(Soha.vn) - “Những gì tôi chia sẻ trên trang cá nhân chỉ là “giải trí nhẹ”, những tài liệu liên quan tới hai sự việc tôi còn rất nhiều với những thông tin còn “động trời” hơn”.
Sau chia sẻ “Thu Uyên đã tạo dựng lên một quan hệ mẹ - con, còn gì đau lòng hơn? Nhưng đến nay VTV không dám nói lên sự thật đó” của luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Hà Nội) trên trang cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người đã biết câu chuyện thì buồn, người chưa biết về "sự thật đó" thì sửng sốt. Điều đáng nói, nhà báo Thu Uyên và đại diện VTV đều im lặng.
Trao đổi với chúng tôi về sự im lặng này của VTV và nhà báo Thu Uyên, luật sư Triển nói:“Nếu thông tin sai thì chắc chắn VTV và Thu Uyên đã kiện tôi. Nhưng đây là thông tin đúng thì tốt nhất họ im lặng. Việc tôi nêu là sự thật và không có gì phải bàn cả”.
Luật sư Trần Đình Triển đưa ra so sánh việc tìm mộ liệt sĩ với câu chuyện một người mẹ đi tìm con, lại không phải con mình. Nhưng giờ họ vẫn nuôi nhau, chăm sóc, nương tựa vào nhau. Và lâu nay, người mẹ ấy vẫn coi đó là con ruột của mình.
Luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân).
Hay như chuyện của đại tá Đinh Hữu Tấn là cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320B là 1 ví dụ. Trong một cuộc giao tranh đẫm máu, ông Tấn đã nhận một em bé tên là Võ Văn Phước, con một người lính bên đối phương làm con nuôi, khi em bị lạc gia đình giữa dòng người di tản hoảng loạn. Mặc dù theo lệnh của trên, anh phải giao lại cho bộ đội địa phương nhưng không vì thế mà anh quên được tình cảm của cậu bé đối với mình trong những ngày ngắn ngủi ấy. Những năm tháng sau chiến tranh, anh mòn mỏi hỏi thăm về Võ Văn Phước, viết cả lên báo Cựu chiến binh và nhờ rất nhiều người tìm kiếm thêm, nhưng bặt vô âm tín.
Qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 11, đại tá Tấn đã tìm được đứa con đầy yêu thương giờ đã đổi tên là Phạm Văn Long. Nhưng sự thật trớ trêu mà theo thông tin chia sẻ trên trang cá nhân của luật sư Trần Đình Triển thì: “Có những người khẳng định Phạm Văn Long không thể là Võ Văn Phước. Sau đó Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng, nơi đang hợp tác với đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đã họp và xác định điều đó. Công ty đã đuổi việc người đã tìm ra Phạm Văn Long. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” vẫn tổ chức để Phạm Văn Long không phải con nuôi Đinh Hữu Tấn “sum họp” với ông”.
“Việc tìm mộ liệt sĩ thì chỉ có thể một làng, một xóm hay một nhóm người biết. Nhưng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” phát trên truyền hình, làm cảm kích cả đồng đội, cả hàng triệu con người. Chúng ta đang nói về tính nhân văn và đạo đức, như vậy thì ảnh hưởng đó cái nào lớn hơn?”, luật sư Triển đặt ra câu hỏi.
Nhà báo Thu Uyên.
Luật sư Triển bình luận: “Như thế VTV, Thu Uyên không thể lên tiếng được vì họ biết được việc đó là họ sai. Có những điều khoa học đã chứng minh và những cái mà cá nhân ai đó làm được thật thì phải cân nhắc trong việc phát sóng chương trình. Việc Thu Uyên đưa lên chương trình như vậy có thể hiện sự vô tư khách quan không? Với tài liệu tôi có được, tôi chứng minh là không thể hiện sự vô tư khách quan”.
Để có thông tin khách quan, đa chiều tới độc giả, chúng tôi đã liên hệ với Công ty TNHH Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng, đơn vị hợp tác với đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để có câu trả lời cho sự việc này. Nhân viên công ty hẹn sẽ chuyển yêu cầu của phóng viên tới lãnh đạo và có câu trả lời sau.
Về phía Thu Uyên, trước đề nghị phỏng vấn của chúng tôi, chị cho biết khi nào có câu trả lời liên quan tới sự việc đã nêu thì sẽ trả lời trên website của chương trình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét