Pages

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

TC Đua Vũ Trang: Hụt Hơi – Vi Anh

Ngân sách quân sự đầu tiên kể từ khi Chủ Tịch Tập cận Bình lên nắm Đảng Nhà Nước và Quân Đội TC, ngân sách đó tăng lên 12,2%. Và ngân sách an ninh nội địa của TC thường lớn hơn ngân sách quân sự vẫn như ba năm qua không công bố. Không công bố vì làm điều quá ác với dân, điều mà Thủ Tướng Lý khắc Cường cặp bài trùng với Tập cận Bình, tuyên bố là sẽ “khai chiến”, mạnh tay trấn áp phong trào người dân Trung Hoa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và người dân thiểu số như Duy ngô nhĩ và Tây Tạng quốc gia bị TC thôn tính, sát nhập và cào bằng văn hoá. Trong khi đó chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TC chỉ có thể dự trù ở mức 7.5% vì sách lược sản xuất để xuất cảng mà hàng của TC giá rẻ nhưng mang tiếng xấu là độc, nhứt là dân chúng Mỹ, thị trường lớn nhứt của thế giới, theo thăm dò của Viện Gallup coi TC là kẻ thù số 1 của Mỹ và kinh tế của TC là mối nguy cho Mỹ.

Không những Mỹ và đồng minh của Mỹ lo ngại tăng ngân sách quân sự quá mức cần thiết của TC, mà các nước Á châu Thái bình dương, đặc biệt là Nhựt còn lo ngại hơn vì sách lược bành trướng, giành giựt biển đảo của TC có tăng chớ không giảm.
Năm nay tỷ lệ tăng ngân sách quân sự của TC một cách chánh thức, theo công bố là 12,2% so với năm rồi. Con số tăng lên là 95,9 tỉ đô la. Một đà tăng liên tục nhiều năm: năm 2012 tăng 11,2% và năm ngoái đã tăng 10,7%. Tăng gia này biến TC trở thành chế độ có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, đứng trên Nga, Ả Rập Xê Út, Anh và Pháp.
Những con số ghi trên chỉ là con số tăng gia chánh thức của TC mà thôi. Chớ con số tăng gia thực tế của TC cao hơn nhiều. Theo Nhựt theo sát TC vì lý do an nguy của Nhựt, có thể lên đến 156 tỉ đô la, cho một quân đội đông nhất thế giới với 2,3 triệu quân. Lớn gấp ba lần ngân sách của các nước Ân Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại. Lớn đến nổi theo nhận định của International Institute for Strategic Studies công bố vào tháng trước, chi tiêu quân sự thực tế của TC sẽ vượt qua Hoa kỳ vào năm 2030.
Các nước láng giềng của TC cũng phải chạy đua vũ trang vì chuẩn bị chiến tranh là củng cố hoà bình, nên Nhựt, Nam Hàn, Đài Loan, Nam dương, Ấn Độ đều phải mua sắm thêm vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Riêng Mỹ thì chuyển trục quân sự sang Á châu Thái bình dương. Mỹ năm nay phải kiệm ước. Tổng Thống Obama chuyển trình cho Quốc Hội dự thảo ngân sách năm 2015 trị giá 3,9 ngàn tỉ, trong đó ngân sách dành cho quốc phòng là có 495.6 tỉ, giảm quân số hiện dịch xuống còn 420.000 người. Giảm ngân sách quốc phòng 500 tỷ trong 10 năm, nhưng không giảm kinh phí quân sự dành cho Á châu Thái bình dương. Bản Đánh Giá Quốc Phòng 4 năm một lần của Mỹ gọi tắt là QDR cho biết Mỹ tung 60% phương tiện về Thái Bình Dương trước năm 2020, cụ thể là điều thêm 15 tàu chiến về đây biến hải lực Mỹ lên 65 chiếc, đa số là tàu tấn công có vũ khi nguyên tử.
Mỹ không tốn kém thêm mà còn bán được vũ khí rất nhiều cho các nước này trước mối lo đối với TC. Vô tình TC giúp cho Mỹ trở lại Á châu trong cảm tình, mong mỏi của các nước Á châu Thái bình Dương.
Ngân sách quân sự của TC tăng nhưng vẫn ít nhỏ hơn của Mỹ nhiều. Phương tiện quân sự của TC yếu hơn của Mỹ rất xa. Nếu TC mới có 1 hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mua tàu cũ của Ukraine tân trang lại, thì Mỹ đã có 11 chiếc, đưa về Á châu Thái bình dương 6 chiếc. Mỹ không cần chạy đua với TC vì phương tiện quân sự đã có sẵn, đã nhiểu hơn, không cần mua sắm gì thêm. Trong khi TC phải chạy hụt hơi như Liên xô chạy hụt hơi, rồi đột quị trong cuộc Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao với Mỹ thời TT Reagan, làm Liên xô CS chết sụp đổ, chớ có một phi cơ Mỹ, một quân nhân Mỹ nào tấn công Liên xô đâu.
Không phải TC chỉ phải chạy theo Mỹ mà TC còn phải chạy đua vũ trang với nhiều nước láng giềng của TC bị TC lấn chiếm biển đảo như Nhựt, Đài loan, Mã Lia, Brunei và VN phải vùng lên ngăn chận đà bành trướng của TC và với nước Ấn độ chống lại TC luôn xâm lấn biên giới Ấn dộ từ thời Chiến Tranh Lạnh tới bây giờ.
TC có 2 triệu 300 ngàn quân sĩ, quân đội đông nhứt thế giới, nhưng kinh nghiệm chiến đấu với các hình thái chiến tranh còn kém lắm. Chiến thuật biển người của TC lần đầu tiên đụng độ với Mỹ, TC chết như rạ, Mỹ tiến quân như chẻ tre trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong chiến tranh tấn công biên giới của VN, TC xua 60.000 quân, trong khi VNCS kẹt quân ở Miền Nam, ngoài Bắc chỉ có hai sư đoàn, mà quân TC không tiến sâu và xa được, còn bị tổn thất nặng nề trước kinh nghiệm chiến đấu của quân đội VNCS từng chống Pháp, Mỹ, nên quân TC chỉ một tháng sau đành phải triệt thoái vô điều kiện.
Trong sách lược bành trướng Á châu Thái bình dương, TC phải tập trung hải lực ở vùng biển Á châu Thái bình Dương, liên tục tung tàu chiến và hải giám ra Biển Đông và biển Hoa Đông, nên hải lực của TC còn yếu mà bị chia cắt, không thể tham gia được vào kế hoạch của Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hải tặc ngoài khơi Somalia và không thể có mặt thường ở các căn cứ hải quân của TC, điều mà TC khoa trương là xâu chuổi ngọc trai bảo vệ con đường xuất cảng hàng hoá và nhập cảng nhiên liệu mà TC coi là sự sống còn của nên kỹ nghệ của TC. Ngày nào đó, TC xung đột vũ trang với Nhựt, Ấn độ, hay Mỹ, không cần bao vây nước TC mà cắt đứt xâu chuổi này, con đường tiếp liệu của TC bị gián đoạn, TC cạn nhiên liệu, thì Đảng Nhà Nước TC sẽ từ chết tới bị thương.
Còn bây giờ trong cuộc chạy đua võ trang, TC có thể hụt hơi như Liên xô thời Chiến Tranh Lạnh. Chiến lược bành trướng, lấn chiếm biển đảo của TC ở Á châu Thái bình Dương đã làm cho các nước trong vùng phải chạy đua võ trang. Nhựt, Phi, Việt Nam, Nam Hàn, Đài Loan, Ấn độ đều mua sắm thêm võ trang. TC cũng thế. Á châu trở thành vùng mua vũ trang nhiều nhứt trên thế giới.
Tăng ngân sách quân sự và nội an thì TC phải giảm ngân sách khác như y tế, xã hội, gây trở ngại lớn cho chiến lược hài hoà xã hội TQ ngày càng bất ổn, bất mãn, bất an, bất công, bất bình đẵng, như đống lửa ngún không biết lúc nào bùng lên thành cuộc cách mạng dân sinh, dân quyền.
Tăng ngân sách quân sự tức là TC “hà hơi tiếp sức” cho quân quyền. Bất ổn nội địa là lý do để quân đội đòi tham chính nhiều. Quân đội có thể trở thành quân phiệt, cạnh tranh với đảng quyền. Quân phiệt thường có khuynh hướng gây chiến, xúi giục chiến tranh để tăng quyền thế.

Không có nhận xét nào: