Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Nga ‘không từ bỏ quyền lợi’ ở Crimea

Khủng hoảng ở UkraineChính quyền Ukraine cáo buộc Nga có ý định gây hấn
Hành động quân sự của Nga ở Crimea, Ukraine có thể là một biện pháp ‘câu giờ’ của Moscow nhằm gây áp lực trong lúc chờ đợi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine tìm ra giải pháp đáp ứng được các quyền lợi về chính trị cũng như kinh tế của Nga ở Ukraine.
Quan điểm này được một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra hôm Chủ nhật khi bình luận về quyết định can thiệp quân sự của chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine.

Hôm 02/3/2014, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học của trường này nói với BBC Nga khó lòng chấp nhận một cuộc “đảo chính” diễn ra ở Kiev cũng như để yên cho các quyền lợi, lợi ích của họ bị ảnh hưởng ở quốc gia láng giềng.
Ông nói với BBC về một vài khả năng mà Nga và các bên liên quan có thể lựa chọn cho cuộc khủng hoảng Ukraine:
“Khả năng một là sẽ xảy ra rất nhanh và chớp nhoáng, đó là phương án hành động nhanh và kết thúc nhanh, đặt mọi sự việc trong việc đã rồi, đó là một cách.
“Còn cách thứ hai là khả năng mà người ta gọi là câu giờ, tức là chờ đợi phản ứng của các bên, rồi xem các khả năng nên hay không nên, bởi vì việc quyết định tham gia vào một cuộc chiến tranh, hay một cuộc xung đột là một trong những việc khó khăn nhất.
“Bởi vì người ta biết tiến hành chiến tranh thì dễ, nhưng rút ra khỏi các cuộc chiến tranh thường rất là khó.
“Tôi nghĩ rằng khả năng thứ hai thì nhiều hơn, khả năng mà người ta sẽ chờ đợi, xem xét, tìm cách hòa hoãn, trì hoãn tình hình, nó kéo dài, thì khả năng kéo dài có thể là một tháng cho tới hai tháng chẳng hạn, chứ còn hành động phản ứng nhanh chóng, tôi nghĩ là ít, chỉ trừ trường hợp mọi con đường dẫn đến sự hòa giải không có.”

‘Đàm phán và thỏa hiệp’

Nhà nghiên cứu dự đoán rằng sẽ ít nhất mất khoảng một vài tháng để các bên liên quan và ở trong cuộc xung đột ở Ukraine đàm phán với nhau mở đường cho việc ổn định hóa tình hình.
“Thứ nhất phải ổn định nội tại trong nước Ukraine, tìm được sự đồng thuận giữa miền Tây và miền Đông, đảm bảo đồng thuận, bởi vì nếu không có đồng thuận, thì các nước bên ngoài tiếp tục tác động tình hình”
PGS. TS Phạm Quang Minh
Ông nói với BBC: “Tôi nghĩ rằng sẽ phải mất khá nhiều thời gian cho các bên ngồi vào đàm phán một tương lai cho Ukraine, bởi vì rõ ràng khi có một sự lựa chọn giữa một bên là đối tác như Liên minh Châu Âu (EU) và một bên là Nga, thì quả thực rất khó khăn cho nền chính trị ở Ukraine.”
Nhà nghiên cứu nói: “Về mặt chính trị, họ có thể có một thỏa hiệp là Ukraine sẽ gia nhập Liên minh Châu Âu, thế nhưng về mặt kinh tế, họ nói rằng vị trí và vai trò của Liên bang Nga sẽ có một sự đảm bảo ở Ukraine.
“Ví dụ những vấn đề như dầu và khí đốt, bởi vì tất cả nền kinh tế bây giờ của Ukraine, cũng như của Liên minh Châu Âu, đều phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy từ nước Nga sang Ukraine.”
Theo nhà phân tích, thỏa thuận trong tương lai sẽ cần tính đến ba yếu tố là chính trị, kinh tế và cuối cùng là an ninh.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng việc chia sẻ lợi ích ở đây chắc chắn phải nói là một bên là kinh tế, một bên là chính trị, nếu như đảm bảo được lợi ích này một cách dung hòa, tức là nếu về mặt chính trị, Ukraine được bảo đảm là một thành viên của EU thì điều đó tôi nghĩ đã là một việc rất tốt rồi,
“Còn về mặt kinh tế, thì rõ ràng Ukraine khó có thể tồn tại khi không có sự trợ giúp về mặt khí đốt. Và cả Liên minh Châu Âu nếu không được tiếp tục cung cấp nguồn dầu và khí đốt từ nước Nga thì một số nước EU cũng sẽ gặp khó khăn.”
“Và điều cuối cùng chính là an ninh, đấy chính là hoạt động của lực lượng quân đội của Nga ở Crimea cũng như hạm đội của Nga ở khu vực này. Đó là điều có thể là khó khăn nhất.”

‘Ưu tiên gỡ rối’

Để gỡ rối cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, nhất là sau khi có hành động can thiệp quân sự của Nga ở bán đảo Crimea, chính quyền Kiev cần phải xác định ba công việc ưu tiên để tiến hành, theo Phó giáo sư Minh.
Ba ưu tiên này bao gồm việc sớm đạt đồng thuận giữa hai miền Đông – Tây và nội bộ, thứ hai là đàm phán với Liên minh Châu Âu và Nga để đảm bảo cho Ukraine có một cơ chế hòa nhập ổn định vào châu Âu trong bối cảnh mới và thứ ba, để đạt được hai ưu tiên đầu tiên, phải đảm bảo không để cho xung đột lan rộng và xấu thêm.
Hội đồng Bảo an LHQTình hình khủng hoảng ở Ukaine đang khiến LHQ quan ngại và Hội đồng Bảo an đã mở các phiên họp.
Nhà nghiên cứu nói: “Thứ nhất là phải ổn định tình hình nội tại trong đất nước Ukraine, tìm được sự đồng thuận giữa vùng miền Tây và vùng miền Đông Ukraine, đảm bảo có sự đồng thuận, bởi vì nếu không có sự đồng thuận, thì các nước bên ngoài tiếp tục tác động tình hình ở Ukraine…,
“Đạt được sự đồng thuận rồi, bước thứ hai chính là có một cuộc đàm phán với Liên minh Châu Âu và cả nước Nga để đảm bảo cho đất nước Ukraine không những phát triển một cách ổn định mà còn có thể hội nhập vào trong một không gian của châu Âu ở trong bối cảnh mới.”
“Vấn đề đầu tiên là đối nội, còn vấn đề thứ hai là đối ngoại, thế nhưng để làm được điều đó, có lẽ đảm bảo bây giờ không cho xung đột được tiếp tục lan rộng, không làm cho tình hình ngay trong nội tại ở Ukraine, cũng như ở vùng bán đảo Crimea bị phát triển theo triều hướng xấu.”
Theo nhà phân tích, điểm thứ ba là một nội dung khó đối với chính phủ hiện nay ở Ukraine, và theo ông nước này phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
“Phải kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cho tình hình ở Ukraine phải được ít nhất giữ như nguyên trạng bây giờ, nhưng quan trọng nhất là không được tiến triển theo chiều hướng xấu, tức là có một cuộc xung đột vũ trang,”
“Phải kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cho tình hình ở Ukraine phải được ít nhất giữ như nguyên trạng bây giờ, nhưng quan trọng nhất là không được tiến triển theo chiều hướng xấu, tức là có một cuộc xung đột vũ trang,” ông Minh nói với BBC.

Giải pháp cho Crimea

Riêng về vấn đề Crimea, Phó giáo sư Minh cho rằng vì tính chất địa chính trị và lịch sử đặc biệt này, bán đảo này sẽ phải có một quy chế đặc biệt.
Ông nói: “Crimea là một trong những khu vực rất đặc biệt, ở đây nó gắn liền với lực lượng hải quân của nước Nga, nước Nga có sự đồn trú ở đây khá lâu dài, có ảnh hưởng rất lớn ở khu vực này.
“Cho nên vấn đề khu tự trị hay nước Cộng hòa tự trị Crimea, nó chắc chắn phải có một quy chế. Quy chế ấy là tự trị hay gọi là hành chính đặc biệt, cần phải được sự thỏa thuận rất rõ ràng.”
Nhưng nhà nghiên cứu cho rằng thỏa thuận cũng không thực sự dễ dàng.
CrimeaCờ Nga phía sau lưng một binh sỹ bịt mặt được cho là lực lượng thân Nga hoặc của Nga tại Crimea.
“Trong một thời gian dài lực lượng của Nga đóng giữ ở đây và có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy giờ đây họ không dễ dàng từ bỏ vị trí đó. Các nhà chính trị sẽ đưa ra kịch bản của mình, nhưng điều quan trọng phải có được ý kiến của người dân, tôn trọng ý kiến của người dân.
Tới hôm Chủ nhật, tình hình cuộc xung đột liên quan Ukraine đã có những diễn biến phức tạp hơn, với việc chính quyền Ukraine đã tuyên bố đặt quân đội và các lực lượng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng dự bị quân đội được huy động.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Nato, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế lên tiếng quan ngại về hành động can thiệp của Nga với chủ quyền của Ukraine. Nato cho rằng Nga đe dọa hòa bình ở châu Âu, yêu cầu Nga xuống thang căng thẳng và Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị các bên kiềm chế.
Hôm thứ Bảy, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin, ông Putin đã khăng khăng cho rằng Nga có quyền tiến hành can thiệp để bảo vệ các quyền lợi của Nga ở Ukraine, cũng như an toàn, an ninh cho các công dân Nga, kiều dân Nga ở quốc gia láng giềng của mình.

Không có nhận xét nào: