay vài quốc gia, ví dụ chúng ta đứng hẳn về phía Philippines thì đó cũng không phải một chiến lược hay.
Do vậy, trong giai đoạn này, nếu muốn hướng tới quản lý xung đột trên Biển Đông, một vấn đề không mới và chưa có gì thay đổi, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, ASEAN nhất thiết phải có được tiếng nói chung, đặc biệt khi Trung Quốc đã kêu gọi Đài Loan, cũng là một phía tranh chấp như Việt Nam, cùng hợp tác với Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa:
Thực tế chúng ta cũng thấy rất rõ là giữa Đài Loan với Trung Quốc luôn có mối quan hệ đặc biệt. Từ trước tới nay tôi nghĩ có lẽ các bên tranh chấp và đặc biệt các nước ASEAN cũng không hy vọng Đài Loan một ngày nào đó có thể lên tiếng ủng hộ các nước ASEAN. Cho nên việc Đài Loan thể hiện quan điểm và hợp tác cùng với Trung Quốc theo tôi đánh giá chỉ là vấn đề thời gian thôi và vào một thời điểm cụ thể nào đó thì Đài Loan bộc lộ chính thức quan điểm của mình thô, chứ không gây thêm điều gì bất lợi cho Việt Nam cũng như cho ASEAN cả.
Trong thời gian qua với những sự kiện xảy ra trên Biển Đông đã gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN cũng như với Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu để những sự kiện đó tiếp diễn thì đó là một quá trình bất lợi không chỉ riêng cho Trung Quốc mà cho cả ASEAN.
Để giải quyết dứt điểm thì tương đối khó, đòi hỏi một quá trình thời gian tương đối dài. Điều quan trọng trước mắt ASEAN có thể làm được chính là duy trì hòa bình ổn định và thúc đẩy tiến tới một COC trên Biển Đông. Nếu ASEAN từng bước thúc đẩy được quá trình đó thì đó là một trong những thành công của ASEAN trong khi anh chưa giải quyết được tranh chấp thì anh quản lý được xung đột và mâu thuẫn phát sinh.
Theo giáo sư Vorasak Mahatanobol, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc tại đại học Chulalongkorn của Thái Lan, có thể nói mọi tranh chấp và căng thẳng bắt nguồn từ Trung Quốc khi mà lãnh đạo nước này cố dựa căn bản trên lịch sử và địa lý để khẳng định phần lớn chủ quyền lãnh hải cũng như chủ quyền ngư trường của mình trên biển Nam Trung Hoa. Vì thế, lập trường của Việt Nam theo ông hiểu là:
Đối với cả khối ASEAN lúc này thì AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN mới là điều quan trọng nhất, có thể Việt Nam cũng ý thức như vậy và đã dịu giọng hơn cũng như kềm chế phản ứng của mình hơn đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, ít nhất là cho tới khi ASEAN có một quốc gia chủ tịch luân phiên khác trong năm tới thay vì Kampuchia như hiện tại.
Thái độ của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đón chào tại sân bay Wattay, Lào hôm 04/11/2012. AFP photoTrong khi đó bình luận gia Kavi chongkittavorn, cựu phóng viên báo The Nations, được coi là một chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á và ASEAN ở Thái Lan, nghĩ rằng việc tổng thống Philippines muốn có những cuộc họp song phương với lãnh đạo EU và các nước Tây Phương khác bên lề ASEM để nêu vấn đề tranh chấp lãnh hải và thềm lục địa giữa Manila với Bắc Kinh là chuyện khó có thể xảy ra:
Tại một cuộc họp mới đây ở Pattaya, Trung Quốc từng khẳng định vấn đề tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa chỉ nên đặt trong khuôn khổ những cuộc thảo luận Trung Quốc với ASEAN mà thôi.
Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, luôn ưu tiên cho vấn đề an ninh và ổn định hơn hết, đó là những vấn đề như an toàn trong lãnh vực hàng hải, thông thương tự do trên hải lộ các nước, chưa kể nhiều chuyện khác nữa như phòng chống khủng bố, buôn người …vân vân…
Vì thế, về mặt kỹ thuật của nghị trình ASEM thì không có chỗ cho Philippines lôi kéo sự chú ý vào vấn đề tranh chấp giữa họ với Trung Quốc.
Dưới mắt chuyên gia Đông Nam Á và ASEAN Kavi Chongkittavorn, không đá động tới chuyện tranh chấp trên Biển Đông lúc này là thái độ thận trọng và có suy nghĩ của Việt Nam:
Việt Nam không cần phải lên tiếng như Philippines, ai cũng có thể nhận thấy Việt Nam đang giữ thái độ im lặng mà tôi cho rằng đó là một thái độ thích hợp …
Kavi Chongkittavorn
Việt Nam không cần phải lên tiếng như Philippines, ai cũng có thể nhận thấy Việt Nam đang giữ thái độ im lặng mà tôi cho rằng đó là một thái độ thích hợp là bởi vì giới lãnh đạo Việt Nam biết rõ sự nghiêm trọng của vấn đề và có kế hoạch của mình để giải quyết vấn đề. Việt Nam luôn ý thức được tình hình thực tế của một nước vốn có mối quan hệ tế nhị đối với Trung Quốc phản ảnh qua những vấn đề bộc lộ hay tiềm ẩn như phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, ngư trường rồi thì hải lộ giao thương trên Biển Đông, biên giới trên đất liền …vân vân… Đó là những vấn đề mà Việt Nam nỗ lực và lần lượt giải quyết với Trung Quốc.
Được biết ASEM qui tụ 52 nước và tổ chức, trong đó có 30 quốc gia Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu, Ủy Hội Châu Âu, 17 nước Châu Á, Australia, New Zealand và ASEAN .
Theo RFA

Không có nhận xét nào: