Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Nguyễn Minh Đào - Mấy suy nghĩ về công tác dân vận trong tình hình mới

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra nghị quyết về Công tác dân vận trong tình hình mới (gọi tắt Nghị quyết Trung ương bảy). Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “… Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Đó là quan điểm nhất quán của Đảng từ xưa đến nay, từng chặng đường cách mạng, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đảng thường ra chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận – còn gọi công tác quần chúng. Nghị quyết Trung ương bảy ra đời sau Nghị quyết Trung ương bốn “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” không lâu, trong bối cảnh tình hình đất nước và nội tình của Đảng nổi lên những vấn đề đáng quan ngại. Tinh thần và nội dung cốt lõi các chỉ thị, nghị quyết đó xưa nay như ông Lê Hiếu Đằng – nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, người nhiều năm làm công tác dân vận ở thành phố lớn nầy, phát biểu với phóng viên đài BBC rằng: Nội dung về dân vận mà hội nghị Trung ương bảy vừa nêu “không có gi mới, mà chỉ là bổn cũ soạn lại”. Ông nói thêm: “… Bao nhiêu năm qua vẫn là như vậy thôi… Tôi tin là sẽ không có bước tiến triển gì đâu… bằng chứng là lòng tin của quần chúng vào Đảng ngày càng sa sút hơn”.

Những năm đầu thập kỷ 90, tôi phụ trách khối dân vận tỉnh nhà, cùng anh chị em hoạt động trong khối có những buồn vui, trăn trở khi trót gánh lấy trách nhiệm mặt công tác “khó khăn”, “rắc rối” nầy. Từ những trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của mình, cho đến nay sau khi nghiên cứu Nghị quyết Trung ương bảy, tôi cho ý kiến ông Lê Hiếu Đằng là xác đáng. Và, tôi xin thẳng thắng nói rằng: Nghị quyết Trung ương bảy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận với những quan điểm chung chung, khái niệm trừu tượng, mơ hồ rất xa rời thực tế không thể thực hiện được!

Ngược dòng lịch sử, từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Đảng tổ chức và lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng làm “người lính xung kích” trên mặt trận công tác dân vận, cùng cán bộ, đảng viên của Đảng và các lực lượng vũ trang tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp quần chúng đoàn kết chung quanh Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp giành chánh quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và qua hai cuộc kháng chiến cứu nước thắng lợi mùa Xuân năm 1975 “non sông thu về một mối”, các đoàn thể hoàn thành vẽ vang sứ mạng lịch sử của mình. Nhưng, Đảng không giải thể các đoàn thể như đối với Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, các đoàn thể - Đảng gọi là đoàn thể chánh trị - xã hội tồn tại trong hệ thống chánh trị, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng, “đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động”, nhằm tiếp tục phát huy vai trò các đoàn thể giúp Đảng nắm dân, vận động nhân dân làm hậu thuẩn chính trị cho Đảng. Nhưng, bao nhiêu năm qua, với bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, tình hình công tác dân vận, tổ chức và hoạt động các đoàn thể vẫn không có chuyển biến tích cực. Vì sao?


Khi nước nhà bước vào thời kỳ mới, Đảng nắm chánh quyền, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hình thành, đường lối, quan điểm xây dựng phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước thể chế hóa bằng những qui định pháp luật, người dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, được tự do làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng, hiện nay không phải không có những chủ trương chánh sách không hợp lòng dân, cán bộ, đảng viên của Đảng, viên chức nhà nước, hay cán bộ các đoàn thể không thể tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân thi hành. Trên địa bàn dân cư đó đây xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, tranh chấp dân sự, hay phát sinh những “điểm nóng” về an ninh trật tự, hoặc người dân xung đột lợi ích với chánh quyền… tôi chưa nghe thấy có tiếng nói các đoàn thể. Vì vậy, trong đời sống xã hội vai trò các đoàn thể rất mờ nhạt, hoạt động thiếu sức sống, như “bánh xe thứ năm” trong “cổ xe” đất nước, người dân không muốn tham gia các đoàn thể, vì họ thấy chẳng đem lại lợi ích gì cho họ, nhiều nơi không tổ chức được các đoàn thể, hay nếu có cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hình thức. Cán bộ đoàn thể ăn lương nhà nước, hoạt động theo yêu cầu của nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, người ta cho đó là tình trạng “hành chánh hóa” không khắc phục được, càng làm các đoàn thể xa dân hơn. Những hoạt động mang “màu sắc đoàn thể” thường chạy theo phong trào, phô trương hình thức, cũng không thu hút được người dân tham gia rộng rãi. Do đó, các đoàn thể không có khả năng giúp Đảng nắm dân, thu phục lòng dân như trong thời kháng chiến.

Những năm làm công tác dân vận tỉnh nhà tôi nhận rõ thực trạng nầy, cùng anh chị em phụ trách các đoàn thể trong tỉnh cố gắng làm cái gì đó “bức phá” thoát ra, khẳng định vai trò, vị trí các đoàn thể trong đời sống xã hội mà không thể làm được! Tôi nghĩ, Đảng muốn nắm dân, tạo dựng niềm tin người dân với Đảng, không thể bằng tuyên truyền, giáo dục, vận động với lời nói chung chung, sáo rổng mà chỉ có những chủ trương, chánh sách hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại đáp ứng yêu cầu cuộc sống người dân, tạo điều kiện cho người dân được tự do làm ăn và được nói những gì họ muốn nói vì lợi ích của họ, không trái lợi ích đất nước. Mặt khác, Đảng phải chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, viên chức nhà nước gồm những người ưu tú, hết lòng phục vụ nhân dân, có tư cách đạo đức tốt, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm, thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất. Chỉ có như vậy và chỉ có như vậy, Đảng mới tạo dựng được niềm tin người dân đối với Đảng mà thôi!

Mới đây, Bộ Chánh trị cử ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chánh trị làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để khẳng định Đảng coi trọng vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bố trí một Ủy viên Bộ Chánh trị làm Chủ tịch chưa có tiền lệ, cho xứng tầm. Việc Bộ Chánh trị bố trí một ông Ủy viên Bộ Chánh trị đãm nhận vị trí nầy, tôi nghĩ dù là ông Nguyễn Thiện Nhân hay bất cứ ông nào khác, cũng không thể nhờ cái “mác” Ủy viên Bộ Chánh trị mà có thể nâng cao vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc trong đời sống chánh trị của đất nước.

Tôi vừa đọc bài phát biểu của ông Tương Lai tại hội nghị UB TƯ MT TQ VN lần thứ VI tại Hà Nội ngày 5/ 9/ 2013, ông Tương Lai nói: “Vấn đề không phải chỉ ở việc cử một ủy viên Bộ Chánh trị sang làm chủ tịch Mặt trận, một ủy viên Bộ Chánh trị sang hay mười ủy viên Bộ Chánh trị sang cũng thế thôi, nếu Đảng không thay đổi nhận thức về vai trò, đúng hơn, về sứ mệnh của Mặt trận”.

“Đó là sứ mệnh tập họp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra được sự đồng thuận xã hội, điểm tựa vững chắc nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nói đến mặt trận là nói đến dân, là ý chí và sức mạnh của dân, là cái chân móng của một chế độ. Chân móng mà lung lay thì cả tòa nhà sụp đổ. Vậy mà ai cũng thấy rằng, hiện nay lòng dân không yên, niềm tin bị giảm sút, uy tín của Đảng bị lung lay nghiêm trọng”.

“…

“Tôi hy vọng rằng rồi đây, Mặt trận sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò cây kiểng làm dáng, ăn theo nói leo với những lời tụng ca như đang và đã từng, mà là tiếng nói phản biện mạnh mẽ trong bối cảnh độc đảng…”.

“…

Bài phát biểu của ông Tương Lai tôi tán thành nhiều điểm, nhưng về ý kiến nầy, xin ông nhớ cho rằng: Mặt trận và các đoàn thể quần chúng nằm trong hệ thống chánh trị của chế độ, tôi hình dung như thân thể con người: Đầu là Đảng, mình là chánh quyền, tay chân là các tổ chức chánh trị - xã hội, ăn lương chánh quyền, hoạt động theo sự chỉ đạo của Đảng và yêu cầu của chánh quyền, nên “ăn cơm chúa phải múa tối ngày”. Tôi nghe có ai đó nói rất đúng rằng: “không ai có thể lấy đá ghè chân mình”. Chừng nào Mặt trận và các đoàn thể quần chúng còn ăn lương chánh quyền, còn phải đội “vòng kim cô” của Đảng và còn là “tay chân của Đảng”, thì mãi mãi vẫn như hiện nay, không bao giờ có thể làm được điều đó ông ạ!

Vậy phải làm gì để phát huy vai trò, vị thế Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong tình hình mới của đất nước? Vấn đề này tôi suy nghĩ cách nay hơn hai mươi năm, ngày nay tôi vẫn nghĩ vậy. Muốn làm được điều như ông Tương Lai nói, Đảng phải chấp nhận một cơ chế cho Mặt trận và các đoàn thể có vai trò độc lập trong cuộc sống, xác định Mặt trận và các đoàn thể là tổ chức xã hội của dân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, quan hệ bình đẳng với tổ chức đảng và chánh quyền.

Để làm được như vậy, trước hết Mặt trận và các đoàn thể với sự hổ trợ của chánh quyền và sự đóng góp của đoàn viên, hội viên và quần chúng giới mình, từng bước vươn lên xây dựng ngân sách độc lập, tiến tới tự trả lương và trang trãi mọi hoạt động phí.

Phải tinh giản triệt để biên chế tổ chức cấp trên cơ sở, dành nguồn lực từ cán bộ đến vật chất, tài chính… tập trung cho cơ sở xã, phường, thị trấn đến khóm, ấp và bám rể trong dân cư.

Về tổ chức, phải đa dạng hóa theo nghề nghiệp hay sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, phát triển các “hội đoàn”, “nghiệp đoàn” rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Hình thức và nội dung hoạt động trước hết hướng đến phục vụ lợi ích thiết thân của người dân, làm cho người dân gắn bó mật thiết với đoàn thể của giới mình.

Và, phải có tiếng nói phãn biện mạnh mẽ như ý kiến ông Tương Lai trước tổ chức đảng và chánh quyền về những vấn đề quốc kế, dân sinh. Đồng thời, vận động nhân bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ khi bị ngoại bang xâm hại.

Làm được như vậy, Đảng còn có thể dựa vào Mặt trận và các đoàn thể nắm dân, còn hơn là Mặt trận và các đoàn thể vẫn là “cây kiểng làm dáng” trang điểm bộ mặt chế độ./-

Ngày 13-9-13

Nguyễn Minh Đào

(viet-studies)

Không có nhận xét nào: