Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Pháp -Đức đình chỉ hợp tác quân sự với Nga

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) và Tổng thống Pháp François Hollande tại Thượng đỉnh Bruxelles, 20/03/2014.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) và Tổng thống Pháp
 François Hollande tại Thượng đỉnh Bruxelles, 20/03/2014.

REUTERS/Alain Jocard/Pool
Khủng hoảng tại Ukraina được thể hiện qua các biện pháp « trả đũa từng bước » trong quan hệ giữa Tây phương và Nga. Hôm nay 21/03/2014, Đức thông báo đình chỉ mọi hình hợp tác quân sự với Nga, kể cả lãnh vực xuất khẩu linh kiện. Paris cũng tuyên bố ngưng hợp tác quân sự với Nga trừ các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ cam kết quốc tế.

Phát ngôn viên bộ quốc phòng Đức cho biết quyết định ngưng hợp tác quân sự với Nga « trên mọi hình thức » và biện pháp này có hiệu lực ít nhất là cho đến hết tháng 4. Cụ thể là ngay tức khắc, công ty Rheinmetall đã theo yêu cầu của bộ quốc phòng, không bán máy « thực tập giao chiến » cho quân đội Nga.
Đang thăm viếng Estonia, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tuyên bố tình hình khủng hoảng Ukraina buộc nước Pháp phải đình chỉ một số quan hệ quân sự với Nga từ viếng thăm trao đổi đến tập trận chung nhưng vẫn duy trì tiếp xúc trong khuôn khổ các cám kết quốc tế.
Tây phương cũng công bố danh sách trừng phạt cá nhân quan chức Nga và Ukraina cũ. Hôm qua 20/03/2014 Washington ra tay mạnh nhất, đánh thẳng vào quyền lợi của các cộng sự viên thân cận nhất của Putin trong đó chánh văn phòng phủ tổng thống Nga Serguei Ivanov. Vài giờ sau, từ Bruxelles, Liên Hiệp châu Âu thêm vào danh sách trừng phạt 12 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga. Tổng số nhân vật bị chiếu cố là 33 trong danh sách của Bruxelles và 31 người trong danh sách của Mỹ.
Theo tổng thống Pháp François Hollande, hai danh sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu gần như nhau và nhắm vào các nhân vật có « can dự vào tiến trình được gọi là trưng cầu dân ý » sáp nhập Crimée vào nước Nga.
Từ Bruxelles, thông tín viên Gulliaume Naudin phân tich chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu:
Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà chiến lược sử dụng từ « trả đũa từng bước » phù hợp theo tỷ lệ tấn công của đối phương. Lần này, sau khi loại trừ biện pháp quân sự, Liên Hiệp Châu Âu cũng áp dụng chiến thuật « trả đũa từng bước » với Nga để đáp trả thái độ thô bạo của điện Kremli trên hồ sơ Ukraina.
Để có được tiếng nói thống nhất, Liên Hiệp Châu Âu đã làm theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Sau khi ban hành biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân 21 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga, phong tỏa tài sản và cấm visa, danh sách được kéo dài thêm đến 12 người nữa, tổng cộng 33 người, gần như không khác gì danh sách của Mỹ.
Cho đến bây giờ, theo lập luận của Châu Âu, giải pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chỉ được tính đến trong trường hợp tình hình xấu thêm. Mục đích của Liên Hiệp Châu Âu là khuyến cáo điện Kremli không được quá trớn, xâm phạm đến các vùng lãnh thổ khác của Ukraina sau khi kiểm soát Crimée. Điều này cũng nhằm mục đích thúc đẩy Matxcơva đối thoại về việc để quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE hoạt động trên toàn lãnh thổ Ukraina . Nếu Nga từ chối, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn phương lập đoàn quan sát viên OSCE.
Tạm thời, Liên Hiệp Châu Âu ký với Ukraina thỏa thuận chính trị trong hiệp ước cho phép Kiev làm thành viên liên kết với Liên Âu. Nói cách khác, Bruxelles chính thức công nhận chính quyền lâm thời tại Ukraina dù cho tổng thống Pháp có tuyên bố, điều đó không có nghĩa là Ukraina đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Nga đã phản ứng lại, cũng công bố danh sách riêng, trừng phạt ba cố vấn của tổng thống Mỹ và một số nghị sĩ trong đó có Thượng Nghị sĩ John McCain, bị phong tỏa tài sản ở Nga ( ?) và đi du lịch ở Nga. Liên Hiệp Châu cũng đang chờ phản ứng trả đũa tương tự.

Không có nhận xét nào: