Pages

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Bộ trưởng Pháp và TQ cùng đến Hà Nội

Vương Nghị gặp Phạm Bình Minh
Đây là lần thứ hai Phạm Bình Minh gặp Vương Nghị trong vòng chưa đến hai tháng
Ngoại trưởng của hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng có mặt tại Việt Nam vào một thời điểm để hội đàm với người đồng cấp của nước chủ nhà, ông Phạm Bình Minh.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Pháp, ông Laurent Fabius trong cùng buổi sáng Chủ nhật ngày 4/8.


Vấn đề biên giới
Cuộc hội đàm của ông Minh với ông Vương là để ‘trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước’ trong khi với ông Fabius là về ‘nội hàm và lộ trình’ quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt, theo tường thuật của báo chí nhà nước ở Việt Nam.
Cũng trong ngày 5/8, vị khách đến từ Trung Quốc sẽ lần lượt tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó, vị khách đến từ Pháp cũng được Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp.
Hai vị ngoại trưởng này đều đang có chuyến công du Đông Nam Á và đã đến Việt Nam cùng lúc vào ngày 3/8.
Trước khi đến Hà Nội, ông Fabius đã có chuyến thăm Jakarta còn ông Vương đã ở Bangkok.
Cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng Việt-Trung đã diễn ra ‘trong bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn’, theo Thông tấn xã Việt Nam. Hai ông đã bàn bạc các biện pháp để hiện thực hóa ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ giữa hai nước.
Hai ông cũng đề cập đến những vấn đề gai góc về biên giới trên bộ và tranh chấp trên biển.
Hai nước cam kết sẽ cùng thúc đẩy một hiệp định về hợp tác khai thác thác Bản Giốc mà hai nước đã thỏa thuận chia quyền sở hữu và một hiệp định cho phép tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân phân chia hai nước, cũng theo hãng tin nhà nước.
Về Biển Đông, hai ngoại trưởng lặp lại cam kết giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng và không để tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ toàn cục giữa hai nước.
Đây là lần thứ hai hai ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh gặp nhau trong vòng chỉ chưa đến hai tháng. Trước đó, ông Minh đã gặp ông Vương trong lúc tháp tùng Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh hồi tháng Sáu.

‘Hiểu biết và tin cậy’

"Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án"
Bộ trưởng Laurent Fabius
Cuộc hội đàm giữa Phạm Bình Minh và Laurent Fabius được Thông tấn xã Việt Nam mô tả là ‘hiểu biết và tin cậy lẫn nhau’ – đây là điểm khác biệt so với cuộc hội đàm Việt-Trung.
Theo đó, hai bên đã bàn bạc và thống nhất ‘về cơ bản’ nội hàm và lộ trình nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.
Hai nước đã từng tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương lên đối tác chiến lược trong chuyến công du Paris của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hồi tháng Ba năm nay.
Việt Nam đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với hai thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Pháp và Mỹ. Nước này hiện đang là đối tác chiến lược của Trung Quốc, Nga và Anh.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Washington mới đây của Chủ tịch Trương Tấn Sang, quan hệ Việt-Mỹ chỉ mới được nâng cấp lên thành ‘hợp tác toàn diện’ chứ chưa được ‘đối tác chiến lược’.
Ngoài ra, hợp tác kinh tế cũng là một chủ đề quan trọng trong cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng Việt-Pháp.
Hiện tại Việt Nam đang hưởng thặng dư lớn trong quan hệ mậu dịch với Pháp. Xuất khẩu của nước này đến Pháp trong năm 2012 đạt gần 2,7 tỷ euro trong khi nhập khẩu từ Pháp chỉ có hơn 613 triệu euro.
Hiện tại Pháp là quốc gia đầu tư lớn thứ hai của Liên minh châu Âu vào Việt Nam, chủ yếu trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục và đào tạo.
Ngoại trưởng Pháp cũng cam kết sẽ vận động châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Về Biển Đông, ông Laurent Fabius được dẫn lời nói Pháp ủng hộ ‘giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế’.
Paris gần đây cũng tỏ rõ sự quan tâm đến những lợi ích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng của nước này Jean-Yves Le Drian từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng Sáu ở Singapore rằng ‘Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương’ và họ ‘có nghĩa vụ bảo vệ’ những hòn đảo thuộc chủ quyền của họ tại nam Thái Bình Dương.
Mới đây nước này cũng đã bán một tàu chiến đã qua sử dụng của hải quân của họ cho Philippines, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Chiến hạm ‘La Tapageuse’ có tuổi thọ đã 26 năm, dài gần 55 mét và có giá 6 triệu euro sẽ là chiếc đầu tiên trong một loạt các tàu chiến Pháp mà lực lượng tuần duyên của Philippines sẽ mua lại.
Chiến hạm La Tapageuse
Pháp đang tăng cường tham dự vào các vấn đề trên Biển Đông
Ngoài ra cũng có tin Manila ‘đang chốt’ hợp đồng với Chính phủ Pháp để mua lại bốn chiến hạm hoàn toàn mới dài 24 mét và một tàu đa mục đích dài 82 mét.
Ngoài ra, ông cũng nói về tự do biểu đạt trên mạng khi đến Việt Nam, theo trang RFI:
"Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án."

Ba cách giải quyết

Trước đó tại Bangkok hôm 2/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất ba cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Vương đã đưa ra đề xuất này tại cuộc gặp với ông Surukiat Sathirathai, chủ tịch Hội đồng Hòa giải Hòa bình châu Á.
Cách thứ nhất, theo ông Vương, là đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán và tham vấn giữa các bên có liên quan trực tiếp, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông nhấn mạnh đây là ‘cách cơ bản và duy nhất’ để tiến đến giải pháp chung cuộc cho vấn đề.
Cách thứ hai là tiếp tục thực hiện Tuyên bố giữa các bên về Ứng xử trên Biển Đông và tiếp tục thúc đẩy cho ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử. Mặc dù những nguyên tắc này không phải là giải pháp cho tranh chấp nhưng chúng giúp duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực, ông Vương giải thích.
Cách giải quyết tranh chấp cuối cùng mà ông Vương đề xuất là ‘cùng khai thác’. Theo ông thì do tìm kiếm giải pháp chung cuộc sẽ mất rất nhiều thời gian nên các bên tranh chấp nên tranh thủ tìm cách khai thác chung trên nguyên tắc ‘cùng thắng và cùng có lợi’.
Ông nhấn mạnh rằng cả hai cơ sở là ‘sự thật lịch sử’ và ‘luật pháp quốc tế’ đều quan trọng như nhau và không được phép bỏ qua khi đàm phán giải pháp cho cuộc tranh chấp, theo Tân Hoa Xã.

Không có nhận xét nào: