Tướng Lưu Nguyên, chính ủy Tổng cục Hậu cần, quân đội nhân dân Trung Hoa.REUTERS/Jason Lee/Files
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bổ nhiệm hai tướng trẻ thân cận, nhằm gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng và đẩy mạnh cải cách quân đội.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, trích nhiều nguồn thạo tin cho biết, đó có thể là tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), hiện là chính ủy Tổng cục Hậu cần và tướng Trương Hựu Hiệp, lãnh đạo Tổng cục Vũ khí khí tài. Nhân hội nghị trung ương Đảng sẽ được tổ chức vào tháng tới, ít nhất, một trong hai người này sẽ được bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tối cao của quân đội.
Ba nguồn tin khác cho rằng tướng Lưu Nguyên có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Quân Ủy. Như vậy, tướng Lưu và tướng Trương cùng với ông Tập Cận Bình, hiện giữ chức Chủ tịch Quân Ủy, sẽ tạo thành một nhóm lãnh đạo nòng cốt trong Bộ Chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc.
Quân Ủy Trung Quốc hiện có hai phó Chủ tịch : Tướng Phạm Trương Long (Fan Changlong), sinh năm 1947 và tướng Hứa Kì Lượng (Xu Qiliang), sinh năm 1950. Hai người này vừa được bổ nhiệm năm 2012.
Tướng Lưu Nguyên và tướng Trương Hựu Hiệp đều thuộc diện con ông cháu cha – Trung Quốc gọi là loại Hoàng tử đỏ -, thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Lưu Nguyên là con trai cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, người đã bị Mao Trạch Đông thanh trừng. Tướng Lưu Nguyên được cho là người đứng đằng sau chỉ đạo vụ hạ bệ tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan), nguyên Tổng Cục phó Hậu Cần, về tội tham nhũng.
Là con trai tướng lão thành Trương Tống Tốn, ông Trương Hựu Hiệp được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm trận mạc, từng tham gia chiến tranh biên giới Việt –Trung và các cuộc xung đột quân sự giữa hai nước, trong những năm 1970 và 1980.
Bên cạnh yếu tố « con ông cháu cha », dường như lãnh đạo Trung Quốc còn chú ý tới hai tiêu chuẩn khác trong việc bổ nhiệm, củng cố phe cánh của mình : Đó là kinh nghiệm trận mạc và trẻ. Hai tướng sắp được bổ nhiệm đều sinh vào năm 1950 hoặc sau đó. Ngay trong Quân Ủy Trung ương, sắp tới, có nhiều khả năng những người sinh trước năm 1950 sẽ bị gạt ra bên ngoài.
Một cựu sĩ quan quân đội nhận xét : « Tướng Lưu là ứng viên hàng đầu vì ông ta có vai trò trung tâm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong quân đội. Tướng Trương cũng là ứng viên vì có nhiều kinh nghiệm trận mạc ».
Khi tiến hành cơ cấu, bổ nhiệm các tướng lãnh trẻ, có kinh nghiệm chiến đấu, ông Tập Cận Bình còn muốn cải cách quân đội, hiện có quân số lớn nhất thế giới.
Mặc dù ngân sách quốc phòng Trung Quốc liên tục tăng trên 10% trong nhiều năm qua, nhưng giới chuyên gia quân sự nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính kỷ luật và khả năng tác chiến của quân đội nước này. Từ khi chấm dứt các xung đột quân sự với Việt Nam trong những năm 1980, quân đội Trung Quốc không phải đối mặt với một cuộc chiến nào và uy tín của quân đội bị sứt mẻ nghiêm trọng với các vụ tham nhũng, yếu kém trong luyện tập. Kể từ khi lên cầm quyền, năm 2012, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc duy trì một quân đội luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Một chuyên gia thuộc Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, nói với South China Morning Post : « Ở bên trong, Tập Cận Bình lên án mạnh mẽ những kẻ phản bội lại danh dự quân đội. Những kẻ này không chiến đấu vì đất nước và họ chỉ lợi dụng thành quả của các cuộc cách mạng. Đối với bên ngoài, Tập Cận Bình muốn có một quân đội đủ khả năng chiến đấu và chiến thắng ».
Đã đến lúc, Tập Cận Bình cần người của ông ta trong quân đội. Chuyên gia Bạc Trí Dược (Bo Zhiyue), thuộc Học viện Đông Nam Á, Singapore, nhận định : « Cải tổ trên quy mô càng lớn, thì việc thay đổi bộ máy quân đội càng dễ dàng. Ông Tập Cận Bình có thể nói, nếu chúng ta chiến đấu chống một cuộc chiến thực sự trong tương lai, thì chúng ta cần những người trẻ nhất trung thành với đảng. Công việc này dễ dàng hơn là thay đổi từng người, mang tính cá nhân và dễ gây tranh luận ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét