Pages

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Đảng dân chủ VN gởi thư đến Quốc hội VN

VRNs (19.11.2013) – Sài Gòn – Ông Võ Tấn Huân, hôm 17,11 vừa qua, đã gởi Thư đến Quốc hội VN để nói về việc sửa đổi Hiến pháp. Ông Huân viết thư nhân danh Ban thường vụ trung ương đảng Dân chủ Việt Nam, mà ông đang là Trưởng lâm thời của ban này.
Trong thư, ông Huân đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp phải căn bản, và đưa ra những đề nghị theo ông là quan trọng, phải được thể hiện trong Hiến pháp như quyền sở hữu đất đai, quyền bầu cử tự do, quyền phúc quyết Hiến pháp …
VRNs xin giới thiệu toàn văn thư này để quý vị tham khảo.
—-

Thư gửi các Đại biểu Quốc hội Việt Nam về việc sửa đổi Hiến pháp

Kính gửi các Đại biểu Quốc hội,
Sửa đổi hiến pháp là việc hệ trọng của đất nước và cần có sự tuân thủ các thủ tục nhất định để bản hiến pháp được chính danh là của nhân dân.

Hiển nhiên, sửa đổi hiến pháp lần này quan trọng nhất là tính chính danh và sự chuẩn mực của bản hiến pháp. Chính vì vậy, từ cuối năm 2010, Đảng Dân chủ Việt Nam đã đề xuất bản “Đề nghị khung Hiến pháp của toàn dân”, gồm hai phần:
• Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện Hiến pháp
• Bản đề xuất khung Hiến pháp của toàn dân với các điều khoản về quyền con người
Đảng Dân chủ Việt Nam tin rằng không một tổ chức hay cá nhân nào có thẩm quyền làm ra bản hiến pháp, nhưng mỗi đoàn thể hay cá nhân có quyền bày tỏ và thảo luận về bộ luật tối cao này của đất nước. Hiến pháp mà quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội vẫn dành riêng cho một đảng chính trị, không tạo điều kiện để toàn dân đóng góp xây dựng đất nước là bất công, không chuẩn mực. Việc Điều 4 vẫn tiếp tục tồn tại trong bản dự thảo Hiến pháp năm 2013 hiển nhiên mâu thuẫn với các quyền công dân và chống lại mục tiêu xã hội công bằng, vì điều này tước đi quyền ứng cử và thay đổi chính phủ của công dân.
Đảng Dân chủ Việt Nam Nam nhắc nhở các Đại biểu Quốc hội những điểm cơ bản sau đây:
Quyền của người dân: Quyền của người dân cao hơn quyền của nhà nước nhưng không cao hơn quyền của hiến pháp. Các quyền của người dân không chỉ hiến định mà phải được thực thi, quan trọng là quyền làm chủ của nhân dân. Quyền này bao gồm các quyền tư hữu đất đai, quyền bầu cử công bằng, quyền góp ý soạn thảo và phúc quyết hiến pháp cũng như những sự kiện hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Quyền lực của nhà nước (cần có cơ chế nhà nước minh bạch): Quyền lực nhà nước chính danh phải được nhân dân trao quyền thông qua bản hiến pháp dân chủ và được nhân dân phúc quyết chuẩn thuận.
Pháp luật chuẩn mực: Một bản hiến pháp chuẩn mực cần phải phù hợp và không mâu thuẫn với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc, Công ước Loại bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ, Công ước Loại bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em, v.v… Nhưng quan trọng nhất, chủ thể của bản hiến pháp là nhân dân.
Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 5 lần sửa đổi Hiến pháp lớn nhỏ nhưng vẫn chưa có bản Hiến pháp nào thực sự phản ánh pháp luật chuẩn mực cũng như nguyện vọng của người dân. Tất cả những bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2001 (sửa đổi) và dự thảo lần này đều do một đảng độc quyền tự soạn thảo và áp đặt lên toàn xã hội, bất chấp những phản đối và góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân ở trong lẫn ngoài nước. Nếu ban hành hiến pháp mà không được nhân dân phúc quyết thông qua thì bản hiến pháp không chính danh và điều này đồng nghĩa với việc cầm quyền mà không được nhân dân trao quyền.
Lần sửa đổi này là cơ hội để các Đại biểu Quốc hội thể hiện vai trò và trọng trách của mình trong việc chuẩn chu bản hiến pháp. Tình trạng đảng quyền, xem thường pháp luật quốc gia và nguyện vọng của người dân cần được chấm dứt.
Trân trọng,
TM. Ban Thường vụ Trung ương
Đảng Dân chủ Việt Nam
Võ Tấn Huân
Trưởng Ban Thường vụ Trung ương Lâm thời

Không có nhận xét nào: