Pages

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Hiến pháp sửa đổi: Nguy cơ nội chiến và tan nước

Sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam sẽ bị thách thức nghiêm trọng khi bản Hiến pháp sửa đổi được quốc hội chính thức thông qua. Bản Hiến pháp mới sẽ trói tay lực lượng vũ trang, kích hoạt những mầm mống nội chiến và tiếp tay cho kẻ thù thực hiện âm mưu xâm lược.

Vô hiệu hóa quân đội

Khi đảng sở hữu quân đội, lạm dụng quân đội trong các hoạt động đảm bảo an ninh, quân đội sẽ bị tê liệt dần chức năng chính là một đội quân chiến đấu.


Khi sử dụng Hiến pháp để công khai quyền sở hữu lực lượng vũ trang, hiến định lòng trung thành của quân đội và công an, dù với mục đích gia cố quyền lực hay tạo đối trọng quyền lực, đảng đã tạo ra hai đám kiêu binh khủng khiếp. Chính hai đám kiêu binh này sẽ là tác nhân chính đẩy đất nước tới những biến cố tai hại.

Lịch sử đã chứng minh, sau khi giành thắng lợi trong cuộc xung đột quân sự với thế lực của dòng họ Mạc, Chúa Trịnh đã trao nhiều quyền lợi và quyền lực cho các quân nhân gốc Thanh Nghệ, vừa để trả ơn, vừa để sử dụng khi cần trong cuộc chiến quyền lực vốn rất phức tạp trong thời điểm đó. Đội ưu binh của Chúa Trịnh trở thành kiêu binh, tác oai tác quái vùng kinh kì, gây nhiều tang thương cho cả hoàng tộc lẫn thường dân. Được o bế, nuông chiều, quân tam phủ bắt đầu can thiệp công việc sắp xếp ngôi thứ, nhiều lúc đối trọng, lấn át cả quyền lực của chúa Trịnh trong khi chức năng chiến đấu gần như biến mất do chỉ thích ăn chơi trác táng.

Bài học đó vẫn đúng cho đến hôm nay, khi đảng dùng Hiến pháp để ép quân đội thành một bộ phận của đảng, dùng quân đội làm trọng tài trong cuộc chiến quyền lực. Đảng buộc phải trao thêm quyền lợi và quyền lực cho quân đội, để quân đội tham gia sâu hơn vào chính trường, có thêm sức mạnh về kinh tế. Từ một công cụ bạo lực của đảng, quân đội lúc này manh nha thành một thực thể chính trị có khả năng làm đối trọng với đảng. Không những thế, đảng sẽ sớm thất bại trong trận chiến mới này, khi quân đội với tư cách một thực thể chính trị mới, là sự đồng nhất giữa một tổ chức chính trị và một đội quân thiện chiến được trang bị vũ trang hạng nặng.

Trong khi đó, chức năng chính của quân đội là chức năng chiến đấu bị vô hiệu hóa, vì những hoạt động tranh giành quyền lực trên chính trường cùng những hoạt động kinh tế và cả việc nhồi nhét con em vào quân đội “kiếm cơm”.

Ngoài ra, khi đảng sử dụng quân đội trong vai trò đảm bảo an ninh nội địa để can thiệp vào các hoạt động dân sự sẽ khiến vấn đề nhân quyền trầm trọng thêm. Điều này sẽ làm cho các lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây không được dỡ bỏ, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hiện đại hóa quân đội, điều cấp thiết trong bối cảnh ngày nay.

Trước những nguy cơ tiềm tàng từ Trung Quốc, lực lượng vũ trang Việt Nam không thể trông chờ vào kho vũ khí cũ kĩ từ thời Xô Viết, mà phải được trang bị thêm nhiều khí tài hạng nặng, tinh vi của phương Tây để đối trọng. Hiện nay, do bị phương Tây cấm vận, Việt Nam đang lệ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Nga, đối tác từ lâu được coi như một nhà cung cấp vũ khí chuyên nghiệp hơn là một đồng minh đáng tin cậy. Khi vì quyền lợi quốc gia và mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau, Nga sớm muộn cũng cho Việt Nam nếm trái đắng.

Còn nhớ, lực lượng phòng không Việt Nam đã khốn đốn như thế nào khi các thông số kỹ thuật của tổ hợp phòng không SAM 2 lọt vào tay Hòa Kỳ từ chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông. Thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn khi các vũ khí hiện đại nhất có trong trang bị của Việt Nam, Trung Quốc đều có trước một thời gian dài làm chủ công nghệ.

Chưa dừng lại ở đó, khi lòng trung thành của lực lượng vũ trang được hiến định, lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ lấy tư cách gì để tham gia giải quyết xung đột trên biển Đông? Làm sao có thể xưng danh là lực lượng vũ trang của quốc gia khi bản chất là một bộ phận của đảng cộng sản Việt Nam, theo quy định trong Hiến pháp. Khi mà, các hoạt động chấp pháp trên biển Đông trong điều kiện rất phức tạp hiện nay cần có tính chính danh, liệu có quốc gia nào chấp nhận lực lượng vũ trang của một đảng phái của quốc gia khác nhân danh luật pháp quốc tế can thiệp, bắt, phạt ngư dân của quốc gia mình.

Khi lực lượng vũ trang không phải quân đôi của quốc gia Việt Nam, những hành động đó của lực lượng vũ trang đều có thể bị coi là hành động cướp bóc. Chưa kể, khi xảy ra những tranh chấp, các quốc gia có xung đột với Việt Nam có thể trưng ra các bằng chứng về việc quân đội nhân dân Việt Nam đã phạm phải các tội ác chống lại nhân loại trong các dính líu tới nội chiến Việt Nam 1954-1975, và cuộc chiếm đóng Campuchia sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Cộng với bản chất công cụ bạo lực của một đảng phái, quân đội nhân dân Việt Nam rất dễ bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, dẫn đến những cấm vận, kể cả truy nã toàn cầu. Điều này vừa làm yếu đi quân đội, đồng thời làm mất luôn tính chính danh của quân đội quốc gia.

Thêm vào đó, Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên Điều 4, dẫn tới những tác động tiêu cực đến chiến lược quốc phòng của quốc gia, đẩy quân đội vào thế khủng hoảng lực lượng.

Về chiến lược quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân sẽ là điều hoang tưởng khi không có thế trận lòng dân. Liệu có ai còn tin, đổ xương máu cho cuộc chiến đặt quyền lực của đảng lên trên quyền lợi quốc gia. Hơn bao giờ hết, lúc này nhân dân đã lãnh đủ hậu quả của nền chuyên chế độc tài đảng trị. Thế nên, đặt đảng ngồi lên đầu tất cả chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ.

Vấn đề khủng hoảng lực lượng, là một công cụ bạo lực của đảng, quân đội đang đối mặt với cả nguy cơ khủng hoảng thừa lẫn thiếu.

Quân đội hiện có một số lượng lớn quân nhân trong biên chế làm công tác đảng, công tác chính trị. Lực lượng này làm cho quân đội dư thừa nhân sự, làm tổn hao đáng kể về ngân sách.

Cần biết rằng, trong chiến tranh hiện đại, mức độ, cường độ của cuộc chiến nhanh chóng đẩy người lính tới ngưỡng chịu đựng về mặt tâm lý, điều cần kíp trên chiến trường lúc này chính là các bác sỹ tâm lý, lực lượng hiện đang rất thiếu, chứ không phải những thầy tu Mác Lê với lý lẽ giáo điều.

Ngoài ra, quân đội cũng bị hạn chế trong việc tiếp nhận các nguồn nhân lực khác do những khác biệt về khuynh hướng chính trị. Các nguồn nhân lực này có thể từ chối gia nhập quân đội vì quân đội không phải là quân đội quốc gia.

Rõ ràng, giữ nguyên điều 4, hiến định lòng trung thành của lực lượng vũ trang, đảng đã trói tay quân đội, khiến tình hình đất nước nguy ngập hơn.

Nguy cơ nội chiến và tan nước

Hiến pháp trong trò chơi quyền lực của đảng đang dần hiện nguyên hình là một cái bẫy, đem tới nhiều hệ lụy.

Khi quân đội nhân dân Việt Nam không còn là quân đội quốc gia, các đảng phái hoặc phong trào chính trị đối lập khác buộc phải thúc đẩy việc phải có công cụ bạo lực riêng. Nguy cơ nội chiến có thật, khi lòng tin tối thiểu vào lực lượng vũ trang quốc gia phải trung lập trên chính trường đổ vỡ. Có ai ngồi yên chờ đến lượt mình bị tiêu diệt?

Nếu so sánh một số nước xảy ra cách mạng màu trong thời gian vài thập niên gần đây, có thể thấy, những quốc gia có quân đội trung lập sẽ có nhiều lối thoát hơn cho cuộc khủng hoảng. Một kết thúc trong hòa bình như ở Ukraina, Ai Cập sẽ là điểm tựa vững vàng cho những cú chuyển mình tiếp theo của đất nước. Ngược lại, tại các quốc gia quân đội đứng về phía chính phủ, trung thành với đảng phái hoặc phong trào chính trị nhất định, bạo lực cách mạng là lựa chon duy nhất. Kết cục bi thảm đã và đang xảy ra ở Libya, Yemen và Syria. Đó là những bài học nhãn tiền.

Ngoài nguy cơ nội chiến giữa các đảng phái, nguy cơ nội chiến xuất phát từ li khai và xung đột sắc tộc cũng rất đáng ngại.

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó, nhiều sắc tộc trước đây đã từng có các vùng lãnh thổ tự trị hoặc các nhà nước riêng của mình. Như khu tự trị Nùng, Thái ở phía bắc hay các nhà nước của người Chăm, Khmer ở vùng lãnh thổ phía nam. Quá trình mở rộng bờ cõi quốc gia của người Kinh dẫn đến những cuộc chiến tranh tiêu diệt các nhà nước dân tộc thuần nhất khác. Từ đây, những vết hằn trong quá khứ mà người Kinh gây cho các sắc tộc này rất khó phai mờ, dù trải qua nhiều thế kỷ. Thêm vào đó là các sai lầm trong chính sách dân tộc gây nên thực trạng bất bình đẳng dân tộc sẽ góp phần gợi lại những thù hận trong quá khứ,châm ngòi cho các hoạt động li khai bằng vũ lực.

Càng nguy hiểm hơn khi chủ nghĩa thực dân nội địa núp sau các dự án di dân xây dựng vùng kinh tế mới làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của các cộng đồng sắc tộc thiểu số.
Cộng thêm các cố gắng đồng hóa, can thiệp thô bạo vào các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và nhân quyền từ chính quyền trung ương, sẽ là động cơ thôi thúc các cộng đồng sắc tộc sớm tiến hành các hoạt động vũ lực đòi li khai.

Kẻ thù của Việt Nam có thể khai thác triệt để vấn đề li khai đòi quyền tự trị của các cộng đồng sắc tộc thiểu số. Kích hoạt các hoạt động đấu tranh vũ trang sắc tộc, từng bước làm suy yếu, sụp đổ Việt Nam.

Trong khi, nhà nước Đề Ga tự trị vẫn còn gây nhức nhối ở Tây Nguyên. Xứ Thái, Xứ Nùng, Xứ Mường tự trị vẫn còn khắc sâu trong tâm thức của các cộng đồng sắc tộc thiểu số, khi họ đã từng có một vùng lãnh thổ như thế trong lịch sử. Và khi đảng cộng sản độc quyền sở hữu tất cả, kể cả quân đội, cùng với việc tổ chức chính trị này là sân khấu riêng của người Kinh, thì việc sử dụng bạo lực để li khai có lẽ là lối thoát duy nhất.

Nhìn lại quá trình tan rã của liên bang Nam Tư, có thể thấy, quân đội nhân dân Nam Tư được coi là công cụ bạo lực của những người cộng sản, đa phần trong số đó là người Serbia. Điều này đã khiến các cộng đồng sắc tộc, các vùng lãnh thổ có truyền thống lâu đời phát sinh nhu cầu thành lập các lực lượng vũ trang, nhằm tự vệ trước những thách thức có thể xảy ra từ người cộng sản đang sở hữu quân đội.

Thực tế, Nam Tư đã rơi vào cảnh hỗn loạn, tan vỡ khi các cuộc nội chiến triền miên dẫn tới việc can thiệp quân sự của NATO, chấm dứt sự tồn tại của một trong những quốc gia cộng sản hàng đầu.

Nhìn lại Nam Tư để thấy trước nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hiến định lòng trung thành của lực lượng vũ trang, công khai khẳng định quyền sở hữu quân đội.

Trước nguy cơ mất nước, dưới sự chèo lái của đảng, chúng ta đang đứng trước đại họa tan nước.

Cái bẫy tan nước bắt đầu sập xuống khi các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số được “phương Bắc” huấn luyện trở về. Dù truyền thông lề đảng cố tình bưng bít thông tin , có một sự thật rằng, máu đã đổ và sẽ lan rộng hơn.

Quân nhân Trung Quốc trá hình đang có mặt trên hầu hết các khu vực tính chiến lược cao, đem đến những lo lắng về nguy cơ bị đánh bất ngờ khi xảy ra xung đột quân sự Trung – Việt. Có lẽ lo lắng đó hơi thừa.

Phát động chiến tranh quy mô lớn với Việt Nam có thể thổi bùng làn sóng phản đối khắp thế giới, đưa tới những hệ lụy không thể lường trước được. Thế nhưng, hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh li khai của cộng đồng sắc tộc thiểu số Việt Nam chống chính quyền trung ương sẽ đem đến kết quả tương tự, với chi phí cơ hội rẻ hơn rất nhiều.

Điều gì sẽ xảy ra khi các quân nhân trá hình kia làm nòng cốt trong các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số phát động đấu tranh bạo lực đòi quyền tự trị? Kịch bản nào xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố can thiệp để bảo vệ công dân của họ? Và chúng ta sẽ ra sao nếu như mạnh tay trấn áp có thể dẫn tới sập tiếp vào cái bẫy nhân quyền, làm cộng đồng thế giới tiếp tục quay lưng.

Từng nhóm vũ trang sắc tộc được huấn luyện bài bản lần lượt quay trở về, những bộ quân phục bị phát hiện tuồn vào các khu vực khác nhau. Đã có những chiến dịch truy quét, những lời nhắc khéo lòng tin chiến lược với bạn vàng chỉ là những biện pháp đối phó của một tầm nhìn thiển cận.

Những nguy cơ trên chỉ được loại trừ khi xây dựng một xã hội phát triển, đảm bảo các yếu tố công bằng và dân chủ, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, bảo vệ nhân quyền và tôn trọng sự khác biệt. Tiếc rằng, Hiến pháp với tư cách con đê quyền lực của đảng không thể đem lại những điều trên.

Chỉ có một bản Hiến pháp được toàn dân thông qua, tạo nền móng xây dựng một nhà nước pháp quyền, một chế độ chính trị đa nguyên, lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với tổ quốc nhân dân, đảm bảo hài hòa quyền lợi của tất cả các cộng đồng, các dân tộc, mới có thể là lối thoát trong điều kiện hiện nay.

Kiến Minh

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: