Theo thông tin công khai thì Bộ Công An Việt Nam hiện nay có hai Tổng cục an ninh, đó là Tổng cục an ninh I (đối ngoại) và Tổng cục an ninh II (nội địa). Riêng Tổng cục an ninh I gồm có tới 5 Cục bảo vệ chính trị, đó là A35, A36, A37, A38, A39. Chính các đơn vị thuộc Cục bảo vệ chính trị nói trên, và Tổng cục an ninh II là những đơn vị trực tiếp đàn áp các nhà đấu tranh trong nước, đồng thời phá rối cộng đồng người Việt hải ngoại. Cơ quan công khai của các đơn vị này đóng ở 15 Trần Bình Trọng, 44 Yết Kiêu, 58 B Trần Nhân Tông (đều ở Hà Nội), và nằm trong sở công an các tỉnh thành, cũng như nhiều địa chỉ bí mật khác trên toàn quốc…
Sau năm 1975, hàng loạt các viên tình báo (gián điệp) chiến lược gạo cội nổi tiếng của Miền bắc Việt Nam đã công khai lộ diện như: Ông Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), ông Ba Quốc (Đặng Trần Đức), ông Sáu Trí (Nguyễn Đức Trí), ông Tư Cang (Nguyễn Văn Tào), ông Mười Nho (Nguyễn Xuân Mạnh), ông Ba Minh (Nguyễn Văn Minh), ông Ba Lễ (Nguyễn Văn Lễ) và một số người khác. Nhưng những người thận trọng hơn thì cho rằng, còn có nhiều những nhân vật quan trọng giấu mặt khác vẫn đang hoạt động trong lòng cộng đồng người Việt hải ngoại dưới vỏ bọc là quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa di tản, tị nạn…
Câu chuyện gián điệp ở Việt Nam đã có từ rất xa xưa, điển hình là chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu thời An Dương Vương. Đó có lẽ là một truyền thuyết, nhưng những hậu quả bi thương của vụ án “ăn cắp nỏ thần” mãi mãi là một bài học lớn đối với những ai không biết cảnh giác với đối phương.
Đối với Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Việt Nam, khi mà phong trào vẫn chỉ đang ở giai đoạn hình thành. Nhưng rất nhiều nhà đấu tranh đã bị bắt bớ, bị thủ tiêu bí mật, cũng như bị xử tù, mà họ không hề biết rằng: Họ đã bị những chiếc “vòi bạch tuộc” an ninh Cộng Sản, dùng những viên gián điệp giấu mình dưới đủ mọi hình dạng vỏ bọc để tấn công khủng bố họ.
Hầu hết các thành viên đấu tranh trong nước đều vì lý do bị chế độ ngược đãi mà đứng lên đấu tranh, một số khác từng là dân oan đi đòi quyền lợi, lâu dần trở thành nhà đấu tranh lúc nào không hay. Chỉ một số ít nào đó là những người xuất phát từ ý thức về trách nhiệm của cá nhân mình trước vận mệnh của đất nước, hiểu rõ bản chất thối nát tàn bạo của chế độ Cộng Sản mà lên tiếng. Vì vậy họ không phải là những nhà đấu tranh chuyên nghiệp, hoặc còn lâu mới đến độ chuyên nghiệp. Thế nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với một lực lượng công an hùng hậu, trang bị hiện đại, huấn luyện bài bản, sẵn sàng ra tay với những đòn xảo quyệt. Đó là một khó khăn vô cùng lớn đối với những thành viên đấu tranh ôn hòa.
Để đàn áp Phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam. Ngoài việc công an dùng các gián điệp công nghệ, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại để nghe lén, phá sóng điện thoại, dùng Hacker tấn công các trang báo phi Cộng Sản trên mạng Internet , xâm nhập các máy tính cá nhân, mở trộm Email vv.., ta có thể liệt kê thêm những dạng gián điệp khác của họ như sau:
Hàng ngày các nhân viên an ninh mặc thường phục được tỏa đi khắp nơi để theo dõi, canh gác và trực tiếp trấn áp, bắt bớ các nhà đấu tranh. Họ sẵn sàng tiếp xúc, dụ dỗ, kết thân, hòng lung lạc tinh thần các nhà đấu tranh. Đó là những loại gián điệp nửa công khai “đแnh gần”. Lực lượng này chủ yếu sử dụng nhân viên công an an ninh cấp Huyện, Quận và Tỉnh, Thành phố.
Thứ hai, đó là những loại gián điệp nằm vùng. Loại này trực thuộc các Tổng cục an ninh, dưới vỏ bọc làm công việc cụ thể nào đó ngoài ngành công an, chuyên thu thập tin tức mới từ địa phương. Phương thức này chủ yếu họ áp dụng trong các ngành “nhạy cảm” như Du Lịch, Ngoại Giao, Văn Hóa, Truyền Thông. Loại gián điệp này nếu như được lệnh, sẽ sẵn sàng tuyên bố “đấu tranh dân chủ” sau đó gia nhập các tổ chức đấu tranh trong nước nhằm phá hoại từ bên trong…
Thứ ba, một lực lượng gián điệp (tạm gọi là lực lượng Hòa Nhập), được “đánh” vào các nước Âu, Mỹ, sang các nước láng giềng như Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan. Điều này thì chắc chắn nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã làm từ ngay sau ngày 30/04/1975. Những nhân viên gián điệp này, dưới vỏ bọc là làm những công việc, ngành nghề chính thức cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam và cho cả tư nhân. Họ sẽ móc nối với những tên chỉ điểm, cò mồi mà công an Việt Nam tuyển dụng từ nhiều nguồn, nhưng nhiều nhất là từ tù hình sự, có mức án nhẹ, hợp lý hồ sơ rồi giả dạng làm người tị nạn, người lao động. Hai dạng gián điệp này sẽ cùng nhau xâm nhập vào các tổ chức đấu tranh chống Cộng ở nước ngoài.
Những viên công an chính hiệu, và cả những tên “chim mồi” chỉ điểm hiện nay đang lén lút xâm nhập, tham gia đấu tranh và phá rối Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ, chính là những tên gián điệp dân chủ. Chúng đang hiện diện cả ở trong nước và nước ngoài, giữa cộng đồng người Việt.
Sẽ có người ngỡ ngàng vì cụm từ “Gián điệp Dân Chủ”. Đây là một loại hình gián điệp không mới, nó chỉ mới đối với những ai bàng quan mất cảnh giác, thiếu thận trọng trong việc kết bạn quan hệ đấu tranh.
Chuyện công an Việt Nam bắt bớ hàng loạt nhà đấu tranh ở Hà Nội, Hải Phòng, treo biểu ngữ hồi tháng 07 và tháng 08/2008. Rồi chuyện họ bắt cóc các nhà hoạt động đấu tranh chính trị từ Cam Pu Chia đem về Việt Nam xét xử như các vị nhà sư Tim Sakhom, Thích Trí Lực, gần đây là vợ chồng anh chị Phạm Bá Huy, Phạm Thị Phượng tại Bang Kok – Thái Lan, đặc biệt là vụ mất tích tại Phnompenh năm 2007 của Lê Trí Tuệ – Thành viên Khối 8406, đảng viên Đảng Thăng Tiến – Là các nạn nhân trực tiếp điển hình của những tên gián điệp dân chủ.
Vậy làm cách nào để đề phòng và kịp thời phát hiện được những kẻ luôn xưng là anh em đấu tranh dân chủ, nhưng lại sẵn sàng cầm dao đâm lén sau lưng chúng ta? Đây là một việc vô cùng khó, nhưng không phải là không làm được. Chính xác hơn là các nhà đấu tranh không thể không làm…
Đối với những nhà đấu tranh đang còn hoạt động bí mật thì họ sẽ biết những nguyên tắc căn bản nhất, đó là: Hoạt động theo nhóm, chỉ nên biết những người trực tiếp có trách nhiệm quan hệ và liên lạc với mình, chỉ tiếp xúc làm việc với người thứ ba khi được một đồng đội đủ tín nhiệm giới thiệu vv…
Đối với những nhà đấu tranh công khai. Khi đã quyết định công khai hóa hoạt động đấu tranh của mình, một nhà đấu tranh công khai trong nước và cả ở hải ngoại muốn cho sự lên tiếng của mình có sức mạnh thuyết phục, họ cần phải công khai họ tên, địa chỉ Email, bút danh (nếu có), thậm chí là cả địa chỉ nơi mình sinh sống. Nhiều người sẽ nói: Như thế thì sẽ rất nguy hiểm cho người đấu tranh, khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, Điều đó đúng, nhưng đấu tranh chống Cộng không hề là một trò chơi, tham gia đấu tranh là chấp nhận hy sinh mất mát, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Vậy việc công khai danh tính chỉ là chuyện hết sức bình thường…
Đối với những nhà đấu tranh ở hải ngoại đang khá an toàn trong sự bảo vệ của xã hội dân chủ, lại không dám công khai danh tính, thậm chí viết bài cũng phải dùng hết bút danh này đến bút danh khác (xin hiểu đây không phải là một lời chỉ trích). Những người ấy rõ ràng là không được sự tín nhiệm của cộng đồng. Nếu họ đấu tranh thật, thì những việc làm của họ cũng sẽ không đem lại bất cứ một hiệu quả đáng kể nào…
Ở trong nước, chính sự công khai tên tuổi mình của các nhà đấu tranh, lại là việc trang bị cho họ một chiếc “áo giáp” bảo vệ hữu hiệu. Khi một người đã công khai danh tính thì các đài phát thanh, các báo và các thành viên đấu tranh người Việt sẽ biết đến họ. Nếu họ bị bắt bớ, đánh đập, hay khủng bố tinh thần thì ngay lập tức công luận sẽ lên tiếng đấu tranh bảo vệ lẽ phải cho họ, đó là điều hết sức quý báu.
Một ai đó tự nhận mình là người đấu tranh công khai, cái gì cũng tỏ ra hiểu biết, gặp nhà đấu tranh nào cũng thân mật trao đổi sôi nổi. Nhưng họ lại không hề có một hành động đấu tranh gì trên thực tế, như đấu tranh trực diện với chính quyền địa phương mình sinh sống, viết bài, phát biểu trên các đài phát thanh, thì hẳn là những đối tượng ấy “có vấn đề”.
Nhưng ngay cả trong trường hợp ai đó có một vài bài viết ở dạng “nửa nạc nửa mỡ” vô thưởng vô phạt, và cũng có đôi lần phát biểu trên các đài phát thanh hải ngoại theo những dạng bài viết nêu trên, thì chúng ta cũng cần phải có thời gian kiểm chứng. Vì báo chí tự do trên mạng Internet có thể đăng bất cứ bài viết nào, của bất cứ ai gửi đến cho người biên tập. Tương tự, các đài phát thanh tiếng Việt ở hải ngoại cũng có thể phát đi lời phát biểu mang tính chung chung của một ai đó, là chuyện bình thường. Dư luận sẽ không vì những bài viết và lời phát biểu như vậy làm thước đo đánh giá một người có thực sự dấn thân đấu tranh hay không.
Vì gián điệp của công an Việt Nam rất giỏi trong việc phá hoại, nếu các nhà đấu tranh dân chủ mất cảnh giác và không đầu tư tìm hiểu về các thủ đọan tinh vi của an ninh công an Việt Nam, thì dễ mắc mưu của họ. Trong trường hợp này, người viết thích mượn câu: Benefit of the doubt (lợi ích của sự nghi ngờ), nhưng theo nghĩa thuần tiếng Việt. “Lợi ích của sự nghi ngờ” không phải là đi đâu, gặp ai ta cũng lo lắng, ngờ vực. Nghi ngờ để tồn tại, nghĩa là biết đặt câu hỏi: Tại sao?
“Lợi ích của sự nghi ngờ” như vậy không phải là sự đa nghi như tính cách của nhân vật Tào Tháo. Chính “lợi ích của sự nghi ngờ” giúp cho một nhà đấu tranh dân chủ có sự nhận biết chính xác hơn về nhiệt huyết và những nỗ lực của các đồng đội đấu tranh cùng với mình.
Con người không thể sống thiếu lòng tin. Nhưng đối với một người đấu tranh, khi tin một cách vô thức, thì đồng nghĩa với việc họ vô ý thức, thiếu trách nhiệm đối với sự an toàn của chính bản thân mình, kế đến là cho đồng đội của mình nữa. “Lợi ích của sự nghi ngờ” chính là biết chọn nơi chính xác để mình gửi gắm lòng tin. Lòng tin vì vậy, cần phải có sự kiểm định.
Một viên gián điệp dân chủ bình thường, sẽ không bao giờ dám lên tiếng đấu tranh dõng dạc mạnh mẽ với nhà cầm quyền CSVN, kẻ đó sẽ không dám thẳng thắn vạch ra những bất công của xã hội Cộng Sản, tuyên bố chế độ Cộng Sản là thối nát, phản dân chủ. Người đó sẽ không bao giờ dám xưng tên họ thật, đăng hình ảnh cá nhân công khai kèm theo các bài viết đấu tranh (nếu có) của mình. Đó chính là một điểm dễ nhận thấy ở những kẻ đội lốt đấu tranh.
Có hai mục tiêu mà công an an ninh của CSVN chú trọng dùng gián điệp đội lốt “đấu tranh” tấn công.
Mục tiêu thứ nhất đó là đánh vào “diện”, tức là tập trung vào mặt trận tuyên truyền nhằm hạ uy tín của các tổ chức đấu tranh chống Cộng chân chính và có thực lực. Điều này thì những cây bút khoác áo chống Cộng của họ ở hải ngoại thực hiện là tốt nhất, vì ít có ai sẽ đặt vấn đề nghi ngờ một vài nhân vật tị nạn Cộng Sản, với những hàm là sĩ quan, thậm chí tướng tá hoặc nhân viên cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Mục tiêu thứ hai là họ sẽ đánh vào “điểm”. Gián điệp dân chủ sẽ chỉ tập trung tấn công vào những tổ chức nào thực sự chống Cộng, đặc biệt là tổ chức đó có thể tạo ra những mối đe dọa lâu dài cho chế độ CS ở trong nước. Cũng trong kỹ xảo đánh “điểm” nhằm vào cá nhân, gián điệp của công an sẽ chỉ tìm cách bắt cóc thủ tiêu, đầu độc, hoặc dùng báo chí bôi nhọ thanh danh của những nhà đấu tranh có nhiều nhiệt huyết, có trình độ học vấn, có kiến thức chuyên môn tốt. Chính vì vậy mới có chuyện những nhà đấu tranh như Lê Trí Tuệ (bị bắt cóc thủ tiêu), Tim Sakhom, Thích Trí Lực, gần đây chúng ta biết thêm các ông Huỳnh Bửu Châu, Lý Thara, Đỗ Văn Nhàn vv.., bị bắt cóc đem về Việt Nam cầm tù, trong khi hàng chục, hàng trăm người tị nạn khác vẫn sống bình an tại Campuchia từ vài năm đến hàng chục năm trời là một ví dụ điển hình. Như vậy rất cần cảnh giác với một ai đó xưng mình là người đấu tranh, cứ lăng xăng phô trương là đã giúp đỡ người tị nạn này người tị nạn khác, đó chỉ là màn kịch của những viên gián điệp dạng chỉ điểm “chim mồi”, nhằm bịt mắt những người nhẹ dạ cả tin. Một người thực tâm giúp đời, giúp người thì sẽ không bao giờ khoe khoang công trạng của cá nhân mình…
Có lẽ nhân đây cũng phải kể đến một đòn ly gián khác mà công an an ninh Việt Nam thực hiện ở trong nước. Họ chỉ cần làm một “thao tác” vô cùng đơn giản bằng cách đàn áp một nhà đấu tranh N nào đó thật nặng nề tàn bạo, có thể tống giam và kết án thật cao. Nhưng đối với một vài người khác, họ lại chỉ theo dõi, ngăn cản, hoặc gọi hỏi thẩm vấn chiếu lệ. Như vậy, nếu chỉ nhận định một cách sơ sài, nhiều người sẽ cho rằng anh A, chị B có thể “có vấn đề” vì tại sao công an lại không đàn áp họ nặng nề như những người đấu tranh khác…
Thủ đoạn của công an an ninh Việt Nam thực sự là khó lường!
Trở lại chuyện gián điệp dân chủ. Gián điệp của công an Việt Nam cũng đều là con người cả. Họ đã có những thành công trong việc “chui sâu, leo cao” vào chế độ VNCH, một phần cũng là vì đặc thù của thời chiến, nên VNCH dễ mắc sai lầm trong khâu tuyển chọn nhân sự. Chính sự dễ dãi ấy, đã vô tình nâng cao tầm vóc của những viên gián điệp bình thường lên thành những siêu nhân thượng thừa. Thực tế, trên bình diện tình báo quốc tế, cơ quan phản gián của Việt Nam nói chung, chưa được xếp hạng, chưa có tên tuổi…
Điều đặc thù trong lĩnh vực đấu tranh chính trị giai đoạn hiện nay có tính chất hoàn toàn khác thời chiến, cho nên gián điệp dân chủ của công an không dễ gì chui vào hàng ngũ đấu tranh lâu dài mà không bị phát hiện vì lý do sau: Đã là người tham gia đấu tranh Dân chủ thì nhất thiết là phải làm việc, phải lên tiếng. Chính từ những việc làm, lời phát biểu, bài viết của một người, người ta rất dễ dàng nhận ra họ có phải là người đấu tranh thật sự hay không. Đó là trở ngại lớn không dễ gì vượt qua được của một viên gián điệp Dân chủ.
Ngay từ lúc này, các nhà đấu tranh Dân chủ cũng cần có kế hoạch để đoán nhận và sáng suốt nhận diện những tổ chức, và đảng phái “ma” của chế độ CSVN do lực lượng công an trực tiếp thiết kế sắp được ra đời. Nếu việc xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992 thành hiện thực, thì có thể chế độ Đảng trị ở Việt Nam sẽ tung ra hàng loạt những tổ chức chống Cộng rởm, thành lập các đảng “đối lập” bù nhìn, hòng lũng đoạn môi trường chính trị của Việt Nam. Hiện tượng này đã xảy ra trong mấy chục năm ở Việt Nam, và chỉ chấm dứt vào năm 1988, khi hai đảng bị ép làm bù nhìn là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội tuyên bố giải thể. Có lẽ, ĐCSVN đã có kế hoạch “Đa nguyên, Đa đảng”, nhưng bên cạnh những tổ chức, đảng phái của người Việt đấu tranh chống Cộng ôn hòa chân chính, sẽ có những đảng phái “ma” xuất hiện, và chúng vẫn là cánh tay biến hình của ĐCSVN…
Nếu công an Việt Nam, dưới sự chỉ đạo “tài tình”, “sáng suốt” theo kiểu Mafia của ĐCSVN, tức là sẽ lập ra các đảng (tạm gọi là vệ tinh) của họ, họ sẽ phải đối diện với việc “lộng giả thành chân” của các đảng vệ tinh ấy. Chuyện quyền lực, nhất lại là quyền lãnh đạo ở cấp chính phủ, sẽ là một sự cám dỗ khó lòng cưỡng nổi của một đảng phái. Trong lịch sử Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần, cảnh người thân ruột thịt trong gia đình các triều đại Phong kiến giết hại nhau để giành ngai vàng. Vậy một đảng chống Cộng mà các vị trí lãnh đạo vẫn là các đảng viên ĐCSVN giấu mặt, hoặc giả dạng trở cờ, thì với bản chất tham quyền cố vị, họ sẽ sẵn sàng loại bỏ ĐCSVN (thật) để lên nắm quyền. Như vậy, nếu công an Việt Nam “chế tạo” ra các đảng phái đối lập, thì các đảng đó sẽ là chiếc “thòng lọng” mà ĐCSVN tạo ra để tự thắt cổ chính mình.
Một đúc kết từ quá trình sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu cho ta thấy: Trong quá trình tiếp xúc để đánh phá, đàn áp các nhà đấu tranh ôn hòa chống chế độ, có nhiều những cán bộ công an an ninh của Cộng Sản đã quay sang bí mật hợp tác với các lực lượng đấu tranh, hoặc họ cố tình làm trái lệnh cấp trên để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh. Đây sẽ là một quy luật tất yếu sẽ xảy ra đối với trường hợp Việt Nam. Chính vì vậy, việc đấu tranh tuyên truyền giác ngộ chính lực lượng công an an ninh của Cộng Sản là điều nên làm. Chúng ta kiên quyết, nhưng mềm dẻo, thay vì quyết liệt đối đầu với cá nhân mỗi viên công an, vô tình biến họ thành kẻ thù trực tiếp của bản thân mình.
Chúng ta luôn xác định rằng: Không bao giờ, và mãi mãi không bao giờ ĐCSVN chịu hoàn trả quyền lực về lại cho người chủ của đất nước, là nhân dân Việt Nam. Mọi nỗ lực theo phương châm “hòa hợp hòa giải” chỉ là sự hài hước hiện đại, vì ai đó đã mắc lừa ngón đòn chính trị ranh ma của ĐCSVN. Chỉ khi nào sức mạnh đấu tranh của toàn dân Việt Nam biến ĐCSVN trở thành thiểu số không còn được phép nắm quyền, hoặc họ hoàn toàn bị nhân dân loại bỏ, thì đất nước Việt Nam mới có thể bắt tay vào việc xây dựng một nền chính trị Đa nguyên Đa đảng đúng nghĩa.
Vì những điều trên, nếu bất kỳ ai đang tham gia đấu tranh ôn hòa chống chế độ độc tài CSVN mà mất cảnh giác với lực lượng công an an ninh Việt Nam, thì chắc chắn họ sẽ bị công an trấn áp, lung lạc, và làm “mờ mắt” với những đòn tinh vi xảo quyệt mà nhiều người sẽ không hình dung ra được!
Hy vọng rằng bài viết này cũng là một tiếng nói cảnh báo kịp thời cho những nhà đấu tranh nào đang xem thường năng lực đàn áp, phá hoại, khủng bố giấu mặt của tình báo gián điệp, dưới tên gọi rất thân thiện: An ninh nhân dân Việt Nam.
Trịnh Hữu Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét