Pages

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Chủ tịch tỉnh Bình Dương giàu cỡ nào?!

(PetroTimes) – Việc  ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, có khối tài sản khổng lồ là biệt thự và hàng chục héc ta cao su đã làm dư luận quan tâm… Không chỉ là giá trị của khối tài sản “ khủng” này, mà còn về, nguồn gốc tài sản này của vị Chủ tịch tỉnh có minh bạch hay không?

Căn biệt thự được ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhận định chỉ... vài tỉ đồng

Ngày 4/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức họp giao ban báo chí quý 3/2014. Tại buổi họp, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung hiện đang sở hữu vài chục héc ta cao su.

Từ việc có vài chục héc ta cao su, ông Cung nhanh chóng giàu lên từ thứ “vàng trắng” từng gây sốt một thời. Dư luận đặt câu hỏi, khối tài sản vài chục héc ta của ông Lê Thanh Cung có được từ khi nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên PetroTimes, hàng chục héc ta của cao su của ông Cung có được từ khi vị Chủ tịch tỉnh đang còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (trên trang cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ tháng 1/1997 đến tháng 12/2000, ông Lê Thanh Cung giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương).

Thời điểm này, công ty chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương (gọi tắt: công ty Sobexco) là doanh nghiệp nhà nước nằm trên địa bàn xã Thới Hòa, huyện Bến Cát. Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty Sobexco thua lỗ nên ngày 1/11/2001, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định số 176/2001/QĐ.CT về việc giải thể công ty Sobexco.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi giải thể, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thu hồi đất của công ty Sobexco với tổng diện tích 980,137 héc ta. Trong đó, giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24 héc ta; Bán thẳng vuờn cây cao su cho người sử dụng 306,979 héc ta; Đấu giá vườn cây cao su: 352 héc ta; Đấu giá đất chuyên dùng: 0,918 héc ta.

Lô đất của ông Lê Thanh Cung đang sở hữu nằm trong diện “giao cho dân đã nhận khoán trước: 320,24 héc ta” thuộc khu đất lâm trường Long Nguyên tại ấp 8, xã Long Nguyên (huyện Bến Cát). Ngày 9/9/2003, UBND tỉnh có công văn về việc chấp thuận giao 320,7 héc ta đất trước đây do công ty Sobexco quản lý cho UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao đất sản xuất nông nghiệp cho dân có nhu cầu theo thẩm quyền được giao.

Lô đất cao su vài chục héc ta của ông Lê Thanh Cung được tráng nhựa dài khoảng 2 km băng ngang vườn.

Căn cứ vào tinh thần công văn nói trên của UBND tỉnh, UBND huyện Bến Cát đã thực hiện giao đất theo thẩm quyền trên cơ sở sổ xanh đổi sổ đỏ. Diện tích đo đạc lại khi cấp sổ đỏ là 320,24 héc ta. Trong đó, cấp sổ đỏ cho 112 hộ dân: 283,53 héc ta; diện tích hành lang đường: 9,61 héc ta; đất khu dân cư ấp 8 Long Nguyên: 24,3 héc ta; đất bãi rác: 2,8 héc ta.

Trong 112 hộ dân được cấp sổ đỏ với diện tích 283,53 héc ta, thực chất, ông Cung đứng tên hàng chục héc ta đất. Một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã từng để lại bút tích về việc có ít nhất 3 cán bộ được cấp đất trong đợt này. Bản viết tay thể hiện: “Cán bộ: 9 Cung (PCT huyện), Út Đoàn (PCT), Út Tuyền (Ban TC)”.

Báo cáo Kết quả Thanh tra của tỉnh Bình Dương có đề cập đến diện tích đất mà ông Cung được sở hữu nhưng không nhắc đến việc thu hồi phần đất có “dính” đến ông Lê Thanh Cung. Thời điểm này, ông Cung đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé (Bình Dương cũ), Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Lê Thanh Cung được sở hữu hàng chục héc ta vườn cao su đang gây tranh cãi trong dư luận. Điều 8 Nghị định 85/NĐ.CP qui định: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước và bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, nếu có khả năng sản xuất, có nhu cầu sử dụng đất, thì UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào quỹ đất ở tại địa phương và tùy theo đối tượng cụ thể mà cho họ được thuê có thời hạn một số đất để sản xuất…”.

Ngày 26/12/2000, Tổng cục thuế cũng đã có văn bản về việc trả lời chính sách thu đối với công ty Sobexco. Cụ thể: “Công ty Sobexco là một doanh nghiệp nhà nước được nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây cao su; khi công ty không có nhu cầu sử dụng đất thì diện tích đất nông nghiệp phải được trả lại cho nhà nước để giao lại cho các đơn vị khác sử dụng theo hình thức giao hoặc cho thuê đất, công ty chỉ được phép bán giá trị tài sản trên đất (cây cao su và các cơ sở hạ tầng khác nếu có)”.

Hưng Long

Không có nhận xét nào: