Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Yêu sách của Trung Quốc thành tâm điểm Hội nghị biển Đông

Tại Hội thảo Biển Đông, GS Tô Hạo thừa nhận nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách sai lầm tại biển Đông.

Với 9 phiên trình bày, 1 phiên kết luận, cùng với thời gian thảo luận, ba ngày của Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 4 dường như vẫn chưa đủ cho các đại biểu bày tỏ hết được các ý kiến của mình về vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Bất chấp nỗ lực của BTC “ăn gian” nửa tiếng giờ nghỉ ăn trưa, và kéo dài phiên làm việc buổi chiều thêm gần một tiếng, mỗi phiên đều kết thúc khi vẫn còn hàng loạt cánh tay giơ lên đòi đặt thêm câu hỏi, hay đòi quyền lên tiếng.

Không chỉ những người tham dự hội thảo này, trong đó có người viết, mà chắc độc giả cũng hoàn toàn hiểu rõ lý do của sự “sôi nổi” khác thường này.

Vẫn còn nguyên đó những yêu sách vô lý, trái ngược với luật pháp quốc tế, như yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Những hành động gây căng thẳng, đe dọa hòa bình khu vực, như các hành động vừa qua của Trung Quốc đối với các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác, vẫn có nguy cơ tái diễn.



Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động hữu hiệu để ngăn chặn. Còn lập trường của ASEAN về vấn đề biển Đông vẫn còn những khác biệt, và việc tìm kiếm giải pháp, như xây dựng lòng tin, thực hiện nghiêm chỉnh DOC, tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan, hay xây dựng COC (Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông), dường như vẫn còn quá xa vời.

So với 3 hội thảo trước, hội thảo này đã có những tiến bộ trông thấy. Thứ nhất, thời gian dành cho việc chất vấn, hay trao đổi ý kiến, giữa các đại biểu từ nhiều quốc tịch khác nhau, đã tăng lên khá nhiều. Thứ hai, các học giả tranh luận với nhau một cách thuần túy khoa học, thẳng thắn, và không né tránh những vấn đề được cho là nhạy cảm nhất.

Các yêu sách trên biển Đông luôn thu hút rất lớn sự quan tâm quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia. (Ảnh: Peopledaily)

Yêu sách “đường lưỡi bò” và phản ứng của giới học giả

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và chính sách tái cân bằng quyền lực của Mỹ tại khu vực châu Á vẫn là trọng tâm của các cuộc tranh luận, như những hội thảo trước. Các yêu sách trên biển Đông, cũng như các hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc luôn thu hút rất lớn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia.

Một học giả từ Đại học Maine của Hoa Kỳ chỉ rõ tính hai mặt của Trung Quốc, khi cường quốc này, một mặt, kêu gọi sự hợp tác trên biển Đông, nhưng, mặt khác, lại vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò”, chiếm gần 80% biển Đông, lấn sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác, và tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi trên vùng biển này.

“Nếu cứ như vậy, thì làm sao có vùng biển để mà hợp tác phát triển chung được?”, vị học giả này đặt vấn đề.

Học giả Bonie Glaser của Hoa Kỳ cho rằng tất cả các quốc gia đều cần phải tôn trọng lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông, với điều kiện lợi ích của các quốc gia khác, dù lớn hay nhỏ, trên khu vực biển này cũng cần phải được tôn trọng.

Tướng Daniel Schaeffer từ Pháp tỏ ra kiên quyết hơn trong quan điểm nhất quán rằng Trung Quốc cần phải dũng cảm từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Ông cho rằng, đó là giải pháp duy nhất có thể giúp đem lại hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông được.

Trong khi đó, học giả Yann Huei Song từ Đài Loan lại có cho rằng, mặc dù đường lưỡi bò thể hiện tham vọng chính trị nhiều hơn là luật pháp, nhưng việc Trung Quốc đưa ra bản đồ có hình đường lưỡi bò năm 2009 cho thấy tính kiên định của quốc gia này trong việc đeo đuổi yêu sách này, cũng như tính nghiêm túc trong việc tìm kiếm các lập luận pháp lý để giải thích cho thế giới.

Đáp lại ý kiến đó, học giả Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng cộng đồng quốc tế vẫn đang chờ đợi Trung Quốc giải thích một cách rõ ràng về yêu sách này. Trong bài tham luận của mình, TS Lan Anh cũng đã giải thích cặn kẽ vì sao cái gọi là “quyền lịch sử”, mà Trung Quốc vẫn dùng để biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò, đã bị Công ước Luật biển “cất nó vào lịch sử”.

“Vì sự lỗi thời của nó trước sự phát triển không ngừng của luật biển quốc tế”, bà kết luận.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên Việt Nam liên quan tới việc các nhà khoa học quốc tế chỉ trích yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, GS Tô Hạo từ Trung Quốc đã lặp lại lời giải thích của chính ông tại một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức cách đây một năm rưỡi, rằng đường lưỡi bò là một di sản từ quá khứ.

“Nó không được bắt đầu từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà được tiếp nối từ chính quyền Tưởng Giới Thạch trước đó”, ông Tô Hạo nói.

Tuy nhiên, trong bài tham luận của mình tại hội thảo, GS Tô Hạo cũng thừa nhận nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách sai lầm tại biển Đông. Liệu vị giáo sư khả kính này có hàm ý thừa nhận rằng Trung Quốc có những sai lầm hay không – vẫn là một câu hỏi đối với những người tham dự hội thảo.

GS Robert Beckman từ Trung tâm Luật Quốc tế, ĐHQG Singapore, trong bài tham luận rất sâu sắc của mình, đã chỉ rõ rằng hầu hết các hình thái địa chất trên Biển Đông đều chỉ là các đá nửa nổi nửa chìm, và như vậy, chúng không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh được. Ông cũng nhắc lại rằng, một số tuyên bố của Trung Quốc trước Liên Hợp Quốc lại khẳng định tất cả các hình thái địa chất trên biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

GS Beckman cũng vạch rõ cái “tiêu chuẩn kép” trong lập trường của Trung Quốc, khi, một mặt, họ tuyên bố các hình thái địa chất trên biển Đông này đáp ứng định nghĩa về đảo theo điều 121 Công ước luật biển, nhưng, mặt khác, lại khẳng định Okinotorishima (một đảo đá tranh chấp với Nhật Bản) mặc dù khá tương tự với các hình thái địa chất thuộc Hoàng Sa – Trường sa, lại chỉ là đá, cũng theo điều này, nhưng khác khoản.

Khi GS Tô Hạo thanh minh rằng yêu sách này của Trung Quốc đã xuất hiện trước Công ước Luật biển khá lâu, và vì thế không thể áp dụng công ước trong trường hợp này, GS Beckman đã tiếp tục khẳng định rằng, một khi đã tự nguyện tham gia và trở thành một thành viên của Công ước, Trung Quốc mặc nhiên có nghĩa vụ phải tôn trọng các quy định trong Công ước.

“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, chứ không thể đưa ra những yêu sách đi ngược lại với Công ước như vậy”, GS Beckman nói.

Lập liên minh kiềm chế các hành động sai trái

Việc thế giới sẽ đứng trước nguy cơ bùng phát của những cuộc chiến tranh thế giới mới, mà hậu quả của nó rất thảm khốc, do xu thế quân sự hóa của các quốc gia trong khu vực, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cũng là một mối quan tâm khác tại hội thảo này.

Lợi ích và sự tham gia của các quốc gia bên ngoài khu vực biển Đông như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc…vào vấn đề biển Đông, được nhiều học giả cho rằng sẽ mở ra một lối thoát cho nguy cơ bùng phát chiến tranh.

Và xu hướng liên minh trong việc kiềm chế các hành động vượt quá qui định của luật pháp quốc tế đặc biệt được nhấn mạnh bởi các học giả từ các quốc gia có những căng thẳng trên biển với Trung Quốc, trong thời gian gần đây.

Tướng Kaneda của Nhật Bản lại nêu ra mối quan ngại về những hành động quá đáng của Trung Quốc. Vị tướng này đã nêu ra ý tưởng cần thành lập những liên minh để kiềm chế các hành động này.

GS De Castro từ Philippines khẳng định thêm rằng không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện nhu cầu thành lập các liên minh. Theo ông, những quốc gia nhỏ bé đơn lẻ cảm thấy bị đe dọa trước một cường quốc nào đó, và họ tự nhiên có xu hướng liên kết lại với nhau để ngăn chặn sự đe dọa.

Tuy nhiên, cũng theo vị học giả đến từ Philippines, những liên minh này không nhằm đe dọa, hay đối đầu, với Trung Quốc, mà chỉ nhằm mục đích kiềm chế những hành động sai trái, quá đáng từ phía Trung Quốc.

Các học giả từ Hoa Kỳ cũng cho rằng Hoa Kỳ cũng không muốn đối đầu với Trung Quốc, mà chỉ muốn kéo Trung Quốc trở lại gần hơn với cộng đồng quốc tế, và mong muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia thực sự có trách nhiệm.

Nỗi lo và hi vọng

Hội thảo đã kết thúc, cùng với niềm vui được gặp lại bạn cũ, được kết giao với bạn mới, cũng như niềm phấn khích khi có cơ hội trao đổi một cách thẳng thắn và khách quan về mối quan ngại chung là tranh chấp Biển Đông. Nhưng những nỗi lo vẫn còn nguyên đó.

Mặc dù vậy, người viết vẫn cảm thấy có những tia hy vọng, ít nhất là tới kỳ hội thảo lần thứ 5 tại Hà Nội. Đó là việc cố gắng giữ yên nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, như lời GS Tô Hạo từ Trung Quốc. Hay hơn thế nữa là câu nói của một học giả đến từ Mỹ với một học giả đến từ Pháp – hai quốc gia đã gây ra những trải nghiệm đau buồn với khu vực này, tuy là trên đất liền.

TS Mark Valencia đã nói với Tướng Daniel Schaeffer: “Nhân dân ở khu vực này đã chịu rất nhiều đau khổ rồi, những đau khổ đã do đất nước của ông, đất nước của tôi gây ra cho họ. Và chúng ta không được phép đẩy họ vào những đau khổ mới nữa.”

Người viết tin rằng, không chỉ hai vị học giả nói trên, hay đa số các học giả tham dự hội thảo, mà cộng đồng quốc tế sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn cho khu vực này khỏi nguy cơ bị đẩy vào “những đau khổ mới”, dù chúng có thể đến từ một hướng khác.
Theo Hoàng Việt
Vietnamnet

Không có nhận xét nào: