Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Đại sứ Anh: Minh bạch, giải trình là thách thức với VN

Theo Đại sứ Anh Anthony Stokes, minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức trong điều kiện của Việt Nam.

Đại sứ Anh chia sẻ:

Khi mới nhận nhiệm vụ ở Việt Nam cách đây 3 năm, ngay trong tuần đầu tiên tôi đã đại diện nước Anh tham gia hội nghị các nhà tư vấn tài trợ (CG), trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Vinashin đang là chủ đề nóng nhất trên các trang báo. Tôi nhớ đã đứng lên và nói rằng chắc chắn còn những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác đang che giấu sự thiếu hiệu quả của mình và làm tổn hại đến cả nền kinh tế Việt Nam.

Nước nào trên thế giới cũng có những DNNN lớn gặp khủng hoảng tới mức phá sản. Ở Việt Nam các khủng hoảng của DNNN chưa đến mức đó vì vốn đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp này không nhiều. Nhưng nếu ở các nước, khủng hoảng là một cơ hội để xốc lại và loại bỏ những yếu tố không hiệu quả, thì ở Việt Nam, phải tìm những cách khác để tái cơ cấu.

tham nhũng, minh bạch, đại sứ Anh, Anthony Stokes, giải trình 
Đại sứ Anh Anthony Stokes. Ảnh: ĐSQ Anh

Các bản án là thông điệp mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng, cho thấy Chính phủ muốn làm rõ quyết tâm loại bỏ tham nhũng của mình. Nhưng tôi rất đồng ý với câu thành ngữ của Việt Nam - "phòng bệnh hơn chữa bệnh", cần dốc càng nhiều nỗ lực càng tốt vào việc phòng tham nhũng hơn là chỉ trông vào những "thông điệp mạnh mẽ" sau khi những sự việc nghiêm trọng đã xảy ra rồi.

Việc quá tập trung vào trừng phạt những con người cụ thể có thể là một sai lầm khi tạo ra những "con tốt thí", một người nhận hết mọi trách nhiệm và hình phạt với bản án cao nhất. Chính phủ Anh cũng muốn bày tỏ quan điểm về việc không ủng hộ án tử hình.

- Đối với việc phòng tham nhũng, trong các lần đối thoại chống tham nhũng, các nhà tài trợ quốc tế đều nhấn mạnh vai trò của minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ông có thấy tiến bộ nào trong lĩnh vực này chưa?

Tôi có thấy những tiến bộ dù còn hạn chế vì đây là một quãng đường dài. Nhưng từ góc độ của một người nước ngoài, theo tôi để có một hệ thống trong sạch, sẽ rất khó nếu không có một cơ chế độc lập.

Tôi biết có nhiều quan chức, chính trị gia luôn cố gắng để trong sạch, nhưng nếu không có những áp lực, thì là con người, họ cũng khó giữ được mình, nhất là khi nắm quyền lực lớn.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức trong điều kiện của Việt Nam. Việc Mặt trận Tổ quốc VN được trao thêm chức năng giám sát và phản biện xã hội, cũng như việc tái lập Ban Nội chính, chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương về Đảng, đều phải trả lời câu hỏi về tính độc lập.

Nhưng không phải là không làm được, có nhiều cách để cải thiện tình hình mà không nhất thiết phải theo mô hình phương Tây. Người Việt Nam rất thông minh, các bạn hiểu hơn ai hết điều kiện, hoàn cảnh của đất nước mình, các bạn cũng rất quyết tâm, năng động, lạc quan, nếu thành công các bạn sẽ xây dựng được một mô hình của riêng mình.

Và rõ ràng là đã có những cải thiện. Trong khoảng 10-15 năm gần đây, việc thảo luận về tham nhũng đã có những thay đổi đáng kể. Thông tin về tham nhũng nhiều hơn, người dân nói về các vụ án gây tranh cãi, phức tạp và nhạy cảm một cách cởi mở và nhiều chiều hơn. Đó là một dấu hiệu tích cực, lành mạnh đối với văn hóa tranh luận cũng như việc đấu tranh với tham nhũng ở VN.

Chung Hoàng

(VNN)

Không có nhận xét nào: