Pages

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Tướng Mỹ muốn đánh Nga?

(VnMedia) - Mỹ bắt đầu cân nhắc khả năng dùng hành động can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Ukraine thậm chí khi mà các nỗ lực ngoại giao nhằm “tháo ngòi nổ” trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đang có một số dấu hiệu tiến bộ dù nhỏ nhoi và không chắc chắn.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozi

Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nói, sự can thiệp của Nga vào tình hình Ukraine “đặt ra một nguy cơ lớn đối với Đông Âu” và Mỹ “sẽ phải đáp trả” nếu các đồng minh của mình bị đe doạ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn PBS, Tướng Dempsey đã không bác bỏ khả năng quân đội Mỹ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Đó là một vấn đề mà tôi nghĩ đáng được đưa ra xem xét, đánh giá và đánh giá lại khi mọi việc tiếp diễn”.



Lầu Năm Góc đã phái một tàu tên lửa đến Biển Đen cũng như triển khai thêm một loạt chiến đấu cơ đến Ba Lan và Lithuania để “tái bảo đảm” an ninh cho các đồng minh ở Châu Âu.

“Hãy nhớ rằng, chúng tôi có nghĩa vụ theo hiệp ước với các đồng minh NATO của chúng tôi. Và tôi đảm bảo với họ rằng, nếu có trường hợp xảy ra theo hiệp ước, chúng tôi sẽ đáp trả”, vị Tướng Mỹ đã tuyên bố như vậy.

Trước đó, hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho lãnh đạo 3 nước cựu Xô-viết ở Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania, để tái khẳng định “cam kết không thay đổi của Mỹ trong việc đảm bảo cam kết phòng thủ tập thể của chúng tôi theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương” liên quan đến các động thái của Nga ở Ukraine, Nhà Trắng cho hay.

Trong khi Mỹ đưa ra lời đe doạ về khả năng dùng hành động quân sự thì một loạt hoạt động ngoại giao cũng đang tập trung vào nỗ lực nhằm tháo ngòi căng thẳng ở Ukraine. Vài giờ sau khi Ngoại trưởng hai nước Nga và Đức có cuộc thảo luận qua điện thoại trong ngày hôm qua (9/3) về “khả năng mở rộng sự giúp đỡ về mặt quốc tế nhằm bình thường hoá tình hình Ukraine”, Tổng thống Nga Vladimir Putin “cũng đã trao đổi quan điểm về nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng” với Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, điện Kremlin cho hay.

“Bất chấp những bất đồng còn tồn tại” trong quan điểm của các bên về diễn biến ở Ukraine, các nhà lãnh đạo vẫn thể hiện “sự quan tâm chung đến việc tháo ngòi căng thẳng cũng như sớm bình thường hoá tình hình” ở Ukraine, điện Kremlin cho biết thêm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng tạm thời của Ukraine – ông Andriy Deshchytsia cho biết, “một số bước nhỏ” đã được thực hiện trong nỗ lực nhằm thành lập một nhóm tiếp xúc giữa Ukraine, Nga và một số nước phương Tây.

Tuy nhiên, với những phát biểu mới nhất của Tướng Dempsey, người ta đang đặt câu hỏi về việc liệu có phải Mỹ bắt đầu nhăm nhe ý định đối đầu quân sự với Nga. Trước đó, giới chức Mỹ liên tục khẳng định, họ không hề đưa lên bàn bất kỳ sự lựa chọn quân sự nào mà chỉ hướng tới các biện pháp ngoại giao.

Bản thân các nhà phân tích cũng tin rằng, Washington hoàn toàn không muốn đối đầu quân sự với một đối thủ đáng gớm như Nga. Sau những bài học rất đắt trong quá khứ được rút ra từ một loạt cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài gây tổn thất cực kỳ to lớn về người và của, Mỹ giờ đây rõ ràng không muốn bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama được cho là đã tìm mọi cách tránh một Syria được đánh giá là khó chơi hơn Libya thì với một đối thủ mạnh và khó chơi như Nga, đương nhiên Mỹ chẳng dại gì mà lao vào đối đầu.

Nga không ngại đối với mối đe doạ từ Mỹ và NATO

Về phía Nga, nước này tỏ rõ một thái độ cứng rắn, kiên quyết và không lùi bước trước vô số những lời đe doạ công khai của Mỹ và NATO.

Phó Thủ tướng Nga phụ trách quốc phòng mới đây đã lên tiếng phát biểu, “những lời đe doạ công khai” của Mỹ và NATO nhằm vào Nga cho thấy sự cần thiết phải trang bị cho quân đội Nga những vũ khí hiện đại.

“Hy vọng rằng, sau những đe doạ công khai của Mỹ và NATO, không ai còn nghi ngờ về sự cần thiết của việc tái vũ trang cho quân đội và hạm đội của chúng ta cũng như khôi phục lại nền công nghiệp quốc phòng và khoa học quân sự”, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã viết như vậy trên trang Facebook hôm 8/3.

Nga đang có một cuộc đối đầu căng thẳng nhất với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu Đông-Tây này xuất phát từ một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Ukraine. Tâm điểm của cuộc đối đầu Đông-Tây này đang dồn về Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine nhưng đang muốn sáp nhập trở lại Nga.

Crimea là nơi phần lớn người gốc Nga sinh sống. Tình hình bắt đầu diễn biến xấu kể từ khi phe đối lập Ukraine xé bỏ thoả thuận với Tổng thống Yanukovych chỉ một ngày sau khi ký kết. Lực lượng này đã chiếm thủ đô Kiev và lật đổ chính quyền của ông Yanukovych. Giới chức Crimea và bản thân người dân Crimea không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời mới ở Kiev sau khi họ cảm nhận mối đe doạ từ những thành phần theo chủ nghĩa cực đoan trong chính quyền này.

Hồi tuần trước, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu quyết định ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga. Quyết định này có được thực hiện hay không còn chờ vào cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tiến hành vào ngày 16/3 tới.

Kiev trước đó đã lên tiếng cầu cứu NATO, yêu cầu liên minh này sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ cho họ và bảo vệ người dân sau khi Quốc hội Nga thông qua việc dùng hành động quân sự ở Ukraine.

Sau những diễn biến trên, phương Tây và Mỹ đã “dội cơn mưa” những lời cáo buộc vào Moscow, nói rằng Moscow “xâm lược vũ trang”, “vi phạm luật quốc tế”... /Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: